25/12/2024

Trao tặng Giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

VATICAN – ĐTC Phanxicô kêu gọi Âu châu nhớ lại dự phóng của các tiền nhân và kiến tạo một Âu châu hiệp nhất, vượt lên trên những cám dỗ xây dựng những bức tường chia cách, thay vì bắc những nhịp cầu liên đới. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng hôm qua, 6-5, nhân dịp nhận Giải thưởng Carlo Magno (Charlemagne) trong một buổi lễ tại Vatican trước sự hiện diện của hàng trăm vị lãnh đạo chính trị và đại biểu nghị viện Âu châu.

Trao tặng Giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha
 
 

Trao tặng Giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha – RV

VATICAN – ĐTC Phanxicô kêu gọi Âu châu nhớ lại dự phóng của các tiền nhân và kiến tạo một Âu châu hiệp nhất, vượt lên trên những cám dỗ xây dựng những bức tường chia cách, thay vì bắc những nhịp cầu liên đới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng hôm qua, 6-5, nhân dịp nhận Giải thưởng Carlo Magno (Charlemagne) trong một buổi lễ tại Vatican trước sự hiện diện của hàng trăm vị lãnh đạo chính trị và đại biểu nghị viện Âu châu.

Giải thưởng này chỉ trị giá 5.000 Euro và kèm theo một mề đai, một mặt có hình Carlo Magno, hoàng đế của người Franc hồi thế kỷ 8 và được coi là “người cha của Âu châu”. Tuy nhiên, giải này được coi là rất quan trọng về mặt ảnh hưởng và uy tín. Cha Lombardi Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết thông thường ĐTC từ chối không nhận các giải thưởng, nhưng ngài nhận giải này để khích lệ vai trò của Âu châu đối với nền hoà bình trên thế giới.

Trong diễn văn nhân dịp này, ĐTC nhắc đến những dự phóng của những người thành lập Âu châu trong thế kỷ 20 sau những biến cố đụng độ đau thương qua các cuộc thế chiến. Nhưng ngày nay, ước muốn xây dựng Âu châu dường như đang tắt lịm, và chúng ta, những người con của giấc mơ hiệp nhất ấy đang bị cám dỗ chiều theo những ích kỷ của mình, nhìn tư lợi và nghĩ đến việc xây dựng những tường thành riêng. Nhưng tôi xác tín rằng thái độ cam chịu và mệt mỏi ấy không phải là điều thuộc về tâm hồn Âu châu và đàng khác những khó khăn có thể trở thành những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp nhất.

ĐTC cũng cổ vũ công trình tiếp tục xây dựng Âu châu, một công trình dài hạn, qua những thực hiện cụ thể, kiến tạo tình liên đới thực tiễn và cụ thể. Ngài nói: “Chính lúc này, trong thế giới chúng ta đang bị xâu xé và thương tổn, cần trở lại với tình liên đới thực tiễn, lòng quảng đại cụ thể tiếp theo sau Thế chiến II, vì hoà bình thế giới không thể cứu vẫn nếu không có những nỗ lực trong tinh thần sáng tạo, tương ứng với những nguy hiểm đang đe doạ hoà bình. Những dự phóng của các vị sáng lập Âu châu, là những sứ giả hoà bình và tiên báo tương lai, vẫn không bị lỗi thời: ngày nay hơn bao giờ hết, những dự phóng ấy vẫn còn gợi hứng, để xây dựng những cây cầu và phá đổ các bức tường. Những dự phóng ấy dường như nói lên một lời mời gọi tha thiết đừng hài lòng với những sửa chữa bề ngoài, hoặc những thoả hiệp quanh quéo để sửa chữa vài hiệp định, nhưng là can đảm đặt những nền tảng mới, ăn rễ sâu vững chắc, như Alcide De Gasperi đã nói, “tất cả mọi người đều được linh hoạt nhờ mối quan tâm đối với công ích của các tổ quốc chúng ta ở Âu châu, Tổ quốc Âu châu chung của chúng ta, không sợ bắt đầu lại công việc xây dựng đang đòi hỏi những cố gắng kiên nhẫn cộng tác dài hạn của chúng ta”.

Nhân buổi trao giải thưởng cho ĐTC, chiều thứ năm, 5-5, vừa qua, đã có một cuộc hội thảo ở Roma với nhiều nhân vật như Chủ tịch Hội đồng Âu châu, ông Donald Tusk, người Ba Lan, Chủ tịch Nghị viên Âu châu, ông Martin Schultz, người Đức, Chủ tịch Uỷ ban hành pháp Âu châu, ông Jean-Claude Juncker, người Luxembourg. Ngoài ra cũng có sự tham dự của Thủ tướng Đức và Thủ tướng Italia.

Sáng ngày, 6-5-2016, ĐHY Walter Kasper, người Đức, đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô cho các tham dự viên. Và ban trưa các đại diện Âu châu đã họp mặt tại Sảnh đường Regia ở Dinh Tông Toà để dự buổi trao giải thưởng. (SD 6-5-2016)

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP