25/12/2024

Bớt lúa trồng sen, không lo biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt khiến nông dân ở vùng ĐBSCL không thể trồng lúa quanh năm được nữa. Mới đây Bộ NN&PTNT khuyến cáo bỏ hẳn vụ xuân hè vì không có nước tưới.

 

Bớt lúa trồng sen, không lo biến đổi khí hậu

 

Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt khiến nông dân ở vùng ĐBSCL không thể trồng lúa quanh năm được nữa. Mới đây Bộ NN&PTNT khuyến cáo bỏ hẳn vụ xuân hè vì không có nước tưới.

 

 

 

 

 

 

Bớt lúa trồng sen, không lo biến đổi khí hậu
TS Dương Văn Ni giới thiệu với các chuyên gia UICN về mô hình sen – lúa ở xã Mỹ Hoà, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp – Ảnh V.Tr.

Sau một năm nghiên cứu, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (UICN) và các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ đánh giá mô hình sen – lúa tại Đồng Tháp phù hợp cả trong điều kiện ngập nước lẫn khô hạn.

“Trồng sen ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ít tổn hại cho môi trường. Sen là cây vượt lũ nên nếu gặp lũ thì sen sống tốt trong môi trường ngập lũ.

Cũng vì thế mà vùng trồng sen còn là nơi trữ lũ để cấp nước cho vùng trồng lúa và hoa màu ở bên cạnh trong trường hợp khô hạn bất ngờ như đợt hạn, mặn khốc liệt hiện nay.

TS Dương Văn Ni

2 vụ sen, 1 vụ lúa

ĐBSCL những ngày này nắng cháy da. Đồng ruộng, ao hồ khô nứt nẻ.

Tại “rốn lũ” thuộc xã Mỹ Hoà, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nước không bị mặn nhưng cũng cạn sát đáy. Trên đồng, nhiều người thuê máy đào hoặc vét lại những con mương trên ruộng. Xung quanh là hàng chục ruộng sen bạt ngàn đang mùa ra hoa rất đẹp.

Du khách tứ phương nườm nượp đổ về tham quan, chụp ảnh và thưởng thức các món ăn đồng quê bên ruộng sen 
đẹp như tranh vẽ.

Ông Nguyễn Văn Năm ở ấp 1, xã Mỹ H có 1,5ha ruộng nhưng không trồng lúa xuyên suốt mà luân phiên lúc thì lúa, khi thì sen. Vụ đông xuân vừa rồi ông trồng lúa vì đây là vụ lúa cho năng suất cao, chất lượng lúa gạo tốt và bán được giá. Thu hoạch lúa xong, ông thuê máy đào vét mương có sẵn trong ruộng cho sâu thêm để trữ được nhiều nước.

Ông cho biết vụ tới sẽ trồng sen vì giá hạt sen có xu hướng tăng và dự kiến trồng suốt hai vụ liên tục đến khi hết mưa mới quay lại trồng 
lúa vụ đông xuân.

“Trước đây tui trồng sen rồi nên bây giờ chỉ cần trục làm đất, sau đó bơm nước vào là sen ở dưới đất tự mọc lên, khỏi trồng nữa. Cái hay của mô hình sen – lúa là khi trồng lúa thì sen nằm im dưới đất. Không trồng lúa nữa thì sen trồi lên. Chỉ cần rải phân, chăm sóc rồi chờ ba tháng rưỡi sau thu hoạch gương sen đem bán” – ông Năm nói.

Chúng tôi gặp ông Trần Văn Kịch đang chèo xuồng trong ruộng sen hái gương. Ông có 4,5ha đất trồng sen suốt bảy năm nay. Mặc dù lúc này các con kênh ở vùng Đồng Tháp Mười đang cạn kiệt, nhưng ruộng sen của ông vẫn đầy nước. Dưới ruộng sen có rất nhiều cá lóc, cá rô đồng. Ông Kịch nói vui nếu các đám ruộng kế bên đang trổ mà thiếu nước thì bơm từ ruộng sen qua cứu khoẻ ru.

Hỏi thu nhập của ruộng sen, ông Kịch kể: “Chi phí đầu tư ruộng sen này mỗi năm khoảng 100 triệu đồng, nhưng tiền bán cá dưới ruộng sen cũng gánh được hơn 30 triệu đồng rồi. Giá gương sen không ổn định lắm, nhưng trung bình mỗi năm tui kiếm được khoảng 300 triệu tiền lời, ngon hơn trồng lúa nhiều. Khi nào giá gương sen xuống thấp quá thì tui chuyển sang trồng lúa. Nhưng làm lúa thì chỉ duy nhất vụ đông xuân thôi”.

Ở xứ sen Tháp Mười có khoảng 1.000ha đất trồng sen.

Để nông dân làm giàu từ sen

Từ tháng 4-2015, TS Dương Văn Ni (khoa môi trường ĐH Cần Thơ) đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế mô hình sinh kế có tính chất trữ lũ” với sự hỗ 
trợ của UICN.

Mới đây một đoàn chuyên gia UICN từ châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi đã đến huyện Tháp Mười tham quan, tìm hiểu mô hình trồng sen trên ruộng lúa mà TS Ni xây dựng.

Theo ông Ni, kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa ba vụ/năm tại xã Mỹ H, huyện Tháp Mười chỉ có 60,2 triệu đồng/ha; nếu thâm canh sen thì lợi nhuận trên 117 triệu đồng/ha; trồng sen kết hợp nuôi cá cho lợi nhuận 130 triệu đồng/ha và nếu trồng sen kết hợp làm du lịch thì thu nhập lên đến 290 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Công, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng mô hình trồng hai vụ sen, một vụ lúa hoặc trồng sen một vài năm rồi chuyển sang trồng lúa để cải tạo đất rất hay, phù hợp với vùng Đồng Tháp Mười. Giữ được nước trong mùa khô sẽ giúp nông dân duy trì sản xuất, tăng thu nhập so với những nơi “ngồi chơi xơi nước” mấy tháng mùa khô.

Tuy nhiên ông Công nói để nhân rộng mô hình này phải có sự đồng thuận trước của nông dân, vì sen phải trồng trong một vùng ô bao, đê bao…, nghĩa là dân chịu mất một ít đất để làm đê bao. Nhà nước sẵn sàng đầu tư kinh phí làm đê để tạo ra vùng chuyên canh sen rộng lớn và giữ nước. Các tổ hợp tác, hợp tác xã trao đổi với dân, nếu dân muốn làm thì Nhà nước tham gia liền.

Đầu ra của sen

Ông Phạm Minh Thiện, giám đốc Công ty Cỏ May Essential, cho biết đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ vận động nông dân trồng 150ha sen tại huyện Tháp Mười nhằm mục đích tạo vùng nguyên liệu nghiên cứu, sản xuất tinh chất sen xuất khẩu bằng công nghệ CO2 siêu tới hạn và du lịch.

Tinh chất sen rất cần thiết để sản xuất sản phẩm cao cấp trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Còn ông Huỳnh Văn Hiệp (giám đốc Công ty Nam Huy Đồng Tháp) nói hiện nhu cầu tiêu thụ hạt sen của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng nguồn cung thường xuyên thiếu hụt do diện tích sen tại tỉnh này giảm nhiều. Ông khuyên nông dân mạnh dạn trồng sen theo quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Còn theo TS Dương Văn Ni, ở Tháp Mười nông dân làm mô hình sen – lúa, sen – cá hoặc trồng sen quanh năm để làm du lịch đều hiệu quả. Điều đó cho thấy trồng sen trên ruộng lúa là một trong những giải pháp khả thi cho vùng ngập lũ lẫn khô hạn ở ĐBSCL.

VÂN TRƯỜNG ([email protected])