06/11/2024

Tới phủ chúa và rao giảng Phúc âm

Chúng tôi đến xứ Đàng Ngoài lần đầu tiên vào đúng ngày lễ thánh Giuse, vào tới phủ chúa là ngày lễ Đức Trinh Nữ và Nữ vương Thiên quốc.

 Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes:

Tới phủ chúa và rao giảng Phúc âm

 

Chúng tôi đến xứ Đàng Ngoài lần đầu tiên vào đúng ngày lễ thánh Giuse, vào tới phủ chúa là ngày lễ Đức Trinh Nữ và Nữ vương Thiên quốc.




Bữa cơm trong một trường Thiên Chúa giáo xưa ở Nam Định  /// Ảnh: T.L

Bữa cơm trong một trường Thiên Chúa giáo xưa ở Nam ĐịnhẢNH: T.L


Chịu ơn lương dân
Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1627, chúng tôi vào phủ chúa và kinh thành Kẻ Chợ, tháp tùng chúa, đồng hành với chúa sau khi đi giao chiến với Đàng Trong về. Thực ra nếu chúa vắng mặt lâu hơn trong nước thì ngụy quân đã tước hết những lực lượng chính yếu của chúa và nhân cơ hội này có thể thu được thắng lợi, đồng thời lấy lại bốn tỉnh xưa kia bị chiếm giữ. Nguỵ quân đã huy động một số lớn thuyền chiến và quân sĩ, đánh phá vùng lãnh thổ thịnh vượng nhất trong nước mà chúng tôi đã đến. Vì thế đây là nguyên nhân của một niềm vui chung rất lớn trong toàn cõi: dân chúng tất cả đều ra khỏi phủ đi nghênh đón chúa, họ rước chúa như người thắng trận trở về và hoan hô theo ngài cho tới cung điện.
Chúng tôi theo vào phủ và ở trong đám người toàn thắng trở về, nhưng không biết sẽ cư trú ở đâu vì trong kinh thành chưa có ai trở lại làm giáo dân để cho chúng tôi trọ. Thế nhưng Thiên Chúa đã đánh động lòng một lương dân tên là Măn tai. Ông quý trọng chúng tôi và trước hết không cần kiểu cách ông dành nhà ông cho chúng tôi để chúng tôi lui về đó và thừa hành chức vụ, cho tới khi chúa ban cho chúng tôi một nơi ở, theo mối thịnh tình của ngài đối với chúng tôi thì chúng tôi có thể hy vọng thế. Thật là lạ lùng, viên quan này quý mến tất cả những công việc của chúng tôi. Ông còn dọn bàn thờ để chúng tôi dâng thánh lễ. Ông kiên trì nghe bài giáo lý và bài giảng. Ông còn muốn cho vợ ông và tất cả gia nhân (sau khi được dạy dỗ về đức tin của đạo ta) thì xin chịu phép rửa tội, còn ông thì không, vì chưa đủ sẵn sàng, còn vướng mắc một vài điều nên ông chưa đủ can đảm. Ông luôn luôn cam đoan rằng ông sẽ chưa chết khi chưa được chịu phép thánh tẩy, ông chỉ xin khất tới thời gian khác mà thôi.
Thế là ông nuôi niềm tin tưởng và ao ước của những kẻ mong muốn nhận điều lành, muốn cởi bỏ những dây trói buộc tự do tín ngưỡng. Ông phiêu lưu trong công việc cứu rỗi vì không thể nắm chắc ơn Thiên Chúa trong thời gian đó, ơn mà ông vẫn lần lữa đợi chờ. Nhưng Thiên Chúa nhân hậu nhận lời cầu nguyện của vợ con ông và có lẽ nhờ vào việc bác ái trọng khách ông đã tận tâm làm, mà Thiên Chúa đã chờ ông mười năm sau khi ông ngã bệnh. Vợ ông, một bà nhân đức tên là Agata liền cho chúng tôi hay, thế là chúng tôi rất sẵn sàng và vui vẻ đến ngay để giúp ông lần cuối cùng, bù đắp lại ơn chúng tôi đã được. Thấy ông đã sẵn sàng chịu phép rửa tội vì đã đuổi ra khỏi nhà mọi ngăn trở chính yếu không cho ông trở lại với Thiên Chúa, hơn nữa từ lâu ông đã hiểu biết mọi sự mầu nhiệm và các điều về đức tin, chúng tôi rửa tội cho ông và đặt tên là Gioan. Sau đó không lâu ông đã tắt thở và hạnh phúc (như chúng tôi hy vọng) bước qua đời này về đời hằng sống và hoan hỉ.
Làm phép rửa tội em gái chúa
Vừa được tin chúng tôi tới phủ và đã ra nhà ở, thì rất đông người thuộc mọi tầng lớp tuôn đến. Chúng tôi rất khó nhọc mới làm hài lòng tất cả. Người nổi bật nhất và cũng là người thứ nhất trong đám người chịu phép rửa tội và nhận đức tin, chính là bà em gái của chúa. Bà rất thông chữ Hán lại rất giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Catarina vì bà giống như thánh nữ, về nhiệt tâm cũng như về đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sự sang trọng của dòng họ. Thế là bà nhanh nhẹn thông báo cho cụ thân mẫu ơn Thiên Chúa đã ban cho bà và đưa bà vào đạo Kitô. Thật là một thu phục rất quan trọng của giáo đoàn mới khai sinh này. Vì bà rất tinh thông Hán học và trước đây bà rất sùng đạo cho nên các vị sãi gọi bà là thầy nghĩa, là bậc tôn sư, vì khả năng bà có để giáo huấn kẻ khác. Bây giờ bà thay đổi đạo nên cũng thay đổi chức vụ, bà chuyên chú giáo huấn các bà còn trẻ về phong cách và đạo đức Kitô giáo.
Bà Catarina rất ham mê học, tìm tòi sự hiểu biết và suy ngẫm mầu nhiệm và vì bà rất giỏi về thơ bản xứ nên soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Kitô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, phục sinh và lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối bài thơ, một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Phúc âm. Tác phẩm này rất có ích vì không những giáo dân tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân khi ca hát và thích thú về lời ca dịu dàng thì cũng học biết những mầu nhiệm và chân lý đức tin.

 

Alexandre De Rhodes 
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)