25/01/2025

Cô gái Nhật “từ hạt giống đến bàn ăn”

Năm nay 41 tuổi, cô gái đến từ Nhật Bản Ino Mayu ngày ấy đã có 19 năm gắn bó với người nông dân Việt Nam. Thông qua những dự án hỗ trợ nông dân, Mayu đã giúp nhiều người ổn định cuộc sống.

 

Cô gái Nhật “từ hạt giống đến bàn ăn”

 

Năm nay 41 tuổi, cô gái đến từ Nhật Bản Ino Mayu ngày ấy đã có 19 năm gắn bó với người nông dân Việt Nam. Thông qua những dự án hỗ trợ nông dân, Mayu đã giúp nhiều người ổn định cuộc sống.

 

 

 

 

Cô gái Nhật “từ hạt giống đến bàn ăn”
Chị Ino Mayu (thứ ba từ trái qua) cùng với các nông dân ở tỉnh Hoà Bình – Ảnh nhân vật cung cấp

“Tôi muốn nông dân có thể bán trực tiếp rau của mình cho người tiêu dùng, vì chỉ có họ mới hiểu rau của họ, hoặc ít nhất cũng có nhiều đầu ra

INO MAYU

 

 

Mayu nói với chúng tôi trái tim chị in đậm hình ảnh chịu thương chịu khó của người Việt Nam ở các vùng miền chị đã đi qua.

Từ những chuyến 
“Đông balô”

Khi còn là sinh viên chuyên ngành lịch sử ở Tokyo, cô gái nhỏ Mayu đã dành dụm tiền để du lịch Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Việt Nam… Chị gọi những chuyến đi này là “Đông balô”. “Tôi đến Sài Gòn lần đầu năm 1995, lúc ấy không khí thành phố vẫn mang những nét xưa dù đã thống nhất được 20 năm. Hay lắm. Sau đó, tôi ra Hà Nội và không bao giờ quên cảm giác ngồi trên xe khách nhìn cảnh bà con nông dân đi làm đồng trở về trong tiết trời lạnh giá”. Mayu nói và cho rằng chính những hình ảnh ấy tạo cho chị mối thiện cảm với Việt Nam.

Tháng 3-1997, sau khi tốt nghiệp, Mayu đến Việt Nam lần nữa và vào học tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Sự kiên trì đã giúp Mayu nói được tiếng Việt sau một thời gian ngắn. Nắm bắt nhu cầu của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cần người biết tiếng Việt vào thời điểm đó, Mayu tìm đến cộng tác. Vì đối tượng trợ giúp là người dân nông thôn, nên chị có dịp tiếp xúc với nhiều nông dân ở Sơn La, Hoà Bình, Hải Phòng, Nghệ An…

Chị nói: “Tôi biết ơn bà con vì đã giúp tôi biết được cái hay của nông nghiệp Việt Nam. Gia đình ngoại tôi cũng là nông dân, nhưng những chuyến về thăm ngắn ngày thuở nhỏ nhà ngoại chưa giúp tôi hình dung rõ làm nông là như thế nào”.

Mayu dành một năm sống với người dân tỉnh Cao Bằng để làm đề tài “Cách quản lý rừng cộng đồng của người Nùng”, phục vụ cho luận văn thạc sĩ ngành Đông Nam Á học tại ĐH Hitotsubashi (Tokyo). Trong trí nhớ của Mayu, bà con nông dân nơi này sống tình cảm và hiếu khách dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. “Lúc đó tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ trả ơn họ” – chị nói.

Năm 2003, Mayu trở thành người điều phối chương trình của Trung tâm tình nguyện quốc tế Nhật Bản, sau đó làm người đại diện trung tâm này tại Việt Nam. Chị cùng với những thành viên khác đã đến huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình để đào tạo nhân viên thú y, lập các thư viện cộng đồng.

Trong sáu năm làm việc cùng tổ chức, chị còn tham gia dự án xây đập nước, trồng cây ngăn xói lở đất đai… “Thời gian ấy giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống của người dân các tỉnh, hiểu tinh thần lao động hăng say của họ. Người Việt Nam sống rất tình nghĩa dù đôi khi không biểu lộ nhiều” – chị nói.

