24/12/2024

Lòng trắc ẩn của Thiên Chúa

Tháng Sáu, theo truyền thống, được dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là cách biểu lộ tuyệt hảo nhất về mặt con người tình yêu của Thiên Chúa.

 Lòng trắc ẩn của Thiên Chúa

Huấn từ của ĐTC Phanxicô khi đọc Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật X Thường Niên, 9/6/2013

Anh chị em thân mến,

Xin chào buổi sáng! Tháng Sáu, theo truyền thống, được dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là cách biểu lộ tuyệt hảo nhất về mặt con người tình yêu của Thiên Chúa. Thật thế, vào Thứ Sáu vừa qua, chúng ta đã cử hành lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, và ngày lễ này mang âm hưởng cho cả tháng. Lòng đạo đức bình dân đề cao giá trị của các biểu tượng, và Trái Tim Chúa Giêsu là biểu tượng tuyệt vời về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng đây không phải là một biểu tượng tưởng tượng, mà là một biểu tượng thật sự biểu thị trọng tâm, nguồn mạch, mà từ đó ơn cứu độ tuôn trào cho toàn thể nhân loại.

Trong các Phúc Âm, chúng ta tìm thấy các quy chiếu khác nhau về Trái Tim Chúa Giêsu. Chẳng hạn có một trích đoạn mà qua đó chính Đức Kitô đã nói: “Hãy đến với Tôi, tất cả anh em là những người lao nhọc và gồng gánh nặng nề, Tôi sẽ cho anh em được nghỉ ngơi. Hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,28-29). Bài tường thuật của Gioan về cái chết của Đức Kitô là cơ bản nhất. Thật thế, vị Thánh sử này làm chứng cho điều mình đã thấy trên đồi Can Ve, nghĩa là, khi Đức Giêsu đã chết, một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và từ vết thương này, máu và nước đã chảy ra (x. Ga 19,33-34). Qua dấu chỉ bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên này, Gioan đã nhận thấy lời các Tiên tri đã được ứng nghiệm: Từ Quả Tim của Đức Giêsu, Con Chiên chịu sát tế trên Thánh giá, đã tuôn trào ơn tha tội và sự sống cho mọi người.

Nhưng lòng nhân từ của Đức Giêsu không chỉ là một cảm xúc, mà là một sức mạnh mang lại sự sống, phục sinh con người! Đó cũng là điều bài Phúc Âm hôm nay, trong giai thoại về bà goá làng Naim, nói cho chúng ta (x. Lc 7,11-17). Cùng với các môn đệ của mình, Đức Giêsu đến Naim, một ngôi làng tại Galilê, ngay đúng lúc một đám tang đang đi qua. Người ta đem một thanh niên, đứa con duy nhất của một bà goá, đi mai táng. Ngay lúc đó, cặp mắt của Đức Giêsu nhìn thẳng vào người mẹ đang đầm đìa nước mắt. Thánh sử Luca nói: “Và khi Chúa thấy bà, Người động lòng cảm thương bà” (c. 13). “Lòng trắc ẩn” này là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, đó là lòng nhân từ, nghĩa là thái độ của Thiên Chúa khi tiếp xúc với cảnh khốn cùng của con người, với cảnh cơ cực của chúng ta, với nỗi đau khổ của chúng ta, với nỗi thống khổ của chúng ta. Từ “lòng trắc ẩn” trong Kinh Thánh làm cho chúng ta nhớ lại dạ của người mẹ. Thật thế, người mẹ cảm thấy một phản ứng đặc biệt khi đối diện với sự đau khổ của con cái mình. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng yêu chúng ta như thế đó.

Đâu là kết quả của tình yêu, của lòng nhân từ này? Đó là sự sống! Đức Giêsu nói với bà goá làng Naim: “Thôi đừng khóc nữa” và rồi Người gọi cậu con trai đã chết và đánh thức cậu dậy như thể từ một giấc ngủ (x. c. 13-15). Chúng ta hãy suy nghĩ về điểm này. Điều này thật đẹp biết bao: lòng nhân từ của Thiên Chúa mang lại sự sống cho con người, cho con người sống lại từ trong cái chết. Chúa luôn đưa mắt nhân từ nhìn chúng ta, Ngài nhân từ chờ đợi chúng ta, chúng ta đừng quên điều đó. Đừng sợ tiến lại gần Người! Người có một quả tim nhân hậu! Nếu chúng ta chỉ cho Người thấy những vết thương nội tâm của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, thì Người sẽ luôn tha thứ cho chúng ta. Người là lòng nhân từ thuần tuý. Chúng ta hãy đi đến với Đức Giêsu!

Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria: Quả Tim Vô Nhiễm của Mẹ, một quả tim của người mẹ, đã chia sẻ một cách sâu xa nhất “lòng trắc ẩn” của Thiên Chúa, đặc biệt trong giờ phút thương khó và tử nạn của Đức Giêsu. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống hiền lành, khiêm nhường và nhân từ đối với anh em chúng ta.