05/11/2024

Ngó bần, mù u… biến thành học cụ

Ở Vĩnh Long, gần 10 năm nay có một cô giáo ở xã nghèo đã tự mày mò biến cây trái miệt sông nước như ngó bần, mù u, dừa khô, tre, cau… thành kho học cụ đậm chất dân dã, mộc mạc hồn quê phục vụ trẻ ở các trường mầm non.

 

Ngó bần, mù u… biến thành học cụ

 

Ở Vĩnh Long, gần 10 năm nay có một cô giáo ở xã nghèo đã tự mày mò biến cây trái miệt sông nước như ngó bần, mù u, dừa khô, tre, cau… thành kho học cụ đậm chất dân dã, mộc mạc hồn quê phục vụ trẻ ở các trường mầm non.

 

 

 

 

Ngó bần, mù u... biến thành học cụ
Đồ chơi bằng nguyên liệu “cây nhà lá vườn” của cô Vân đã tạo sự hứng thú nơi trẻ… – Ảnh: Minh Tâm

 

 

Đó là cô Vinh Thị Cẩm Vân – giáo viên Trường mầm non Tân Mỹ, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh 
Vĩnh Long.

Sáng, tại lớp chồi, cô Vân bày những đồ chơi mà mình tự làm như bưởi, khóm, chùm nho, dưa leo, mướp, cà… bởi tiết học hôm ấy có chủ đề “thực vật”. Tất cả học cụ đều sống động, đẹp như thật từ màu sắc đến hình dáng khiến trẻ thích thú tranh nhau mỗi bé chọn một món.

Cầm trên tay trái bưởi, cô đố lớp: “Bưởi có màu gì, mùi vị như thế nào?”.

Lớp: “Dạ, bưởi màu xanh, có trái chua và có trái ngọt ạ”.

Cô mở rộng: “Bưởi có nhiều vitamin C hỗ trợ tốt cho tiêu hóa. Ở tỉnh Vĩnh Long của chúng ta có bưởi Năm Roi ngon nổi tiếng”…

Cứ vậy, với học cụ trực quan sinh động, cô đưa bọn trẻ đi từ hiểu biết này đến hiểu biết khác…

“Mỗi khi nhận được ánh mắt rạng ngời, thích thú của bọn trẻ khi cầm đồ chơi mới là tôi cảm thấy rất hạnh phúc, thấy công sức của mình được đền bù xứng đáng…
Cô Cẩm Vân

Sáng tạo để trẻ hứng thú đến trường

Cô Vân nhớ lại ngày ra trường được phân công về quê nhà dạy ở điểm trường lẻ, chỉ có một lớp học lợp lá liêu xiêu, 28 em nhưng chỉ lèo tèo vài trái bóng nhựa nên chơi riết rồi trẻ chán, không thích đến lớp.

Trong khi đó mỗi lần vận động trẻ ra lớp, có cha mẹ không chịu bởi cho rằng học không đẻ ra tiền. Vì vậy nếu trẻ không muốn đến lớp là phụ huynh nhân cơ hội đó cho trẻ nghỉ học.

Điều đó khiến cô Vân cứ đau đáu làm sao có nhiều học cụ kích thích sự hứng thú, khám phá nơi trẻ để trẻ vui 
bước đến trường…

Trong một lần đi qua phà, nhìn thấy cây bần mọc đầy sông quê, cô chợt nhớ ông bà hay dùng ngó bần làm nút chai. Điều này khiến cô bật lên ý nghĩ có thể dùng ngó bần làm học cụ, bởi ngó bần to dày nên dễ dàng gọt giũa tạo hình dáng sản phẩm như ý muốn. Đây cũng là loại cây dễ tìm hiện diện đầy ở bãi sông quê.

Vậy là cứ hết giờ dạy, cô xuống mé sông chặt ngó bần đem về, ngồi tẩn mẩn gọt giũa thành hình trái thanh long, củ khoai, con cá… Xong, cô mua nước sơn về phủ lên rồi đem phơi khô.

Khi đem sản phẩm vô lớp, lần đầu tiếp xúc với rất nhiều đồ chơi, khỏi nói trẻ mừng rỡ cỡ nào. Tiết học trở nên sôi động, hào hứng.

Thế là hôm nào cũng vậy, bọn trẻ tò mò, thích thú dán mắt nhìn vào giỏ xách của cô rồi hỏi: “Cô ơi! Hôm nay có đồ chơi mới không cô?”.

