02/01/2025

Tệ nạn sát hại các trẻ em da trắng Albini tại Phi châu

Ngày 25 tháng 5 vừa qua, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của HĐGM Malawi đã báo động tệ nạn trẻ em da trắng Albini tại Phi châu bị sát hại để cung cấp xương và các phần thân thể cho các tay phù thuỷ ma thuật. Lý do vì những người này và nhiều người dân Phi châu tin rằng các xương và các phần thân thể ấy của các em có các khả năng ma thuật.

 Tệ nạn sát hại các trẻ em da trắng Albini tại Phi châu

 

 
Ngày 25 tháng 5 vừa qua, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của HĐGM Malawi đã báo động tệ nạn trẻ em da trắng Albini tại Phi châu bị sát hại để cung cấp xương và các phần thân thể cho các tay phù thuỷ ma thuật. Lý do vì những người này và nhiều người dân Phi châu tin rằng các xương và các phần thân thể ấy của các em có các khả năng ma thuật. 

Linh mục Martin Chiphwanya, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình Malawi, đã cho hãng tin Fidescủa Bộ Truyền giáo biết như trên, qua bản tin gửi đi từ Malawi. Albini là những người Phi châu vì hệ di truyền thay đổi nên sinh ra có làn da trắng. Nó là một loại bệnh khiến cho 1 trên 20.000 người trên thế giới mắc phải. Bệnh này thường xảy ra trong các nước vùng nam sa mạc Sahara và cứ 1 trên 1.400 người dân Tanzania bị mắc bệnh này.

Tuy nhiên, nhiều dân tộc Phi châu vì thiếu hiểu biết nên cho rằng sự hiện diện của người Albini là một chúc dữ cho gia đình và bộ tộc. Vì thế, người Albini bị khước từ, xua đuổi hay bị giết chết để diệt trừ xua đuổi sự chúc dữ đó. Hay ngược lại, họ được coi như những người có quyền lực có thể được sử dụng trong các lễ nghi ma thuật bùa chú. Do đó, họ bị bắt cóc, sát hại, xương và các phần thân thể của họ được bán với giá rất mắc cho các tay phù thuỷ ma thuật.

Theo Cha Chiphwanya, để giải quyết tệ nạn này phải có sự phối hợp hoạt động giữa cảnh sát, các thẩm phán, giới lãnh đạo tôn giáo và hàng lãnh đạo truyền thống tức các tộc trưởng và kỳ mục trong dân, cũng như các thành viên dân sự. Cảnh sát và giới thẩm phán phải nhận được các thông tin chuyên biệt để có thể hướng dẫn các cuộc điều tra và mạnh mẽ đưa các thủ phạm ra toà. Giới lãnh đạo truyền thống, cũng như tôn giáo và xã hội dân sự phải góp phần gây ý thức cho dân chúng liên quan tới tệ nạn giết các trẻ em da trắng Albini, biết tôn trọng phẩm giá của các em, và thừa nhận các em như các bản vị con người.

Cha Chiphwanya cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng tác với các quốc gia khác đang phải đương đầu với cùng tệ nạn sát hại các trẻ em da trắng Albini tại Phi châu. Chẳng hạn tại Gabon. Theo Hiệp hội Chống các Tội phạm Sát hại Trẻ em cho các lễ nghi phù phép, hằng năm tại Gabon có từ 30 tới 60 vụ sát hại các trẻ em Albini để lấy cơ phận dùng cho các lễ nghi phù thuỷ. Chính vì thế, nhân dịp lễ Các Thánh Anh Hài Tử Đạo, Giáo hội Gabon đã cử hành Ngày Toàn quốc Cầu nguyện cho các Nạn nhân của nạn tội phạm lễ nghi.

Với thời gian qua đi, cuộc chiến chống nạn sát hại trẻ em Albini để lấy các cơ phận dùng cho các lễ nghi phủ phép đã mang chiều kích đại kết, với nhiều sáng kiến nhằm gây ý thức cho dân chúng liên quan tới vấn đề này, do các Giáo hội Kitô khác nhau đề xướng. Ngoài ra, còn có một dự án duyệt xét Bộ luật Hình sự để các tội phạm này có thể được đối phó bởi các cơ quan luật pháp.

