23/12/2024

Chúa Nhật VI PS C – 2016: Thể hiện tình yêu thương xót

Khi kết hợp với Chúa Giêsu, ta mới biến tất cả hành động của mình thành lời cứu độ để giúp cho những người đói khổ, tật bệnh, bị ma quỷ kiềm chế được ấm no, hạnh phúc, được an lành và giải thoát nhờ sự hiện diện của 3 Ngôi Thiên Chúa.

Thể hiện tình yêu thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Có thể nói hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng để chúng ta suy niệm về Chúa Phục Sinh với tình yêu thương xót của Người, rồi Chúa Nhật tuần sau chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Chúng ta muốn tìm hiểu đề tài làm sao thể hiện được tình yêu thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

1. Giáo huấn của Giáo hội

1.1. Chúng ta nên làm gì?

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong số 14 của Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã mời gọi chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót bằng những hành động cụ thể trong suốt đời sống của mình. Còn Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông sắc Dung mạo lòng thương xót, từ số 12 đến số 19, đã nêu rõ những hành động cụ thể để thực hiện trong đời sống và giúp chúng ta trở thành dung mạo sống động của lòng thương xót như Chúa Giêsu. Ngài mời gọi ta đừng biến lòng thương xót và Năm Thánh này thành những khẩu hiệu, những kiểu quyết tâm trừu tượng, duy ý chí mà không thể hiện trong đời sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng: trước hết chúng ta hãy xác tín về tình yêu thương xót của Thiên Chúa như chúng ta đã tìm hiểu tuần trước. Lòng thương xót ấy có hai chiều: một chiều đến từ Thiên Chúa xuống với con người để chuyển thông cho ta tình yêu, sức mạnh, quyền năng, ân sủng của Thiên Chúa, rồi ta dùng ân sủng và quyền năng ấy thể hiện cho anh chị em mình. Nhờ đó chúng ta và anh chị em được đón nhận Tin Mừng cứu độ, được chữa lành, giải thoát, biến đổi, trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn. Đó là chiều nâng cao và đi lên của tình yêu thương xót. Tình yêu ấy trước tiên phải thể hiện bằng sự tha thứ cho nhau và tự hiến cho Chúa.

Hành động thứ hai là chúng ta lập chương trình sống cụ thể với những công việc rõ ràng để mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm thể hiện lòng Chúa thương xót. Việc này  “đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng cũng tràn đầy niềm vui và an bình”.  Buổi sáng thức dậy chúng ta dâng mọi công việc trong ngày cho Chúa như cầu nguyện, dâng thánh lễ, học hành, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí… Trong Năm Thánh, ngài cũng mời gọi chúng ta đi hành hương, nhưng không phải đi tìm một địa điểm nào để vừa kết hợp đi du lịch vừa cầu nguyện, nhưng là chúng ta đi qua “cửa lòng thương xót” bằng việc dấn thân hy sinh, bằng những cố gắng biết cho đi một cách vô điều kiện như Chúa Cha, bằng cách bỏ đi những lời kết án, những lời nói xấu để chuyển thành những lời tích cực mang lại ơn cứu độ cho muôn loài.

Ngài còn nhắc nhở chúng ta hãy đi đến vùng ven, đến những miền đất xa xôi nhất của kiếp nhân sinh này để gặp những con người nghèo đói, bệnh tật, đau khổ, đang bị loại ra ngoài lề xã hội, để giúp họ cảm nghiệm được lòng thương xót cụ thể của Thiên Chúa qua những hành động “thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối”.

Chúng ta cũng được mời gọi đến với những nô lệ mới của thời đại hôm nay, những con người đánh mất tự do cao quý của mình bằng đủ thứ nghiện ngập như bài bạc, phim ảnh xấu, nghiện trò chơi, nghiện rượu bia, nghiện ma tuý…Họ đang cần chúng ta dùng Lời quyền năng của Chúa để giải thoát cho họ, dùng trí óc và đôi tay của chúng ta để xoa bóp, nâng đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn của đời mình.

1.2. Thực tế của xã hội

Nhìn vào xã hội Việt Nam, hơn 10 triệu người đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, không kiếm được 1 đô la Mỹ (tương đương 22.000 đồng) cho một ngày, theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Tình trạng này sẽ thê thảm hơn trong năm nay và vài năm sắp tới vì nhiều vùng của đồng bằng Sông Cửu Long bị nhiễm mặn do nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông không chảy về. Người ta tính rằng phải mất 3 năm, nước ngọt mới tẩy hết mặn cho đồng bằng Sông Cửu Long. Xuống thăm vùng đó ta thấy lúa đang chết! Giá gạo thấp nhất trước đây là 8.500 đồng/ký, nay lên 13.000 đồng/ký. Rất nhiều người đang đói khổ. Chúng tôi còn nghe được tiếng kêu cứu đói của đồng bào Stiêng ở Bình Phước, đồng bào Chu-ru ở Bảo Lộc và nhiều nơi trên vùng cao đang thiếu gạo ăn, nước uống.

