23/01/2025

Làm việc bằng trách nhiệm và tình yêu thương

Chị y sĩ chăm nom bệnh nhân tâm thần; cô hiệu trưởng trường chuyên dạy học trò biết lễ nghĩa, dám ước mơ; ông giám đốc công an đau đáu con đường về cho người hoàn lương…

 

Làm việc bằng trách nhiệm và tình yêu thương

 

 

Chị y sĩ chăm nom bệnh nhân tâm thần; cô hiệu trưởng trường chuyên dạy học trò biết lễ nghĩa, dám ước mơ; ông giám đốc công an đau đáu con đường về cho người hoàn lương…

 

 

 

 

 

 

 

Làm việc bằng trách nhiệm và tình yêu thương
Bà Phương Thuý chăm sóc bệnh nhân – Ảnh: NVCC

Đó là những câu chuyện được chia sẻ tại buổi giao lưu gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sáng 26-4 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ở Đài truyền hình Việt Nam tại TP.HCM (VTV9).

Chín tấm gương tiêu biểu đại diện cho cả khu vực phía Nam. Mỗi người một công việc và làm tốt nhất công việc trong chức trách của mình. Qua những câu chuyện kể mới thấy để hoàn thành tốt công việc, không chỉ là ý thức trách nhiệm, họ đã đặt cả trái tim mình vào đó.

Được lòng dân khó nhất

Với vai trò là phó bí thư chi bộ, trưởng ấp Giáp Nước, xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, bà Đường Mỹ Lan đã vận động người dân trong ấp hiến hơn 2.300mđường giao thông, xây được 18 căn nhà đại đoàn kết.

Hỏi bà đã làm việc ấy như thế nào trong thời buổi tấc đất tấc vàng này? Bà chỉ cười: “Mình là cán bộ, gia đình mình hiến đất trước, ủng hộ trước thì bà con mình mới tin theo. Hộ nào chưa đồng thuận, mình lấy cái lợi ích chung, tình làng nghĩa xóm ra thuyết phục”.

Cũng là câu chuyện “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, chị Phạm Thị Cúc – đội trưởng đội xây dựng phong trào an ninh trật tự Công an H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang – chia sẻ vì đặc thù địa lý, mỗi lần cán bộ ra xã đảo Thổ Châu để làm việc, nếu muốn kịp tàu về thì phải làm cả đêm.

Nếu chẳng may biển động, mắc kẹt lại xã trong năm bảy ngày, thậm chí nửa tháng cũng là chuyện thường. Mà Thổ Châu cũng mới có điện đây thôi, chứ trước đây đều phải dùng đèn dầu làm việc. Nhưng chị khẳng định: Như thế thì đâu có gì khó, vì người dân đi được mình cũng đi được.

Công việc chính của chị là xây dựng lực lượng nòng cốt và phát triển phong trào, tức chủ yếu làm công tác dân vận. “Dân xã đảo thấy cán bộ công an tới thì mừng lắm. Cái chính là làm sao mình vận động để người dân tin tưởng, giúp công an nắm tình hình địa bàn. Người dân báo tin được mình tiếp nhận, xử lý trân trọng thì càng tin tưởng” – chị Cúc nói.

Sức mạnh của lòng dân, của tình đoàn kết là điều mà bao đời nay cha ông ta đã đúc kết, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn. Chẳng thế mà Câu lạc bộ Vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu xuất phát điểm chỉ là một nhóm nhỏ, sau 18 tháng đã có 556 hội viên nòng cốt, hơn 1.500 thành viên kết nối trên mạng xã hội.

“Qua những chuyến đi, những cuộc hành trình thăm thân nhân các chiến sĩ, thăm ngư dân, chúng tôi đã có cái nhìn thấu đáo hơn, thấm thía sâu sắc hơn lời dạy của Bác Hồ: Đồng bằng là nhà, biển là cửa, giữ nhà mà không giữ cửa thì có được hay không?” – bà Dương Vân Thuỷ, uỷ viên CLB, chia sẻ.

Làm việc bằng trách nhiệm và tình yêu thương
Bà Dương Vân Thuỷ – Ảnh: M.Hoa

Niềm vui nhận lại

“Ban đầu, mình và các đồng nghiệp làm việc cũng là vì đồng lương, để mưu sinh thôi. Nhưng dần dà, khi tiếp xúc với những mảnh đời, lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của họ, mình thấy gắn bó và thương họ nhiều. Người thì có gia đình nhưng con cái cũng không muốn đón họ về. Người thì quấn quýt muốn ở lại trung tâm đến cuối cuộc đời” – bà Trần Thị Phương Thúy, phó giám đốc Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, chia sẻ về công việc của mình.

Làm công tác chăm sóc, quản lý những đối tượng tâm thần, lang thang chục năm nay, điều lớn nhất còn đọng lại trong lòng người nữ y sĩ – nay đã là phó giám đốc trung tâm – là cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị sống bình thường: “Cuộc sống sẽ luôn thay đổi, chỉ có tình người thì luôn còn mãi”.

Nghĩ vậy, nên mỗi khi gặp khó, thay vì tìm cách để né tránh hay từ bỏ, bà Thúy lại nghĩ tới lời Bác Hồ trong bài thơ Giã gạo, khắc ghi trong lòng, rằng: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Làm việc bằng trách nhiệm và tình yêu thương
Đại tá Lê Tấn Tới – Ảnh: M.Hoa

Với đại tá Lê Tấn Tới, giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, thì niềm vui của ông dường như giản dị hơn nhiều: chứng kiến những người chẳng may lầm lỡ nay tích cực làm ăn, không quay về đường cũ.

Mô hình CLB cho những người hoàn lương do công an tỉnh đề xướng đã giúp bao nhiêu mảnh đời “bỏ được chỗ tối, tìm về chỗ sáng”: 55% người phạm tội được cảm hoá, trong đó nhiều người đã lập được thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm, được công an tỉnh tặng bằng khen.

“Đó là một quá trình, vừa nhân văn vừa phải thật sự quyết liệt thì mới làm được” – đại tá Tới khẳng định.

Đến nay, CLB Vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu đã giúp xây dựng hai ngôi trường học tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn.

Bà Dương Vân Thuỷ, uỷ viên CLB, và những thành viên CLB nói những chuyến đi đã thôi thúc trong bà về trách nhiệm của mình, chia sẻ với những người đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng 
ngọn gió.

“Nhưng chia sẻ không có nghĩa là tất cả cùng ra biển để bảo vệ chủ quyền, mà phải bằng sức của mình chăm lo cho hậu phương vững chắc. Bởi chỉ có sự bình yên của gia đình mới giúp các chiến sĩ, ngư dân yên tâm khi làm nhiệm vụ ngoài biển khơi” – bà Thuỷ nói.

Câu chuyện của bà khiến những người trong khán phòng như lặng đi. Ai cũng thấy bà như nói đúng tâm tư của mình, nhất là những người đã từng được ra Trường Sa, thăm nhà giàn DK1…

MAI HOA