23/12/2024

Chúa Nhật XI TN C – 2016: Trả nợ đời

Khi nghĩ đến thân phận khiếm khuyết, nghèo túng, đau khổ, và thậm chí tội lỗi của chúng ta, nhiều người cứ nghĩ rằng đó là do mình nợ ai đó, thậm chí mắc từ kiếp trước theo luật nhân quả, để kiếp này phải trả, phải đền.

Trả nợ đời

Ngày Năm Thánh  dành cho Người khuyết tật và bệnh nhân
tại Cần Thơ, 12/6/2016

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Anh chị em thân mến,

Dù một số người trong anh chị em có mặt ở đây không phải là người Công giáo, nhưng các bài Thánh Kinh vừa nghe vẫn mang lại cho chúng ta niềm vui, bình an khi nghĩ đến thân phận khiếm khuyết, nghèo túng, đau khổ, và thậm chí tội lỗi của chúng ta. Nhiều người cứ nghĩ rằng đó là do mình nợ ai đó, thậm chí mắc từ kiếp trước theo luật nhân quả, để kiếp này phải trả, phải đền. Trong bài Tin Mừng (x. Lc 7,36-50) hôm nay, Chúa Giêsu nói cho ông chủ tiệc Simon về những món nợ đời. Chúng ta muốn tìm hiểu xem cuộc sống của chúng ta có phải thật là một món nợ không, ta mắc nợ ai và phải trả như thế nào?

1. Những món nợ theo các bài Thánh Kinh

Nhiều người trong chúng ta hình như nghĩ rằng mình chả nợ ai, nên người ta vẫn sống ung dung, thanh thản và nghĩ rằng đó là cuộc sống hạnh phúc. Những tiền của, tài sản, phương tiện vật chất hay tài năng tinh thần đều do chính sức lực, bàn tay, trí óc của họ tạo ra, nên họ không mắc nợ ai cả. Có người nghĩ sâu xa hơn rằng mình mắc nợ cha mẹ sự sống, nên cố gắng giữ đạo làm con, mắc nợ thầy cô về kiến thức nên giữ tình thầy trò, hoặc mắc nợ đất nước nên giữ lòng ái quốc. Có người lại hận cha mẹ đã sinh ra mình nên mới sống khổ sở thế này, hận đất nước tham nhũng, điều hành kém cỏi, nên mới phải gánh mỗi đầu người 28.4 triệu nợ công theo báo cáo của Ngân Hàng thế giới về Việt Nam ngày 11/4/2016.

Bài đọc I (x. 2Sm 12,7-10.13) kể về món nợ của Vua Đavít. Ông nghĩ rằng mình là vua một nước nên có toàn quyền sinh sát trong tay, có quyền trên mọi phụ nữ trong nước. Những Chúa đã cho biết ông nợ Ngài những gì qua những ơn phúc Ngài ban nên ông không thể giết người, cướp vợ người khác.

Bài Tin Mừng kể chuyện ông Simon, người Pharisêu, mời Đức Giêsu dùng bữa với mình, có thể vì Chúa Giêsu đã chữa bệnh hay làm việc gì tốt đẹp cho ông. Ông cảm thấy mình mắc nợ Chúa Giêsu nên bất đắc dĩ phải bày tiệc, dù ông không giữ đúng nghi thức xã giao cần thiết đối với vị khách được mời như hôn chào, rửa chân cho người đó. Trong khi một phụ nữ tội lỗi, có thể làm  gái điếm trong thành, lại tỏ lòng tôn kính và biết ơn nồng hậu đối với Chúa Giêsu vì chị ý thức mình mắc nợ nặng nề và được tha thứ trọn vẹn. Đó cũng là cảm thức của Thánh Phaolô (x. Gl 2,16.19-21) về món nợ mình mắc với Chúa Giêsu, “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.

2. Những món nợ đời

Chúng ta đang sống, đang yêu, đang suy nghĩ. Phân tích con người dưới khía cạnh khoa học, người ta chỉ thấy cấu trúc vật chất với những chất vô cơ hay hữu cơ. Chúng không thể cho ta sự sống, tình yêu, tư tưởng. Ngay cả cha mẹ chúng ta cũng chỉ là những người đón nhận sự sống chứ không phải tạo thành sự sống nơi ta. Vì thế, ta được mời gọi tìm về cội nguồn của mình là Trời, là Chúa Trời để thấy rằng mình thật sự đang mắc những món nợ rất lớn. Ta phải tìm về nguồn của sự sống, của tình yêu, của chân thiện mỹ, ta mới sống mãi mãi, mới yêu một cách quảng đại, mới tìm ra được những sự thật kỳ diệu của muôn loài để sống hào hùng và bình an vô tận.

