Lật tàu trên sông Hàn: Những người xả thân cứu mạng du khách
Gần 40 giờ từ lúc tàu du lịch Thảo Vân 2 chở 56 người lật úp trên sông Hàn (Đà Nẵng), các nạn nhân sau khi hồi tỉnh đã tìm những người cứu mạng mình để cảm ơn.
Lật tàu trên sông Hàn: Những người xả thân cứu mạng du khách
Gần 40 giờ từ lúc tàu du lịch Thảo Vân 2 chở 56 người lật úp trên sông Hàn (Đà Nẵng), các nạn nhân sau khi hồi tỉnh đã tìm những người cứu mạng mình để cảm ơn.
Hai du khách Hà Nội là anh Lưu Chí Dũng và anh Nguyễn Đức Tài ôm chầm anh Mai Viết Dụng (giữa) bày tỏ lòng biết ơn vì đã cứu mình và gia đình – Ảnh: V.HÙNG |
Từ sáng sớm 6-6, anh Lưu Chí Dũng (trú P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội) cùng em rể là Nguyễn Đức Tài mượn xe máy từ bệnh viện chạy dọc sông Hàn để tìm những ân nhân cứu cả tám người của gia đình anh.
“Đặc biệt biểu dương bà con ngư dân, các tàu du lịch, các thợ lặn chuyên nghiệp của Đà Nẵng đã trực tiếp hỗ trợ những lực lượng chức năng cứu giúp kịp thời các nạn nhân ngay khi vụ tai nạn xảy ra |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Cứu người đến kiệt sức
Ngay khi gặp được anh Mai Viết Dụng (26 tuổi, trú đường Mỹ An 14, Q.Ngũ Hành Sơn, thuyền viên tàu Biển Đảo Việt), anh Tài rơm rớm nước mắt ôm chầm lấy Dụng, nói những lời biết ơn Dụng đã cứu sống gia đình anh. Anh Tài tâm sự: trong tai nạn vừa qua, người dân và lực lượng cứu nạn Đà Nẵng đã ra tay rất kịp thời, trách nhiệm. “Tôi đã nghe nhiều về tình cảm người dân Đà Nẵng thân thiện, hôm nay chứng kiến sự cứu người của họ, tôi thật sự xúc động và biết ơn sâu sắc” – anh Tài nói.
Dụng kể lại tối đó anh cùng với Nguyễn Khánh Trường (26 tuổi, trú ở Thăng Bình, Quảng Nam) dùng canô chở 15 du khách từ bến tàu Bảo tàng Champa hướng về cầu Thuận Phước. Canô vừa qua cầu sông Hàn thì chợt thấy có một con tàu nghiêng ngả, quanh đó nhiều tiếng kêu thất thanh cứu người.
Biết có sự cố, Trường cho canô tấp vào và trấn an du khách trên tàu, giao tay lái lại cho Dụng. Lúc này ở dưới sông, tàu Thảo Vân 2 đã lật và đang chìm dần, người người la hét, bám thành tàu kêu cứu trong khi trời tối om, nước lại chảy xiết.
Trường vừa ném áo phao, vừa thả dây thừng cho mọi người dưới nước nắm lấy, rồi lao xuống sông cứu người. Còn Dụng thì xoay xở chiếc canô khỏi bị nghiêng khi nhiều người sắp đuối nước bám vào một bên thành tàu. Đồng thời Dụng bật đèn chớp và còi hụ để báo hiệu các tàu trên sông đến cấp cứu.
Vốn là quê miền biển Bình Hải (huyện Thăng Bình) và là chiến sĩ công binh lái tàu, được huấn luyện sơ cấp cứu và bơi lội nên Trường đã bình tĩnh cứu những người không có áo phao trước rồi đưa lên canô, còn những người có áo phao được đưa lên sau.
“Em nhảy xuống cứu nhiều người lên canô, có một cháu bé ngất xỉu vì sặc nước. Cháu liền bu vai em, em sợ canô lại gần thì mọi người bu vào sẽ chìm luôn nên em ôm cháu bé bơi ra, lúc này lại có thêm 5-6 người bu lưng em. Em ráng bơi, bu vào mạn trước canô thì kiệt sức luôn, được Dụng kéo lên” – Trường kể.
