23/01/2025

Trung Quốc huỷ hoại rừng khắp thế giới

Nhu cầu gỗ tự nhiên của Trung Quốc đang khiến nhiều cánh rừng trên khắp thế giới biến mất với tốc độ chóng mặt.

 

Trung Quốc huỷ hoại rừng khắp thế giới

 

Nhu cầu gỗ tự nhiên của Trung Quốc đang khiến nhiều cánh rừng trên khắp thế giới biến mất với tốc độ chóng mặt.

 

 

 

 

Trung Quốc hủy hoại rừng khắp thế giới
Các công dân Trung Quốc bị đưa ra toà ở Myitkyina, thủ phủ bang Kachin, phía bắc Myanmar, hồi tháng 6-2015 vì tội phá rừng – Ảnh: Reuters

 

 

Trong một thông điệp báo động từ châu Phi cách đây hai ngày, cựu bộ trưởng môi trường Senegal Haidar El Ali, người đứng đầu Tổ chức Oceanium, cảnh báo đến năm 2018 vùng rừng rậm Casamance thuộc miền nam Senegal “sẽ không còn một bóng cây” nếu các hoạt động khai thác gỗ lậu bán cho Trung Quốc không bị ngăn chặn.

Tại cuộc họp báo ở thành phố Dakar, ông El Ali nhấn mạnh hoạt động phá rừng ở nước này đã chạm ngưỡng “không thể quay đầu lại”.

Yếu tố Trung Quốc

Theo AFP, những hình ảnh thu thập được của Tổ chức Oceanium tại khu vực biên giới Senegal – Gambia cho thấy dân khai thác gỗ lậu người địa phương đang giao dịch với các tay trung gian người Trung Quốc.

Do địa hình rừng rộng lớn cộng với sự kiểm soát lỏng lẻo tại khu vực này, gỗ bị đốn thoải mái ở Senegal rồi được chở sang Gambia để xuất đi Trung Quốc. Món hàng được thương lái Trung Quốc săn lùng và trả giá cao chính là gỗ tử đàn, hay còn gọi là gỗ sưa đỏ.

“Senegal đã mất hơn 3 triệu cây xanh từ năm 2010 trong khi các tay gỗ lậu người Gambia bỏ túi 238 triệu USD nhờ bán gỗ cho Trung Quốc phục vụ nhu cầu chế tác đồ nội thất bùng nổ trong những năm gần đây” – cựu bộ trưởng El Ali dẫn số liệu.

Dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy Gambia là nhà xuất khẩu gỗ sưa lớn thứ hai vào đại lục trong năm 2015, chỉ sau “quán quân” Nigeria – nước xuất đi nhiều gấp bốn lần!

Món lời từ bán gỗ hấp dẫn đến nỗi có những người Senegal đã nhập cư vào châu Âu quyết định chạy ngược về quê hương để tham gia phá rừng, ông El Ali kể.

Theo Tổ chức Forest Watch, vùng Casamance của Senegal chỉ còn lại 30.000ha rừng, trong khi 10.000ha đã “ra đi”.

Nhưng Senegal chỉ là một phần của bức tranh lớn. Theo Africa News, Tổ chức Hòa bình xanh cáo buộc Trung Quốc là “nhân tố chính” đằng sau các hoạt động phá rừng bất hợp pháp ở lưu vực sông Congo – vùng rừng rậm lớn thứ hai thế giới, trải dài từ Angola, Burundi, Cameroon, CH Trung Phi, Congo, Gabon, CHDC Congo và Rwanda.

Thống kê ghi nhận con số 3 triệu m3 gỗ đã rời khu vực này để đến các thành phố ở Trung Quốc mỗi năm, trong đó một khối lượng đáng kể là gỗ lậu.

Vừa qua, một nhà xuất khẩu gỗ lớn của Cameroon – Công ty La Socamba – bị nhà chức trách “điểm mặt” và tiến hành thanh tra vì hoạt động xuất gỗ lậu đi châu Âu và Trung Quốc.

Điều tra của Hoà bình xanh tại Trung Quốc giai đoạn tháng 7-2014 đến tháng 3-2015 cho thấy sự hiện diện của một lượng lớn gỗ lậu tại cảng Zhangjiagang, tỉnh Giang Tô, trong đó một số đóng thương hiệu La Socamba.

