02/11/2024

Người Khuyết tật sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

Năm nay, Giáo hội Công giáo mở Năm Thánh đặc biệt về Lòng Chúa Thương Xót. Nhiều anh chị em khuyết tật có mặt ở đây không phải là tín hữu Công giáo, nên chưa biết Năm Thánh là gì, tại sao lại chọn chủ đề Lòng Chúa Thương Xót và Năm Thánh này có ý nghĩa như thế nào đối với người khuyết tật (NKT) chúng ta.

 Người Khuyết tật sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Phó chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC TPHCM
Nguyên Giám đốc Caritas Việt Nam

Lời mở

Năm nay, Giáo hội Công giáo mở Năm Thánh đặc biệt về Lòng Chúa Thương Xót và dành ngày 12/6/2016 cho người khuyết tật và bệnh nhân. Giáo phận Cần Thơ có lẽ là giáo phận duy nhất ở Việt Nam cử hành theo đúng đề nghị của Toà Thánh. Nhiều anh chị em khuyết tật có mặt ở đây không phải là tín hữu Công giáo, nên chưa biết Năm Thánh là gì, tại sao lại chọn chủ đề Lòng Chúa Thương Xót và Năm Thánh này có ý nghĩa như thế nào đối với người khuyết tật (NKT) chúng ta, nhất là đối với NKT ở Giáo phận Cần Thơ.

Đây là buổi nói chuyện nên anh chị em cứ thoải mái đặt câu hỏi và nêu ý kiến của mình. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng trình bày những câu chuyện và những thí dụ cụ thể trong đời sống.

1. Giải thích từ ngữ

1.1. Trở về cội nguồn

Nhiều anh chị em khuyết tật đến đây không theo đạo Công giáo, nhưng nhiều người có thể theo đạo Phật, đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, thờ cúng ông bà tổ tiên, hoặc không theo một tôn giáo nào. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng nói trong lòng mình: đó là lúc nào ta cũng muốn yêu thương và được yêu thương. Lắng nghe tiếng lương tâm ngay chính của mình: dù biết rằng mỗi ngày mình một già đi, yếu đi và chết vào lúc nào đó, nhưng ta vẫn cứ muốn mình khoẻ mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi. Đó là những tiếng vọng của Trời. Vì thế, tổ tiên chúng ta từ mấy ngàn năm qua vẫn tin vào Trời, vẫn nói rằng: “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”…

Trời như nguồn cội mà chúng ta tìm về để múc lấy sự sống, tình yêu, sức mạnh để tìm được niềm hy vọng cho cuộc đời nhiều khó khăn gian khổ của mình. Chúng ta giống như những dòng sông dài ngắn, to nhỏ của miền Tây Nam Bộ này đều muốn chảy ra biển, dù rằng khi ra đến biển dòng sông không còn là mình, không còn mang tên Tiền Giang hay Hậu Giang nữa. Dù biết mình biến mất như thế, nhưng không một con sông nào muốn chảy ngược dòng. Sông tìm về nguồn cội của mình là biển cả bao la, rồi hơi nước từ biển bốc lên, tụ lại thành mây, thành mưa sẽ trả lại cho dòng sông nguồn nước tinh khiết từ trời. Chúng ta tìm về nguồn cội của mình là Trời cũng vì lẽ đó.

1.2. Năm Thánh Lòng Thương Xót

Giáo hội Công giáo tổ chức Năm Thánh 25 năm một lần vào các năm thường lệ 1900-1925, 1950-1975, 2000, hay tổ chức Năm Thánh nhân dịp biến cố trọng đại hay một kỷ niệm lớn lao nào đó. Năm Thánh này là đặc biệt vì bắt đầu từ 8/12/2015 đến 24/11/2016 để kỷ niệm kết thúc 50 năm Công đồng Vaticanô II vào năm 1965. Công đồng này rất quan trọng với người tín hữu Công giáo vì giới thiệu những đường hướng hành động tích cực dấn thân của tín hữu cho cộng đồng xã hội trong trần thế.

Năm Thánh có chủ đề: Lòng Chúa Thương Xót vì muốn mời gọi tín hữu Công giáo suy niệm về lòng thương xót bao la của Thiên Chúa để có thể cảm nghiệm và thể hiện lòng thương xót cho mọi người, mọi vật quanh mình.