Mới đây, cảnh sát Malawi đã cộng tác với cảnh sát Mozambic bắt giữ hai người bị tố cáo là đã giết một thiếu niên Albino để dùng các xương cho các lễ nghi ma thuật. Nước Tanzania cũng bắt đầu một chương trình nhắm nhổ tận gốc rễ các hành động tội phạm này. Chúng dựa trên các quan niệm mê tín dị đoan, và Tổng thống Malawi, ông Peter Mutharika, đã thông báo sẽ gửi một phái đoàn chính phủ sang Malawi để học hiểu cách thức đương đầu với vấn đề.

Chính quyền Malawi đã ra lệnh cho các lực lượng cảnh sát và quân đội bảo vệ và che chở các người da trắng Albini, trong nỗ lực chặn đứng thị trường tàn bạo buôn bán các phần thân thể của họ được dùng cho các lễ nghi phù phép ma thuật. Cảnh sát Malawi đã nhận được lệnh đàn áp bất cứ hình thức buôn bán nào liên quan tới các phần thân thể của người Albini. Và chính quyền đã ra lệnh bắn tất cả những ai tìm bắt và tấn công các người Albini. Lệnh này đã do ông Lexen Kachama, Tổng Thanh tra Cảnh sát, ban hành. Ông khuyến khích mọi nhân viên cảnh sát bắn mọi kẻ tội phạm bắt cóc người Albini. Ông nói: “Chúng ta không thể đứng im nhìn, khi các người bạn Albini của chúng ta bị giết như súc vật mỗi ngày. Chúng tôi nhận thấy các kẻ tội phạm này tàn bạo không thương xót và chính vì thế họ phải bị đối xử không thương xót.”

Tại Tanzania, Thủ tướng Mizengo Pinda cũng đã có lập trường tương tự. Hồi năm 2009, ông đã khích lệ người dân toàn nước giết bất cứ ai bị tìm thấy có các phần thân thể hay cơ phận của người Albini. Giữa tháng 10 và 12 năm 2015 đã có 4 người Albini bị sát hại. Hồi trung tuần tháng 2, người ta đã tìm thấy thân mình của một em bé 1 tuổi tên là Yohana Bahati, mất chân tay. Em đã bị bắt cóc trước đó và đã có hai người bị bắt liên quan tới vụ sát hại này.

Từ năm 2000 tới nay, ít nhất đã có 74 trẻ em Albini bị giết tại Tanzania trong các làng quê nơi người ta dễ tin rằng các phần thân thể của trẻ em Albini được dùng để chế các liều thuốc phù phép ma thuật.

Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ âu lo trước các tội phạm này, và ngay từ năm 2014 đã báo động rằng các cuộc bầu cử tổng thống là dịp tạo nguy hiểm lớn cho người Albini, vì sợ rằng nhiều ứng cử viên có thể chạy tới các thầy phù thuỷ để có được các thức uống chế tạo với các phần cơ thể của người Albini.

Theo một bản tường trình của Hội Hồng Thập Tự, người ta được biết một tay phù thuỷ sẵn sàng trả 75.000 Mỹ kim để có một bộ đầy đủ các phần thân thể của người Albini. Bà Vicky Ntetema, Giám đốc Điều hành Tổ chức “Dưới cùng Mặt trời” là một tổ chức phi lợi nhuận Canada bảo vệ người Albini, cho biết các người hoạt động bảo vệ phẩm giá và quyền của người Albini muốn có công lý cho những người đã bị bắt cóc, cắt chặt các cơ phận hay bị giết chết. Nhưng chúng ta phải biết rằng các kẻ tội phạm bị bắt giữ đó chỉ là các con cá bé, nghĩa là họ chỉ là các kẻ thừa hành của các con cá mập bên ngoài. Giết các con các bé địa phương không giúp bắt được những kẻ tung tiền ra để mua chuộc các băng đảng tội phạm tiếp tục gieo kinh hoàng cho những người Albini vô tội.

Hổi tháng 3 năm 2014, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao uỷ Liên Hiệp Quốc Bảo vệ Nhân quyền, đã khích lệ các chính quyền Phi châu mạnh mẽ chiến đấu chống lại tệ nạn dã man này và nghiêm trị các thủ phạm.

Theo tường thuật của một số báo chí tiếng Anh, tại Burundi, các người trẻ Albini đến từ khắp nơi trong đại lục Phi châu được tiếp nhận trong một nơi đặc biệt dưới sự che chở của quân đội. Đây là một cố gắng nhằm gây nản lòng cho những kẻ tìm giết người Albini để trục lợi.

