23/12/2024

Ứng phó cấp bách với hải sản chết bất thường

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã ký văn bản gửi các tỉnh bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hướng dẫn triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường.

 

Ứng phó cấp bách với hải sản chết bất thường

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã ký văn bản gửi các tỉnh bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hướng dẫn triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường.




Bộ yêu cầu các địa phương thu gom và xử lý hải sản chết bất thường và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đó là hải sản chết dạt vào bờ hoặc do người dân vớt được trên các vùng biển ven bờ; hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ trên phạm vi vùng biển 4 tỉnh nêu trên.
Bộ nhấn mạnh, tuyệt đối không sử dụng làm thực phẩm cho con người hoặc chế biến làm thức ăn cho vật nuôi và phải xử lý bằng cách chôn lấp ở vị trí cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch…
Đối với các vùng nuôi trồng thuỷ sản, trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường, người dân tạm thời chưa thả giống. Người dân tạm thời di chuyển lồng cá đến khu vực nước sâu hơn.
Vùng nuôi trồng hải sản ven biển cần hạn chế cấp nước bổ sung. Trong trường hợp bắt buộc phải lấy nước biển vào vùng nuôi nên lấy nước tầng mặt, lúc đỉnh triều; không cấp trực tiếp nước biển vào ao đầm, bể nuôi mà lấy nước biển qua ao chứa, ao lắng để xử lý bằng các loại chất có khả năng hấp thụ khí độc, kim loại nặng và nên xử lý lặp lại từ 2 – 3 lần và tốt nhất nên xử lý bằng hệ thống lọc cát trước khi cấp bổ sung vào đầm, bể nuôi.
Để xác nhận hải sản an toàn, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường tần suất lấy mẫu từ 2 – 3 ngày/lần đối với hải sản đánh bắt trong vùng 20 hải lý tính từ bờ và ngoài 20 hải lý trở ra trước khi đưa đi tiêu thụ để phân tích các chỉ số kim loại nặng như thuỷ ngân, chì, cadimi, arsen… Khi phát hiện các mẫu không đạt thì báo ngay cho Bộ NN-PTNT và hỗ trợ ngư dân tiêu huỷ, đồng thời khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu không đạt yêu cầu.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ TN-MT đã yêu cầu 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế gửi thông tin cập nhật liên quan đến tình hình môi trường nước biển, cá chết 2 lần/ngày, trước 9 giờ sáng và 16 giờ chiều hằng ngày. Bộ TN-MT đặc biệt lưu ý chú trọng ghi nhận về nước biển, màu sắc, mùi, hướng gió, hướng dòng hải lưu tầng mặt, dòng hải lưu tầng sâu…, các thông tin khoa học về tình hình diễn biến môi trường về nhiệt độ, ảnh viễn thám, ảnh vệ tinh… Kết quả quan trắc, phân tích mẫu môi trường khu vực ven biển: mẫu nước biển ven bờ, mẫu nước tại cửa sông, mẫu nước tại các nguồn thải chính, mẫu hải sản, mẫu trầm tích…

 

Phan Hậu – Lê Quân