23/12/2024

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50: “Truyền thông với phong cách đậm chất Tin Mừng”

Trong buổi đọc Knh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng ngày Chúa Nhật 08 tháng 5 năm 2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích về ý nghĩa của ngày lễ Chúa Thăng Thiên: “Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu rời khỏi trái đất của chúng ta để đi vào vinh quang viên mãn của Thiên Chúa, đồng thời mang theo với Người nhân tính của chúng ta.”

 Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50: “Truyền thông với phong cách đậm chất Tin Mừng”

 

 
WHĐ (09.05.2016) – Trong buổi đọc Knh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng ngày Chúa Nhật 08 tháng 5 năm 2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích về ý nghĩa của ngày lễ Chúa Thăng Thiên: “Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu rời khỏi trái đất của chúng ta để đi vào vinh quang viên mãn của Thiên Chúa, đồng thời mang theo với Người nhân tính của chúng ta.”

Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ khi Chúa Giêu “rời khỏi các ông và được đưa lên trời” (24,51). Các môn đệ không còn cảm thấy đau khổ và mất mát nữa, nhưng “bái lạy Người rồi trở về Giêrusalem lòng đầy hân hoan” (c. 52). Đó là sự trở về của những người không còn sợ thành đã chối bỏ  Thầy mình, thành đã chứng kiến sự phản bội của Giuđa và sự kiện Phêrô chối thầy, chứng kiến sự giải tán của các môn đệ và bạo lực đe doạ của nhà cầm quyền.

“Từ ngày ấy, đối với các tông đồ và tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, họ có thể sống ở Giêrusalem và ở mọi thành phố trên thế giới, cũng như ở những thành phố khắc nghiệt nhất vì bất công và bạo lực, vì trên mỗi thành phố cũng có cùng bầu trời ấy và mọi người có thể hướng nhìn lên cao lòng tràn đầy hy vọng.”

Thật vậy, “trong bầu trời ấy có Thiên Chúa ngự trị, Người đã tự mặc khải mình là Đấng gần gũi với con người đến độ mang lấy khuôn mặt của một con người là Giêsu Nazareth”. Người vẫn mãi là Đấng Emmanuel – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Nhận thức này mang lại cho chúng ta một trách nhiệm: cũng như các môn đệ đã trở về thành để loan báo cho mọi người sự sống mới của Chúa Giêsu, “sự hoán cải và ơn tha tội”, chúng ta phải làm chứng bằng cách ra khỏi nhà thờ vào mỗi Chúa nhật để đem Tin Mừng đến “các gia đình, văn phòng, trường học, những nơi hội họp và giải trí, bệnh viện, nhà tù, nhà hưu dưỡng, những nơi có người di dân, những vùng ngoại vi thành phố…” Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Lời chứng ấy, chúng ta phải mang đến mỗi tuần, rằng Đức Kitô ở với chúng ta, Người  đã lên trời và vẫn ở với chúng ta, Người là Đấng hằng sống.”

Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên cũng là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội – năm nay là lần thứ 50. Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50 đã công bố hồi đầu năm nay. Ngài nói: “Các nghị phụ của Công đồng Vatican II, khi suy tư về Giáo hội trong thế giới ngày nay, đã hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của truyền thông, truyền thông ‘có thể bắc những nhịp cầu nối giữa các cá nhân, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau – cả trong thế giới vật chất và môi trường kỹ thuật số”. Và Đức Thánh Cha kêu gọi những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông của Giáo hội phải luôn có “một phong cách đậm chất Tin Mừng, một phong cách nối kết chân lý với lòng thương xót”.

Trong ngày này, Đức Thánh Cha cũng gửi đi một tấm thiệp trên trang Twitter (@Pontifex) vàInstagram (@Franciscus) của ngài với dòng chữ: “Gửi bạn trong cộng đồng kỹ thuật số rộng lớn, bạn đã xin tôi chúc lành và cầu nguyện cho bạn, tôi muốn nói rằng bạn là món quà quý giá trong lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa Cha. Và bạn cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi là người phục vụ Tin Mừng Lòng thương xót.”

Cuối cùng, nhắc đến Ngày của Mẹ cử hành vào Chúa Nhật 08 tháng 5 tại nhiều quốc gia, Đức Thánh Cha tôn vinh “các bà mẹ hiện đang có mặt ở Quảng trường, các bà mẹ của chúng ta, những người còn ở với chúng ta hay đã về trời” và mời mọi người cùng đọc một kinh Kính Mừng.
 
 
 

Minh Đức