Theo các tin tức của Liên Hiệp Quốc, trong 6 tháng qua, đã có ít nhất là 15 người Albini, đa số là trẻ em, đã bị bắt cóc, giết chết tại vùng Đông Phi châu. Các phần thân thể của họ được dùng trong các lễ nghi ma thuật phù phép. Vì người ta tin rằng các lời cầu khấn được làm với các phần thân thể của người Albini sẽ đem lại may mắn, tình yêu và giàu có.

Tổ chức Bảo vệ người Albini Tanzania đã nhiều lần tố cáo chính quyền là nhắm mắt làm ngơ, không làm gì hết để bảo vệ người Albini. Nhưng xem ra đầy cũng là trường hợp của đa số các nước Phi châu có người Albini. Ca sĩ Salif Keita, danh ca nổi tiếng được mệnh danh là “Giọng hát vàng của Phi châu”, cho biết hồi còn trẻ khi trông thấy anh trên đường, người ta nhổ nước miếng tỏ vẻ khinh bỉ anh là người Albino.

Cho tới nay, không có nghiên cứu nào về người Albini tại Phi châu nên không có con số chính xác. Nhưng người ta phỏng đoán có vài phần của lục địa này, số người Phi châu da trắng lên tới 1/1000. Sự kiện chất melanina thấp khiến cho da, tóc và mắt của họ trắng thay vì đen như mọi người khác. Mặt trời là kẻ thù số một của họ, vì thế họ bị bó buộc mặc quần áo kín che phủ toàn thân thể và bôi kem chống nắng mỗi ngày 2-3 lần, và từ khi còn bé đã phải đeo kính râm và đội mũ suốt ngày.

Vì sự thiếu hiểu biết trầm trọng và vì mê tín dị đoan, người Albini thường bị chế nhạo, kỳ thị đánh đập hành hạ và có khi bị giết chết, nên rất ít người có thể thắng vượt tình trạng này và đạt tới các địa vị cao trong xã hội Phi châu. Ông John Makumbe, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Zimbabwe và là Chủ tịch Hiệp hội Albini Zimbabwe, cho biết theo truyền thống, bệnh da trắng bị coi là một chúc dữ hay một cấm kị tại Phi châu. Nhiều người tin rằng có một người bà con Albino là một hình phạt của các thần linh đối với gia đình. Tại Tanzania, có khoảng 14.000 người Albini. Họ cũng có thể say mê một thiếu nữ, nhưng cha mẹ bà con họ hàng thường tố cáo họ là làm mất danh dự gia đình. Do đó, thiếu nữ ấy thường bị áp lực gia đình chấm dứt liên lạc với thanh niên Albino.

Ngoại trừ vài tổ chức phi chính quyền chú ý bênh vực người Albini, các chính quyền Phi châu thường tránh né vấn đề. Còn dân chúng thì tin vớ vẩn là liên hệ với người Albini có thể lây bệnh AIDS. Điều này gây ra các vụ bạo hành đặc biệt đối với nữ giới. Và đó cũng là lý do trong các làng quê, trẻ em Albini bị bỏ rơi khi mới sinh ra hay trong vài trường hợp thê thảm hơn bị sát tế trong các lễ nghi bộ tộc, hay các phần cơ thể của các em được tìm thấy trong các thức uống của các thầy phù thuỷ. Trong các dịp bầu cử hay lễ hội quan trọng của quốc gia, cha mẹ thường phải giấu con cái có màu da trắng, vì chúng bị tố cáo là đem lại rủi ro.

Tại Namibia, để thông tin tức cho dân chúng liên quan tới bệnh này nhiều nhân viên các tổ chức không lợi nhuận đi tới các làng để nói chuyện với các tộc trưởng, các nhân viên cố vấn và các vị lãnh đạo tôn giáo, cũng như đem theo kem thoa da, kính râm và mũ để phân phát cho người Albini. Có những bác sĩ khuyên cha mẹ phá thai, vì cho rằng các trẻ em Albini sẽ không bao giờ có cuộc sống bình thường thoả đáng và sẽ chết sớm. Các trường mù sẽ là nơi các em phải đến sống, tuy chỉ có 10% mắt kém, chứ không phải mù. 

Nhạc sĩ Geoffroy Zigoma, đại sứ của các người Albini Malawi, nhấn mạnh rằng các người Albini như anh cũng là người như mọi người khác. Nhưng anh vẫn nói với những người Albini giống anh là đừng chờ đợi gì nơi xã hội cả. Là người Phi châu da trắng, chúng ta phải làm việc cật lực để các sự việc thay đổi.

 
 

LinhTiến Khải