2. Người khuyết tật sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

2.1. Ngại ngùng với lòng thương xót của con người

Nói đến lòng thương xót, nhiều người chúng ta cảm thấy ngại ngùng, e dè, khó chịu vì chúng ta không muốn người khác cảm thấy xót xa, thương hại trước những khuyết tật, đau khổ chúng ta đang phải chịu… Chúng ta cảm thấy như bị xúc phạm khi người khác không tôn trọng chúng ta như một con người bình thường với giá trị cao quý, mà chỉ nhìn chúng ta như một con người không bình thường vì chúng ta thiếu vắng một khả năng nào đó hay một bộ phận nào đó trong con người. 98-99% cộng đồng xã hội có thái độ này.

Hơn nữa, chúng ta cảm thấy bị đối xử bất công khi có đến 18-32% dân chúng đã cho NKT là người ỷ lại, 40-59,4% dân chúng cho NKT không thể có cuộc sống bình thường, 17% nghĩ rằng gặp NKT là xui xẻo. Bất công hơn nữa, có nhiều người (56-65%) cho rằng NKT bị như vậy là do số phận kém may mắn của mình. Có người còn cho rằng (14-21%) NKT đáng phải chịu số kiếp như thề vì phải trả giá cho việc làm xấu xa của kiếp trước (x. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), tiến hành khảo sát với sự trợ giúp của quỹ Ford, năm 2007).

Lòng thương xót của con người như làm cho NKT bị hạ thấp giá trị, nhất là khi giá trị ấy chỉ tính theo sự lành lặn hay xinh đẹp bên ngoài của thể xác con người, hoặc chỉ đo bằng những đồng tiền hay vàng bạc trang sức trên thân xác đó. Rất nhiều NKT chúng ta có những giá trị cao quý về tinh thần, về đạo đức mà nhiều người lành lặn chưa có hoặc thua kém chúng ta.

Thật ra, xét về phương diện con người “nhân vô thập toàn”, không có người nào là hoàn toàn cả. Mỗi người đều có khiếm khuyết, hoặc về thể chất hoặc về tinh thần để chúng ta cùng thông cảm và thương yêu lẫn nhau.

2.2. Thiếu vắng lòng thương xót trong cộng đồng xã hội

Hơn nữa, xã hội ngày nay không muốn nói đến và càng không muốn thể hiện lòng thương xót. Người ta chỉ nói đến công bình hơn là bác ái: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”; nghĩa là “Có làm thì mới có ăn”. Nhiều NKT sống rất đói khổ vì không có khả năng làm việc như người khoẻ mạnh bình thường. Rồi nếu NKT có cố gắng làm việc thì tiền lương, tiền công trả theo năng suất cũng thua kém người khác, nếu tính theo lẽ công bình.

Cộng đồng xã hội đang dửng dưng không biết đến lòng thương xót đối với những người khốn khổ, tật nguyền. Người ta có thể ăn uống vui chơi trong các nhà hàng với những chai rượu nước ngoài vài triệu đồng 1 chai, trong khi ngay ở ngoài cửa nhà hàng vẫn có người bán vé số nhặt lon bia, giấy bẩn không kiếm được vài chục ngàn đồng 1 ngày.

NKT chúng ta quả thật không cần con người thương xót hay thương hại, vì chúng ta có trách nhiệm với sự sống của mình và vẫn có thể phát huy những khả năng của thể xác hay tinh thần của mình nhờ sự học hỏi, tập luyện mỗi ngày để sống cao thượng và tốt đẹp. Những gương sống của Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực Sống (x. Những người khuyết tật nổi tiếng ở Việt Nam) ở Nghệ An; bé Nguyễn Linh Chi “Nick Vujicic Việt Nam” không có chân tay vẫn cố gắng tập đi, tập viết; Trần Trà My, Nhà văn của Nghị lực; Nguyễn Sơn Lâm ở Quảng Ninh đã chinh phục đỉnh Phanxipăng.

3. Người Khuyết tật sống năm thánh về Lòng Chúa Thương Xót

3.1. Muôn loài cần đến lòng Chúa xót thương

Như chúng ta vừa nhắc lúc đầu: Trời hay Chúa Trời là cội nguồn của sự sống, tình yêu, tư tưởng, hạnh phúc chân thiện mỹ và tất cả những gì con người mơ ước. Những thầy cô dạy chính trị đã cố gắng nhồi nhét vào đầu học sinh rằng vạn vật tiến hoá một cách ngẫu nhiên theo giả thuyết của Darwin, không cần đến Chúa Trời. Người ta trình bày thuyết tiến hoá rằng : cách đây 12 tỷ năm, mặt trời là một ngôi sao, các hành tinh lần lượt tách ra từ nó, trong đó có trái đất, cách đây 8 tỷ năm. Rồi trái đất nguội dần nhờ nước bao quanh. Các chất vô cơ lần lượt xuất hiện, rồi đến chất hữu cơ. Cách đây 1 tỷ năm, tế bào sống đầu tiên xuất hiện, rồi các tế bào sinh sản, phân hoá thành các đa bào như tảo, rong ở dưới biển, thành các sinh vật hạ đẳng như cá. Các sinh vật tiến hoá càng ngày càng phức tạp, rồi đến con khỉ, con người.

