26/12/2024

Đáy biển Quảng Bình: Cá chết không thấy, cá sống lèo tèo

Có hay không “nghĩa địa cá” với xác cá chết chất chồng dày đặc tại khu vực đáy biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình?

 

Đáy biển Quảng Bình: Cá chết không thấy, cá sống lèo tèo

 

Có hay không “nghĩa địa cá” với xác cá chết chất chồng dày đặc tại khu vực đáy biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình?

 

 

 

 

Đáy biển Quảng Bình: Cá chết không thấy, cá sống lèo tèo
Để làm rõ tin đồn “cá chết xếp lớp” dưới đáy biển Nhân Trạch, Quảng Bình, phóng viênTuổi Trẻ đã nhờ các thợ lặn mang máy quay ghi lại hình ảnh ở đáy biển khu vực này - Ảnh: Quốc Nam

 

 

Những ngày qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa thông tin: khu vực đáy biển thuộc xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) trở thành một “nghĩa địa cá”, xác các loại cá chết chất chồng dày đặc. Những thông tin này khiến người ta liên tưởng tới một vùng biển chết.

Thực hư chuyện này ra sao? Điều gì đang xảy ra dưới đáy biển Nhân Trạch? Phóng viên Tuổi Trẻ cùng với đội thợ lặn tại xã Nhân Trạch đã ra khơi lặn xuống vùng biển này để ghi lại những hình ảnh trung thực nhất. 12g ngày 7-5, thuyền chúng tôi trực chỉ biển khơi.

 

 
 
 
 

 

Điểm quay thứ nhất ở bãi Rạn

 

Không thấy xác cá chết xếp lớp

Phương tiện để chúng tôi thực hiện clip này là chiếc camera hành trình chịu nước. Hai thợ lặn Phạm Văn Hoàn và Trương Đô kỹ càng mặc áo quần lặn, ngậm ống dưỡng khí và mang dép cao su chống vật sắc như san hô, hàu cắt chân, đeo máy quay, ngần ngừ một chút rồi nhảy xuống biển.

Vùng biển đầu tiên hai thợ lặn xuống thám sát được gọi là bãi Rạn. Đây là những thợ lặn dũng cảm nhất mà chúng tôi tìm được và thuyết phục mãi họ mới chịu nhận lời, bởi một vùng làng chài mênh mông không ai nhận lời đi lặn trong những ngày này vì cho rằng “biển đang nguy hiểm”.

Trên thuyền, ngư dân Phạm Lợi làm nhiệm vụ điều chỉnh ống dưỡng khí cho hai thợ lặn ở dưới. “Lặn biển sâu, chỉ một sơ suất nhỏ là nhận hậu quả lớn ngay” – Lợi nói. Và những người thợ lặn dũng cảm nhất quyết không cho chúng tôi xuống biển, họ nói không an toàn cho các nhà báo.

Bãi Rạn được ngư dân địa phương cho biết là khu vực tập trung nhiều loài cá tôm sinh sống nhất. Đây là nơi kiếm chén cơm, manh áo của người dân vùng này.

Rạn là một bãi đá và san hô lởm chởm ở độ sâu khoảng 10m, cách đất liền gần 2 hải lý tính từ trung tâm xã Nhân Trạch. Đây là nơi ngư dân địa phương cho biết trước đây cá tập trung sống nhiều.

Từng phút trôi qua căng thẳng. Ống hơi di chuyển nhịp nhàng. Lợi trấn an chúng tôi yên tâm. Trong đầu chúng tôi lẫn lộn những hình ảnh hình dung được: những thước phim biển lung linh và từng đàn cá tung tăng bơi lội hay một “nghĩa địa cá” thật sự, không sinh khí và đầy tang tóc…

10 phút. 20 phút. Và rồi, thợ lặn Phạm Văn Hoàn tung nước lao lên, thợ lặn Trương Đô cũng bám theo sau. Máy quay hoạt động rất tốt! Tất cả chúng tôi hồi hộp mở máy lên. Những thước phim hiện ra…

Không một xác cá! Nhưng cũng không thấy bóng dáng của một con cá sống nào bơi lội! Đáy biển xám xịt phủ đầy bùn. Những hốc đá trơ trọi, vắng ngắt. Chỉ thấy một vài vỏ ốc đã chết nằm chỏng chơ lẻ loi trong hốc đá.

Hình ảnh camera lướt đi dưới đáy biển cho thấy các thợ lặn đã thám thính ở một khu vực gần 500m2. Hoàn toàn không thấy một dấu hiệu nào của “lớp xác cá dày nửa mét” như một số thông tin trước đó.

Ngư dân Trương Đô dù vậy tỏ ra rất buồn: “Hai anh em đã lặn rất rộng ở những điểm có khả năng có nhiều cá chết nhất vùng biển ni rồi. Cá chết không thấy nhưng cá sống cũng không có nhiều. Cũng chẳng thấy một lớp bột trắng đục nào tích dưới biển như người ta đồn cả” – ông Đô vừa nói vừa hờ hững thả những vỏ ốc đã chết xuống khoang thuyền nghe cành cạch.

Chúng tôi cho thuyền sang bãi lặn thứ hai.

Đáy biển Quảng Bình: Cá chết không thấy, cá sống lèo tèo
Điểm lặn thứ hai tại Bến Cá cho thấy một số cá bơi trên rạn san hô và nhiều con nhím biển sống – Ảnh từ clip của thợ lặn Phạm Văn Hoàn

Biển hoang tàn

Điểm lặn thứ hai cách điểm thứ nhất hơn 1 hải lý. Khu vực này được ngư dân địa phương gọi là Bến Cá. Cái tên đã nói lên sự giàu có của thiên nhiên nơi này. Ông Đô nói cá tôm và ốc ở đây nhiều lắm, ngày nào cũng có người chong ghe đánh bắt.

