Hiện trạng người khuyết tật và linh đạo Caritas
Nhân ngày họp mặt hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho người khuyết tật được tổ chức hôm nay, 12/6/2016, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Cần Thơ, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn bài nói chuyện này. Hiện trạng người khuyết tật (NKT) tại Việt Nam cũng như tại giáo phận Cần Thơ đáng cho chúng ta cùng quan tâm và lên chương trình hành động để giúp đỡ những anh chị em yếu kém hơn chúng ta, cũng như để cùng nhau sống an vui và phát triển bền vững.
Hiện trạng người khuyết tật và linh đạo Caritas
Lời mở
Nhân ngày họp mặt hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho người khuyết tật được tổ chức hôm nay, 12/6/2016, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Cần Thơ, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn bài nói chuyện này.
Hiện trạng người khuyết tật (NKT) tại Việt Nam cũng như tại giáo phận Cần Thơ đáng cho chúng ta cùng quan tâm và lên chương trình hành động để giúp đỡ những anh chị em yếu kém hơn chúng ta, cũng như để cùng nhau sống an vui và phát triển bền vững.
1. Hiện trạng người khuyết tật
1.1. Người khuyết tật là ai?
Đối với đa số người Việt Nam, khuyết tật và tàn tật là hai từ chỉ cùng một khái niệm. Từ tàn tật gợi ra hình ảnh tiêu cực, không còn khả năng gì, không còn tương lai và ảnh hưởng xấu đến nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của con người. Từ khuyết tật có nghĩa là suy giảm chức năng, vẫn còn khả năng phục hồi, vẫn còn hy vọng.
Ngày 17/6/2010, Quốc hội Việt Nam chính thức sử dụng cụm từ “người khuyết tật” trong bộ Luật Người Khuyết Tật, cũng như trong các bộ luật khác có liên quan đến người khuyết tật.
– Điều 2, Bộ Luật định nghĩa rằng: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
– Điều 3 của Bộ Luật NKT phân loại thành 6 dạng tật như sau:
a) Khuyết tật vận động;
b) Khuyết tật nghe, nói (khiếm thính);
c) Khuyết tật nhìn (khiếm thị);
d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần;
đ) Khuyết tật trí tuệ (bại não, động kinh, tự kỷ);
e) Khuyết tật khác (hỗn hợp: nạn nhân chất độc màu da Cam, thuốc men, thực phẩm độc hại, nguyên nhân tâm linh).
Điều 3 cũng chia mức độ khuyết tật
a) Khuyết tật đặc biệt nặng: không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
b) Khuyết tật nặng: không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
c) Khuyết tật nhẹ: không thuộc trường hợp a và b.
1.2. Có bao nhiêu người khuyết tật?
– Việt Nam là một trong những quốc gia có số NKT khá cao trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, với khoảng 7 triệu người, chiếm 7,8% dân số (x. Tổng cục Thống kê năm 2009, số liệu ngày 3/12/2014). Đây là số NKT và tỉ lệ căn cứ theo các tiêu chí cũ cho 3 dạng tật vận động: khiếm thính, khiếm thị, và một phần của khuyết tật trí tuệ. Nếu tính cả 6 dạng tật, Việt Nam có khoảng 15 triệu NKT.
– Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 10-15% dân số thế giới, tức là khoảng 700 triệu đến 1 tỉ người là NKT. 80% trong số họ sống ở trong các nước đang phát triển.
– Theo cách phân loại của WHO, tỷ lệ chung của Việt Nam là 15,3%. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Đông Nam Bộ, thấp nhất là Tây Bắc, thành thị cao hơn nông thôn (17,8% so với 14,4%), nữ cao hơn nam (16,56% so với 13,69%).
– Số người khuyết tật theo từng dạng (www.nhandan.com.vn, 12/1/2011)
+ Khuyết tật vận động: chiếm 35,46% (2.500.000 người)
+ Khuyết tật thị giác: 15,70%, (1.100.000 người)
+ Khuyết tật thính giác: 14% (1.000.000 người)
+ Khuyết tật thần kinh: 13,93% (980.000 người)
+ Khuyết tật đa tật: 20,22% (1.600.000 người)
+ Khuyết tật trí tuệ: 3% (210.000 người)
– Khuynh hướng gia tăng
+ NKT vận động tăng do tai nạn giao thông và lao động mỗi năm lên khoảng 30.000-40.000.
+ NKT thị giác mỗi năm tăng 85.000 mù cả hai mắt và mù một mắt do đục thuỷ tinh thể. Số trẻ em cận, loạn, viễn thị tăng tới 40-50% do xem tivi, đọc sách màn hình vi tính (x.vnexpress.net,11/4/2012).