Chúng ta chỉ cần một thí dụ cụ thể: lấy một chai không, bỏ vào đó các thành phần của cây viết bi, rồi thử lắc xem đến khi nào chúng ngẫu nhiên hợp thành cây viết. Ta lắc cả đời người cũng không thành.

Cây viết bi chỉ có 4,5 thành phần còn khó như vậy. Huống chi là tháo rời chiếc đồng hồ này với mấy chục bộ phận. Càng khó hơn nữa với con người với hàng tỷ đốt AND ở gen, mà chỉ cần thay đổi một vài đốt sẽ thành khỉ hay con vật quái dị nào đó. Thật ra không có gì là do ngẫu nhiên cả, dù là một hạt bụi có vẻ vô tình bám trên mặt bàn này.

Mỗi người chúng ta đang sống, đang yêu, đang nghĩ. Ta tự hỏi sự sống, tình yêu, tư tưởng bắt nguồn từ đâu? Chúng không phải từ những chất vô cơ hay hữu cơ làm thành thân xác chúng ta. Không có máy móc nào đo được sự sống, tình yêu, tư tưởng của ta cả. Cho đến nay, dù khoa học rất tiến bộ, các nhà bác học vẫn chưa tổng hợp được các chất vô cơ có sẵn để làm nên một con ruồi có sự sống, dù con ruồi có mặt trên trái đất này từ 200 triệu năm trước.

Những kẻ nói ngẫu nhiên chỉ vì họ không thấy người làm ra cây viết, chiếc đồng hồ, dù họ biết chắc rằng phải có người làm ra chúng. Những người chối bỏ Trời vì cố ý theo một chủ thuyết lừa gạt con người để đưa con người vào ngõ cụt của cuộc tiến hoá, biến cuộc sống con người thành vô nghĩa. Hơn nữa, chính sự vô thần, vô thánh, chối bỏ lòng tin vào Trời, vào Chúa khiến cho xã hội trở thành độc ác, vô luân như hiện nay. Vì khi con người không sợ bị pháp luật trừng trị, không sợ “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”, không sợ quả báo, luân hồi, địa ngục thì người ta sẵn sàng bán thịt thối, rau độc, cá tôm độc cho người khác, sẵn sàng chém mẹ ruột, đốt chồng, giết con chỉ vì những lợi lộc thấp hèn.

3.2. Lòng Chúa Thương Xót nâng cao và thần hoá con người

Giáo hội Công giáo mở Năm thánh về Lòng Chúa Thương Xót để nhắc nhở tín hữu về tình yêu cứu độ của Chúa Trời đối với con người.

Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài khi ban tinh thần cho con người để con người có thể sống mãi, trẻ đẹp khôn ngoan mãi mãi như Ngài, nhất là ban cho con người được tự do để yêu thương. Nhưng vì được tự do nên con người đã từ chối Chúa, cắt đứt quan hệ với Chúa là nguồn sống vĩnh hằng, tình yêu vô tận, chân thiện mỹ tuyệt đối. Vì thế, con người chỉ còn sống một thời gian rồi già đi, xấu đi, rồi chết.

Đức Phật Thích Ca đã cảm nhận được thân phận bi đát của con người nên đã giới thiệu “tứ diệu đế” là 4 chân lý cao cả: khổ, tập, diệt, đạo. Đời là bể khổ: sinh, lão, bệnh, tử… đều là khổ. Nguyên nhân của khổ là lòng ham muốn, dục vọng. Muốn diệt khổ phải diệt được lòng dục. Muốn diệt được lòng dục, phải theo bát chánh đạo. Mỗi người chúng ta phải tu luyện để thanh tẩy chính mình khỏi lòng dục, rồi trải qua vài ngàn tỷ kiếp mới thoát khỏi vòng luân hồi để vào được Niết Bàn.

Giáo hội Công giáo dạy rằng: Chúa Trời thương xót con người đau khổ, muốn cứu con người và vũ trụ nên đã sai Con Một của mình xuống làm người, là Đức Giêsu Nazareth, để thay mặt cho con người xin lỗi Chúa Trời, nhờ đó mà hoà giải được con người với Chúa Trời. Con Chúa Trời xuống trần thế để đưa bản chất vĩnh hằng, vô biên, vô tận, tuyệt đối của Thiên Chúa vào trong con người, để làm cho họ trở thành giống như Chúa Trời.

