02/11/2024

Từ chối lời mời ở Nhật, về cống hiến cho quê nhà

Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại ĐH Kyoto (Nhật) và nhận được lời mời ở lại làm việc, TS.BS Phạm Hiếu Liêm (sinh 1974, công tác tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vẫn trở về quê hương để cống hiến.

 

Từ chối lời mời ở Nhật, về cống hiến cho quê nhà

 

Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại ĐH Kyoto (Nhật) và nhận được lời mời ở lại làm việc, TS.BS Phạm Hiếu Liêm (sinh 1974, công tác tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vẫn trở về quê hương để cống hiến.

 

 

 

 

Từ chối lời mời ở Nhật, về cống hiến cho quê nhà
Bác sĩ Phạm Hiếu Liêm khám cho bệnh nhân – Ảnh: CÔNG NHẬT

 

 

“Ngày tôi lên đường du học, nhiều người đã nhắn nhủ tôi với vô số tình cảm, sự tin tưởng. Tôi làm sao phụ họ được?” – anh nói về quyết định của mình.

“Người đánh mất 
tuổi thơ”

Đây là cụm từ mà nhiều bạn học, đàn em thường dùng để trêu ghẹo Hiếu Liêm những ngày anh còn ngồi trên giảng đường ĐH.

“Đúng là khi nhìn lại thì lúc ở ĐH tôi chỉ tập trung làm hai việc: học và hoạt động Đoàn. Tôi thường học bài và làm việc đến 3g sáng nhưng tôi chưa bao giờ thấy nuối tiếc vì đam mê học tập và hoạt động Đoàn đã ăn sâu vào máu thịt” – Hiếu Liêm nhớ lại.

Ngày tôi lên đường du học, nhiều người đã nhắn nhủ tôi với vô số tình cảm, sự tin tưởng. Tôi làm sao phụ họ được?
TS.BS Phạm Hiếu Liêm

Xuất thân trong một gia đình lao động đông con, Hiếu Liêm từ nhỏ đã ý thức được rằng phải gắng sức học giỏi để không phụ công bươn chải mưu sinh của cha mẹ. Luôn đứng tốp đầu lớp từ những năm học phổ thông đến thời ĐH và Hiếu Liêm cũng chưa từng rời bỏ hoạt động Đoàn.

Từ lớp 6 đến lớp 9, anh làm liên đội trưởng Trường THCS Quang Trung (Q.Tân Bình, TP.HCM). Vào ngôi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Hiếu Liêm tiếp tục được chọn vào vị trí phó bí thư Đoàn trường năm lớp 11.

“Tuy gia đình chỉ buôn bán nhỏ tại chợ Tân Bình nhưng tôi luôn được tạo điều kiện làm những gì mình muốn. Để có được ngày hôm nay phải nói tôi biết ơn mọi người, đặc biệt là cha rất nhiều. Ông luôn sát cánh, động viên chúng tôi nhưng không đặt nặng áp lực học tập cho bất kỳ đứa con nào” – Hiếu Liêm chia sẻ.

Sinh viên ngành y ai nấy đều phải cặm cụi học ngày học đêm, thế nên mọi người rất ngạc nhiên khi một anh chàng mới “chân ướt chân ráo” vào trường (khi đó là Trung tâm Bồi dưỡng và đào tạo cán bộ y tế TP.HCM) đã lăng xăng chạy, hoạt động khắp nơi và trở thành phó bí thư Đoàn trường khi bước vào năm 2 ĐH.

“Phải nói rằng chúng tôi được học hỏi ở anh rất nhiều điều. Bác sĩ Hiếu Liêm là một người chỉn chu, vừa có quyết tâm cao và là “đầu tàu” vững chãi lèo lái hoạt động Đoàn – Hội của trường “lột xác”, đi lên” – bác sĩ Trần Thị Mai Linh (bí thư Đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), một trong những người từng ví von Hiếu Liêm là “người đánh mất tuổi thơ”, nhớ lại.

Son sắt niềm tin trở về

Vừa học vừa tích cực hoạt động Đoàn, Hiếu Liêm vẫn tốt nghiệp loại giỏi, đứng hạng hai toàn khoá và vinh dự trở thành sinh viên đầu tiên của trường được đứng vào hàng ngũ Đảng. Anh cũng là người vận động thành lập hội sinh viên trường để đảm bảo quyền lợi của sinh viên ở ngôi trường lúc đó tuổi đời hẵng còn non trẻ.

