25/12/2024

Tiếng nói người An Nam

Tiếng Tàu chỉ có năm thanh giọng, còn tiếng An Nam thì có những sáu, rất đáp ứng với những dấu nhạc của ta, làm cho các tiếng đều khác nhau về nghĩa.

 Đàng Ngoài qua ghi chép của Giáo sĩ phương Tây Alexandre de Rhodes:

Tiếng nói người An Nam

 

Tiếng Tàu chỉ có năm thanh giọng, còn tiếng An Nam thì có những sáu, rất đáp ứng với những dấu nhạc của ta, làm cho các tiếng đều khác nhau về nghĩa.


 


Nhà truyền giáo ngày xưa đi thuyền đến với dân chúng /// Ảnh: T.L

 

Nhà truyền giáo ngày xưa đi thuyền đến với dân chúngẢNH: T.L


Những dấu hay thanh thì không ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ phô diễn trong giọng nói mà thôi: điều này làm cho chúng tôi rất khó hiểu sách vở của họ. Thế nhưng, chúng tôi đã nghĩ cách ghi các giọng khác nhau đó bằng cách của chúng ta, làm cho chúng ta học biết sự khác biệt trong cung giọng, để hiểu ý nghĩa.
Thanh thứ nhất là thanh trầm, hạ giọng để đọc, như ta hát giọng trầm trong ca nhạc và chúng tôi ghi dấu huyền của người Hy Lạp, thí dụ dò có nghĩa là cái bẫy. Thanh thứ hai là thanh hầu như trầm hoặc gần như trầm, phải có chút cố gắng để đọc, như phát ra từ lồng ngực và chúng tôi ghi bằng một cái chấm dưới nguyên âm theo cách người Hy Lạp đặt chữ, thí dụ rệ có nghĩa là rễ cây. Thanh thứ ba là thanh uốn trầm, uốn giọng mà đọc và có một chút cố gắng ở lồng ngực, và chúng tôi ghi bằng dấu uốn của người Hy Lạp, thí dụ mĩ là tên một gia đình quý tộc trong xứ. Thanh thứ tư là thanh bằng đọc mà không cần cung giọng, thí dụ fa hay đúng hơn pha có nghĩa là trộn, vì trong tiếng này không có chữ F bật hơi. Thanh thứ năm là thanh uốn nhưng dịu hơn, đọc như thể chúng ta đặt câu hỏi và chúng tôi cũng ghi bằng dấu hỏi của người Latin, thí dụ sổ có nghĩa là danh mục, quyển ghi chép. Thanh thứ sáu là thanh sắc, đọc với giọng bẳn gắt như thể người nào nói khi giận dữ, và chúng tôi ghi bằng dấu sắc của người Hy Lạp, thí dụ lá có nghĩa là lá cây. Như vậy sáu thanh (như tôi đã nói) có thể đáp ứng với sáu nốt nhạc của ta.
Có một điều rất khó trong ngôn ngữ của họ đối với những người muốn học, đó là tất cả sự khác biệt về thanh và giọng đều ở trong một tiếng hay một vần, gây thành nhiều khác biệt về nghĩa, thí dụ tiếng ba đọc với thanh trầm thì có nghĩa là bà: bà nội, bà ngoại; nếu đọc với thanh gần như trầm thì có nghĩa là dính hay vật bỏ đi; nếu đọc với thanh uốn trầm thì có nghĩa là cặn, chất còn lại của cây cỏ hay trái cây sau khi đã ép hết chất ngọt; nếu không có thanh và đọc bằng phẳng thì có nghĩa là con số ba; nếu đọc với thanh uốn dịu như hỏi thì có nghĩa là một cái tát; nếu đọc với thanh sắc thì có nghĩa là vợ mọn của chúa.
Tiếng nói người An Nam 2

Trang bìa cuốn Tự điển Việt-Bồ-La do Alexandre De Rhodes soạn, ấn hành tại Roma năm 1651ẢNH: T.L

Cũng vậy vần ca đọc với các giọng khác nhau thì thành bốn nghĩa khác nhau. Với thanh trầm, cà có nghĩa là thứ trái táo dại; với thanh bằng, ca có nghĩa là ca hát; với thanh hỏi, cả có nghĩa là lớn và với thanh sắc, cá có nghĩa là con cá.
Vì thế, những ai chưa thông thạo các thanh hoặc các dấu đó thì thường rất bực mình và dùng lẫn một nghĩa kỳ khôi, như đã xảy ra khi một cha dòng chúng tôi muốn sai đầy tớ người bản xứ đi mua cá. Cha nói rõ tiếng ca nhưng đọc với thanh trầm, đáng ra phải đọc với thanh sắc, thế là thay vì cha có ý bảo mua cá thì người đầy tớ lại đem về cho cha một thúng đầy trái táo dại (cà). Một cha khác một lần sai người ở đi đánh mấy gốc tre, nhưng đọc với thanh hỏi lại có nghĩa là trẻ con, chứ không đọc với thanh bằng có nghĩa là tre. Thế là tất cả lũ trẻ con đang ở trong nhà nghe thấy lời sai bảo đó liền chạy trốn hết, tưởng người ta muốn đánh đập mình.
Vì chưa biết các dấu khác nhau này nên còn có thể xảy ra ngộ nhận ý nghĩa, muốn nói sự thánh thiện lại hoá ra nói sự tục tằn; cho nên những người rao giảng lời Thiên Chúa phải rất cẩn thận để không làm cho lời Thiên Chúa thành ngộ nghĩnh và đáng khinh bỉ trước mặt lương dân.
Sự mê tín của người đàng ngoài
Mong sao cho người Đàng Ngoài đã rũ ách nô lệ người Tàu thì cũng bỏ được những dị đoan người Tàu truyền lại và dạy dỗ cho. Nhưng những nguyên lý tôn giáo dầu tốt dầu xấu đã ăn sâu vào lòng người do tập quán lâu đời thì không dễ dàng xóa bỏ đi được. Thế nên người Đàng Ngoài sau khi không còn chịu người Tàu đô hộ nữa thì vẫn còn duy trì những mê tín của họ và tất cả giáo thuyết về thần thánh du nhập từ Ấn Độ. Ngày nay Đàng Ngoài có rất nhiều đền chùa và thần thánh, không một làng xã nhỏ bé nào mà không có chùa chiền và dân chúng rất mê theo.
(…) Số các thầy phục dịch không những được dùng trong chùa chiền mà cả trong các đám tang kẻ giàu sang, không phải để chôn cất, việc này thuộc về người khác, như chúng tôi sẽ nói sau, mà để tụng kinh cầu hồn ở giữa ngã ba đường phố. Họ dựng bàn thờ với những đồ tang, các thầy đứng thành hai hàng và suốt đêm tụng niệm theo cung điệu rất bi thảm, với tiếng nặng nề và cao thấp không đều. Người ta còn nghe hát những kinh bằng thứ tiếng chính người hát cũng không hiểu, họ nói là các bậc tiền bối truyền lại, người ta cho là những kinh theo tiếng cổ Ấn Độ từ buổi đầu đã truyền lại cùng với dị đoan.
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)

 

Alexandre de Rhodes