Những người trẻ thay đổi bộ mặt làng xã
Dự án tăng cường 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở 63 huyện nghèo (nay là 64 huyện) đã xuất hiện rất nhiều phó chủ tịch xã góp công lớn làm thay đổi bộ mặt làng xã, đời sống đồng bào dân tộc khấm khá lên…
Những người trẻ thay đổi bộ mặt làng xã
Dự án tăng cường 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở 63 huyện nghèo (nay là 64 huyện) đã xuất hiện rất nhiều phó chủ tịch xã góp công lớn làm thay đổi bộ mặt làng xã, đời sống đồng bào dân tộc khấm khá lên…
Tráng A Pao xuống thôn, chuyện trò cùng nông dân Tráng Seo Hoà ở thôn Hoá Chéo Chải – Ảnh: Đ.Bình |
Tráng A Pao hay Phạm Xuân Điều là hai trong số rất nhiều phó chủ tịch xã ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang chứng minh điều đó.
Hiểu dân, vì dân
Đến thời điểm này, Tráng A Pao (33 tuổi) vẫn là người con duy nhất của xã Hoàng Thu Phố (xã 100% người Mông, huyện Bắc Hà) học lên ĐH. Là kỹ sư kiến trúc, ra trường, A Pao về lại quê nhà đúng khi có dự án 600 phó chủ tịch xã, và anh đã trúng tuyển, được phân công về chính xã nhà giữa năm 2012.
Tráng A Pao là người duy nhất của dự án 600 phó chủ tịch xã đến thời điểm này được tôn vinh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015).
Cùng Tráng A Pao xuống thôn, tôi thấy chi chít những con đường bêtông mới nối từ đường chính vào các hộ dân bên những sườn đồi, núi. Thi thoảng, những người lái xe qua lại thấy A Pao nói cười rộn rã. Mấy cụ già người Mông ở thôn Hóa Chéo Chải cười lớn, í ới mời A Pao vào nhà.
Cụ bà Hàng Thị Gánh (70 tuổi) nói lơ lớ: “Cái tên xã là Hoàng Thu Phố cũng có nghĩa là “dốc phố vàng” vì xã toàn đường dốc, đất lở…Giờ thì cán bộ trẻ A Pao đã làm những con đường bêtông nên đi lại dễ quá rồi, dân sướng lắm”.
Ông Tráng Seo Hòa, một người dân, nói thêm: “Ngày trước có cái xe máy cũng phải để dưới đường vì đường vào nhà không có, dốc lại cao và trơn, giờ thì ai có tiền là mua xe ngay để đi lại, vừa để chở ngô, chở lợn rất tiện”.
Tráng A Pao tâm sự anh là người sinh ra, lớn lên ở Hoàng Thu Phố, anh hiểu những khó khăn của gia đình, của đồng bào nơi đây. Xã cách trung tâm huyện hơn chục kilômet, nhưng vì đường sá khó khăn nên như “ốc đảo”.
“Nhà mình ở thôn Nhù San cách xã 7km, học cấp II mình đi bộ đến to cả chân. Nhà xa trường, các anh em mình cũng dần bỏ học hết. Đến cấp III phải ra huyện thì mình đi cả tuần, có khi 2-3 tuần mới dám về nhà, vì hồi đó dân mình chỉ có đi bộ thôi” – A Pao kể.
Ngay sau khi về làm phó chủ tịch xã, A Pao đã nghĩ ngay đến việc làm đường. “Bao năm qua đồng bào đã quá khổ vì giao thông đi lại. Kinh tế địa phương cũng vì thế mà không thể phát triển. Đó chính là lý do để tôi xây dựng đề án làm đường bêtông liên gia, ngõ xóm cho đồng bào Hoàng Thu Phố” – A Pao tâm sự.
Đề án ra đời cuối năm 2012 cũng là lúc Hoàng Thu Phố triển khai xây dựng nông thôn mới, nên A Pao thuận lợi trong việc vận động các nguồn đóng góp ủng hộ. A Pao đến từng nhà dân vận động đồng bào cùng thanh niên san gạt, làm nền và trực tiếp trộn, đổ bêtông rải đường.
Khi đó, người dân Hoàng Thu Phố ngỡ ngàng khi thấy phó chủ tịch UBND xã trẻ tuổi hăm hở đi đo đạc, tính toán, lập dự toán, làm tờ trình để đổ bêtông những con đường gập ghềnh, cheo leo, dốc đứng để nối liền các bản.
“Từng mét đường hoàn thành cũng là lúc bà con đã ưng cái bụng, ủng hộ A Pao” – ông Giàng Seo Nhà, bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thu Phố, nói về người cán bộ trẻ của mình.
Theo ông Nhà, dự án dự kiến 5 năm từ 2012-2017 phấn đấu hoàn thành thì đến đầu năm 2015, toàn bộ 12/12 thôn đã triển khai xong, trên 500 hộ dân trong xã đã có đường bêtông với tổng chiều dài 17km, nối từ nhà ra đường chính. 5km đường liên thôn cũng được làm trong giai đoạn này.
Tráng A Pao cho biết ngay khi triển khai làm đường anh đã nghĩ đến những việc tiếp theo. Ở Hoàng Thu Phố, thời gian mây mù, mưa phùn kéo dài nên ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất của bà con, đặc biệt là công tác sau thu hoạch. Mùa vụ ngắn và thời gian có nắng cũng ít nên việc phơi khô nông sản cần tranh thủ, vệ sinh môi trường cũng là vấn đề…
“Mình đã tiếp tục vận động đồng bào tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ nhau để làm các sân phơi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh, xa nơi ở. Giờ chưa có tổng kết, mình cũng chưa tính được chính xác nhưng ít nhất đồng bào đã xây khoảng 200 nhà vệ sinh và hơn 200 chuồng nuôi gia súc hợp vệ sinh” – A Pao khoe.
