25/12/2024

Thái Lan đóng mỏ vàng lớn nhất nước vì môi trường

Thái Lan sẽ đình chỉ khu phức hợp khai khoáng lớn nhất tại nước này vì lo ngại ảnh hưởng xấu về môi trường và sức khoẻ người dân.

 

Thái Lan đóng mỏ vàng lớn nhất nước vì môi trường

Thái Lan sẽ đình chỉ khu phức hợp khai khoáng lớn nhất tại nước này vì lo ngại ảnh hưởng xấu về môi trường và sức khoẻ người dân.




Quặng vàng được chuyển đi xử lý tại mỏ Chatree	 /// Reuters

 

Quặng vàng được chuyển đi xử lý tại mỏ ChatreeREUTERS


Theo thông báo của Bộ Công nghiệp Thái Lan, Công ty khai khoáng Akara Resources của Úc được phép duy trì hoạt động tại khu mỏ Chatree từ đây đến cuối năm, sau đó phải đóng cửa và tiến hành cải tạo môi trường.
Mỏ Chatree có diện tích 192 ha, trải rộng tại 2 tỉnh Phichit và Phetchabun, nằm cách thủ đô Bangkok 280 km về phía bắc. Đây là mỏ vàng lớn nhất Thái Lan, có khả năng sản xuất gần 4 tấn vàng, hơn 28 tấn bạc/năm. Kingsgate, tập đoàn mẹ của Akara Resources, tuyên bố kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2001, Chatree đã mang về doanh thu 52 tỉ baht (1,5 tỉ USD). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, khu mỏ này cũng hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ các nhà hoạt động môi trường và cộng đồng dân cư địa phương. Theo họ, tình trạng xả thải và khai thác không đúng quy định đã khiến môi trường và người dân bị nhiễm độc kim loại nặng, xyanua.
Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Atchaka Sibunruang cho biết kết quả kiểm tra sức khoẻ định kỳ của cư dân địa phương đã phát hiện hơn 300 người sống gần mỏ Chatree dương tính với 2 chất mangan và asen, vốn độc gấp 4 lần thủy ngân. “Dù chưa có kết luận khu mỏ của Akara là nguyên nhân cho vấn đề sức khoẻ và môi trường, nhưng phương án giải quyết tạm thời là đình chỉ hoạt động khu mỏ này. Đây là biện pháp vì lợi ích của người dân và xã hội”, bà Atchaka nói với báo giới.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết chính quyền vẫn đang tiếp tục thu thập chứng cứ liên quan về ảnh hưởng đến môi trường của các dự án khai mỏ cũng như quyền lợi của công nhân bản xứ có được bảo đảm hay không. “Từ cuối tháng 12.2016, sẽ không có mỏ vàng nào hoạt động ở Thái Lan cho đến khi có câu trả lời rõ ràng”, Thủ tướng Thái khẳng định. Ông cho biết thêm chính quyền sẽ có biện pháp hỗ trợ 1.000 công nhân tại mỏ Chatree tìm việc mới và những người bị ảnh hưởng sức khoẻ sẽ được điều trị. Nhiều tổ chức môi trường và đại diện dân cư trong khu vực đã lên tiếng ca ngợi quyết định của chính phủ Thái.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Greg Foulis của Tập đoàn Kingsgate nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc về tàn phá môi trường. Theo ông, Công ty Akara Resources không sử dụng độc tố asen hay mangan trong hoạt động khai thác, còn tỷ lệ xyanua trong chất thải rất thấp và đã được xử lý đúng quy trình. “Một điếu thuốc lá hay một tách cà phê có thể chứa hàm lượng xyanua tương tự những gì trong rác thải của chúng tôi. Còn asen và mangan có thể xuất hiện một cách tự nhiên trong người. Chúng tôi đã tìm thấy nồng độ tương tự của hai chất này trong cơ thể những người sống cách công ty 50 km”, ông Foulis nói với báo giới.
Kingsgate cũng tuyên bố đã đổ khoảng 1 tỉ USD vào mỏ Chatree và sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 1 tỉ USD nữa nếu được phép hoạt động tiếp tục cho đến khi hết hạn thuê vào năm 2028. “Năm năm trước, chúng tôi vay 60 triệu USD để đầu tư mở rộng khu mỏ, đến giờ vẫn chưa thể thu hồi vốn. Những quyết định “chụp mũ” của chính quyền Thái đòi đóng mỏ Chatree sẽ làm tổn thương niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Hy vọng chính phủ Thái sẽ suy nghĩ lại về quyết định vừa rồi”, ông Foulis nói.

 

Lam Yên 
(Văn phòng Bangkok)