“Xuất khẩu” phá rừng

Theo InsideClimate News (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thông tin về môi trường), có một nghịch lý là trong khi lệnh cấm phá rừng Trung Quốc áp dụng 16 năm qua dẫn đến sự gia tăng diện tích rừng tại nước này (hơn 46.000 dặm vuông trong giai đoạn 2000-2010), nhưng điều này lại đẩy nhanh hơn quá trình tận diệt cây xanh ở những nơi khác, trong đó có Đông Nam Á và châu Phi, để đáp ứng nhu cầu của chính Trung Quốc.

Bắc Kinh đã chi 14 tỉ USD cho chương trình bảo vệ rừng quốc gia chỉ trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, nhưng mặt khác nước này cũng trở thành nhà nhập khẩu gỗ lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng 40% nhu cầu về gỗ, và trong tư cách người mua, các công ty Trung Quốc chẳng lo lắng mấy chuyện bảo vệ môi trường ở nước khác.

Theo tổ chức học giả Chatham House của Anh, số gỗ lậu Trung Quốc mua ở nước ngoài đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2000-2013, lên hơn 31 triệu m3.

Những thiệt hại được ghi nhận chủ yếu ở các nước nghèo đang phát triển. Chẳng hạn thương lái Trung Quốc mua đến 90% lượng gỗ xuất khẩu của Mozambique, một nửa trong đó thuộc diện gỗ rừng tự nhiên.

Năm 2013, Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) báo động tình trạng phá rừng ở vùng Viễn Đông của Nga đã chạm mức “khủng hoảng” sau khi phát hiện các cánh rừng sồi nước này đang bị triệt hạ nhiều gấp đôi mức cho phép để bán cho Trung Quốc.

Cùng năm, xuất khẩu gỗ sưa từ Myanmar cho Trung Quốc cũng tăng gấp ba lần mặc cho lệnh cấm. Với tốc độ này, người ta dự đoán loài cây này sẽ bị tuyệt chủng ở Myanmar vào năm 2017.

Trong khi các nước châu Âu như Anh, Bỉ, Hà Lan đặt ra những quy định nhập khẩu gỗ tương đối nghiêm khắc, đặc biệt là khâu khai báo nguồn gốc xuất xứ, ở Trung Quốc mọi thứ đều dễ dàng và thậm chí còn “được tạo điều kiện”.

Myanmar từng tuyên án 153 người Trung Quốc vì tội phá rừng ở khu vực biên giới năm 2015 nhưng Bắc Kinh phản đối dữ dội đến mức Myanmar phải thả tất cả họ.

Suifenhe Xingjia Group – một doanh nghiệp Trung Quốc từng bị cáo buộc xuất gỗ lậu của Myanmar vào Mỹ và có dây dưa với mafia Nga – cũng không gặp chút rắc rối pháp lý nào với chính quyền dù đối tác của họ ở Mỹ bị phạt đến 13,2 triệu USD.

Rừng Amazon cầu cứu

Theo The Globalist, ảnh hưởng của Trung Quốc trong vấn nạn tàn phá rừng Amazon tại Brazil thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là việc khai thác gỗ và khoáng sản.

Một yếu tố khác ít được nhắc tới nhưng cũng góp phần khiến rừng Amazon “chảy máu” là nhu cầu về đất canh tác để cung cấp đậu tương, thịt bò cho Trung Quốc.

Đi kèm với nhu cầu này là các công trình hạ tầng kết nối trung tâm Mỹ Latin với khu vực bờ biển để vận chuyển hàng hoá – tất cả đều dẫn đến phá rừng.

Xuất khẩu nông sản của Brazil vào Trung Quốc – đặc biệt là đậu tương – đã tăng đột biến kể từ năm 2003. Tuy nhiên, “thành quả” này tác động nghiêm trọng đến môi trường trong khi chẳng cải thiện được các yếu tố về phát triển con người – sai lầm mà nhiều nước xuất khẩu như Brazil hiện nay đang mắc phải.

Cán cân xuất – nhập chênh lệch (nông sản thô so với hàng hoá đã qua sản xuất) giữa Brazil và Trung Quốc còn dẫn đến việc Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng đối với chính sách môi trường của quốc gia Nam Mỹ này.

MINH TRUNG