01/11/2024

Chernobyl – thấy để răn mình

30 năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến chuyện phục hồi ở vùng đất xảy ra thảm hoạ hạt nhân Chernobyl, bởi phóng xạ rò rỉ vẫn gây thiệt hại lớn cho môi trường và động, thực vật.

 

Chernobyl – thấy để răn mình

 

30 năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến chuyện phục hồi ở vùng đất xảy ra thảm hoạ hạt nhân Chernobyl, bởi phóng xạ rò rỉ vẫn gây thiệt hại lớn cho môi trường và động, thực vật.

 

 

 

 

Ukraine đã tổ chức lễ tưởng niệm tại Slavutych – khu vực tái định cư cho công nhân sống gần Nhà máy Chernobyl và một nghi lễ ở thủ đô Kiev cho các nạn nhân thảm hoạ.

“Thảm họa Chernobyl đã có một sức ảnh hưởng to lớn lên nhận thức của công chúng và sự chấp nhận của công chúng cùng giới chính trị về năng lượng hạt nhân” – ông Vince Novak, lãnh đạo bộ phận an toàn hạt nhân của Ngân hàng Phát triển và tái thiết châu Âu, bình luận.

Hậu quả ngàn năm

“Thảm hoạ Chernobyl đã gây tổn thất không thể đảo ngược với môi trường và hậu quả đó sẽ còn dai dẳng trong hàng ngàn năm nữa” – báo cáo năm 2016 về thảm hoạ của Tổ chức Greenpeace kết luận.

Thực tế là những vùng đất cạnh Chernobyl vẫn sẽ còn bỏ trống trong ít nhất 3.000 năm nữa vì mức độ nhiễm độc phóng xạ rất cao. Nhưng một số chuyên gia đang làm việc dọn dẹp tại khu vực Chernobyl cho rằng con số 3.000 năm vẫn còn khá lạc quan.

Khi được hỏi lúc nào thì con người lại có thể sinh sống tại khu vực ở gần lò phản ứng hạt nhân, giám đốc Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Ihor Gramotkin đáp ngay: “Ít nhất là 20.000 năm nữa”.

Đến nay, các chuyên gia và nhóm vận động vẫn tranh cãi về hậu quả của phóng xạ lên sức khoẻ và môi trường. Tuy nhiên các nghiên cứu trong một thập niên qua đã giúp làm rõ ảnh hưởng của nó lên những loại cây trồng, động vật và vi sinh vật.

5 triệu người còn bị ảnh hưởng

Ngày 26-4-1986, vụ nổ hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử xảy ra ở Nhà máy Chernobyl của Ukraine. Tại nhiều vùng ở trung, đông và bắc Âu ngày nay, động vật và cây trồng vẫn nhiễm một lượng phóng xạ nguy hiểm. Cho tới năm 2016, khoảng 5 triệu người vẫn đang sống tại những khu vực được cho là còn nhiễm phóng xạ.

Một nghiên cứu mới đây của nhóm nhà khoa học Timothy A. Mousseau thuộc Đại học South Carolina tiếp tục đưa ra các bằng chứng cho thấy phóng xạ tác động lên theo nhiều hướng đối với sinh vật, gây ra các hậu quả làm suy giảm số lượng và đa dạng các loài ở khu vực bị tác động.

Tại Chernobyl, họ phát hiện phóng xạ gây ra các tổn thương di truyền và làm tăng tỉ lệ đột biến. Cũng như người, các giống chim và động vật có vú tại đây mắc chứng đục nhân mắt và teo não do tác động trực tiếp của phóng xạ trong không khí, nước, thức ăn. U bướu xuất hiện trên nhiều giống chim và côn trùng trong các vùng nhiễm xạ nặng.

Ai sẽ ngăn thảm họa hạt nhân?

Kể từ khi quả bom hạt nhân đầu tiên phát nổ tại Alamogordo, New Mexico cách đây 70 năm, thế giới đã chứng kiến hơn 2.000 quả bom hạt nhân được thử nghiệm và hơn 200 sự cố lớn nhỏ tại các cơ sở hạt nhân. Đến nay, thế giới có khoảng 400 lò phản ứng hạt nhân với 65 lò đang được xây dựng và 165 lò đang nằm trong kế hoạch.

Theo giáo sư Timothy Jorgensen – Đại học Georgetown, hai thảm hoạ Chernobyl và Fukushima dù khác nhau về mức độ và nguyên nhân, một do con người và một do bàn tay tự nhiên, nhưng “cả hai cho thấy sự cần thiết có nguồn nhân lực được đào tạo cao về khoa học phóng xạ tại nhà máy, các nỗ lực gấp đôi để giáo dục thế hệ tiếp theo về ngành ngăn ngừa phóng xạ để ngăn những thảm 
hoạ trong tương lai”.

Tuy nhiên, đáng buồn là một số nước như Mỹ lại giảm ngân sách đào tạo về hạt nhân trong những năm qua. Theo ông Jorgensen, việc đào tạo nhân lực có thể mất thời gian và tốn kém nhưng chỉ là một phần nhỏ của chi phí dọn dẹp sau sự cố hạt nhân.

“Những người chuyên nghiệp được đào tạo tốt sẽ là yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa sai phạm và là tuyến đầu trong việc chặn các thảm hoạ hạt nhân trong tương lai” – ông Jorgensen nhận định.

Ngoài ra, trước sự trỗi dậy của khủng bố hiện nay, thế giới đang lo ngại các nhà máy hạt nhân có thể trở thành mục tiêu của khủng bố. Đã có nhiều cảnh báo về việc những kẻ khủng bố có thể tấn công các nhà máy hạt nhân bằng vũ khí cầm tay hiện đại, lựu đạn hay thậm chí khinh khí cầu, nhưng các nước vẫn chưa hành động mạnh mẽ để bảo vệ các cơ sở này.

Một số nước như Bỉ chỉ giật mình bảo vệ các cơ sở hạt nhân sau vụ tấn công khủng bố ở Paris. Nhưng liệu có bao nhiêu trong số 30 nước sở hữu hạt nhân có thể bảo vệ các lò phản ứng của mình trước nguy cơ khủng bố!?

*Xem bộ ảnh tài liệu lần đầu công bố của phóng viên Tuổi Trẻ chụpbên trong “thành phố ma” hoang tàn ở Chernobyl TẠI ĐÂY

Chernobyl - thấy để răn mình
 
TRẦN PHƯƠNG ([email protected])