Nhìn cách Hiếu Liêm gắn bó hết mình cho hoạt động Đoàn – Hội lẫn công tác chuyên môn từ lúc còn là sinh viên đến giờ, tôi chưa bao giờ nghĩ anh sẽ ở lại nước ngoài. Tôi tin Hiếu Liêm là một con người sống vì Tổ quốc, sự nghiệp y khoa và gia đình”
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng

“Hiếu Liêm ngay cả khi trở thành giảng viên bộ môn chấn thương – chỉnh hình vẫn đảm đương vị trí bí thư Đoàn trường thêm hai nhiệm kỳ. Có thể nói đây là một gương mặt khiến tôi có cảm tình vì hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ chuyên môn và Đoàn – Hội” – bác sĩ Nguyễn Thế Dũng (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), người từng dõi theo bước đi của Hiếu Liêm từ những ngày đầu vào trường, chia sẻ.

Sau hai năm rưỡi học tập tại Trường ĐH Y Hà Nội, năm 2004 anh tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành phẫu thuật tạo hình. Năm 2010, Hiếu Liêm nhận học bổng Thành uỷ TP.HCM (Đề án 500 thạc sĩ, tiến sĩ) và lên đường sang ĐH Kyoto (Nhật Bản) để làm nghiên cứu sinh chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Lịch học tập và nghiên cứu ở đất nước mặt trời mọc áp lực đến nỗi đã có lúc anh toan xách vali về nước nhưng khi mọi thứ đã vào guồng, máu mê hoạt động Đoàn – Hội tiếp tục trỗi dậy và anh tiếp tục đảm nhận vị trí bí thư chi bộ lưu học sinh VN tại Kyoto từ năm 2012.

Sau thời gian học tại Nhật Bản, anh nhận được học bổng thực tập sinh một năm của Hội Phẫu thuật tạo hình Hoa Kỳ tại các ngôi trường uy tín như ĐH Harvard, Stanford (Hoa Kỳ), ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc)… Khi hoàn thành chương trình tiến sĩ y khoa, Hiếu Liêm nhận được lời mời ở lại làm việc từ một giáo sư đầu ngành ở ĐH Kyoto.

“Tôi rất muốn được ở lại Nhật Bản để làm việc nhưng khi đi tôi đã có lời hứa sẽ trở về vì bộ môn này cần tôi. Tôi rất biết ơn những người giúp tôi có học bổng này nên không thể phụ lòng họ” – Hiếu Liêm bộc bạch với vị giáo sư người Nhật. Vị giáo sư nở nụ cười và cho biết ông tôn trọng quyết định của Hiếu Liêm. Khi đã về nước, Hiếu Liêm vẫn thường xuyên nhận được nhiều sự hỗ trợ từ người thầy này.

Hiện vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa tham gia phẫu thuật tại bệnh viện, Hiếu Liêm vẫn đảm nhận vị trí chủ tịch công đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. “Bận rộn là vậy nhưng tôi rất hạnh phúc” – anh khẳng định.

Không muốn kể nhiều về những ca phẫu thuật thành công bản thân thực hiện được, anh chỉ nói về một trường hợp chấn thương chỉnh hình khiến anh khó thể quên. “Người công nhân đó bị máy dập làm đứt ngón tay và tuột hết da tay. Sau ca phẫu thuật thành công, tôi có đưa số điện thoại của mình và nói cứ liên lạc trong trường hợp cần thiết. Sau đó người này đã điện thoại cảm ơn tôi nhưng nói sẽ không liên lạc với tôi nữa vì địa vị xã hội quá chênh lệch. Điều đó khiến tôi suy nghĩ mãi” – Hiếu Liêm kể.

Thấm thía câu nói từ bệnh nhân năm nào, mỗi khi trò chuyện với mỗi bệnh nhân, Hiếu Liêm luôn cố gắng tạo sự thân thiện, chân thành nhất với mong muốn sợi dây gắn kết giữa bác sĩ và bệnh nhân thêm chặt chẽ.

CÔNG NHẬT ([email protected])