23/12/2024

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta. ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng Thánh lễ Phong Thánh cho Chân phước Linh mục Stanislao Chúa Giêsu Maria Papczynski và nữ Chân phước Maria Elisabetta Hesselblad, cử hành lúc 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật 5-6 trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô.

 Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

 

 

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự Lễ Phong Thánh cho hai Chân phước Papczynski và Hasselblad sáng Chúa Nhật 5-6-2016 – AP

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng Thánh lễ Phong Thánh cho Chân phước Linh mục Stanislao Chúa Giêsu Maria Papczynski, người Ba Lan, và nữ Chân phước Maria Elisabetta Hesselblad, người Thuỵ Điển, cử hành lúc 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật 5-6 trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với ĐTC có  470 vị gồm các hồng y, tổng giám mục, giám mục và linh mục. Đảm trách phần thánh ca trong Thánh lễ ngoài Ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn hướng dẫn, Ca đoàn Giáo phận Concorida Podenone, Ca đoàn Goteborg và Ca đoàn Bro Chamber.

Tham dự Thánh lễ cũng có giới chức đạo đời của hai nước Ba Lan và Thuỵ Điển, gồm Tổng thống Ba Lan, Bộ trưởng Văn hoá và Tôn giáo và đại sứ của hai nước, cũng như hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương, trong đó cũng có một số linh mục tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Roma và vài vị đến từ Thuỵ Điển.


Sau lời chào đầu lễ, cộng đoàn đã hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Tiếp đến, ĐHY Angelo Amato, Tổng trường Bộ Phong Thánh, xin ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh và ngài đọc tiểu sử của hai vị.

Chân phước Stanislao Giêsu Maria Papczynski sinh năm 1631 tại Podegrodzie, trong Tổng Giáo phận Cracovia, bên Ba Lan. Sau thời gian huấn luyện, Stanislao gia nhập dòng các cha Scolopi, rồi được thụ phong linh mục. Cha nổi tiếng là bậc thầy của khoa hùng biện và giảng thuyết, cũng như là cha giải tội, đặc biệt là của Đức Sứ thần Toà Thánh Antonio Pignatelli, sau này sẽ là ĐGH Innocenzo XII, và của Vua Gioan III Sobieski. Cha viết cuốn Templum Dei Misticum Đền thờ thần bí của Thiên Chúa, trong đó cha trình bày chương trình cuộc sống thiêng liêng, nhất là cho giáo dân, vì cha xác tin rằng họ cũng được mời gọi nên thánh.

Năm 1670, Cha Papczynski ra khỏi Dòng Scolopi với phép chuẩn và thành lập một dòng mới với tên gọi là “Tu sĩ Thánh Mẫu của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, với đặc sủng phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt cho các nạn nhân chiến tranh và dịch hạch và trợ giúp mục vụ cho các cha sở.

Với phép của ĐC Stefano Wierzbowski, GM Poznan, cha lui về tịch liêu Korabiew, xây nhà đầu tiên của dòng và viết hiến pháp. Tiếp đến, cha sống tại một nhà thờ nhỏ gọi là “Nhà Tiệc Ly của Chúa tại Giêsusalem mới, nay là Gora Kalwaria, cùng với các anh em cùng dòng hoạt động tông đồ và bác ái, trợ giúp dân nghèo vùng quê.

Cha Stanislao đã về Roma để xin Toà Thánh chấp nhận dòng và dòng đã được Toà Thánh chấp nhận năm 1699. Giai đoạn cuối cùng cuộc đời cha bị ghi dấu bởi bệnh tật. Và cha đã qua đời trong hương thơm thánh thiện ngày 17 tháng 9 năm 1701 và được an táng trong Nhà thờ Tiệc Ly tai Gora Kalwaria. Cha đã được ĐTC Bênêđictô XVI phong Chân phước ngày 16 tháng 9 năm 2007.

