30/12/2024

Thăng tiến đời sống bí tích cho người khuyết tật

Rome – Ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ ký hiệu xúc giác, ngôn ngữ thân thể là quà tặng của Chúa Thánh Thần để giúp các Kitô hữu chia sẻ Tin Mừng với tất cả mọi người, Cha Cyril Axelrod, Dòng Chúa Cứu Thế, đã khẳng định như thế. Cha Axelrod là một người điếc bẩm sinh và khi lên 16 tuổi cha cũng đã bị mù. Theo cha, dù cho có khó khăn và phức tạp thế nào thì tất cả trẻ em có quyền và cần được giáo dục tôn giáo và đến với các bí tích.

 Thăng tiến đời sống bí tích cho người khuyết tật

 

 
Rome – Ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ ký hiệu xúc giác, ngôn ngữ thân thể là quà tặng của Chúa Thánh Thần để giúp các Kitô hữu chia sẻ Tin Mừng với tất cả mọi người, Cha Cyril Axelrod, Dòng Chúa Cứu Thế, đã khẳng định như thế. Cha Axelrod là một người điếc bẩm sinh và khi lên 16 tuổi cha cũng đã bị mù. Theo cha, dù cho có khó khăn và phức tạp thế nào thì tất cả trẻ em có quyền và cần được giáo dục tôn giáo và đến với các bí tích.

Ngày 10-6, trong ngày khai mạc Năm Thánh dành cho các người khuyết tật, Cha Axelrod đã dùng ngôn ngữ ký hiệu quốc tế để đưa ra những nhận xét giới thiệu ngắn gọn; sau đó cha đã nhận các câu hỏi từ cộng đoàn đa phần là các tín hữu Công giáo khiếm thính người Ý và gia đình họ.

Một người trong họ muốn biết làm thế nào mà Cha Axelrod, một người gốc Do Thái, bị điếc, lại trở thành tín hữu Công giáo. Một người khiếm thị ở Turin thì hỏi làm sao để có một giáo xứ địa phương dạy giáo lý cho các trẻ em khuyết tật. Còn một bà mẹ của một bé gái khiếm thính ở Rome chia sẻ với cha là cha xứ của họ đã từ chối cho em được rước lễ lần đầu vì nghĩ là em không hiểu gì.

Trả lời các câu hỏi, Cha Axelrod nói: “Chúa Giêsu là quà tặng cho tất cả. Đừng lo lắng về các lời nói, lời nói, lời nói. Hãy cho các trẻ em lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.” Nhận định của cha đã được mọi người hoan hô. 

Cha khẳng định: “Mọi người ở mọi lứa tuổi và khả năng phải được học Giáo lý.” Cha chia sẻ: “Cách đây nhiều năm, trước khi trở thành tín hữu Công giáo, tôi là người Do Thái. Tôi nhận thấy người khiếm thính không biết điều gì về đức tin nên tôi đã muốn trở thành rabbi. Nhưng Chúa đã chọn điều khác cho tôi và tôi trở thành người Công giáo.”

Vào lúc mà ở Nam phi chưa có những dịch vụ đặc biệt cho các tín hữu Công giáo khiếm thính và không có Thánh lễ cử hành bằng các dấu hiệu. Tôi cảm thấy cách chắc chắn là họ cần nghe sứ điệp của Chúa và tôi được Chúa gọi để mang Tin Mừng cho mọi người. Ơn gọi của tôi là giúp người khiếm thính mở trái tim họ để thấy Thiên Chúa quyền năng thế nào trong cuộc sống của họ.

Cha Axelrod đã đi khắp nơi để phục vụ cho người Công giáo khiếm thính và ủng hộ cho họ.Cha khuyến khích các phụ huynh của các em khiếm thính giúp các em học ngôn ngữ ký hiệu cấp cao để các em có thể tiếp tục tăng trưởng trong sự hiểu biết và bày tỏ đức tin của mình. Cha cũng giúp các em khiếm thính và có khó khăn về thể lý và phát triển. Cha cho biết là cha mang Tin Mừng đến cho họ và cũng chuẩn bị cho các em rước lễ lần đầu, ngay cả việc chấm Mình Thánh vào Máu Thánh để cho Mình Thánh mềm hơn cho ai gặp khó khăn về nuốt Mình Thánh để tiêu hoá.

Theo cha, các trẻ em học biết về Thiên Chúa trước hết từ việc quan sát cha mẹ của các em. Đặc biệt các em khiếm thính có một sự chú ý đến ngôn ngữ thân thể và các diễn tả trên gương mặt. Các em nhận ra niềm vui, tình thương, sự sợ hãi, nỗi buồn và lòng biết ơn. Các em có thể học biết là Chúa Giêsu, Đấng yêu thương tất cả, hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Và các em có thể học diễn tả sự đau buồn về tội lỗi của các em trước khi đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng yêu thương các em. Chúng ta có thể thấy là khi các em hiểu Chúa Giêsu ở đó, trong phép Thánh Thể, niềm vui hiện lên trên gương mặt của các em. (CNS 10/6/2016)

 
 

Hồng Thuỷ OP