Điều kỳ diệu trong 72 giờ sáng tạo
Những sinh viên, học sinh, kỹ sư đã thực hiện nhiều giải pháp công nghệ phục vụ trẻ khuyết tật chỉ trong 72 giờ.
Điều kỳ diệu trong 72 giờ sáng tạo
Những sinh viên, học sinh, kỹ sư đã thực hiện nhiều giải pháp công nghệ phục vụ trẻ khuyết tật chỉ trong 72 giờ.
“Điều khó tin” ấy đã diễn ra tại sự kiện TOM (Tikkun Olam Makers) lần đầu tiên tổ chức tại VN và châu Á.
Găng tay đặc biệt
Sau 72 giờ miệt mài làm ngày làm đêm, nhóm nghiên cứu số 5 đã cho ra đời mẫu sản phẩm găng tay vật lý trị liệu (Touch-up). Găng tay này dành cho những người bị tổn thương thần kinh vận động, không cử động các ngón tay theo ý muốn của mình.
Theo trưởng nhóm Lê Kim Cường, thiết bị này trước hết dành tặng em Nguyễn Thanh Hoài (17 tuổi, tạm trú ở Q.Thủ Đức, TP.HCM). Hoài là trẻ chậm phát triển, đôi tay yếu, không thể cử động các ngón tay một cách độc lập.
Đề cập đến chiếc găng tay đặc biệt này, Trịnh Tuấn Kiệt, một thành viên trong nhóm, giải thích: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ trị liệu. Tuy nhiên, những sản phẩm có giá cả phù hợp lại hạn chế chức năng, không giúp cho tay cử động một cách độc lập mà chỉ hỗ trợ tay cử động mạnh hơn thôi”. Khắc phục nhược điểm trên, nhóm quyết định thiết kế “găng tay máy” phù hợp bệnh trạng của Hoài. Theo nguyên lý hoạt động, khi mang găng tay này vào, động cơ sẽ giúp giữ cố định được các ngón không cần thiết đồng thời để các ngón còn lại cử động một cách độc lập và chính xác hơn.
TIN LIÊN QUAN
Nghiên cứu chữa bệnh ung thư của học sinh dự thi ở Mỹ
Hai em Nguyễn Thu Minh Châu và Hoàng Lữ Đức Chính được Bộ GD-ĐT cử tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế – Intel ISEF tại Mỹ với dự án nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư.
Đại diện của nhóm nhìn nhận sản phẩm hiện vẫn chưa được như mong muốn. Do đó, sắp tới các thành viên sẽ tiếp tục đeo đuổi để hoàn thiện sản phẩm theo hướng gọn nhẹ, linh động hơn. Ước tính giá thành của găng tay trị liệu này khoảng 4 triệu đồng.
Những giám khảo là người VN lẫn nước ngoài dành nhiều lời khen đối với thiết bị này. Bác sĩ Huỳnh Văn Phi, Phó giám đốc Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, nói: “Tôi rất ấn tượng với sản phẩm của các bạn, đặc biệt là về giá cả. Bởi hiện tại trung tâm chúng tôi cũng sử dụng thiết bị tương tự nhập từ Malaysia nhưng có giá lên đến hơn 20 triệu đồng/chiếc. Hy vọng trong tương lai, các bạn sẽ nâng cấp sản phẩm này tốt hơn”. Theo bác sĩ Phi, găng tay này cần phải có thêm lớp bảo vệ bên ngoài để khi gặp nước chẳng hạn, sẽ không bị ảnh hưởng đến vi mạch. Cũng theo bác sĩ Phi, nếu hoàn thiện và phát triển một số bộ phận, sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu cho cả những bệnh nhân bị mất ngón tay hoặc bàn tay.
Ghế của Uyên
Vũ Phương Uyên (Q.Bình Tân, TP.HCM) là bé gái 4 tuổi xinh xắn nhưng chẳng may bị bại não. Tứ chi của bé rất yếu, cử động khó khăn nên bé chỉ có thể nằm một chỗ…
Thấu hiểu hoàn cảnh bé Uyên, nhóm nghiên cứu số 7 đã quyết định làm ra sản phẩm Uyên’s chair (ghế của Uyên) để giúp bé cải thiện sức khoẻ và hỗ trợ gia đình bé trong việc chăm sóc con.
Chỉ vào chiếc ghế màu cam, hai bên trang trí hình những con thú bắt mắt, kỹ sư Đăng Huy, thành viên nhóm nghiên cứu, giới thiệu: “Ghế này như một phương pháp vật lý trị liệu, làm cho bé ngồi đúng tư thế và cảm thấy thoải mái. Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu và nhiều phương án khác nhau trước khi cho ra đời sản phẩm mẫu này”.
TIN LIÊN QUAN
Sáng tạo vì cộng đồng: Sinh viên Việt ở ‘đầu não’ Google
Nguyễn Minh Tú là sinh viên Việt Nam đầu tiên được Google mời sang Mỹ thực tập. Chàng trai này không chỉ được tài trợ toàn bộ chi phí chuyến đi mà còn nhận mức lương ngàn đô trong suốt 14 tuần.
Anh Lê Trọng Thức, sinh viên Trường ĐH Việt – Đức, cho biết: “Vấn đề đặt ra cho nhóm là làm thế nào để thiết kế một chiếc ghế có thể giữ cho đốt sống cổ, xương sống cũng như xương chậu của bé Uyên được cố định khi ngồi. Sản phẩm này có tính linh hoạt, bởi ghế có thể điều chỉnh 90 độ và 180 độ theo tư thế ngồi hoặc nằm. Bên cạnh đó, kiểu thiết kế phẳng có thể giúp đặt thêm trên đó chiếc bàn, đồ chơi hay những thiết bị khác để giữ đồ ăn, nước uống… cho bé”.
Chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ bé Phương Uyên, cho hay vợ chồng chị là thợ may tại nhà nhưng bao năm nay cứ phải thay nhau ẵm bé suốt. Vì vậy, chị rất vui mừng khi thấy bé Uyên có vẻ “ưng” chiếc ghế và mong ước sau này bé sẽ tự ngồi được, từ đó dần dần có thể tập đứng được.
TIN LIÊN QUAN
Sáng tạo vì cộng đồng: Vòng bảo vệ trẻ em
Vượt qua hơn 250 dự án từ 46 quốc gia, GuardBand (tạm dịch: Vòng bảo vệ) của nhóm sinh viên Việt Nam đã lọt vào chung kết cuộc thi Wearables For Good do Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức.
sa
“Rất tốt!”, đó là lời nhận xét của bác sĩ Huỳnh Văn Phi về chiếc ghế này. Bác sĩ Phi góp ý thêm: “Giải pháp này có những cái mới. Tuy nhiên, nhóm cần thay thế dải băng đeo trên đầu em bé bằng vật liệu mềm hơn và hút được mồ hôi. Các bạn cũng nên quan tâm thiết kế lỗ tiểu tiện dưới chiếc ghế để phục vụ không chỉ cho những trẻ như bé Uyên mà còn cho nhiều bệnh nhân khác”.
Cuộc thi 72 giờ sáng chế vì trẻ em khuyết tật diễn ra từ ngày 3 – 5.6 tại Bình Dương và TP.HCM, do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Kinh tế Israel tại VN, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Trung tâm khuyết tật và phát triển, Fablab Saigon phối hợp cùng dự án Tikkun Olam Makers (TOM) của Israel tổ chức.
|
Như Lịch