Và kể từ dạo đó, trẻ tự nguyện đến lớp đầy đủ, chả bù với trước đây cô phải đến nhà thuyết phục, năn nỉ mà chưa chắc trẻ chịu đi học…

Phả hồn tạo dáng cho học cụ

Cái tâm vì học sinh còn khiến cô nhìn thấy cả kho nguyên liệu “cây nhà lá vườn” khác như trái mù u, gáo dừa, mo cau, cây tre, cây trúc… để biến chúng thành vô số học cụ.

Cô lên kế hoạch: ngó bần thì xuống sông chặt, chở về. Còn trái mù u, cau, mo cau, gáo dừa thì cô đi lượm hoặc đi xin. Riêng tre, trúc cô chịu khó trồng ở khoảnh đất nhỏ cạnh nhà.

Với sự tìm tòi, sáng tạo của mình, cô đã tạo ra vô số đồ chơi bắt mắt như búp bê, bộ xâu hạt, bươm bướm, bộ ghép hình… Đặc biệt là bộ dụng cụ âm nhạc được làm bằng dừa như đàn, phách… đã khiến kho đồ chơi đậm chất dân dã, mộc mạc hồn quê thêm đa dạng, phong phú hơn…

Ngoài ra, cô Vân cũng “phù phép” để những vật phế thải như vỏ nắp chai, giấy vụn, que kem… “tái sinh” thành món đồ hữu dụng như con ong, túi xách, áo đầm, ngôi nhà, trường học, chảo chống dính, bộ bàn ghế…

Ngày nào cũng vậy, hết giờ dạy là cô ngồi làm đến khuya. Đồ chơi do cô tạo ra sống động, nhìn vào như thật đến nỗi nhiều đứa trẻ đưa trái mận, dưa leo… lên miệng cắn ăn, ê cả răng mới biết là giả.

Cô Vân tâm sự: “Để được như trên, tôi phải trầy trật làm lên làm xuống rất nhiều lần. Từ khâu gọt giũa tạo hình đòi hỏi phải chính xác, nếu không sản phẩm sẽ thô. Công đoạn sơn cũng rất quan trọng, từ những màu sơn truyền thống phải phối hợp hài hoà để nâng thành nhiều màu sơn khác nhau. Phải tỉ mỉ đến từng li, nếu không sự chuyển màu sẽ hỏng”.

Việc cô giáo mày mò sáng tạo đồ chơi cho học sinh đã tác động đến phụ huynh. Nhiều người cùng hoan hỉ tiếp sức. Ngày nào cũng có phụ huynh đem nguyên liệu đến, người thì đem ngó bần, người mang dừa, người đem trái mù u.

Chẳng hạn ông Thạch Du có hai con đều học lớp cô Vân, mỗi lần chở cả bao ngó bần đến tận nhà cô. Hay chị Nguyễn Thị Bó chở dừa khô, dừa điếc đến trường…

Từ nguồn nguyên liệu dồi dào này, cô đã thả sức phả hồn tạo dáng cho hàng chục nghìn món đồ chơi của hàng trăm loại học cụ với đủ kích cỡ, hình dáng được sắp xếp theo các chủ đề: gia đình, ngành nghề, động vật, hiện tượng tự nhiên…

Khó khăn nhưng vẫn dồn hết tâm trí

Bà Giang Thị Hoàng Nương, chuyên viên Phòng giáo dục – đào tạo của huyện Trà Ôn, cho biết: “Những học cụ do cô Vân sáng chế đã giúp cô nhận được nhiều giải thưởng trong cuộc thi đồ dùng dạy học ở nhiều cấp.

Đồ dùng dạy học của cô màu sắc rõ ràng, đẹp mắt, dễ quan sát, kích thích sự hứng thú, trải nghiệm, khám phá nơi trẻ. Cô tận dụng nguyên vật liệu dễ tìm, rẻ tiền và có sẵn ở địa phương.

Nhiều giáo viên trường mầm non ở các xã như Trà Côn, Vĩnh Xuân, Hựu Thành… đã đến tham quan học hỏi về áp dụng cho trường mình.

Điều đáng trân trọng ở đây chính là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng cô Vân vẫn dồn hết tâm sức và thời gian cho việc sáng tạo học cụ…”.

MINH TÂM