Nước bẩn lấy máu mà rửa!
Những ngày đầu mùa hè 1916 tại Huế và các tỉnh Trung kỳ, đã diễn ra một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do vua Duy Tân lãnh đạo cùng hai vị thủ lĩnh là Trần Cao Vân và Thái Phiên.
CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA VỊ VUA KỲ LẠ – KỲ 1:
Nước bẩn lấy máu mà rửa!
Những ngày đầu mùa hè 1916 tại Huế và các tỉnh Trung kỳ, đã diễn ra một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do vua Duy Tân lãnh đạo cùng hai vị thủ lĩnh là Trần Cao Vân và Thái Phiên.
Vua Duy Tân lên ngôi |
100 năm qua, đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về “trường hợp đặc biệt của lịch sử Việt Nam” này.
Thế nhưng mới đây, một nhóm nghiên cứu lịch sử do Nguyễn Trương Đàn chủ trì, đã tiếp cận được một bộ tư liệu lưu trữ ở Pháp với những thông tin mới mẻ, khác hẳn với những gì sách sử lâu nay viết về cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ 1916.
Có rất nhiều câu chuyện của cuộc khởi nghĩa này đến nay vẫn chưa được nhiều người Việt biết đến…
Ông vua 8 tuổi
Tháng 7-1885, kinh đô Huế thất thủ, quyền hành của triều Nguyễn mất hết vào tay thực dân Pháp. Tháng 9-1886, Pháp ép triều Nguyễn tách Bắc kỳ nhập vào nước Pháp như Nam kỳ trước đó. Nước An Nam của vua Nguyễn chỉ còn ở Trung kỳ (từ Thanh Hoá đến Bình Thuận).
Tháng 7-1887, vua Đồng Khánh buộc phải chấp nhận Nam triều trở thành cơ quan thừa hành mệnh lệnh của Pháp. Pháp lập ra quan khâm sứ Trung kỳ – một chức vụ như đại sứ của nước Pháp nhưng lại điều hành các hoạt động của triều đình An Nam.
Từ năm 1897, dưới thời vua Thành Thái, các văn bản của vua đều phải được quan khâm sứ Trung kỳ hoặc quan toàn quyền Đông Dương của Pháp chuẩn y mới được ban hành. Đến năm 1898, người Pháp kiểm soát luôn cả tài chính và trả lương tháng cho vua quan triều Nguyễn như viên chức làm thuê cho họ.
Những thông tin này được tham khảo từ sách Việt Nam thời Pháp đô hộ của nhà sử học Nguyễn Thế Anh (giáo sư Đại học Sorbonne, Pháp). Phẫn uất với sự toàn quyền này, vua Thành Thái tỏ thái độ phản đối và tìm cách chống lại Pháp. Vì vậy, người Pháp cho rằng vua bị bệnh điên rồi quản thúc vua ở ngay trong Tử cấm thành – nơi vua sống và làm việc, đồng thời tìm người thay thế vua.
Triều đình đề nghị nên chọn hoàng tử trưởng của vua Thành Thái để kế vị nhưng người Pháp không thích chọn một vị vua đã trưởng thành, sẽ khó sai bảo, mà chỉ muốn tìm một người theo “tiêu chuẩn riêng” của họ: ngốc nghếch, đần độn. Lần lượt các hoàng tử khác được đưa ra đều bị quan toàn quyền Đông Dương và khâm sứ Trung kỳ bác bỏ vì “các trẻ thừa kế đều mang tật xấu của cha (tức vua Thành Thái)”.
Các quan tây rà soát lại danh sách thì thấy còn thiếu hoàng tử Vĩnh San, liền cho người đi tìm. Vĩnh San lúc đó mới 7 tuổi, đang nghịch đất cát lấm lem mặt mày, được các thị vệ đưa ngay vào cho các quan tây coi mặt.
Thoạt nhìn đứa bé con nhút nhát và sợ người tây, các quan Pháp ưng ý ngay. Vĩnh San lên ngôi vua ngay ngày hôm đó 5-9-1907 khi chỉ mới 7 tuổi. Triều đình phải tăng thêm một tuổi nên các sách sử sau đó đều ghi là 8 tuổi. Những thông tin này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – tác giả sách Những bí ẩn về cựu hoàng Duy Tân cung cấp.
Sự thay đổi sững sờ
PGS.TS Hoàng Văn Hiển (Trường đại học Khoa học Huế), tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về vua Duy Tân, cho biết ngay trong buổi chiều diễn ra lễ đăng quang, Vĩnh San đã trở thành một con người khác hẳn. Ông vua trẻ con không còn một sự nhút nhát nào mà thay vào đó là một thái độ chững chạc như người lớn.
“Một ngày trên ngai vàng đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một cậu bé lên 8!” – một nhà báo Pháp đã thốt lên như thế. Những ngày sau đó, vị vua 8 tuổi này đã nói chuyện với quan toàn quyền và khâm sứ bằng tiếng Pháp lưu loát, đôi khi còn đưa ra những câu nói với giọng điệu trịch thượng, đúng khẩu khí của một vị quân vương.
Theo nhà báo Pháp Roland Dorgelès, sự thay đổi kỳ lạ của vị hoàng đế 8 tuổi này như thể “một linh hồn khác đã nhập vào thể xác nhỏ bé ấy”.
