23/12/2024

Sự ghi nhớ, lời tiên tri và niềm trông cậy

VATICAN – Trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ hai, 30.05, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào chủ đề về sự hợp nhất năng động trong đời sống Kitô hữu gồm 3 yếu tố. Đó là sự ghi nhớ, lời ngôn sứ và niềm trông cậy.

 Sự ghi nhớ, lời tiên tri và niềm trông cậy

 

 
VATICAN – Trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ hai, 30.05, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào chủ đề về sự hợp nhất năng động trong đời sống Kitô hữu gồm 3 yếu tố. Đó là sự ghi nhớ, lời ngôn sứ và niềm trông cậy.

Những chia sẻ của Đức Thánh Cha được khởi đi từ Bài Phúc Âm theo Thánh Marcô, thuật lại việc Đức Giêsu dùng dụ ngôn những tá điền sát nhân mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. Các tá điền đã chống lại ông chủ vườn nho, người đã cho rào giậu chung quanh vườn, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh, rồi trao cho họ canh tác. Nhưng các tá điền đã quyết định nổi loạn; nhục mạ, đánh đập và giết chết người đầy tớ thứ nhất được ông chủ sai đến để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải trả. Tấn kịch đã đạt đến cao trào khi họ giết chết chính người con một của ông chủ. Họ tin tưởng cách mù quáng rằng khi làm như thế họ có thể chiếm được quyền thừa kế gia tài.

Lý lẽ nguỵ biện và tự do

“Việc sát hại những đầy tớ và kể cả người con một của ông chủ – mà theo Thánh Kinh, đó chính là các tiên tri và Đức Kitô – cho thấy rằng người ta đã tự đóng mình lại, không hề biết mở ra với lời đoan hứa của Thiên Chúa. Đó là một dân không biết chờ đợi đến ngày lời hứa được thực hiện: một dân không biết nhớ, không có ngôn sứ và không có niềm trông cậy. Đặc biệt, những thủ lãnh của dân lại thích thú với việc dựng lên những tường thành của lề luật, một hệ thống toà án đóng kín; ngoài ra, chẳng còn gì nữa.

Những ký ức không đáng bận tâm. Còn đối với các ngôn sứ ư? Tốt hơn là họ đừng xuất hiện. Niềm trông cậy cũng không cần nhắc đến. Hệ thống mà các thượng tế, kinh sư và kỳ mục hợp thức hóa cho mình là luôn đi theo con đường với những lý lẽ nguỵ biện và không hề dành chỗ cho sự tự do của Thánh Thần. Họ không nhận ra hồng ân của Thiên Chúa, quà tặng của Thánh Thần. Họ giam hãm Thần Khí, vì không muốn lắng nghe các tiên tri trong niềm hy vọng.

Đây chính là hệ thống tôn giáo mà Đức Giêsu nói đến. Một hệ thống – như bài đọc một có nói – của sự hư đốn, của tinh thần thế gian và của dục vọng.”

Sự ghi nhớ giúp chúng ta tự do

Đức Thánh Cha tiếp tục nói: “Chính Đức Giêsu cũng đã bị cám dỗ lãng quên sứ mạng của mình, từ bỏ con đường ngôn sứ và thích yên ổn an toàn hơn là dấn thân vào những hoàn cảnh bấp bênh cần đến niềm trông cậy. Đức Giêsu đã chiến đấu với 3 cám dỗ này trong hoang địa.

Đối với dân Do Thái, vì biết được cám dỗ nơi chính bản thân mình nên Đức Giêsu mới sửa dạy họ: ‘Các ông cất công đi nửa vòng trái đất để tìm một người theo đạo. Khi tìm thấy rồi, các ông lại biến người ấy thành nô lệ.’

Họ đã đóng chặt mình lại. Và Giáo hội quá chặt chẽ, cứng ngắc sẽ biến người ta thành nô lệ. Qua đó, chúng ta có thể hiểu Thánh Phaolô đã phản ứng thế nào khi ngài nói về sự nộ lệ dưới ách lề luật và sự tự do mà ân sủng mang lại. Một dân tự do, một Giáo hội rộng mở, khi biết ghi nhớ, khi có chỗ dành cho các ngôn sứ và khi không đánh mất đi niềm trông cậy.”

Một con tim rộng mở hay đóng kín

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vườn nho được rào giậu kỹ lưỡng xung quanh chính là hình ảnh của Dân Thiên Chúa, là hình ảnh của Giáo hội và cũng là hình ảnh của linh hồn chúng ta. Thiên Chúa Cha luôn hết mực quan tâm, chăm sóc cho khu vườn ấy với tất cả tình yêu và sự dịu dàng. Nổi loạn chống lại Thiên Chúa, như các tá điền sát nhân, chính là đã lãng quên đi những hồng ân được nhận lãnh nơi Ngài. Trong khi để ghi nhớ và không đi lầm đường lạc lối thì phải quay trở về với những điều căn bản sau:

“Tôi có nhớ những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời tôi hay không? Tôi có thể ghi nhớ những quà tặng của Thiên Chúa không? Tôi có dám mở lòng ra với các ngôn sứ khi họ mời gọi tôi: Đừng dừng lại nhưng hãy tiến về phía trước. Đừng sợ nguy hiểm, đừng ngại rủi ro? Tôi mở lòng ra hay tôi sợ hãi? Và phải chăng tôi muốn đóng mình lại với sự giam hãm của lề luật? Tôi có trông cậy vào lời đoan hứa của Thiên Chúa như tổ phụ Abraham đã làm không? Ngài đã từ bỏ quê hương, đi đến một nơi chẳng hề biết, chỉ vì ngài một lòng trông cậy nơi Chúa. Bởi thế, sẽ thật hữu ích nếu chúng ta hãy tự tra vấn bản thân mình với những câu hỏi này.”

 
 

Vũ Đức Anh Phương, SJ