23/01/2025

Chúa Thánh Thần là Người Thầy nội tâm và là ký ức sống động về Đức Kitô

VATICAN – Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật, 01.05, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Thánh Thần chính là quà tặng mà Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và nhắc cho chúng ta nhớ lại mọi lời của Đức Giêsu.

 Chúa Thánh Thần là Người Thầy nội tâm và là ký ức sống động về Đức Kitô

 

 

Buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trưa Chúa Nhật 6 Phục Sinh, ngày 01.05.2016 – AFP

VATICAN – Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật, 01.05, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Thánh Thần chính là quà tặng mà Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và nhắc cho chúng ta nhớ lại mọi lời của Đức Giêsu.

“Tin Mừng ngày hôm nay mang chúng ta đến với Bữa Tiệc Ly. Trong bữa ăn tối cuối cùng ấy, trước khi chịu khổ hình và cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã hứa trao ban cho các Tông đồ một món quà, đó chính là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến để dạy dỗ và làm cho mọi người trong cộng đoàn của các môn đệ nhớ lại tất cả mọi điều mà Đức Giêsu đã nói. Thật vậy, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: ‘Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.’ (Ga 14,26). Dạy dỗ và làm nhớ lại. Đây chính là điều mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn của chúng ta.

Trong những giây phút khi chuẩn bị trở về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói trước với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ đến. Chúa Thánh Thần đến, trước hết, là để dạy dỗ các môn để hiểu một cách tròn đầy và chắc chắc hơn về Tin Mừng; kế đến, là giúp các ông đón nhận Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày, sống Tin Mừng đó và sẵn sàng ra đi làm chứng. Trong khi nhắn nhủ những lời tâm huyết với các Tông đồ – hay nói đúng hơn là ‘sai đi’ – trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo trên khắp mặt địa cầu, Đức Giêsu hứa là sẽ không để các ông mồ côi, đơn độc. Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ ở với họ, luôn bên cạnh họ và ở trong họ để bảo vệ và gìn giữ họ. Đức Giêsu trở về với Chúa Cha nhưng vẫn tiếp tục đồng hành và huấn luyện các môn đệ ngang qua món quà tuyệt vời là Chúa Thánh Thần.

Điểm thứ hai nơi chiều kích sứ mạng của Chúa Thánh Thần được hàm chứa trong việc giúp các Tông đồ hiểu và nhớ lại tất cả mọi lời của Đức Giêsu. Thầy Chí Thánh đã nói với các Tông đồ tất cả mọi sự: với Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, sự mặc khải của Thiên Chúa đã được trọn vẹn. Thánh Thần sẽ làm cho họ nhớ lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau của cuộc sống, để họ có thể đặt những giáo huấn ấy vào trong thực hành. Đây cũng chính là điều diễn ra trong Giáo hội ngày hôm nay. Khi được hướng dẫn bởi ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo hội cũng có thể mang món quà cứu độ đến hết mọi người. Món quà ấy chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi mỗi ngày anh chị em đọc một đoạn Tin Mừng, hãy nài xin với Chúa Thánh Thần rằng: ‘Xin cho con hiểu và ghi nhớ mọi lời của Đức Giêsu.’ Rồi sau đó, anh chị em bắt đầu đọc Tin Mừng và hãy đọc mỗi ngày.

Chúng ta không mồ côi: Đức Giêsu luôn bên cạnh chúng ta, ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta! Sự hiện diện cách mới mẻ của Ngài trong lịch sử được thực hiện ngang qua Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể xây dựng một tương quan sống động với Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh nhưng nay đã phục sinh. Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự vào tâm hồn chúng ta ngang qua Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức, luôn hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Ngài hướng dẫn chúng ta biết cách suy nghĩ, hành động, biết phân biệt những điều tốt xấu; giúp chúng ta biết thực hành lòng bác ái của Đức Giêsu, đó là trao ban chính mình cho người khác, đặc biệt những ai đang nghèo túng và cần kíp nhất.

Chúng ta không mồ côi! Dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cũng là bình an mà Đức Giêsu đã trao tặng cho các môn đệ: ‘Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.’ (câu 27). Điều này hoàn toàn khác với những gì mà con người thường cầu chúc cho nhau và cố gắng đạt được. Bình an của Đức Giêsu phát sinh từ sự chiến thắng trên tội lỗi, trên cái tôi ích kỷ ngăn cản chúng ta yêu tha nhân như anh em mình. Bình an là quà tặng của Thiên Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta. Mỗi môn đệ, mà ngày hôm nay được mời gọi bước theo Đức Giêsu vác thánh giá, đều nhận được sự bình an của Đức Kitô Phục Sinh trong sự chắc chắn về chiến thắng của Ngài và trong việc mong chờ sự ngự đến của Ngài trong vinh quang.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta có tâm tình ngoan ngoãn để đón nhận Chúa Thánh Thần như là Người Thầy nội tâm và như là ký ức sống động về Đức Kitô trong cuộc hành trình dương thế hằng ngày của chúng ta.”


Lời chào mừng và kêu gọi

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha cũng nói thêm: “Tôi xin gởi những tâm tình chân thành tới những người anh chị em của chúng ta thuộc Giáo hội Đông phương, ngày hôm nay, đang mừng Lễ Phục Sinh. Xin Thiên Chúa Phục Sinh mang đến cho tất cả mọi người những món quà của ánh sáng và sự bình an. Christos anesti! (Đức Kitô đã phục sinh!)

Tôi cũng nhận được một tin hết sức đau buồn đến từ Syria: Các hình thức bạo lực tiếp tục làm trầm trọng thêm những hoàn cảnh nhân đạo đã đến bờ tuyệt vọng của đất nước này, đặc biệt là tại thành phố Aleppo. Họ tiếp tục giết hại các nạn nhân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em, những người đau yếu, bệnh tật và ngay cả những người đã có những hy sinh rất lớn trong việc dấn thân giúp đỡ người khác. Tôi tha thiết kêu gọi các bên xung đột hãy tôn trọng việc đình chiến và tăng cường việc đối thoại đang được diễn ra. Đó là con đường duy nhất dẫn đến hoà bình.

Ngày mai tại Roma, Hội nghị Quốc tế với chủ đề ‘Sự phát triển bền vững và những hình thức công việc dễ bị tổn thương nhất’. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể khuấy lên mối bận tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị và kinh tế, cũng như xã hội dân sự, để từ đó chúng ta có thể thúc đẩy một mô hình phát triển nhấn mạnh đến phẩm giá con người, hết sức tôn trọng những tiêu chuẩn về lao động và môi trường sinh thái.

Tôi cũng đặc biệt chào mừng Hiệp hội ‘Meter’, một tổ chức từ nhiều năm nay đã chiến đấu chống lại các hình thức lạm dụng trẻ em. Lạm dụng trẻ em thực là một bi kịch. Chúng ta phải bảo vệ trẻ em và nghiêm trị những kẻ bạo hành. Cám ơn những dấn thân làm việc của anh chị em và xin anh chị em tiếp tục can đảm trong công việc này.

 

 

Vũ Đức Anh Phương SJ