Điều đáng nói là ông vua 8 tuổi này lại chọn niên hiệu cho mình là Duy Tân, có nghĩa là canh tân, đổi mới. Trong lúc này ở Trung kỳ và Bắc kỳ đang có phong trào Duy Tân do các sĩ phu và trí thức yêu nước phát động rầm rộ nhằm khai trí cho dân Việt. Điều đó càng khiến người Pháp rất lấy làm tiếc vì đã “chọn nhầm người”.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Hiển, người Pháp đã “sửa sai” bằng cách thành lập Phủ phụ chính của triều đình với sáu ông quan đại thần nhưng lại do quan khâm sứ Trung kỳ (người Pháp) chủ tọa.
Họ đưa ông thầy người Pháp (gốc Đức) là tiến sĩ Ébérhard đến dạy học cho vua, để uốn nắn vua theo Pháp và kiểm soát mọi suy nghĩ, hành động của vua. Đồng thời cho xây dựng một nhà an dưỡng (gọi là hành cung Thừa lương) tại bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị), rồi đưa vua ra đó để học hành và vui chơi nhằm cách ly vua với triều đình.
“Tính xấu” của vua: chống Pháp!
Tình hình ngày càng căng thẳng khi ông vua trẻ mỗi ngày mỗi “cứng đầu” trong khi người Pháp lại lộng quyền hơn. Sau vụ đào bới tìm kho báu ở lăng Tự Đức vào cuối năm 1912, vua Duy Tân lúc đó mới 12 tuổi đã phản ứng mạnh mẽ khiến toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut phải yêu cầu dừng lại. Thế nhưng sau đó, người Pháp vẫn tiếp tục làm tiếp hai cuộc đào bới khác trong năm 1915.
Ngày 16-8-1915, khâm sứ Trung kỳ Charles cho khai quật để tìm kho báu ngay trong hoàng cung khi vua Duy Tân đang ở Cửa Tùng. Vua rất tức giận và quở mắng các vị quan thượng thư đã không dám can ngăn việc này. Nhưng đến ngày 7-10-1915, khâm sứ Charles vẫn tiếp tục cho đào tìm kho báu ở lăng vua Tự Đức, ngay khi vua Duy Tân đang ở hoàng cung. Nhà vua phản ứng gay gắt với khâm sứ Charles rằng đó là một việc làm điên rồ.
“Ông ta nói rằng mình sinh ra là để chỉ huy chứ không để phục tùng” – khâm sứ Trung kỳ Charles báo cáo với toàn quyền Đông Dương. Những thông tin này, theo Nguyễn Trương Đàn, được ghi trong một tài liệu đánh số 209 (14) thuộc bộ hồ sơ số 9588 trong thư mục Toàn quyền Đông Dương nói trên.
Cũng theo Nguyễn Trương Đàn, vào tháng 11-1915, nhà vua đã triệu tập các quan đại thần yêu cầu xem xét lại hiệp ước mà triều đình đã ký với Pháp năm Giáp Thân 1884 (còn gọi là hiệp ước Patenôtre), và buộc các quan phải ký vào văn bản đòi sửa đổi hiệp ước gửi cho Toà khâm sứ Trung kỳ. Các vị thượng thư hoảng sợ và không thực hiện yêu cầu này. Từ đó, vua lạnh nhạt với cả triều thần.
Vào mùa hè, vua Duy Tân ra biển Cửa Tùng nghỉ mát. Một hôm, ông vua thiếu niên từ bãi tắm chạy lên với hai bàn tay lấm lem đất cát. Quan thị vệ mang thau nước đến cho vua rửa tay. Vua hỏi: tay bẩn thì lấy nước để rửa, rứa nước bẩn lấy chi mà rửa? Ông quan thị vệ hoảng hốt, không biết trả lời thế nào. Vua liền nhấn giọng: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!”.
Tư liệu mới Thông qua giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh và PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc đang dạy học ở Pháp, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn (hiện sống tại Đà Nẵng) đã nhận được bản sao lục các tài liệu liên quan đến vua Duy Tân và “cuộc biến loạn ở Trung kỳ 1916” đang cất giữ ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp). Ông Đàn cho biết đó là ba hộp hồ sơ với hơn 260 tài liệu, thuộc thư mục Toàn quyền Đông Dương, chép đầy đủ diễn biến của vua Duy Tân, triều đình An Nam và hoạt động của người Pháp tại Trung kỳ thời kỳ này. Các ghi chép của người Pháp trong tài liệu cho thấy vị vua thiếu niên này mạnh mẽ khác hẳn với người bình thường cùng lứa tuổi. “Ông ta muốn giữ vai trò người chủ, người lãnh đạo điều hành” – tiến sĩ Ébérhard, ông thầy dạy học kiêm theo dõi vua, đã báo cáo với các quan trên như thế. Quan khâm sứ Trung kỳ thì báo cáo với toàn quyền Đông Dương rằng: “Chúng tôi cũng đã phát hiện ở ông vua trẻ này những tính xấu đáng tiếc của vua cha (tức vua Thành Thái)”. “Tính xấu” đó của vị vua trẻ này chính là: chống Pháp! |
__________
Kỳ tới: Cuộc gặp gỡ lịch sử