Thấu hiểu 
nông dân Việt

Tháng 9-2009, Trung tâm tình nguyện quốc tế Nhật Bản chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Nếu lựa chọn an nhàn, Mayu đã về Nhật. Cảm thấy quá gắn bó và vẫn còn nhiều điều chưa làm được cho nông dân Việt, chị chọn ở lại Việt Nam. Rồi chị thành lập Tổ chức Seed To Table (“Từ hạt giống đến bàn ăn”) nhằm giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng rau hữu cơ và chăn nuôi, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Tổ chức này lúc đầu chỉ có chị “đứng mũi chịu sào”, cùng với sự cộng tác của hai người bạn Việt Nam trong khâu thực hiện các dự án.

Từ đó đến nay, người phụ nữ đến từ đất nước mặt trời mọc này đã tự thân xoay xở với hàng đống công việc: khảo sát địa phương, làm việc với chính quyền, tập huấn cho nông dân, kiểm tra cách nuôi trồng, tính toán nguồn tài trợ, đi đi về về giữa trụ sở tổ chức ở Hà Nội và các tỉnh như cơm bữa…

Tại tỉnh Hoà Bình, Mayu nhận thấy nông dân nơi này quá lạm dụng hoá chất. Vậy là chị hướng dẫn họ cách ủ phân, thu thập hạt giống để lại cho mùa vụ kế tiếp để hạt thích hợp với điều kiện gieo trồng ở địa phương. Kết quả, sản phẩm của nông dân nơi chị hướng dẫn được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Chị còn giúp họ tiêu thụ bằng cách tổ chức hội thảo kết nối với đầu bếp của các nhà hàng tại Hà Nội.

Sau Hòa Bình, chị đến Bến Tre. “Khi chúng tôi nghe cán bộ khuyến nông của Bến Tre nói về nền nông nghiệp của họ, tôi thấy rất ấn tượng nên đã chọn nơi này để thực hiện dự án Cải thiện sinh kế của hộ nghèo”- chị nói. Từ năm 2012, Tổ chức Seed To Table đã cho nông dân năm xã thuộc huyện Bình Đại vay vịt và bò.

Tại sao lại cho vay vịt và bò? Mayu giải thích dù Bình Đại được biết đến là địa phương gắn bó với nghề nuôi tôm và chế biến thủy sản nhưng theo tìm hiểu của chị, vẫn có những nông dân muốn trồng trọt và chăn nuôi dù nhiều người trong số họ là hộ nghèo, không có nhiều đất.

“Dự án của tôi không quan trọng chuyện phải hỗ trợ những nơi chuyên canh diện tích lớn, chỉ cần nơi nào có nhóm nông dân tha thiết làm ăn, nơi đó tôi sẽ có mặt” – chị nói.

Và do tài trợ không hoàn lại sẽ tạo sự ỷ lại của bà con trong việc cải thiện sinh kế nên Mayu ra điều kiện về “cần câu và con cá”: con bò cho vay sau một năm hộ gia đình sẽ được giữ lại bò mẹ, trả lại cho Seed To Table con bê để tổ chức này cho gia đình khác vay.

Tính đến nay, Seed To Table của Mayu đã cho 600 hộ dân của các xã ở Bình Đại vay hơn 70 con bò và hàng chục ngàn con vịt. Mayu kể: “Điều làm tôi vui nhất là họ đã thay đổi suy nghĩ. Khi mới bắt đầu dự án, nhiều người nghĩ chẳng thể khá được với 20-30 con vịt được vay.

Sau ba tháng, với cách chăm sóc đúng đắn lại được hướng dẫn nuôi trùn quế để làm thức ăn cho vịt, họ có lợi nhuận. Rồi mua được bể chứa nước sạch, có vốn để trồng rau”.

