05/11/2024

Có nước máy nhưng không ít dân SG vẫn xài nước giếng

Thực hiện chỉ tiêu 100% người dân trên địa bàn TP.HCM được sử dụng nước sạch theo nghị quyết của HĐND TP, nhiều đơn vị đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng kéo đường ống nước, lắp đặt đồng hồ đến từng hộ dân.

 

Có nước máy nhưng không ít dân SG vẫn xài nước giếng

 

 

Thực hiện chỉ tiêu 100% người dân trên địa bàn TP.HCM được sử dụng nước sạch theo nghị quyết của HĐND TP, nhiều đơn vị đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng kéo đường ống nước, lắp đặt đồng hồ đến từng hộ dân. 

 

 

 

 

Nếu ngành y tế có kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước và thông tin cho biết về mức độ chưa sạch của nước giếng, chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng nước sạch ít nhất trong nấu ăn, uống

Nhiều người dân dùng nước giếng cho biết

Thế nhưng có một lượng lớn người dân không dùng nước sạch vì quen dùng nước giếng, sợ dùng nước máy tốn thêm chi phí.

Đi thực tế, chúng tôi thấy dọc quốc lộ 22, đường Cây Trôm (xã Phước Hiệp), đường Đào Văn Thử (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) có rất nhiều đồng hồ nước đã được lắp sẵn ở sân nhà dân nhưng nằm chỏng chơ ngoài sân, chưa được đấu nối vào hệ thống nội bộ trong nhà để bà con sử dụng nước.

Nhà bà Trần Thị Để, ở đường Cây Trôm, đã được gắn đồng hồ nước và lắp thêm đoạn ống nước nội bộ từ đồng hồ vào đến nhà nhưng vẫn tiếp tục dùng nước giếng.

“Tôi chưa biết giá cả cụ thể thế nào, nhưng nghĩ xài nước máy sẽ tốn tiền hơn so với xài nước giếng nên không dám xài. Nhà tôi có hai con đi làm công nhân nuôi sáu miệng ăn, thiếu trước hụt sau…” – bà Để nói.

Theo Saigon Water – đơn vị đầu tư kéo đường ống cung cấp nước sạch cho bà con ở huyện Củ Chi, qua số liệu đọc số đồng hồ nước tại nhà dân thuộc các xã Phước Hiệp, Tân An Hội, Trung An, Bình Mỹ vào tháng 2-2016, trong tổng số 6.121 hộ được gắn đồng hồ nước chỉ có 1.750 hộ sử dụng nước sạch (tỉ lệ người dân không sử dụng nước tới 70%).

Đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn cho biết riêng quận Bình Tân và huyện Bình Chánh hiện nay gần 14.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ bằng 0. Tương tự, trên địa bàn quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn có tới 16.266/122.462 đồng hồ nước trên toàn địa bàn (chiếm tỉ lệ 13,28%) không sử dụng nước.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, trừ địa bàn huyện Củ Chi do Saigon Water đầu tư, hiện trên toàn hệ thống cấp nước đã gắn được 1.146.427 đồng hồ nước, nhưng có tới 83.568 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ bằng 0 (không sử dụng nước, chiếm tỉ lệ 7,29%).

Giải thích về lý do không dùng nước sạch sau khi đã được gắn đồng hồ nước, chị Nguyễn Thị Phương Thảo – ngụ P.Bình Hưng Hoà B, Q.Bình Tân – cho rằng nhiều năm nay gia đình chị cũng như hàng xóm đều sử dụng nước giếng mà chưa thấy có vấn đề gì về sức khỏe.

Tuy nhiên, chị Thảo thừa nhận nước giếng chưa bao giờ được cơ quan y tế cũng như người nhà đưa đi xét nghiệm và thực tế dù nước giếng trong nhưng những vật dụng đựng nước một thời gian thì bị đóng cặn vàng.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong 1.400 mẫu nước giếng ở 7 quận huyện ngoại thành được kiểm tra thời điểm năm 2015, đa số không đạt về chất lượng lý hóa (độ pH thấp và hàm lượng sắt cao) và một số không đạt chất lượng vi sinh.

Điều đáng quan ngại là qua kiểm tra phát hiện một số mẫu nước bị nhiễm chất amoni (110/1.400 mẫu). Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng, nước giếng nhiễm chất amoni có thể do giếng đào quá cạn nên chất hữu cơ từ bên ngoài thấm vào, hoặc giếng đào gần các khu vực ô nhiễm, chăn nuôi…

Bác sĩ Lê Văn Nhân, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, từng cảnh báo nếu sử dụng nước có độ pH thấp liên tục có thể gây bệnh ngoài da và các vấn đề về tiêu hoá như trướng bụng, khó tiêu. Còn nước có tỉ lệ sắt quá cao (có màu, mùi tanh) cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu hoá.

Đặc biệt, chất amoni trong nước có thể chuyển hoá thành nitra, nitrit làm cơ thể chúng ta bị thiếu oxy, gây nhiều bệnh nguy hiểm khác…

Đa số trường hợp người dân sử dụng nguồn nước giếng mà chúng tôi tiếp cận hầu như chưa có trường hợp nào được kiểm tra chất lượng nước

QUANG KHẢI