Phạm Văn Điều hướng dẫn hộ ông Vàng Chí Lương cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây atisô – Ảnh: Đ.Bình |
Bỏ ngô, đưa atisô lên ngôi
Phạm Văn Điều (34 tuổi) là người Kinh quê gốc Tiên Lãng (Hải Phòng), nhưng được sinh ra, lớn lên ở xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà). Tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp năm 2010, trúng tuyển dự án 600 và được phân về xã Na Hối dù đã từng làm việc cho công ty chuyên về giống cây trồng của Mỹ tại Hà Nội.
Về xã, tự học tiếng Tày, tiếng Nùng và cả tiếng Mông để nói chuyện với dân. Tiếp xúc với dân thì thấy những bất cập, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp: đồng bào sản xuất thì nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm không có đầu ra, cứ tự sản tự tiêu…
Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, Điều đã mạnh dạn xây dựng đề án chuyển đổi từ cây trồng truyền thống (ngô, lúa) sang cây atisô.
Ngồi trước hiên nhà ngắm nhìn những luống atisô xanh mướt chạy dài tít tắp, lão nông Vàng Chí Lương (69 tuổi) cười lớn: “Tất cả là nhờ cháu Điều vận động, giúp cho đấy, chứ trước gia đình có 9.000m2 đất chỉ trồng ngô thôi. Rồi khi trong xã có người trồng atisô thì nhà cũng trồng thử, nhưng không được như bây giờ đâu. Giờ dân trong thôn, trong xã ghi nhận công lao của cháu Điều”.
Ông Lương kể theo cách trồng trước đây thì cứ thu hoạch được bao nhiêu phải mang đi bán ngay cách xa nhà hơn chục kilômet. Nếu không mang bán nhanh, để qua ngày lá héo thì bán vừa không được giá, lại bị hao hụt trọng lượng. Vì thế, phong trào atisô cũng dần phá sản, ông Lương và các hộ dân khác chẳng còn mặn mà trồng atisô nữa, rục rịch muốn quay lại trồng ngô.
Đây cũng là vấn đề Điều nhận ra khi đi gặp dân. Điều xin chủ trương, lập đề án quy hoạch trồng thử 1ha cây atisô. Đồng thời, anh cũng xin 188 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới của huyện, rồi vận động dân trở lại tiếp tục trồng atisô, và vận động họ góp trên 60 triệu đồng nữa để xây dựng xưởng sơ chế, sản xuất trà và cao atisô ngay tại vùng trồng.
Vậy là từ năm 2013, mỗi khi thu hoạch, người dân chuyển ngay đến xưởng bán. Mỗi đợt thu mua lá, Điều lại lấy luôn nhân lực trẻ trong thôn tham gia vận hành dây chuyền chế biến trà, cao atisô.
Để có 5ha atisô trồng tại xã Na Hối như hôm nay, phó chủ tịch Phạm Văn Điều cùng cán bộ xã phải đi đến từng nhà vận động, rồi phổ biến cho bà con cách trồng, chăm sóc, thu hái để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
“Đến nay người dân chỉ phải tập trung trồng, chăm sóc cây atisô, còn hợp tác xã chịu trách nhiệm thu mua nguyên liệu, nấu thành cao và bán cho đối tác” – bà Sùng Thị Hoa, chủ tịch UBND xã Na Hối, cho biết.
Điều còn tham gia ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, với vai trò là tổ trưởng. Mấy năm qua, việc xây dựng nông thôn mới ở Na Hối cũng rất hối hả. Với sự tích cực vận động của Điều, năm 2014 người dân cùng chính quyền đã làm được trên 9km đường bêtông liên thôn, liên gia, xây dựng được 8 nhà văn hoá thôn và đã hoàn thành 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục thực hiện dự án 600 Thông tin trên đã được ông Vũ Đăng Minh, vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên – Bộ Nội vụ, kiêm giám đốc ban quản lý dự án thí điểm, tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ ĐH tăng cường về làm phó chủ tịch (PCT) UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (gọi tắt là dự án 600 PCT xã), xác nhận với Tuổi Trẻ trưa 30-4. Theo ông Minh, chiều 29-4, ông Đinh Thế Huynh, uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, đã ký văn bản, thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện dự án 600 PCT xã. Thông báo cho biết tại phiên họp ngày 28-4, sau khi xem xét đề nghị của Bộ Nội vụ về việc tiếp tục thực hiện dự án này, Bộ Chính trị chỉ đạo: các trí thức trẻ hiện đang làm PCT UBND xã tại 64 huyện nghèo không nhất thiết phải là cấp uỷ viên cấp xã nhiệm kỳ 2015-2020; không thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh tại thông báo kết luận số 210-TB/TW, ngày 7-9-2015 của Bộ Chính trị khóa XI. Ở những xã thực hiện thí điểm này tiếp tục được bố trí 2 PCT xã, trong đó có 1 PCT xã là trí thức trẻ được tăng cường cho xã. Về việc bố trí, sử dụng trí thức trẻ trong và sau khi kết thúc thời hạn thí điểm, giao ban thường vụ tỉnh uỷ chỉ đạo ban cán sự đảng UBND tỉnh đang thực hiện thí điểm có trách nhiệm bố trí hợp lý các PCT xã theo nguyên tắc bảo đảm tất cả những trí thức trẻ đã được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên đều phải được sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực. |