+ NKT trí tuệ: số trẻ tự kỷ gia tăng rất nhanh. Hiện nay có khoảng 160.000 trẻ tự kỷ và mỗi năm có thêm 15.000 trẻ mới. Số các em hội chứng Down cũng tăng do cha mẹ nghiện rượu bia, thuốc lá, ma tuý. Việt Nam hiện có 33 triệu người hút thuốc lá, 24 triệu người uống bia, trong đó có vài triệu người nghiện và 300.000 người nghiện ma tuý.
+ NKT tinh thần (tâm thần, tâm linh): trước đây không được tính, nhưng theo phân loại mới, họ thật sự là NKT và số NKT này rất lớn. Theo Viện Thần kinh Trung ương Hà Nội: số người rối loạn tâm thần dẫn đến nguy cơ khuyết tật chiếm 10,6% dân số, nghĩa là khoảng hơn 9 triệu người.
Nguyên nhân: căng thẳng trong đời sống kinh tế, xã hội, rối loạn do chiến tranh, bị tra tấn tù đày, quá khứ đau thương, do phá thai và day dứt về tội ác giết con mình (2 triệu ca phá thai/năm) 30% trong số này bị trầm cảm, 6,62% trong số phụ nữ sinh con rơi vào tình trạng trầm cảm sau khi sinh, do nghiện phim ảnh đồi truỵ (5 triệu người truy cập phim sex hằng đêm), nghiện trò chơi trực tuyến (10 triệu người).
– Thật ra, mỗi người chúng ta đều có khiếm khuyết hoặc về thể chất, hoặc về tinh thần, nhưng mỗi người đều có những giá trị sâu thẳm và đều đáng được tôn trọng.
– Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội (2005), trình độ học vấn của NKT ở Việt Nam rất thấp: 41% chỉ biết đọc, biết viết; 19,5% học hết cấp I; 2,75% có trình độ trung học hay chứng chỉ học nghề; 0,1% có bằng đại học hoặc cao đẳng. Chỉ có 4% có việc làm ổn định.
– Phần lớn NKT sống cùng với gia đình, chiếm tỉ lệ 95,85%; 3,31% sống độc thân; 0,62% sống lang thang. Chỉ có 0,22% sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước (x. www.nhandan.com.vn). Đa số sống thiếu thốn, nghèo khổ; 40% sống cực kỳ nghèo khổ.
– Số NKT ở Giáo phận Cần Thơ: Giáo phận Cần Thơ gồm 4 tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với số dân khoảng 5,2 triệu người. Nếu tính theo tỉ lệ 7,8 thì Giáo phận có khoảng hơn 400.000 NKT. Nếu tính thêm cả NKT tâm thần (chiếm 10,6%) khoảng 500.000 người, thì tổng số NKT có khoảng 900.000. Đây là những người đáng cho Giáo hội địa phương quan tâm.
1.3. Thái độ của cộng đồng đối với người khuyết tật
Năm 2007 được sự tài trợ của Quỹ Ford, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã tiến hành khảo sát 4 tỉnh thành ở Việt Nam và đưa ra một vài con số thống kê sau đây về quan điểm của cộng đồng về người khuyết tật – qua đó cho thấy sự phân biệt đối xử là lớn như thế nào, các con số biến thiên do sự khác biệt giữa các tỉnh:
Thái độ của cộng đồng với người khuyết tật |
Tỉ lệ quan điểm đồng ý |
Đáng thương |
98% đến 99% |
Người khuyết tật là người ỷ lại |
18% đến 32% |
Người khuyết tật không thể có cuộc sống bình thường |
40% đến 59,4% |
Người khuyết tật bị như vậy là do số phận |
56% đến 65% |
Người khuyết tật đáng phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước |
14% đến 21% |
Gặp phải người khuyết tật là gặp vận đen |
17% |
Phân biệt đối xử bởi chính gia đình mình (dựa trên việc đặt câu hỏi với những người quen biết người khuyết tật – lý do là người trong gia đình sẽ không nói thật về hành vi phân biệt đối xử của chính họ):
- Coi thường người khuyết tật (16%);
- Coi là gánh nặng suốt cuộc đời (40%);
- Coi là vô dụng (20,7%);
- Thường xuyên lăng mạ (14,2%);
- Bỏ mặc không chăm sóc (8,5%);
- Bỏ rơi (7,1%);
- Không cho ăn (4,3%);
- Khóa/xích trong nhà (10,2%);
- Bắt đi ăn xin (1,5%).
