23/01/2025

ĐHY Woelki cử hành Thánh lễ trên một con thuyền của người di cư

Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám mục Köln (nước Đức), đã cử hành Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hôm thứ năm 25 tháng 5 vừa qua trên một con thuyền của người di cư mà ngài đã mua lại và đặt tại sân trước cửa chính nhà thờ chính toà. Dùng con thuyền của người di cư làm bàn thờ dâng lễ, đó là ý tưởng độc đáo của Đức Tổng Giám mục Köln.

 ĐHY Woelki cử hành Thánh lễ trên một con thuyền của người di cư

 

 

 

WHĐ (31.05.2016) – Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám mục Köln (nước Đức), đã cử hành Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hôm thứ năm 25 tháng 5 vừa qua trên một con thuyền của người di cư mà ngài đã mua lại và đặt tại sân trước cửa chính nhà thờ chính toà.

Dùng con thuyền của người di cư làm bàn thờ dâng lễ, đó là ý tưởng độc đáo của Đức Tổng Giám mục Köln.

Con thuyền bằng gỗ này dài 7m, đã trôi dạt trên Địa Trung Hải cách nay mấy năm. Thuyền chở khoảng 100 người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh tại Lybia và được hải quân Malta cứu vớt. Đức Tổng Giám mục Köln cho biết: “Chúng tôi đã mua lại con thuyền này.”

Với hành động khác thường này, Đức Hồng y Woelki, 59 tuổi, nổi tiếng là người ăn nói thẳng thắn và luôn ủng hộ chính sách di dân của bà Thủ tướng Angela Merkel, muốn tưởng nhớ hàng ngàn người tị nạn chết đuối trên Địa Trung Hải khi tìm cách tới các bờ biển châu Âu. Trước các tín hữu tập họp trước nhà thờ chính toà, Đức Hồng y Woelki kêu gọi phải dấn thân hơn nữa vì những người tị nạn.

Đức Kitô cũng ở trên thuyền


“Để mặc người ta chết đuối trên Địa Trung Hải cũng có nghĩa lả để mặc Thiên Chúa chết đuối. Hàng ngàn lần mỗi ngày”, là lời của Đức Hồng y Woelki được tờ nhật báo địa phương Kölner Stadt-Anzeiger trích lại. “Kẻ gây đau khổ cho người sống trong các trại đến độ phải bỏ mạng cũng làm Thiên Chúa đau khổ đến độ phải chết, hàng ngàn và hàng ngàn lần.”

Theo Đức Hồng y Woelki, “Đức Kitô tự đồng hoá mình với những con người này đến độ Người cũng có mặt trên thuyền. Và chúng ta, tại vùng đất châu Âu giàu có, chúng ta có bổn phận đem lại cho những con người này một cuộc sống mới trong hoà bình, những cái nhìn mới về tương lai. Người ta sẽ còn tiếp tục tới nữa vì nguyên nhân khiến họ phải chạy trốn vẫn còn đó. Họ sẽ tới, nhưng bằng các con đường khác, còn nguy hiểm hơn.”

(La Croix)

 
 

 

Mai Tâm