Chị Maria Elisabetta Hesselblad sinh tại Faglavik, Thuỵ Điển, ngày mồng 4 tháng 6 năm 1870. Ngày từ ngày còn bé, khi nghe lời Chúa liên quan tới một chuồng chiên và một mục tử duy nhất, cô đã bắt đầu tuy tư về sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Năm lên 18 tuổi, để giúp gia đình, chị Maria Elisabetta di cư sang Mỹ tìm việc làm. Chính trong môi trường mới này, chị tiếp xúc với các tín hữu Công giáo và bắt đầu con đường tiến tới gần Giáo Hội và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội năm 1902. Vì một tật bệnh đã có từ hồi còn nhỏ nay trở lại, chị hầu như gần chết, và ước mong qua đời tại Nhà Thánh nữ Brigida ở Roma. Vì thế, chị sang Roma và chính tại đây chị đã cảm nhận được ơn gọi sống đời tu trì, xin gia nhập và khấn trong Dòng Brigida. Tại Roma, chị Maria Elisabetta nhận 3 ứng sinh người Anh và cùng với các chị này bắt  đầu thành lập một dòng mới lấy tên là Dòng Chúa Cứu Thế Rất Thánh của Thánh nữ Brigida. Được linh hứng bởi một tinh thần truyền giáo mãnh liệt và nồng nhiệt đối với sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô, chị quảng đại phục vụ và trợ giúp dân nghèo trong thời Đệ nhị Thế chiến và đã được các chính quyền và dân chúng ghi ơn. Chị qua đời tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1957. Trong Năm Thánh 2000, chị đã được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước. Mới đây, ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận các phép lạ nhờ lời bầu cử của hai chân phước. Hồi tháng 3 năm nay, ĐTC đã họp Công nghị Hông y và quyết định tôn hai vị lên hàng hiển thánh.

Sau lời nguyện của ĐTC cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh. Tiếp đến, ĐTC đã đọc công thức ghi tên hai chân phước vào trong sổ bộ các thánh. Thánh tích của hai vị đã được rước lên đặt trên bệ cao bên trái bàn thờ, và được phó tế xông hương. ĐHY Amato đã cám ơn ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh.

Thánh lễ đã  tiếp tục với Kinh Vinh danh và phần Phụng vụ Lời Chúa. Bài đọc I bằng tiếng Anh, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, Bài đọc II bằng tiếng Ba Lan. Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hylạp. 

Giảng trong Thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa  các bài đọc Chúa Nhật 10 Thường Niên năm C kể lại phép lạ Ngôn sứ Elia đã làm để cho con bà goá thành Sarepta hồi sinh, và  phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho anh con trai bà goá thành Naim sống lại. 

Ngài nói: “Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe tuyên đọc dẫn chúng ta tới biến cố chính của đức tin: đó là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Đó là Tin Mừng của hy vọng vọt lên từ Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, giãi toả từ gương mặt Ngài, vén mở Thiên Chúa Cha Đấng an ủi của người sầu khổ. Lời ấy mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, để quyền năng sự phục sinh của Ngài được tỏ hiện nơi chúng ta.” 

ĐTC giải thích thêm:

“Thật vậy, trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô có câu trả lời của Thiên Chúa cho tiếng kêu âu lo và đôi khi giận dữ, mà kinh nghiệm của khổ đau và cái chết dấy lên trong chúng ta. Đây không phải là trốn chạy Thập giá, nhưng ở lại đó, như Trinh Nữ Mẹ đã làm, Mẹ là Đấng, khi cùng chịu khổ đau với Chúa Giêsu, đã nhận được ơn hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Đây cũng đã là kinh nghiệm của hai Chân phước Stanislao Giêsu Maria và Maria Elisabetta Hesselblad, mà hôm nay chúng ta tôn phong lên hàng hiển thánh: hai vị đã kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và nơi các vị đã tỏ lộ quyền năng sự phục sinh của Ngài.

Bài đọc I và Phúc Âm của của Chúa Nhật hôm nay giới thiệu với chúng ta hai dấu chỉ lạ lùng của sự sống lại, dấu chỉ thứ nhất do Ngôn sứ Elia làm, dấu chỉ thứ hai do Chúa Giêsu làm. Trong cả hai trường hợp, người chết là hai con trai rất trẻ của hai bà goá được hồi sinh và trả lại cho mẹ họ.

Người đàn bà Sarepta, là phụ nữ không do thái, nhưng đã tiếp đón Ngôn sứ Elia vào nhà; bà nổi giận với ngôn sứ và với Thiên Chúa, bởi vì chính trong lúc ngôn sứ là khách trọ nhà bà, thì đứa con trai của bà bị đau và tắt thở trên tay bà. Khi đó ngôn sứ Elia nói với bà: “Hãy đưa con bà cho tôi.” (1 V 17,19). Đây là từ chìa khoá: nó diễn tả thái độ của Thiên Chúa trước cái chết của chúng ta, trong mọi hình thái của nó; ngôn sứ không nói “hãy giữ lấy nó và tự liệu lấy” nhưng nói “hãy đưa nó cho tôi”. Thật vậy, ngôn sứ đã bế đứa bé, đưa nó lên phòng bên trên và ở đó một mình “chiến đấu với Thiên Chúa” trong lời cầu nguyện,  bằng cách đặt để Thiên Chúa trước sự vô lý của cái chết. Và Chúa đã lắng nghe lời cầu của Ngôn sứ Elia, bởi vì chính Ngài là Thiên Chúa nói và hành động qua ông. Chính Ngài, qua miệng ngôn sứ, đã nói với người đàn bà: “Đưa con bà cho tôi.” Và bây giờ chính ngôn sứ trả lại đứa con sống cho bà mẹ.”

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói: 

“Sự dịu hiền của Thiên Chúa được mạc khải tràn đầy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng (Lc 7,11-17) Chúa Giêsu cho thấy Ngài rất cảm thương bà goá thành Naim ở Galilêa, đang đi theo đứa con trai duy nhất còn thanh xuân ra mộ. Nhưng Chúa Giêsu tới gần, đụng vào cáng, chặn đoàn người đưa đám lại, và chắc chắn đã vuốt ve gương mặt đầy nước mắt của bà mẹ đáng thương ấy. Ngài nói với bà “đừng khóc” (Lc 7,13) như thể nói với bà “hãy cho tôi con bà”. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta. Thật thế, thanh niên ấy tỉnh dậy như thể từ một giấc ngủ sâu và bắt đầu nói. Và Chúa Giêsu trả cậu lại cho mẹ cậu (c. 15). Ngài không phải là một nhà ảo thuật! Ngài là sự dịu hiền của Thiên Chúa nhập thể, nơi Ngài hoạt động sự cảm thương vô biên của Thiên Chúa Cha.

Cũng là một loại phục sinh sự sống lại của Tông đồ Phaolô, từ kẻ thù nghịch và bách hại tàn bạo các Kitô hữu, ngài đã trở thành chứng nhân và người loan báo Tin Mừng (x. Gl 1,13-17). Sự thay đổi triệt để này đã không phải là công trình của thánh nhân mà là ơn lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã chọn thánh nhân và kêu gọi thánh nhân với ơn của Chúa và muốn mạc khải trong thánh nhân Con của Ngài, để thánh nhân loan báo Chúa giữa muôn dân (cc. 15-16). Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa Cha đã hài lòng mạc khải Con của Ngài, không phải chỉ cho thánh nhân, nghĩa là hầu như in trong con người, thịt xác và tinh thần của thánh nhân, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, tông đồ sẽ không chỉ là một sứ giả, mà trước hết là một chứng nhân.”

Áp dụng vào cuộc sống chúng ta, ĐTC nói:

Và cả với những người tội lỗi, từng người một, Chúa Giêsu không ngừng làm rạng ngời lên chiến thắng của ơn thánh trao ban sự sống. Ngài nói với Mẹ Giáo Hội “hãy cho ta các con ngươi”, là tất cả chúng ta. Ngài nhận lấy trên Ngài các tội lỗi của chúng ta, Ngài cất chúng đi và trao ban chúng ta sống cho chính Giáo Hội. Và điều này xảy ra trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Ngày hôm nay Giáo Hội cho chúng ta thấy hai người con là chứng nhân gương mẫu của mầu nhiệm phục sinh này. Cả hai đều có thể ca hát đời đời, với các lời của tác giả Thánh vịnh: “Ngài đã thay đổi tiếng than van của con thành vũ điệu. Ôi lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ tạ ơn Ngài luôn mãi.” (Tv 30,12). Và chúng ta tất cả hãy hiệp tiếng nói: “Con sẽ chúc tụng Chúa, vì Ngài đã nâng con dậy.”

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Bồ Đào Nhà, Ý và Hoa. Các lễ vật đã được một gia đình 5 gồm cha mẹ với 3 người con và 3 nữ tu dâng lên ĐTC.

Hàng chục linh mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã ngỏ lời chào và đăc biệt cám ơn các phái đoàn chính thức của hai nưóc đã đến tham dự Thánh lễ Tôn phong Hiển thánh cho hai người con Ba Lan và Thuỵ Điển. Ngài Xin Chúa chúc lành cho hai quốc gia nhờ lời bầu cử của các vị. ĐTC cũng chào và cám ơn các nhóm hành hương Italia và các nước khác cũng như tín hữu đến từ Estonia, Giáo phận Bologna và các ban nhạc.

Ngài mời mọi người hướng tới Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ luôn hưóng dẫn trên con đường nên thánh và xây dựng công lý và hoà bình mỗi ngày.

Tiếp đến, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
 

 

Linh Tiến Khải