Chúng ta đang có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật về thể lý như mù què câm điếc và hơn 10 triệu người khuyết tật về tinh thần như bị trầm cảm, suy nhược tâm thần, hội chứng down, tự kỷ. Hàng chục triệu người nghiện rượu bia, thuốc lá, bài bạc, phim đồi truỵ, trò chơi trực tuyến, ma tuý.. Người Công giáo chúng ta sẽ làm gì để tỏ lòng thương xót họ? Nhiều người vẫn đang đi du lịch hành hương, vẫn tổ chức những tiệc mừng xa xỉ và không quan tâm đến những anh chị em đói khát, những nô lệ mới ấy! Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy nhìn lại và thể hiện bằng những hành động cụ thể trong đời sống.

2. Nhưng chúng ta sẽ hành động như thế nào?

2.1. Thể hiện bằng tình yêu thương xót của Ba Ngôi Thiên Chúa

Đức Giêsu hôm nay, qua bài Tin Mừng, mời gọi chúng ta hãy thể hiện bằng tình yêu thương xót của Người, giống như Người: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Chúng ta tự hỏi lời của Chúa Giêsu là những lời nào? Nhiều người chúng ta nghĩ đến những lệnh truyền của Chúa Giêsu được ghi nhận trong Phúc Âm. Nhưng Lời ở đây, như ĐTC Bênêđictô và ĐTC Phanxicô nhắc nhở, là Ngôi Lời Thiên Chúa sống động, chứ không phải chỉ là những mệnh lệnh ghi chép trong sách Phúc Âm, không phải chỉ là những bài học giáo lý, những tín điều, bài giảng đơn thuần của một người nổi danh nào đó.

Lời đó là Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, một con người sống động mà chúng ta phải gắn bó, yêu mến và kết hợp với Người. Lúc ấy ta mới nhận được sự sống, tình yêu, quyền năng và biết bao ân sủng mà Chúa Giêsu chuyển thông cho mình để ta cảm nghiệm được Chúa Cha, là chính nguồn sự sống, tình yêu, đang ở với ta và những ân huệ của Chúa Thánh Thần. Đó là những phương tiện để ta thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha như Chúa Giêsu.

Khi kết hợp với Chúa Giêsu, ta mới biến tất cả hành động của mình thành lời cứu độ để giúp cho những người đói khổ, tật bệnh, bị ma quỷ kiềm chế được ấm no, hạnh phúc, được an lành và giải thoát. Bấy giờ ta mới cảm nghiệm được ân huệ kỳ diệu của Chúa Thánh Thần chuyển thông cho ta vì Thánh Thần chính là làn khí kỳ diệu mà Chúa Giêsu thổi trên chúng ta để biến dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người, nhờ đó đem lại sự sống diệu kỳ, quyền năng vô tận và hạnh phúc vô biên cho toàn thân. Như thế chúng ta thể hiện tình yêu thương xót nhờ sự hiện diện của 3 Ngôi Thiên Chúa.

2.2. Kinh nghiệm thể hiện

Tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm về việc thể hiện tình yêu thương xót của Chúa Ba Ngôi. Khi thấy nhiều anh chị em đói khổ trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, một người bạn Phật giáo mỗi tháng gửi cho tôi 2.000 ký gạo trong 3 tháng vừa qua, trong khi đó nhiều anh chị Công giáo tôi quen biết lại để dành tiền đi hành hương vào dịp lễ Tết. Dĩ nhiên đi hành hương rất tốt và tuỳ vào tình trạng sức khoẻ toàn diện của mỗi người, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, có lẽ chúng ta cần nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết có nên đi hay không.

Khi trên máy bay từ Hoa Kỳ về Việt Nam vào ngày 28/3/2016 vừa qua, Chúa soi sáng cho tôi viết ra Phương pháp Xoa bóp Chữa bệnh để chia sẻ cho mọi người. Tôi nghĩ rằng khi gắn bó với Chúa Giêsu, Chúa Thánh thần sẽ soi sáng cho chúng ta  dùng sự hiểu biết và đôi bàn tay của mình để chữa lành cho con người và giúp họ cảm nhận được lòng Chúa thương xót.

Chiều thứ 6 ngày 28/4/2016 vừa qua, vào lúc 9 giờ tối, trang web Hành Khất Kitô (hanhkhatkito.org) của chúng tôi vượt quá 20 triệu lượt người truy cập sau hơn 4 năm hoạt động. Đây là trang web có lượng người truy cập nhiều nhất trong Giáo Hội VN hiện nay vì mỗi ngày có khoảng 35.000 lượt người truy cập. Tôi biết nhiều anh chị em đang ngồi đây và con cháu của mình rất giỏi về tin học, có nhiều thời giờ hơn chúng tôi, vậy tại sao chúng ta không thể cộng tác để giúp cho trang web của các Uỷ ban trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, của các giáo phận có nội dung phong phú hơn, hình thức hấp dẫn hơn? Chúng ta có thể làm nhiều việc để thể hiện Lòng Chúa xót thương, nhưng chúng ta dường như vẫn ngại ngùng chưa dám dấn thân!

Lời kết

Nếu chúng ta kết hợp mật thiết để Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong chúng ta, chúng ta sẽ thấy từng lời nói, hành động, ý nghĩ của ta đều thể hiện lòng thương xót vô bờ của Chúa. Lúc bấy giờ chúng ta mới trở thành dung mạo sống động của lòng thương xót ấy cho mọi người mọi vật quanh mình.