25/01/2025

Chúa Nhật VII PS C 2016: Lễ Chúa Thăng Thiên: Xây dựng Nước Trời

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, từ số 659-666, nhắc nhở chúng ta rằng trời không phải là một khoảng không gian vật chất nhưng là một tình trạng mà tất cả những ai sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đều có thể được chia sẻ hạnh phúc trọn vẹn với Người.

Xây dựng Nước Trời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Rất nhiều người, khi nghĩ đến việc Chúa Giêsu lên trời, đã có thái độ giống như các tông đồ thời trước: ngước mắt nhìn lên hình bóng Chúa Giêsu đang xa dần (x. Cv 1,10) và lầm tưởng trời là một không gian kỳ diệu xa vời nào đó và vì thế quên mất sứ mạng xây dựng Nước Trời ngay trong trần thế. Trong ít phút này, chúng ta đang được mời gọi để cùng tìm hiểu sứ mạng xây dựng Nước ấy khi gắn bó với Chúa Giêsu Kitô.

1. Trời là gì?

Rất nhiều người Công giáo chúng ta, chậm chí ngay cả anh em linh mục, tu sĩ trong nhiều thế kỷ, vẫn nghĩ rằng trời là một khoảng không gian nhất định ở trên đầu mình, nơi đó có Thiên Chúa Ba Ngôi, các thần thánh và hồn những người đạo đức. Nhưng sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, từ số 659-666, nhắc nhở chúng ta rằng trời không phải là một khoảng không gian vật chất nhưng là một tình trạng mà tất cả những ai sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đều có thể được chia sẻ hạnh phúc trọn vẹn với Người.

Chúa Giêsu lên trời là Người trở về với Chúa Cha, hoà nhập trọn vẹn với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đón nhận vinh quang tột đỉnh mà Chúa Cha dành cho người con yêu dấu của mình (x. Ép,17-23). Chúa Giêsu mang theo nhân tính đã được Người đón nhận, biến đổi, thần hoá sau cái chết và cuộc phục sinh của mình để chia sẻ cho loài người và vũ trụ vinh quang đó. Chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu còn Người là đầu và là thủ lãnh của chúng ta. Hôm nay Người lên trời là để đưa chúng ta vào trong tình trạng sống trọn vẹn và hoàn hảo của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta mới cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc, ân sủng và tất cả những gì tốt đẹp mà Chúa Cha muốn chia sẻ cho chúng ta là con cái của Ngài trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG, số 1023-1029).

Như thế, trời không phải là 1 nơi chốn nào đó nhưng là 1 tình trạng sống mà con người chúng ta có thể cảm nghiệm được phần nào ngay trong đời sống ở trần thế để chúng ta xây dựng Nước Trời, nghĩa là giúp cho con người  cũng cảm nghiệm được tình trạng sống tốt đẹp trong sự kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa.

2. Nhiệm vụ xây dựng Nước Trời

Vì vậy, việc xây dựng Nước Trời là sứ mạng đặc biệt và hết sức cao quý của người tín hữu Kitô. Nước Trời là “nước của sự thật và sự sống, của sự thánh thiện và ân sủng, của công lý, bình an và tình yêu” (x. Công đồng Vat.II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes; Kinh Tiền tụng Lễ Chúa Giêsu là Vua Vũ trụ). Xây dựng Nước Trời chính là đem các yếu tố đó vào cuộc sống còn bất toàn, bất an, bất công, đói khổ, thù hận, tội luỵ ở trần gian. Đó cũng là nội dung của công trình cứu độ.

