23/12/2024

Chúa Nhật X TN C – 2016: Người phục hồi sự sống

Chủ đề tuần này mời gọi ta quan tâm đến sự sống thiêng liêng cao quý của con người để làm họ sống lại cả về thể xác lẫn tinh thần.Đây cũng là sứ mạng rất khẩn thiết của người tín hữu Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

Người phục hồi sự sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chủ đề tuần thứ X Mùa Thường Niên mời gọi ta quan tâm đến sự sống thiêng liêng cao quý của con người để làm họ sống lại cả về thể xác lẫn tinh thần. Tiên tri Elia (x. 1V17,17-24) và Chúa Giêsu (x. Lc 7,11-17) đã làm cho con trai bà goá sống lại. Đây cũng là sứ mạng rất khẩn thiết của người tín hữu Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay, như thánh Phaolô đã từng ý thức về sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh (x. Gl 1,11-19).

1. Những con người gây nên chết chóc

Vì chưa bị bất cứ một toà án ở thế trần kết án, nên những kẻ sát nhân vẫn sống ung dung trong cộng đồng xã hội, thậm chí họ không nghĩ mình là kẻ sát nhân!

1.1. Những kẻ giết chết thể xác con người

Chúng ta không cần nhắc đến những bọn tội phạm đi chặt chém người khác vì tiền, vì tình, vì danh, vì lợi nên bị các toà án xét xử. Nhưng hiện nay hàng triệu bà mẹ cố ý phá thai mỗi năm ở Việt Nam, hàng triệu người nông dân dùng các chất độc hại cho nông sản của mình, hàng trăm ngàn người biết rằng bơm chất độc hại vào cá, tôm, heo, gà là gây tổn hại đến sự sống con người nhưng họ vẫn làm. Họ đều là những kẻ sát nhân vô tình hay hữu ý.

Thi sĩ Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, tả đoạn Hoạn Thư biết người chồng của mình là Thúc Sinh tằng tịu với Thuý Kiều, nên sai gia nhân đến bắt nàng về nhà hầu rượu cho hai vợ chồng. Việc này làm cho cả hai nhục nhã, đau khổ khiến Kiều phải than lên rằng: “Giết nhau chẳng cái lưu cầu, Giết nhau bằng cái ưu sầu, độc chưa!”. Lưu cầu là con dao to bản, sắc bén dùng để thái thuốc của các ông lang. Nhưng với những lời cay độc, thái độ khinh thường gây đau khổ cho nhau, nhiều người chúng ta trở thành những kẻ sát nhân vô tình giống như Hoạn Thư.

1.2. Những kẻ giết hại tinh thần con người

Trong thời đại bùng nổ thông tin, người ta dễ dàng tiếp nhận những thức ăn độc hại cho tinh thần mà nhiều người không ngờ tới. Đó là những tin tức sai lạc, truyện phim đồi truỵ, bạo lực, ma quái; những ý thức hệ hoang tưởng, dối trá, sai lầm.

Dân tộc Pháp cách đây 50, 60 năm là một dân tộc hùng mạnh về kinh tế, trổi vượt về văn hoá. Nhưng khi nhiều người Pháp tự hào về Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus với chủ nghĩa hiện sinh vô thần, hô hào sống theo sự chọn lựa của mình, ” cho rằng cuộc hiện sinh của đời người là phi lý, đáng nôn mửa”,  thì kết quả hiện nay là một nước Pháp suy yếu, hỗn độn về nhiều mặt.

Nhiều bạn trẻ yêu nhạc Trịnh Công Sơn với những bản tình ca mượt mà, nhưng họ ít khi để ý đến những suy tư sâu lắng, mang tính bi quan của ông. Bài Cát Bụi là một thí dụ cụ thể:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy.
Cho trăm năm vào chết một ngày.

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xoá bỏ không hay.

Chúng ta cũng cần phải kể thêm cả những thầy dạy những bài chính trị phổ biến ý thức hệ vô thần, duy vật trong các trường lớp hiện nay. Hân Phan, tác giả bài viết “Người Việt Nam hèn hạ” đăng trên Facebook ngày 21/5/2016, đã nhận xét rất đúng, dù lời văn của cô có thể làm ta choáng váng: “Ai từng học luật đều biết, khi quy phạm pháp luật không điều chỉnh được, thì hành vi con người sẽ phải điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức. Pháp luật không theo con người lên giường, vào toa-lét, xuống bếp. Nhưng đạo đức theo ta khắp nơi, tận trong ngõ ngách tâm hồn. Pháp luật cũng không ép ra đạo đức.Chính sự vô thần, vô thánh, không thừa nhận đức tin mà Cộng sản triệt để nhồi nhét từ khi họ nắm được dân tộc này đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ…Vì những người này họ không sợ hoặc họ tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục… thì họ còn sợ gì nữa? Việc gì mà họ không dám làm!”.

