04/01/2025

Xây hồ nước ngọt trên 1 triệu mét khối cho dân

Dự kiến xây dựng một hồ nước ngọt có sức chứa trên 1 triệu m3 để giải quyết tình trạng thiếu nước mùa khô ở một trong những vùng “rốn” hạn, mặn của tỉnh.

 

Xây hồ nước ngọt trên 1 triệu mét khối cho dân

Dự kiến xây dựng một hồ nước ngọt có sức chứa trên 1 triệu m3 để giải quyết tình trạng thiếu nước mùa khô ở một trong những vùng “rốn” hạn, mặn của tỉnh.




Kênh Lấp, nơi sắp tới sẽ hình thành hồ trữ nước ngọt phục vụ cho người dân Ba Tri  /// Ảnh: Tự Đồng

 

Kênh Lấp, nơi sắp tới sẽ hình thành hồ trữ nước ngọt phục vụ cho người dân Ba TriẢNH: TỰ ĐỒNG


Đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất kéo dài từ cuối năm 2015 đến nay tại Bến Tre đã gây thiệt hại hơn 20.000 ha lúa và hàng ngàn héc ta cây ăn trái, hoa màu. Bên cạnh đó, trên 80.000 hộ dân với khoảng 350.000 người bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, trong đó H.Ba Tri có trên 19.000 hộ.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm khắc phục vấn đề biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn trong những năm tới được lãnh đạo tỉnh đưa ra là mỗi huyện sẽ có một hồ chứa nước ngọt đủ lớn để người dân sử dụng trong mùa khô.
Theo đó, việc tận dụng kênh Lấp ở H.Ba Tri để xây hồ chứa trên 1 triệu m3 nước ngọt được xác định là dự án đầu tiên. Dự án được đầu tư kinh phí gần 100 tỉ đồng, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn 200.000 người dân của huyện, bắt đầu từ mùa khô năm 2017.
Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết kênh Lấp được hình thành đầu thế kỷ 20 (thời Pháp thuộc) nối liền giao thông thuỷ từ sông Hàm Luông đến sông Ba Lai, với tổng chiều dài 15,6 km, từ TT.Ba Tri tới xã Tân Xuân. Tuy nhiên, sau khi đào xong, lượng nước từ sông Hàm Luông đổ về Ba Lai với dòng chảy quá mạnh gây sạt lở lớn hai bên bờ sông.
Trước tình hình đó, chính quyền đã cho đắp bít 2 đầu kênh và người dân gọi là kênh Lấp. Trong hơn thế kỷ qua, dòng kênh này gần như bị bỏ quên, không được quan tâm khai thác đúng tiềm năng. Chính quyền địa phương cho người dân thuê đắp bờ phân ra thành những khu vực cục bộ để nuôi cá, nuôi vịt; những đoạn còn lại dành cho khai thác cá tự nhiên.
“Dự án sẽ đóng bít 2 đầu kênh của đoạn từ xã Vĩnh Hoà tới xã Tân Xuân, dài khoảng 7 km, ngang khoảng 70 m, nạo vét 400.000 m3 đất bùn, tổng kinh phí 96 tỉ đồng. Hồ nước này do nhà nước quản lý và chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước để khai thác nguồn nước hiệu quả. Tất nhiên, người dân vẫn có quyền vận chuyển nước thô từ hồ này về sử dụng”, ông Lâm nói.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng tỉnh Bến Tre tận dụng, cải tạo lại con kênh nhân tạo để chứa nước ngọt là một ý tưởng tốt, không làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Tuy nhiên, cần lưu ý một số yếu tố kỹ thuật như: thấm qua đất và bốc hơi vào mùa khô. Cụ thể, tính toán sơ bộ cho thấy bề mặt thoáng rộng chừng 60 ha, mùa khô kéo dài 4 – 5 tháng, lượng nước bốc hơi khoảng 1 m nước, tương đương nửa triệu m3. Bên cạnh đó là một lượng nước đáng kể sẽ thấm qua đất. Chính vì vậy phải có giải pháp hạn chế bốc hơi và thoát nước thì công trình mới phát huy hiệu quả như mong muốn.
TS Bùi Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cũng nhận định đây là một giải pháp cần thiết trước tình hình hạn mặn hiện nay và trong thời gian sắp tới, khi có nhiều dự án thuỷ điện được xây dựng ở thượng nguồn Mê Kông. “Tôi cũng đang làm các dự án ngăn mặn ở Bến Tre. Theo tôi biết sắp tới sẽ có 8 cống ngăn mặn ở địa phương này do JICA tài trợ… Dự kiến nó sẽ được phê duyệt vào năm 2017 và bắt đầu xây dựng vào năm 2020”, ông Long cho biết.
“Hồ nước này có ý nghĩa sinh kế rất lớn cho người dân H.Ba Tri nên tỉnh sẽ quyết tâm đầu tư. Có hồ này, tôi tin rằng sang năm 2017, người dân trong huyện sẽ không còn bị thiếu nước sinh hoạt và sản xuất như hiện nay. Trong thời gian tiếp theo, tỉnh cũng sẽ đầu tư những dự án tương tự ở các huyện khác mà người dân cũng lâm vào tình trạng thiếu nước giống như H.Ba Tri trong 6 tháng mùa khô”, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, khẳng định.

 

Khoa Chiến – Tự Đồng – Chí Nhân