1.4. Quyền của người khuyết tật
Công ước quốc tế về quyền của NKT (CRPD) là hiệp ước quốc tế xác định các quyền của NKT và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia. Công ước được Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 13/12/2006. Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước vào ngày 22/10/2007. Ngày 28/11/2014 Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn CRPD. Đến nay có khoảng 200 quốc gia tham gia ký kết.
Công ước về quyền của NKT đã có hiệu lực từ ngày 3/5/2008. Công ước được xây dựng trên khuôn khổ Tuyên ngôn Nhân quyền. Đây là hiệp ước đầu tiên mang lại vị thế và quyền hợp pháp nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người, thay vì nhìn theo hướng nhân đạo, từ thiện.
Công ước về quyền của NKT gồm 50 điều, trong đó có 33 điều quy định về nội dung của Công ước, 17 điều quy định về hình thức.
Về cơ bản, có 16 nhóm vấn đề được quy định trong Công ước. Trong đó có khái niệm NKT và một số khái niệm liên quan; các chính sách chung; bình đẳng trước pháp luật; tiếp cận về giao thông, công nghệ, thông tin và truyền thông; tiếp cận luật pháp, quyền được sống và tôn trọng phẩm giá, không bị bóc lột, lạm dụng; tự do và an ninh con người; tôn trọng sự riêng tư, nhà ở và gia đình của NKT; giáo dục; chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ và phục hồi chức năng để NKT sống độc lập và hoà nhập; việc làm; mức sống và bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật; tham gia đời sống chính trị và cộng đồng; các hoạt động văn hoá, thể thao, giải trí; tình huống rủi ro và tình trạng khẩn cấp nhân đạo; các quy định chung về thu thập số liệu, hợp tác quốc tế, thực thi và giám sát.
2. Linh đạo Caritas
2.1. Caritas là gì?
Theo tiếng Latinh, từ Caritas có nghĩa là bác ái, là tình yêu bao la.
Việc liên đới với những người nghèo khổ, bệnh tật và dấn thân phục vụ cho họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mạng căn bản của Giáo hội Công giáo. Giáo Hội khuyến khích thành lập tổ chức Caritas ở các quốc gia để thể hiện tình yêu bao la này.
Tổ chức Caritas quốc tế được thành lập từ năm 1951. Hiện có 162 thành viên cấp quốc gia, trong đó có Caritas Việt Nam là một thành viên. Caritas cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.
Caritas Việt Nam được thành lập năm 1965, trực thuộc Uỷ ban Bác ái Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngày 2/7/2008, Ban Tôn giáo Chính Phủ đã gửi Công văn số 941/TGCP/CG chấp thuận cho tái lập Caritas Việt Nam ở cấp trung ương và ở 26 giáo phận. Caritas Cần Thơ là một thành viên của Caritas Việt Nam. Caritas Cần Thơ mở rộng hoạt động bác ái đến các giáo hạt và giáo xứ.
2.2. Caritas hành động như thế nào?
– Những thành viên tổ chức Caritas, dù ở cấp trung ương hay giáo xứ, đều hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ, nguyên tắc và linh đạo Bác ái Kitô giáo, mà hiện thân là chính Đức Giêsu Kitô.
– Người là Con Một của Chúa Cha, là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để cứu độ muôn loài. Người thể hiện việc cứu độ này bằng việc rao giảng Tin Mừng, cứu người đói khổ, chữa lành bệnh nhân và những người khuyết tật đủ loại, xua trừ ma quỷ ám ảnh con người, tha thứ tội lỗi, cho kẻ chết sống lại và mời gọi mọi người hành động theo Người.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã tự nguyện chết trên thập giá để đền tội thay cho mọi người và sống lại để muôn loài được trở nên con cái Thiên Chúa giống như Người.
Đồng thời, Người cũng ban Chúa Thánh Thần với nhiều ân huệ để giúp cho con người thể hiện được tình yêu cao cả, phi thường của Thiên Chúa.
Nhờ đó các tông đồ và tín hữu Kitô có thể giúp đỡ, chữa lành cho những người nghèo khổ, tật bệnh như thánh Phêrô chữa lành người ăn xin bất toại.
– Người tham gia tổ chức Caritas chính là người sống mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa để tìm nguồn năng lực nơi Chúa Cha, để biết phục vụ quảng đại như Chúa Giêsu Kitô, để thể hiện những ân huệ của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông với Giáo Hội.