Như thế, lòng thương xót của Chúa Trời không hạ thấp phẩm giá của con người. Trái lại, lòng thương xót ấy nâng cao con người lên đến tột đỉnh là trở thành Thiên Chúa giống như Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã biểu lộ lòng thương xót qua việc chữa lành những bệnh nhân và người khuyết tật đủ loại, tha thứ tội lỗi cho con người, xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, làm cho những người chết sống lại. Khi kết hợp mật thiết với Đức Giêsu và thở được Thần Khí của Người, thì các môn đệ Chúa Giêsu cũng đã làm được những phép lạ như Người.

Điều này mở ra cho NKT chúng ta một chân trời mới để có thể biến đổi con người khuyết tật của chúng ta trở thành lành mạnh và làm cuộc sống của chúng ta tràn đầy niềm vui, bình an và hạnh phúc.

Đức Giêsu dạy chúng ta rằng: thân xác khuyết tật này có thể được chữa lành và biến đổi, nhất là sau cái chết của mỗi người như Người đã chết và sống lại để không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian. Vì thế, chúng ta đừng mang những mặc cảm về thân xác khuyết tật của mình.

Con người không thể tự mình trở thành Chúa Trời bằng sự tự tu luyện của cá nhân mình, mà phải cần đến sự trung gian của Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người. Chính Người là Thiên Chúa xuống với con người để đưa con người lên với Thiên Chúa.

Do đó, đạo Công giáo giống như con đường có hai chiều: đi xuống và đi lên; trong khi các tôn giáo khác chỉ có 1 chiều đi lên diễn tả sự cố gắng tự thân của con người muốn vươn tới Thiên Chúa.

Như thế, con đường cứu độ của Công giáo chỉ cần 1 kiếp người cũng đủ để biến thành Thiên Chúa, chứ không cần đến nhiều tỷ kiếp. Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta cần sống trọn vẹn kiếp sống duy nhất này bằng tất cả trách nhiệm của mình để mỗi giây phút sống ta đều đem lại những công trạng tốt đẹp cho đời sống vĩnh hằng.

3.3. Sống tích cực trong tình yêu thương xót của Thiên Chúa

Khi kết hợp mật thiết với Đức Giêsu, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Cha – Ngôi Con – và Thánh Thần. Đây là tột đỉnh của lòng Chúa thương xót, nguồn của đời sống kỳ diệu, phi thường của người tín hữu Công giáo.

Chúng tôi xin chia sẻ với các bạn một vài cảm nghiệm về sự hiện diện này:

Chúng tôi đã giúp cho nhiều bệnh nhân được khỏi bệnh và phổ biến phương pháp xoa bóp để chữa bệnh. Một số anh chị em khuyết tật có thể học tập và giúp cho những người thân, bạn bè của mình.

Chúng tôi tin Đức Giêsu vẫn tiếp tục thực hiện những điều mà chúng tôi gọi là “phép lạ của tình yêu”. Ngày 15/5/2016 vừa qua, chúng tôi tổ chức khám sức khoẻ tổng quát, khám chữa bệnh, khám chữa răng, phát thuốc miễn phí cho 750 người khuyết tật và trẻ mồ côi tại trường Sao Việt (Vstar School) ở Khu dân cư Him Lam, quận 7, TP.HCM. Hơn 80 bác sĩ, nha sĩ với 170 nhân viên và 150 học sinh của trường Sao Việt, gần 100 tình nguyện viên cùng làm việc, ăn uống, vui chơi, giúp nhau để có sức khoẻ tốt đẹp mà không phải trả một đồng nào. Khi mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn, điều kỳ diệu luôn xảy ra.

Chúng tôi đang có một số chương trình khám bệnh tương tự ở nhiều nơi. Thiên Chúa luôn mở lòng cho tất cả chúng ta để cảm nghiệm và thể hiện lòng thương xót của Ngài cho nhau.

Chúng tôi cũng mời gọi các bạn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu chữa trị bộ não cho người mắc hội chứng tự kỷ, các hoạt động văn nghệ vui chơi, giải trí lành mạnh cho NKT, các hoạt động sáng tác văn chương…

Lời kết

Cầu chúc cho từng người các bạn cảm nghiệm và thể hiện được Lòng Chúa Xót Thương cho mọi người, mọi vật quanh mình.