Tuy nhiên, chúng ta không phải chỉ mắc nợ Trời. Chúng ta còn mắc nợ vạn vật nữa: trong bữa ăn hằng ngày, bao nhiêu con tôm, con cá; bao nhiêu ngọn rau, cây giá đã hy sinh sự sống cho ta. Một cái cây ta chặt ngang đi, nó vẫn cố mọc ra những chồi non để sống. Một con giun ta vô tình đạp nát thân mình, nó vẫn cố ngoi về miền đất ẩm để sống. Vạn vật yêu quý sự sống không thua con người, thế mà chúng lại hy sinh sự sống cho ta. Tại sao? Tại vì chúng biết rằng chỉ có con người với tinh thần mới có thể sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi khi gắn bó với nguồn của sự sống là Trời, nên chúng hy sinh sự sống cho ta để hoà nhập vào ta và nhờ đó mà có thể sống mãi. Vì thế, mỗi người chúng ta, dù là Kitô hữu hay không, đều có thể cứu vớt vạn vật để mang lại sự sống vĩnh hằng cho muôn loài. Do đó mỗi bát cơm ta ăn, mỗi lít không khí ta thở, mỗi ly nước ta uống đều là những món nợ ân tình của ta với  muôn loài. Ta phải sống thế nào cho xứng đáng với những hy sinh cao quý đó.

Hơn nữa, chúng ta còn mắc nợ muôn người: nợ bát cơm, manh áo, nợ mồ hôi xương máu, nợ kiến thức, khoa học…Bát cơm ta ăn hôm nay, không thể chỉ tính bằng tiền với giá khoảng 15 ngàn đồng một ký gạo. Đề làm ra những hạt gạo này, người nông dân có thể vướng vào quả mìn còn sót lại trên ruộng đồng mà cụt mất tay chân. Để kéo về được những con tôm con cá ta ăn, người ngư phủ có khi đã bỏ mạng sống ngoài biển khơi vì bão tố. Gạo và cá ta ăn phát sinh từ miền đất nước này, đã thấm đẫm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, máu xương của người chiến sĩ trong suốt dòng lịch sử để bảo vệ quê hương. Vì thế, mỗi giây phút sống là ta mắc nợ với Trời, với người, với vạn vật: những món nợ đời ấy lớn lao vô cùng.

3. Ta trả nợ thế nào?

Có những người không ý thức được các món nợ đó nên họ sống rất dửng dưng, vô tình. Có những người biết rằng mình mắc nợ nên cố gắng sống tốt đẹp để trả nợ, nhưng cũng không thiếu những kẻ trốn nợ vì vay nợ thật nhiều để sống sung túc, thoải mái nhưng chẳng muốn cố gắng làm việc để trả nợ cho ai!

Chúa Giêsu kể chuyện có người mắc nợ 500 quan tiền, có người mắc nợ 50 và cả hai được tha, nên họ tỏ thái độ khác nhau đối với chủ nợ: người được tha nhiều thì yêu mến nhiều, người được tha ít thì yêu mến ít. Điều này như mời gọi chúng ta suy nghĩ về các món nợ đời của mình để xem phải trả như thế nào.

Khi hiểu được rằng chúng ta mắc nợ Trời, nợ người, nợ muôn loài hầu như mọi thứ vì ta bước vào cuộc đời với đôi bàn tay trắng thì từng giây sống, ta sẽ cố gắng đáp lại bằng tình yêu dồi dào, trong sáng, cao cả đối với Chúa, với con người cũng như với muôn loài. Nhất là những Kitô hữu hiểu rằng Chúa Trời còn ban cho họ chính sự sống thần linh để biến họ trở thành con cái của Thiên Chúa, khi cho Người Con của Trời là Đức Giêsu Kitô trở thành người sống với muôn loài. Họ có thể nói như Thánh Phaolô rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Giêsu sống trong tôi, trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.

Từ nay họ có khả năng làm phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỳ như Chúa Giêsu, khi phát huy những năng lực của thể xác cũng như của tinh thần, để mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc, ơn cứu độ cho muôn loài, sống quanh mình. Đó là trách nhiệm và cũng là cách trả nợ đời của mỗi người chúng ta.

Chúa ban cho chúng ta thân xác, nhiều khi chúng ta coi thường nó, tưởng là nó tật nguyền, không làm được việc gì. Thật ra, chúng ta vẫn có thể cười, nói, nhìn xem, suy nghĩ, học hành làm việc như bất cứ ai. Nụ cười chỉ tốn 1 giây thôi, nhưng vẫn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người ta gặp gỡ. Một lời xin lỗi, cám ơn, khích lệ chỉ tốn vài giây thôi, nhưng nếu chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu, hít thở Thần Khí của Người, thì hành động chúng ta có giá trị vô biên và sức mạnh khủng khiếp để cứu độ thế giới. Đó cũng là cách sống hào hùng của người tín hữu Kitô khi họ trả xong nợ đời như Nguyễn Công Trứ, nhà thơ và cũng là vị tướng làm nên những công trình vĩ đại còn ghi dấu ở huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình, và huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình, trả được nợ làm người: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo!

Lời kết

Hôm nay, chúng tôi muốn gợi ý với anh chị rằng: tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Ngài ban ơn cho ta không phải như cho vay lấy lãi hay lấy gì lợi ích cho mình. Ngài cho không tất cả và còn cho ta trở thành con cái của mình. Hôm nay chúng ta xin Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta, tha nợ cho chúng ta để chúng ta cũng tha nợ cho tất cả mọi người mắc nợ ta. Chúng ta diễn tả việc tha nợ ấy bằng những hành vi tích cực, tốt đẹp làm vì yêu Chúa, yêu người. Như thế là chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Đức Giêsu, dung mạo Lòng Chúa xót thương.