VN chọn số khẩn cấp 112
Trong tương lai gần, người dân khi gặp những tình huống khẩn cấp sẽ không phải gọi theo các số 113, 114 hay 115 như hiện nay mà chỉ cần gọi 112 sẽ được các cơ quan chức năng trợ giúp giải quyết.
VN chọn số khẩn cấp 112
Trong tương lai gần, người dân khi gặp những tình huống khẩn cấp sẽ không phải gọi theo các số 113, 114 hay 115 như hiện nay mà chỉ cần gọi 112 sẽ được các cơ quan chức năng trợ giúp giải quyết.
Đầu tháng 2.2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 226/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức thông tin liên lạc khẩn cấp dùng chung cho các tình huống tìm kiếm, cứu nạn. Đề án nêu rõ 2 mục tiêu lớn, gồm: xây dựng mô hình kỹ thuật thông tin liên lạc phục vụ tiếp nhận thông tin yêu cầu trợ giúp khẩn cấp dùng chung cho các tình huống tìm kiếm, cứu nạn phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế hoạt động chỉ đạo, điều hành tìm kiếm, cứu nạn hiện nay tại VN; thiết lập thêm một số điện thoại liên lạc (số 112) để tiếp nhận yêu cầu trợ giúp khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, có khả năng kết nối đến các hệ thống liên lạc khẩn cấp hiện có, từng bước tiến tới sử dụng thống nhất một số điện thoại liên lạc khẩn cấp để phục vụ tiếp nhận yêu cầu tìm kiếm cứu nạn chung cho mọi tình huống.
Cụ thể hơn, đề án sẽ xây dựng hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp dựa trên hạ tầng kỹ thuật mạng viễn thông cố định sẵn có tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư của Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT). Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc tại Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm, cứu nạn và tại các tỉnh, thành phố để tiếp nhận thông tin về các tình huống khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, kết nối hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp dùng chung phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn sử dụng số điện thoại 112 với các hệ thống thông tin tiếp nhận thông tin khẩn cấp hiện có để thống nhất trong hoạt động tiếp nhận, chuyển thông tin tới các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn.
Kỹ thuật hoàn toàn đáp ứng
Một lãnh đạo Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết việc tiến tới đầu số khẩn cấp 112 là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trước mắt, ngoài đầu số khẩn cấp 112, các đầu số 113, 114 hay 115 vẫn tiếp tục tồn tại song song cho đến khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đầu số 112 đảm bảo được khả năng thay thế. Đề án cũng nêu rõ, việc tổ chức thực hiện sẽ diễn ra trong thời gian từ 2016 – 2020.
Đại diện của VNPT cho biết, trong tháng 5 Bộ TT-TT sẽ chủ trì tổ chức cuộc họp với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và VNPTvề Đề án tổ chức thông tin liên lạc khẩn cấp. Tại cuộc họp này, uỷ ban sẽ cung cấp những yêu cầu cụ thể theo nội dung của đề án để VNPT xây dựng phương án. Tuy nhiên, theo VNPT, đến thời điểm này tập đoàn đã chủ động xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn đáp ứng một số yêu cầu chính, có khả năng tiếp nhận thông tin dưới nhiều hình thức: thoại, SMS; xác định vị trí nơi xuất phát thông tin; có hệ thống phần mềm tin học để hỗ trợ quản lý công tác tìm kiếm cứu nạn… Cũng theo vị đại diện VNPT, việc đầu số 112 thay thế hay song song tồn tại với các đầu số 113, 114, 115 hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế điều hành và xử lý thông tin của các cơ quan chủ quản có liên quan. Ví dụ, cơ quan tìm kiếm cứu nạn tại địa phương có chức năng tiếp nhận và xử lý các vụ việc liên quan đến công an (113), báo cháy (114), cấp cứu (115) hay không.
“Nhiệm vụ của VNPT là cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho việc tiếp nhận thông tin. Do đó, việc đầu số 112 thay thế hay song song tồn tại với các đầu số 113, 114, 115 phụ thuộc vào quyết định của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng về phương án kỹ thuật đối với cả 2 trường hợp”, đại diện VNPT khẳng định.
Thái Sơn