24/01/2025

PHÓ TỔNG THƯ KÝ LHQ KHẢO SÁT VÙNG HẠN, MẶN: Nước máy mặn hơn cả nước muối!

Ngày 5-5, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Jan Eliasson, cùng đoàn tùy tùng và lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã đến vùng hạn, mặn Bến Tre để khảo sát thực tế và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh này.

 PHÓ TỔNG THƯ KÝ LHQ KHẢO SÁT VÙNG HẠN, MẶN:

Nước máy mặn hơn cả nước muối!

 

 

Ngày 5-5, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Jan Eliasson, cùng đoàn tùy tùng và lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã đến vùng hạn, mặn Bến Tre để khảo sát thực tế và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh này.

 

 

 

 

 

Nước máy mặn hơn cả nước muối!
Đoàn công tác khảo sát một cánh đồng lúa khô cháy, thiệt hại 100% tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri – Ảnh: Mậu Trường

Sau khi nếm nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây, ông Jan Eliasson bày tỏ: “Nếm nước này, tôi lại nhớ đến lời căn dặn của mẹ tôi: Súc nước muối vào mỗi sáng tốt cho cổ họng”.

Độ mặn gấp 10 lần mức cho phép

Trong chuyến khảo sát thực tế, ông Jan Eliasson cùng đoàn công tác đã ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Nương – 55 tuổi, xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri. Tại con kênh nằm trước nhà bà Nương, đoàn công tác đã dùng máy đo độ mặn và cho kết quả nước có độ mặn 1,9‰. Thế nhưng đây là nguồn nước duy nhất mà gia đình bà Nương cùng hàng trăm hộ dân tại đây phải sử dụng cho mọi sinh hoạt.

Tâm sự với ông Jan Eliasson, bà Nguyễn Thị Nương cho biết gia đình bà có 5 công ruộng (1.000 m2/công) là nguồn thu nhập chính để nuôi các con bà ăn học. Năm nay do ảnh hưởng hạn, mặn, ruộng lúa mất trắng, nước sinh hoạt cũng không có tiền mua nên bà đang có ý định cho người con trai nghỉ học để ở nhà phụ việc nhà, bà sẽ đi làm mướn kiếm tiền.

Sau khi hỏi han nhiều gia đình khác nhau, ghi nhận những khó khăn của người dân trong vùng hạn, mặn, ông Jan Eliasson chia sẻ những khó khăn với bà con: “Với tư cách là phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chúng tôi xin chia sẻ những khó khăn với bà con nơi đây, đồng thời tạo điều kiện để hỗ trợ người dân bớt khó khăn. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển những thông điệp của người dân nơi đây đến các tổ chức quốc tế để hỗ trợ”.

“Bà con sẽ không đơn độc, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương tìm giải pháp hỗ trợ. Tôi tin rằng với tính cách mạnh mẽ của người Việt Nam, thời gian tới người dân sẽ vượt qua những khó khăn này”, ông Jan Eliasson nói.

Sau khi thăm bà con vùng hạn, mặn, ông Jan Eliasson cùng đoàn công tác đã thăm Nhà máy nước Bảo Thuận, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn tại xã Bảo Thuận.

Tại đây, sau khi nếm nguồn nước đã qua xử lý để cung cấp cho người dân, ông Jan Eliasson bày tỏ: “Nếm nước này, tôi lại nhớ đến lời căn dặn của mẹ tôi: Súc nước muối vào mỗi sáng tốt cho cổ họng”.

Tiếp lời, ông Cao Đức Phát – bộ trưởng Bộ NN&PTNT – chia sẻ: Nguồn nước dùng để cấp cho người dân nơi đây còn mặn hơn nước muối bán ngoài tiệm thuốc tây. Kết quả đo độ mặn nguồn nước tại đây lên đến 3,2‰, gấp 10 lần cho phép. Thế nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Nên dùng nước Mekong theo thông lệ quốc tế

Báo cáo với đoàn công tác của Liên Hiệp Quốc, ông Lương Quang Xô, phó viện trưởng Viện Thuỷ lợi miền Nam, cho rằng diện tích đất nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khoảng 3,9 triệu ha nhưng sản lượng lúa gạo hằng năm chiếm 50%, nuôi trồng thuỷ sản chiếm 56% và cây ăn trái chiếm đến 70% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, hạn hán và xâm nhập mặn năm qua đã gây ảnh hưởng đến 1,4-2 triệu ha diện tích cây ăn quả, lúa, thuỷ sản… Mặn xâm nhập sâu vào một số nhánh sông chính lên đến 120km.

Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại đối với cây lúa trong vụ đông xuân và hè thu lên đến 208.800ha, 9.400ha cây ăn trái bị thiệt hại, 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, 2.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Đây được xem là kỳ hạn hán nghiêm trọng nhất từ 90 năm qua.

Theo ông Trương Duy Hải – phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hạn, mặn đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh ĐBSCL nói chung. Riêng tỉnh Bến Tre – nơi được xem là bức tranh thu nhỏ về những thiệt hại do hạn, mặn gây ra cho các tỉnh ĐBSCL – đã bị thiệt hại 20.000ha lúa, 5.000ha cây ăn trái và những thiệt hại về lâu dài chưa thể thống kê được.

“Chúng tôi hi vọng Liên Hiệp Quốc sẽ dùng tiếng nói của mình để kêu gọi các nước trên dòng Mekong sử dụng nước hiệu quả, theo thông lệ quốc tế đối với những con sông xuyên quốc gia – đây là giải pháp quan trọng”, ông Hải nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ông Võ Thành Hạo, bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, cho rằng đợt hạn, mặn này ngoài nguyên nhân thiên tai còn có nhân tai. Dòng sông Mekong đã bị một số nước thượng nguồn xây đập chắn ngang làm thủy điện khiến nước chảy về hạ nguồn ít. Mà đã là nhân tai thì các bên phải ngồi lại với nhau giải quyết từ nhiều phía để tìm tiếng nói chung.

“Thật sự hàng trăm ngàn người dân trong tỉnh đang phải oằn mình, kiên cường chống đỡ ảnh hưởng hạn, mặn để Bến Tre không bị rơi vào thảm họa. Thay mặt hơn 16 triệu dân ĐBSCL, tôi thiết tha kêu gọi các tổ chức quốc tế, Liên Hiệp Quốc tích cực hỗ trợ người dân. Qua buổi thăm và làm việc của Liên Hiệp Quốc, tôi thật sự xúc động và có cảm giác cả thế giới đang sát cánh cùng chúng tôi, chúng tôi không đơn độc trong đợt thiên tai hạn, mặn này”, ông Hạo nêu ý kiến.

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson đánh giá chuyến đi thực tế tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre rất bổ ích bởi ông được tận mắt thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: “Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết mình giúp người dân và chính phủ chuyển thông điệp đến với các tổ chức liên quan, tổ chức môi trường trong thời gian tới”.

Ông Cao Đức Phát cho rằng Việt Nam đang đối phó với thiên tai nặng nề. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng huy động mọi nguồn lực để giúp nhân dân vượt qua đợt thiên tai này. “Phương châm của chúng tôi là không để người dân nào đói, thiếu nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, đợt thiên tai này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và được dự báo là ảnh hưởng nặng nề nhất của El Nino”. Ông Phát đánh giá biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với người dân Việt Nam trong thế kỷ 21 này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Đức Phát đánh giá chuyến thăm này của Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Quốc nói chung. Đặc biệt là cùng nhau nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra ở Việt Nam cũng như đưa ra những chủ trương, đề xuất cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam.

MẬU TRƯỜNG – THANH TÚ