2.3. Caritas làm gì để giúp đỡ người khuyết tật?
Thành viên Caritas Việt Nam, từ cấp trung ương đến địa phương, cần nhận thức rõ ràng rằng: sứ mạng phục vụ người khuyết tật là một sứ mạng cấp bách, cần thiết và quan trọng do số người khuyết tật khá cao trên khắp miền đất nước, đang sống rất thiếu thốn, nghèo khổ, tật bệnh. Đây là sứ mạng giúp thành viên hành động giống như Đức Giêsu trong thời đại hiện nay: chữa lành bệnh tật, cứu giúp người đói khổ, giải phóng người bị ma quỷ kiềm chế bằng đủ loại nghiện ngập khác nhau: nghiện thuốc lá, rượu bia, ma tuý, bài bạc, phim ảnh xấu…
– Tôn trọng phẩm giá NKT và các quyền của NKT theo Công ước của Liên Hiệp Quốc là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi người trong xã hội cũng như của thành viên Caritas. Đây không còn là một công tác từ thiện, bác ái nhưng là một nghĩa vụ công bình đối với nhân quyền của mọi người trong xã hội vì nhiều NKT đang bị cộng đồng khinh thường, bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị bóc lột và lạm dụng.
Các Kitô hữu tôn trọng NKT và phục vụ họ không phải chỉ vì họ là một người anh em trong gia đình nhân loại, nhưng còn là anh em trong đại gia đình Thiên Chúa vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và là con cái Thiên Chúa, đáng cho ta phục vụ.
Ngoài sự giúp đỡ về tinh thần, Caritas còn phải giúp đỡ NKT một cách thiết thực và cụ thể bằng vật chất như gậy dẫn đường, kiếng đeo mắt cho người khiếm thị; phương tiện trợ thính cho người khiếm thính; xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật vận động, học bổng cho con cái NKT. Caritas có thể tổ chức để mở các lớp dạy nghề cho NKT; phối hợp với các bác sĩ để tổ chức các ngày khám sức khoẻ tổng quát, khám chữa bệnh, khám chữa răng, phát thuốc miễn phí cho NKT nghèo khổ; tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao cho NKT; tổ chức đào tạo các giáo viên dạy NKT về kỹ năng sống, giá trị sống…
Nguồn lực để tổ chức các hoạt động này đến từ sự đóng góp của các tín hữu Công giáo cũng như từ mọi cá nhân, tổ chức trong cộng đồng xã hội. Các thành viên Caritas có thể kêu gọi chính các tín hữu Công giáo bớt đi những chi tiêu tốn kém cho các tiệc mừng lễ Bổn Mạng, Sinh Nhật, lễ Cưới, lễ Tang, những cuộc hành hương du lịch… để tập trung giúp đỡ NKT.
Trước nhu cầu to lớn của NKT, Caritas được mời gọi luôn sát cánh cộng tác với các cơ quan đoàn thể chính quyền có nhiệm vụ chăm sóc NKT như Sở Lao động Thương Binh Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên; cũng như cộng tác với các tổ chức từ thiện xã hội của các tôn giáo bạn, của Hội Bảo trợ NKT, Hội Thương Phế binh…ở các tỉnh thành hay địa phương, để tổ chức các hoạt động phục vụ NKT.
Các đoàn thể Công giáo Tiến hành như Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Thiếu nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Phạt tạ Thánh Tâm, Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Đa Minh, Dòng Ba Cát Minh, Legio Mariae… có thể giúp làm sổ ghi nhận các NKT trong mỗi giáo xứ hay địa phương chưa có đạo. Các đoàn thể này có thể chia phiên để thăm viếng, giúp đỡ như thu dọn nhà cửa, vườn tược, giặt giũ quần áo, dạy học, dạy nghề cho NKT.
Lời kết
Đứng trước đám đông hàng triệu NKT đang đói khổ, tật bệnh ở Việt Nam, nhiều người thấy choáng váng. Nhưng nếu chúng ta được tình yêu liên kết để phục vụ anh chị em khuyết tật, chúng ta sẽ thấy phép lạ xảy ra. Chúng tôi đã cảm nghiệm được phép lạ tình yêu này khi tổ chức khám sức khoẻ, chữa bệnh, chữa răng, phát thuốc miễn phí cho hơn 2.000 người khuyết tật nghèo khổ, trẻ mồ côi trong ngày 20/12/2015 và ngày 15/5/2016 vừa qua.
Cầu chúc tất cả các bạn đều cảm nghiệm được phép lạ này.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Phó chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC TPHCM
Nguyên Giám đốc Caritas Việt Nam