Chiếc canô của Trường và Dụng sau đó đưa gấp người cấp cứu sang tàu Phú Quý vừa trờ tới rồi chạy quanh hiện trường tiếp tục cứu người thêm một lượt nữa.
Trường tâm sự: “Biết là rất nguy hiểm khi lao xuống sông cứu người trong đêm tối nhưng lúc đó em không còn lựa chọn nào khác. Vì trong tình thế đó ai ở vị trí của em cũng sẽ hành động như em thôi. Em cũng hài lòng với bản thân mình khi cứu sống được nhiều du khách”.
Chết đi sống lại
Ngay khi gặp được anh Lê Văn Hoa (23 tuổi), thuyền viên tàu Phú Quý, anh Lưu Chí Dũng lập tức lao tới ôm chặt, miệng bối rối thoát ra những lời cảm ơn xúc động. Anh Hoa nói mình và anh trai Lê Văn Phú (37 tuổi) đang đưa khách lên tàu Phú Quý du ngoạn sông Hàn thì nghe tiếng người hô hoán kêu cứu giữa sông.
Lập tức hai anh em nhảy phóc xuống canô chạy nhanh trực chỉ nơi tàu lật. “Lúc đó tàu vừa lật, chiếc canô chạy trờ tới ngay bụng tàu bị nạn. Tôi thấy người dưới sông chới với nhiều quá nên vội ném hết áo phao xuống để họ bám vào rồi nhảy xuống dìu lần lượt từng người lên canô đưa vào bờ” – anh Hoa nhớ lại. Chuyến đầu tiên họ cứu được 12 người, trong đó có gia đình nhà anh Dũng.
Sự việc xảy ra khá chóng vánh và người bị nạn kêu gào khắp mặt sông nhưng anh Phú vẫn nhớ rõ giây phút cứu vợ con anh Nguyễn Đức Tài là chị Lưu Phương Thuỷ và cháu Nguyễn Ngọc Quý Phương (mới 10 tháng tuổi). Lúc đó chị Thuỷ một tay ôm chặt đứa bé, tay còn lại cố vùng vẫy để nổi lên cho con thở.
Trên canô hết sạch áo phao, anh Phú nhanh trí ném tấm đệm xốp ghế ngồi xuống sông làm điểm tựa cho chị Thuỷ bám vào. “Tôi kiệt sức sắp buông xuôi thì con khóc thét lên, tôi rướn người cố với đến và may mắn bám được vào tấm đệm. Nếu trễ thêm một chút nữa sợ rằng mẹ con tôi chìm xuống sông rồi” – chị Thuỷ nhớ lại.
Đưa được những người này vào bờ, hai anh em tiếp tục phóng canô ra cứu những người khác. Ở lần thứ hai canô vớt được tám người, trong đó có một bé gái ngạt nước khá nặng đã bất động và hai người nước ngoài.
Anh Phú kể: “Tôi xốc ngược bé lên rồi lắc lắc nhiều lần, nước và máu từ miệng bé chảy ra. Sau đó bé mở mắt nhìn trừng trừng lên trời và khi canô vào gần tới bờ thì bé bật khóc. Thật sự giây phút đó khiến tôi rất vui sướng vì biết bé đã được sống”.
Anh Lưu Chí Dũng nói cả gia đình mừng như được chết đi sống lại. “Đêm qua tỉnh lại thấy các con còn sống mà tôi cứ nghĩ trong giấc mơ. Các anh đã tái sinh cả đại gia đình tôi, chúng tôi không biết phải cảm ơn các anh như thế nào nữa!” – anh Dũng xúc động nói với những người đã cứu mình.
“Tôi thấy trong vụ việc này dân đã cứu lấy dân, còn các lực lượng chức năng, chuyên nghiệp khi ra tới nơi thì đã muộn. Ngay lập tức trong ngày hôm nay, các cơ quan chức năng thành phố phải rà soát để khen thưởng kịp thời những người đã xả thân cứu người, vì không có họ chắc dân sẽ chết nhiều lắm |
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ |