“Ông ngoại Bình”
Sở dĩ có chuyện như thế là do những trẻ em nghèo, mồ côi, bệnh tật thường được ông giúp đỡ. Cha mẹ chúng đã dạy cho con trẻ gọi ông như thế với sự trân trọng.
“Ông ngoại Bình”
Sở dĩ có chuyện như thế là do những trẻ em nghèo, mồ côi, bệnh tật thường được ông giúp đỡ. Cha mẹ chúng đã dạy cho con trẻ gọi ông như thế với sự trân trọng.
Ông Bình xem lại vết mổ trên người bé Phạm Vương Pháp bị bệnh tim bẩm sinh đã mổ thành công – Ảnh: Thái Thịnh |
Ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông, trẻ em trong thôn đều gọi ông Đặng Đức Bình (62 tuổi, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đắk Nia) là “ông ngoại” dù không hề có máu mủ ruột rà.
Chuyện đứa trẻ bệnh tim
Tháng 5, trời Tây nguyên nắng bỏng rát, ông Bình dẫn chúng tôi đi vào căn nhà nhỏ ọp ẹp trong xã. Một bà mẹ dắt con trai chạy ra, mặt hớn hở: “Chào ông ngoại Bình đi con!”. Người mẹ ấy là bà Nguyễn Thị Thuận – mẹ cháu Phạm Vương Pháp. Nhìn Pháp, ít ai biết cách đây ba năm ngay cả bà Thuận cũng không tin con mình có thể sống được. Mồ côi cha từ thuở mới lọt lòng, Pháp lại mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh. Nhà nghèo, bệnh nặng, chi phí chữa trị quá lớn nên chuyện cứu sống bé Pháp hoàn toàn bế tắc đối với gia đình bà Thuận.
“Thấy con bệnh, đưa con đi khám bác sĩ bảo cần khoảng 100 triệu đồng để mổ. Tôi quê ở Đồng Nai, vừa sinh thằng Pháp thì cha nó mất. Vì quá nghèo nên tôi bỏ xứ vào đây đi làm thuê cho người ta. Không tấc đất cắm dùi, lúc đó thật sự tôi chỉ biết ôm con khóc chứ gần như hết hi vọng” – bà Thuận tâm sự.
Đang làm trưởng thôn Nghĩa Thuận, biết được hoàn cảnh thương tâm của bà Thuận, ông Bình bắt đầu tìm cách cứu sống Pháp. Ban đầu để duy trì sự sống, Pháp phải được uống thuốc đều đặn. Nhưng chi phí cho căn bệnh của Pháp cứ ba ngày mất 120.000 đồng tiền thuốc là quá sức với mẹ con bà Thuận. Để có tiền giúp Pháp, ông Bình đã chạy vạy khắp nơi, vào nhà từng người dân, đến từng doanh nghiệp trong và ngoài xã xin hỗ trợ.
“Sự ủng hộ có khi chỉ là vài lon gạo và số tiền ít ỏi, nhưng tấm chân tình của bà con cũng góp phần giúp Pháp kéo dài sự sống thêm từng ngày” – ông Bình nói. Suốt ba năm, cứ mỗi tháng ông đều xin được cho mẹ con của Pháp một bao gạo 25kg và 240.000 đồng.
Thông qua báo đài, bạn bè, người thân… ông Bình tiếp tục tìm kiếm và liên hệ với các tổ chức từ thiện trên khắp cả nước hỗ trợ để cứu sống Pháp. Thông qua bạn bè, biết địa chỉ những người tốt hay giúp đỡ người nghèo, ông Bình lại vác balô vượt hơn trăm cây số vào tận Trà Vinh, Bến Tre gặp trực tiếp đặt vấn đề.
Và trong những lần đi như thế, ông biết được đang có chương trình “Trái tim cho em” chuyên giúp hồi sinh sự sống cho những đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh như Pháp. Ông Bình lập tức thông báo cho bà Thuận để làm mọi thủ tục. Mọi chuyện lúc ấy diễn ra như trong mơ, chỉ một tháng sau khi làm thủ tục cháu Pháp được mổ. Ca mổ thành công, toàn bộ chi phí đều được tài trợ miễn phí trong sự vui mừng khôn xiết của bà Thuận.
Không tính toán thiệt hơn
Sau 10 năm, ông Bình nhớ như in tên các doanh nghiệp từng giúp đỡ người nghèo ở xã mình. Đó là hội từ thiện “Kết nối quê hương Đồng Tháp” hằng năm ủng hộ 11 trẻ mồ côi, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật; nhóm từ thiện CLB Môtô ở TP.HCM cứ mỗi dịp tết đều ủng hộ 200 suất quà cho người nghèo; rồi bạn đọc báoTuổi Trẻ ủng hộ 20 triệu đồng cho hai em có cha mẹ bị cây đè chết trong khi trú mưa… Tất cả đều được ông ghi nhớ và đọc vanh vách. “Làm công việc này mà chỉ nghĩ đến mình, tính toán chuyện thiệt hơn thì sẽ không bao giờ làm được” – ông Bình nói vậy.
Chị Hoàng Thị Hương có con gái bị suy giáp bẩm sinh được ông Bình đưa đi chữa trị nay đã phát triển, đi lại được. Gia đình chị là hộ nghèo được ông Bình đăng ký kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ gạo hằng tháng và một con bò trong một chương trình từ thiện. Chị Hương xúc động nói: “Không chỉ gia đình tôi mà bà con xung quanh đây luôn coi ông Bình là người thân. Khi nghe tin có ai giúp được cho người nghèo trong xã, không quản mưa nắng, xa mấy ông cũng đi”.
Ông Đồng Quang Huy – chủ tịch UBND xã Đắk Nia – cho biết ông Bình là một người có tâm, trách nhiệm cao với công việc và luôn hết lòng giúp đỡ người nghèo không vụ lợi. Là một xã có đến 330 hộ nghèo và cận nghèo nên có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm. Nhờ có quan hệ tốt với các CLB, hội từ thiện nên ông Bình xin được rất nhiều quà để giúp đỡ người nghèo, trẻ khuyết tật. Đợt tết vừa rồi, hàng trăm người nghèo trên địa bàn đã có một cái tết ấm áp khi lần đầu tiên nhận được mỗi hộ ba suất quà và tiền do các tổ chức từ TP.HCM mang đến. Đó là nhờ sự kêu gọi của ông Bình.
Mỗi cá nhân một địa chỉ nhân đạo Hiện tại, Hội Chữ thập đỏ tại xã Đắk Nia do ông Bình quản lý đang tổ chức chương trình có ý nghĩa như “Mỗi cá nhân, tập thể gắn liền với một địa chỉ nhân đạo” để quyên góp tiền quỹ cho người nghèo. Suốt 10 năm nay, ông Bình kêu gọi các mạnh thường quân trong cả nước ủng hộ 86 người khuyết tật cùng 183 hộ nghèo ở xã. Làm trưởng thôn từ năm 2009, đến năm 2012 ông Bình chuyển qua làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đắk Nia. Đi nhiều nơi, nghe những câu chuyện, hoàn cảnh thương tâm của người nghèo, ông Bình bảo phải làm một điều gì đó giúp họ có cuộc sống tốt hơn. |