Khu vực này sâu gần 15m nước, cách bờ khoảng 2 hải lý, nằm ở ranh giới vùng biển giữa Nhân Trạch và xã Quang Phú. Lần này cả hai thợ lặn Hoàn và Đô đã tự tin hơn và chuyên nghiệp hơn với chiếc máy quay lần đầu trong đời họ sử dụng.

Vẫn từng phút trôi qua chậm chạp… Lòng chúng tôi dâng lên một cảm giác khó tả: biển ở đây có khá hơn không? Hay tệ hơn? Điều gì bên dưới 15m nước xưa kia đã từng trù phú?…

Và rồi những người thợ lặn dũng cảm của chúng tôi lần nữa lại ngoi lên từ đáy trùng dương. Ngâm lâu dưới nước, khuôn mặt cả hai tái nhợt, nước nhỏ ròng ròng.

Trong đoạn phim lần này nước biển có vẻ trong hơn, phim quay được đẹp hơn. Nhưng những gì các thợ lặn của chúng tôi quay được đem lại một nỗi buồn không thể tả: không tôm không cá, chỉ thấy một vài con nhím biển là còn sống.

 

 
 
 
 

 

Điểm quay số 2 tại bãi Bến Cá

 

Anh Hoàn nói loài nhím biển là loài khó chết, nhưng nhiều con anh thấy dưới đáy biển vẫn chết, nằm dính vào nhau. Rặng san hô ở khu vực này tuy không đến nỗi tan tành, nhưng nhiều cụm đã biến thành màu sẫm, đụng vào thấy các cành rời ra như bị mục thối.

Có một điều mà hai thợ lặn cứ thở dài rồi nhắc tới nhắc lui mãi trong suốt gần hai giờ cùng chúng tôi trên vùng biển Nhân Trạch. Đó là câu “biển đang chết thiệt rồi”.

Thợ lặn Phạm Văn Hoàn nói cả hai điểm lặn xuống anh đều cố lặn rất rộng để tìm chút hi vọng về một sinh vật còn sự sống dưới đáy biển. Nhưng tất cả đều gần như không như mong đợi.

“Biển y như đã chết rồi” – thợ lặn Hoàn lặp lại câu này trong cái lắc đầu bất lực và đôi mắt những người thợ lặn đỏ hoe vì nước biển.

Thợ lặn Trương Đô nói ở khu vực này, khi nước trong, chỉ cần đứng trên thuyền nhìn xuống là đã thấy dưới bãi đá cá bơi từng đàn. Khi lặn xuống cá còn bơi ngay trước mặt mình.

“Nhưng nay lặn xuống cả một vùng biển rộng không còn sinh khí, may mà thấy một hai con cá lèo tèo” – ông buồn bã. Chúng tôi sau đó xuôi thuyền về bờ, cả ba thợ lặn từ đó không nói với nhau câu nào, chỉ thỉnh thoảng ngoái nhìn biển phía sau lưng.

Chúng tôi vào bờ. Trời chiều trên làng chài nắng chói chang và những con tàu phơi mình trong nắng. Những ngư dân tụm năm tụm ba trốn nắng trong nhà, ai cũng có vẻ bồn chồn. Với họ, không ra biển là cái đói chực chờ, rau dưa cá muối đều từ biển mà nay biển đang quay lưng…

Dân lặn biển sợ biển nhiễm độc

Đáy biển Quảng Bình: Cá chết không thấy, cá sống lèo tèo
Thợ lặn Phạm Văn Hoàn vừa đưa từ đáy biển lên một số con ốc đã chết – Ảnh: Quốc Nam

Bãi biển xã Nhân Trạch cách quốc lộ 1 hơn 5km. Dọc bờ biển dài mấy cây số qua xã này kéo từ thôn Khối, thôn Vinh qua đến Nhân Đức bên kia cửa sông dày đặc thuyền neo ngay sát bờ. Điều này cho thấy phần lớn ngư dân đang ở nhà chứ không ra biển.

Biết chúng tôi đang tìm một đội thợ lặn, một lão ngư ngần ngừ: “Người không đi biển ở nhà thì nhiều đấy, nhưng người dám đi lặn thì không nhiều mô”.

Hai giờ quần từ đầu làng đến cuối làng, từ làng này qua làng khác, chúng tôi nhận ra lão ngư vừa gặp nói đúng. Bởi cả chục ngư dân chúng tôi gặp đều lắc đầu từ chối với lý do: “Sợ lặn xuống nước độc lại sinh bệnh”. 11g, chúng tôi được chỉ đến xóm Mới, thôn Nhân Quang với hi vọng cuối cùng.

Qua thêm hai người tình nguyện dẫn đường, chúng tôi mới tìm được một thợ lặn chịu đi lặn. Đó là ông Trương Đô, 49 tuổi, người chuyên lặn bắn cá và ốc ở đáy biển vùng này.

Một lúc sau, ông Đô gọi được thêm một thợ lặn khác trẻ hơn cùng đi, đó là Phạm Văn Hoàn, 34 tuổi, cùng thôn, cùng nghề. 12g, chiếc thuyền nan chồm sóng hướng ra biển mang theo hai thợ lặn đầy kinh nghiệm.

“Thấy chú cũng vì người dân nên hai anh em mới nhận lời, chứ thực là bụng cũng lo lắm. Cả nửa tháng rồi có dám ra biển đâu. Ai cũng sợ nhiễm độc” – ông Đô nói.

QUỐC NAM