Chúa Giêsu muốn chúng ta tiếp tục công trình cứu độ của Người nên giao phó cho chúng ta sứ mạng ấy kèm theo ân huệ lớn lao nhất là ban Thánh Thần cho ta. Người mời gọi các tông đồ “hãy ở lại Giêrusalem, đón nhận quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49) là Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha hứa ban. Đức Giêsu lên trời cũng không phải là lìa xa chúng ta, nhưng Người muốn hiện diện một cách mới mẻ và hiệu quả để giúp chúng ta tiếp tục công trình cứu độ của Người. Người nói với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Như thế, việc xây dựng Nước Trời mời gọi ta không phải nhìn vào khoảng không gian vô tận mà nhìn vào những con người đang sống với ta, nhìn vào vạn vật đang ở quanh ta, để mang lại cho muôn loài niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ. Đức Giêsu tha thiết mời gọi ta, qua hai vị thiên thần, “đừng ngước mắt nhìn trời” nhưng hãy nhìn vào trần thế hôm nay. Chúng ta có thể nói rằng thái độ xa lánh trần thế do hiểu lầm trời như là khoảng không gian cách xa mặt đất hình như đã ăn sâu vào tâm thức của người tín hữu dẫn đến việc hiểu lầm câu nói của thánh Phaolô: “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa”. Thái độ ấy khiến nhiều Kitô hữu chỉ tập trung vào việc cầu nguyện, tham dự các bí tich và các việc đạo đức thiêng liêng, không quan tâm đến những con người nghèo khổ, tật bệnh và đời sống thực tế quanh mình.

3. Xây dựng  như thế nào và bằng cách nào?

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy “các tông đồ ở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng họ mang nồi niêu, bát đĩa, giường chiếu vào trong đền thờ để ở lì trong đó và quên mất sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn loài. Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp nơi theo đúng lệnh truyền của Chúa (x. Lc 24,47; Mt 28,19).

ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta hãy nhớ đến sứ mạng xây dựng Nước Trời nơi trần thế, hãy ra khỏi thái độ xa cách con người, đến vùng ven là những nơi xa nhất của cõi nhân sinh, nơi có những anh chị em đang bị gạt ra ngoài lề xã hội, đang chịu đói khổ, bệnh tật, đang bị giam cầm bởi những thế lực chống đối Chúa Kitô, không được nói lên những ước vọng tha thiết nhất của con người. ĐTC mời gọi chúng ta hãy nhớ đến những người nô lệ mới trong thời đại hôm nay, những người đang bị kiềm chế bởi muôn ngàn chủ nghĩa ảo tưởng, khi nghĩ rằng con người có thể làm được mọi sự, khoa học có thể giải quyết mọi sự; những con người đang nghiện ngập đủ loại làm cho họ không còn sống đúng là người. ĐTC mời gọi chúng ta hãy dùng ơn Chúa Thánh Thần với quyền lực của Chúa Giêsu mà giải thoát họ, xây dựng Nước Trời cho họ, đem lại cho họ niềm vui, niềm hy vọng và bình an, đem đến cho họ bát cơm, tấm áo, viên thuốc chữa bệnh thay vì những lời an ủi xuông tình.

Tuần tới chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần như một làn khí được bơm vào mỗi người chúng ta, như bơm vào quả bong bóng, với xác thịt yếu đuối, với những đam mê dục vọng luôn luôn kéo chúng ta chìm xuống. làm cho chúng ta không thể bay bổng lên trời.  Chúng ta rất cần Thần Khí với sức mạnh, ân sủng, tình yêu của Ngài, chúng ta mới có thể thi hành sứ mạng xây dựng Nước Trời trong trần thế. Chính Thần Khí đó sẽ biến đổi dòng máu đen bẩn vì tham vọng, dục vọng, tội lỗi thành dòng máu đỏ đầy sức sống thần linh chảy trong ta để ta có thể cứu giúp những con người đói khổ, bệnh tật, nghèo túng đủ loại ở quanh mình.

Lời kết

Trong tuần đặc biệt này, chúng ta kết hợp với Người Mẹ Thánh, như xưa Mẹ cầu nguyện ở Nhà Tiệc Ly với các môn đệ Chúa Giêsu, để xin Thánh Thần biến đổi, thánh hoá ta. Nhờ Thần Khí và ân phúc của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể bay bổng để xây dựng Nước Trời, mang lại ơn cứu độ cho muôn vật muôn loài.