Song song với việc cho vay bò và vịt, Mayu còn hỗ trợ nông dân trồng rau hữu cơ thay vì sử dụng phân bón và hóa chất như trước đây. “Để họ thay đổi suy nghĩ cũng không đơn giản. Họ phải bắt đầu với việc chấm dứt phương pháp cũ, tập ủ phân bò, phân trùn quế để bón cho rau, phòng trừ sâu bệnh bằng cách tự pha nước tỏi, ớt… tưới. Họ phải ghi lại những gì mình đã làm, các khoản chi tiêu để vụ sau làm tốt hơn” – Mayu kể.

Một trong những hộ gia đình kiên trì theo dự án là hộ của ông Trần Minh Thống (54 tuổi, ấp Lộc Sơn, xã Lộc Thuận). Từ tháng 8-2013, trên diện tích đất gần 300m2, ông Thống đã thành công. Ông nói: “Giá bán rau tăng gấp đôi so với rau trồng trước kia, không tốn tiền mua phân bón và thuốc trừ sâu, mà không làm hại môi trường nữa. Giờ mỗi tháng cũng lời cỡ 800.000 đồng, sống được”.

Còn chị Nguyễn Thị Loan (39 tuổi, hàng xóm) kể về “người ơn” Mayu: “Tôi còn nhớ hồi mới làm, tôi không ủ được phân bò và đã bật khóc khi Mayu xuống thăm. Cô ấy an ủi tôi, chỉ cách cho tôi làm lại. Cô thân thiết với chúng tôi như người nhà”. Nhờ vườn rau, chị không còn đi làm thuê, lo được cho hai con ăn học và thoát hộ nghèo sau một năm.

Sau thành công ở huyện Bình Đại, năm 2015 Mayu triển khai mô hình ở huyện Ba Tri. Mayu cho biết ở đây các hộ dân có đất rộng hơn và cũng hăng hái tham gia. Điều lo lắng của Mayu hiện nay là dù nông dân đã có phương pháp làm nông nghiệp hữu cơ bền vững nhưng vẫn còn lấn cấn ở khâu tiêu thụ. “Tôi muốn nông dân có thể bán trực tiếp rau của mình cho người tiêu dùng, vì chỉ có họ mới hiểu rau của họ, hoặc ít nhất cũng có nhiều đầu ra” – chị chia sẻ.

Năm 2019, dự án rau sạch ở Ba Tri sẽ kết thúc. Mayu nói: “Tôi không muốn suy nghĩ nhiều về việc mình sẽ làm gì tiếp theo. Có thể tôi sẽ về Tokyo dạy học, nhưng vẫn làm dự án khác, vẫn đi về giữa Nhật Bản và Việt Nam”.

Điều tốt đẹp không hẳn là lấy chồng

Cô gái Nhật “từ hạt giống đến bàn ăn”
Điều trăn trở của chị Ino Mayu là tìm cách tiêu thụ rau hiệu quả cho nông dân ở Bến Tre – Ảnh: nhân vật cung cấp

Với những nỗ lực giúp đỡ nông dân Việt Nam, tháng 6-2015, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tặng Mayu bằng khen “Vì sự nghiệp kết nối văn hoá cộng đồng Nhật Bản với nước ngoài”.

Mayu giờ đây như một người Việt. Chị đã đi hơn 50 tỉnh thành của Việt Nam. Chị mặc quần áo Việt Nam và hơi phiền lòng vì “tôi tròn quá, nhiều bộ không vừa”, ăn những món ăn Việt và hiểu suy nghĩ của người Việt.

Mayu cho biết chị vẫn chưa lập gia đình: “Những năm tuổi 30 tôi có nghĩ đến chuyện này và cha mẹ cũng tỏ ra lo lắng. Nhưng sau đó, cha mẹ hiểu rằng điều tốt đẹp dành cho tôi không hẳn là lấy chồng. Cha mẹ hiểu việc tôi làm, cũng may rằng hai người em sinh đôi của tôi đã có gia đình và sinh cho ông bà những đứa cháu kháu khỉnh” – chị kể.

YẾN TRINH – MẬU TRƯỜNG ([email protected])