23/01/2025

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật, 22.05, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mỗi chúng là thành phần thần trong gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta được mời gọi sống đoàn kết, hiệp nhất và dành cho nhau một tình yêu thương huynh đệ.

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 

 

 

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – REUTERS

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật, 22.05, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mỗi chúng là thành phần thần trong gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta được mời gọi sống đoàn kết, hiệp nhất và dành cho nhau một tình yêu thương huynh đệ.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Hôm nay, Lễ Chúa Ba Ngôi, Tin Mừng theo Thánh Gioan trình bày cho chúng ta một đoạn trong diễn từ ly biệt của Đức Giêsu trước khi Ngài chịu khổ hình. Trong diễn từ này, Đức Giêsu đã giải thích cho các các môn đệ chân lý nền tảng nhất có liên quan đến Ngài, và như thế, làm nổi bật lên tương quan giữa Đức Giêsu, Chúa Chúa và Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu biết chương trình cứu độ của Chúa Cha đang đến gần, và sẽ được hoàn tất ngang qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chính vì lý do đó, Đức Giêsu muốn bảo đảm với các môn đệ rằng Ngài sẽ không bỏ rơi các ông, vì sứ mạng của Ngài sẽ mãi được tiếp tục bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ đến và tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu, tức là hướng dẫn Giáo hội không ngừng tiến lên.


Đức Giêsu cho ta biết sứ vụ này bao gồm những gì. Trước hết, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta hiểu rất nhiều điều mà Đức Giêsu đã nói (Ga 16,12). Thánh Thần không giảng dạy những giáo lý mới lạ, đặc biệt nhưng là mang đến một cái hiểu tròn đầy về tất cả những gì Chúa Con đã nghe được từ Chúa Cha, và Người sẽ lấy những gì là của Đức Giêsu mà loan báo cho các môn đệ (Ga 16, 15). Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong những hoàn cảnh sống mới với một đôi mắt lúc nào cũng hướng nhìn về Đức Giêsu, đồng thời giúp chúng ta mở ra với mọi biến cố và với tương lai. Thánh Thần giúp chúng ta bước đi trong lịch sử được bén rẽ một cách chắc chắn nơi Tin Mừng, cùng với một sự trung tín đầy năng động trong chính những truyền thống và văn hoá của chúng ta.
 
Nhưng Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng nói về chính mỗi người chúng ta, về tương quan của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thật vậy, nhờ Bí tích Thanh Tẩy, Chúa Thánh Thần đã đặt để vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta chính Thiên Chúa. Đó là một sự thông hiệp của tình yêu. Thiên Chúa là một ‘gia đình’ của Ba Ngôi, yêu thương nhau tha thiết đến nỗi đã trở nên một. ‘Gia đình thánh thiêng’ này không đóng lại trong chính mình nhưng mở ra, thông hiệp với nhau trong công trình sáng tạo và trong lịch sử, cũng như đi vào thế giới nhân loại để mời gọi tất cả mọi người hiệp nhất nên một. Khung trời hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh bao trùm lấy tất cả chúng ta, thôi thúc ta sống yêu thương và trong sự sẻ chia huynh đệ. Chắc chắn ở đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.

Việc chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa – tức là sự hiệp thông – mời gọi chúng ta biết nhận ra rằng chính chúng ta là một hữu-thể-trong-tương-quan và phải biết sống những mối tương quan liên vị trong sự đoàn kết và trong tình yêu mến lẫn nhau. Chúng ta sống những tương quan ấy, trước hết, trong chính những cộng đoàn của Giáo hội, vì hình ảnh Giáo hội luôn là một biểu tượng rõ ràng nhất về Thiên Chúa Ba ngôi. Kế đến, chúng ta còn sống những tương quan ấy trong những mỗi liên hệ xã hội khác nhau, từ gia đình cho tới tình bạn hữu trong môi trường làm việc. Đó là những cơ hội cụ thể mà chúng ta có thể tận dụng để xây dựng những mối tương quan đậm tình người hơn, có khả năng tôn trọng lẫn nhau và dành cho nhau một tình yêu hướng tha.

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta biết dấn thân vào những sự kiện của cuộc sống thường ngày để trở thành muối, thành men của sự hiệp thông, của sự an ủi và của lòng thương xót Chúa. Mang vác sứ mạng này trên đôi vai, chúng ta được Thánh Thần tiếp thêm sức mạnh để chăm sóc, băng bó thân xác nhân loại bị thương tích bởi những bất công, áp bức, thù hận và tham lam dục vọng. Đức Trinh Nữ Maria, với sự khiêm tốn thẳm sâu, đã đón nhận thánh ý Chúa Cha và cưu mang Chúa Con bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta, khi nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi, biết xác tín hơn vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và biết sống mầu nhiệm ấy bằng những chọn lựa và thái độ của tình yêu thương, hiệp nhất.

Lời chào mừng và mời gọi

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha cũng nói thêm:

“Ngày hôm qua, ở Cosenza, Linh mục Francesco Maria Greco đã được tuyên phong chân phước. Ngài là một linh mục triều và cũng là đấng sáng lập Dòng Tiểu Muội Các Công Nhân của Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ.

Ngày mai, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân đạo lần thứ nhất sẽ được khai mạc. Hội nghị sẽ thảo luận và xem xét các biện pháp được thực hiện trong các tình huống nhân đạo do các cuộc xung đột, vấn đề môi trường và nạn nghèo đói cùng cực gây ra. Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho các thành phần tham dự hội nghị này, để các vị có thể hoàn thành tốt các mục tiêu nhân đạo đã đề ra. Về phía Toà Thành, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã lên đường để đến tham dự hội nghị này.

Thứ Ba, ngày 24.05, chúng ta sẽ hiệp thông cách thiêng liêng với các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc, mừng kính cách đặc biệt lễ Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. Xin Mẹ Maria ban cho đoàn con của Mẹ ở Trung Quốc khả năng biết phân định, để có thể nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
 

 

Vũ Đức Anh Phương SJ