26/12/2024

Hai lúa có 2 bằng sáng chế độc quyền

Nghiên cứu sản xuất thành công máy sấy lúa khô 2 chiều và máy xúc lúa đóng bao, ông Quách Văn Hôm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 2 bằng sáng chế độc quyền.

 

Hai lúa có 2 bằng sáng chế độc quyền

Nghiên cứu sản xuất thành công máy sấy lúa khô 2 chiều và máy xúc lúa đóng bao, ông Quách Văn Hôm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 2 bằng sáng chế độc quyền.



Hai lúa có 2 bằng sáng chế độc quyền

Ông Hôm bên máy xúc lúa đóng baoHOÀNG VÂN

Ông Hôm (48 tuổi, ngụ ấp Rẫy Mới, TT.Phú Lộc, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) kể sau khi học xong lớp 6, ông nghỉ học phụ giúp gia đình làm ruộng. Nhà có máy cày, máy suốt lúa, mỗi khi máy hư ông hay tự mày mò sửa chữa. Dần dần, ông nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm cải tiến phục vụ công việc nhà nông như: máy bơm nước, máy xới, máy phun thuốc, máy suốt lúa…


Hiện nay, 2 sáng chế của ông Hôm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Chiếc máy sấy lúa hai chiều do ông Hôm sáng chế có công suất 6 tấn/mẻ, giàn sấy rộng khoảng 50 m2, được thiết kế như một cái hộp, bên trên có nắp đậy cơ động. Sau khi cho lúa vào sàn, đốt lửa, bật quạt để đẩy hơi nóng vào. Ban đầu, mở nắp hộp để hơi nóng đi từ dưới lên và thoát ra ngoài trời. Khi kiểm tra thấy lớp lúa phía dưới đã khô thì đậy nắp hộp lại, tiếp tục đốt lửa, chỉnh hướng quạt, mở lối thoát hơi ở bên dưới để hơi nóng từ dưới lên gặp nắp hộp đậy kín không thể thoát ra ngoài, cùng sự trợ giúp của quạt sẽ đi từ trên xuống, sấy khô lớp lúa ở bên trên. Thời gian sấy 1 mẻ lúa 6 tấn mất khoảng 6 giờ, trong khi lò sấy thủ công phải mất 18 giờ.

Theo ông Hôm, chi phí để sản xuất 1 máy sấy khô 2 chiều khoảng 120 triệu đồng. Ưu điểm của máy này là lúa được sấy khô đều, giúp tăng chất lượng gạo, ít tốn thời gian, công sức, đặc biệt là tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi mẻ sấy so với lò sấy thủ công.
Không chỉ sáng chế máy sấy khô 2 chiều, ông Hôm còn sản xuất thành công máy xúc lúa đóng bao. Mỗi bao lúa máy vừa xúc vừa đóng chỉ mất khoảng 10 giây. Máy gọn, nhẹ, trọng lượng khoảng 170 kg, có thể hoạt động được trên sân xi măng, sân lưới, sân lò sấy… Khi vận hành, chỉ cần 1 người điều khiển bởi máy có tay cầm và bánh xe di chuyển dễ dàng. Chi phí sản xuất 1 chiếc máy khoảng 30 triệu đồng. Hiện đã có nhiều nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua máy về sử dụng.
Ông Hôm cho biết sau khi sáng chế thành công 2 loại máy trên, ông đã làm thủ tục và được Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau đó, ông cũng đã làm hồ sơ gửi đến Ban Quản lý dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh xin tài trợ kinh phí thực hiện dự án, nhưng đơn vị này chỉ đồng ý tài trợ 20 triệu đồng. “Nguyện vọng của tôi là làm ra nhiều sản phẩm phục vụ nông dân nhưng gia đình còn nhiều khó khăn nên rất cần được nhà nước hỗ trợ vốn”, ông Hôm nói.

 

Trần Thanh Phong – Hoàng Vân