Nói thế không phải là chúng ta tự hào là hữu thần, duy tâm đâu. Nhiều người Công giáo miệng cầu Chúa nhưng vẫn đang là những kẻ sát nhân. Chẳng có chủ nghĩa “duy” nào là đúng cả: dù duy vật, duy tâm, duy lý, duy thực, duy nghiệm. Chỉ có sự hài hoà với Thiên Chúa, con người, vạn vật và chính mình mới làm cho con người an vui, hạnh phúc và sống mãi.

2. Những con người phục hồi sự sống toàn diện

Vì thế, người tín hữu Kitô Việt Nam đang được mời gọi trở thành những người phục hồi sự sống toàn diện cho mỗi cá nhân và cho cả dân tộc, nếu chúng ta nhận ra mối nguy cơ huỷ hoại sự sống này.

2.1. Phục hồi người chết

Ngày nay, đối với nhiều người, ngay cả với những linh mục Công giáo, việc hồi sinh kẻ chết bị coi là chuyện hoang đường, dù người ta có thể tin nhận những phép lạ trong quá khứ. Ngày nay phim ảnh trình chiếu các phim hoang tưởng về “Xác sống Zombie”, về “Cương Thi” chứ không tin việc phục hồi người chết.

Lịch sử dân Do Thái kể đến việc tiên tri Elia làm cho con trai bà goá ở Xarepta sống lại bằng việc cầu nguyện và ba lần nằm ấp trên đứa trẻ. Bản văn gợi ý cho chúng ta rằng: muốn phục hồi sự sống phải tìm về nguồn sự sống là Thiên Chúa để cầu xin với Ngài. Con người không phải là chủ sự sống, vì cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tổng hợp được các chất vô cơ để tạo thành một cây cỏ, một con ruồi. Nên bất cứ ai xúc phạm đến sự sống của mình hay của người khác là xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa, đều bị kết án và phải đền tội.

Đức Giêsu, khi phục sinh kẻ chết, lại hành xử như một vị Thiên Chúa: Người chỉ cần truyền lệnh thì tức khắc sự sống được phục hồi nơi chàng thanh niên để chứng tỏ “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16). Người “đi vào” cộng đồng xã hội người sống “cùng với môn đệ và đám đông theo Người” trong khi người ta “đi ra” nghĩa địa, nơi chôn táng kẻ chết, như một dấu hiệu mời gọi chúng ta trở thành những người phục hồi sự sống cho cộng đồng xã hội hiện nay.

2.2. Phải làm gì để phục hồi?

Trước hết, phải theo Chúa Giêsu, kết hợp mật thiết với Người để nhận được tình yêu, quyền năng, ân sủng thì mới có khả năng phục sinh người chết như Phêrô làm cho chị Tabitha, Phaolô làm cho cậu bé Eutiches trong sách Công Vụ hay nhiều chứng nhân khác trong dòng lịch sử.

Tiếp đến là phải có tình yêu thương xót trước những đau khổ, nghèo đói, tật bệnh, chết chóc của con người như Đức Giêsu “chạnh lòng thương” đối với người đàn bà goá bụa mất đứa con trai duy nhất. Nếu chúng ta không nhìn thấy nhân loại đang chết dần chết mòn, để chỉ thấy mình đang sống sung túc, khoẻ mạnh, an lành, thì ta không thể nào dấn thân cho công cuộc phục hồi sự sống.

Tiếp theo là cần phải vượt qua những mặc cảm, định kiến, các nỗi lo sợ để dấn thân vào công cuộc cao cả này như “Đức Giêsu lại gần, sờ vào quan tài” (Lc 7,14). Đây là hành động bị cấm theo luật Do Thái nhưng Đức Giêsu vẫn can đảm thực hiện để nói lên sự dấn thân của Người.

Cuối cùng, cần phải nói lên lời cứu độ, Tin Mừng sự sống bằng việc thở được Thần Khí của Đức Giêsu Kitô. Chỉ bằng Thần Khí ta mới nói được như Chúa Giêsu: Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!(Lc 7,14). Thánh Thần sẽ thúc đẩy ta thể hiện lời cứu độ thành những hành động cụ thể, thiết thực để phục hồi sự sống. Đó có thể là việc chỉ sản xuất hàng an toàn, chỉ nghĩ điều tốt đẹp, nói lời chân thật, làm việc nhân nghĩa, yêu thương đến cùng. Đức Giêsu là Thiên Chúa luôn hiện diện sẽ ghi nhận tất cả sự cố gắng của ta và biến đổi chúng thành phép lạ của Người.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu, người phục hồi và thăng hoa sự sống của muôn loài trong thời đại hiện nay.