23/12/2024

Chúa Nhật V PS C- 2016: Tình yêu thương xót như Chúa Giêsu

Tình yêu thương xót của mỗi người chúng ta đối với nhau cũng phải thể hiện 2 chiều như tình yêu thương xót của Chúa Giêsu: bắt nguồn từ chiều đi xuống của Thiên Chúa đối với con người thấp hèn tội lỗi để nâng con người lên trở thành Thiên Chúa như Người.

Tình yêu thương xót như Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta vừa nghe Đức Giêsu nói với chúng ta: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Thiên Chúa Giàu lòng Thương xót công bố vào năm 1980, ở số 14, đã giải thích rất chi tiết cho chúng ta về tình yêu thương xót. Còn Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô, trong số 2 của tông sắc Dung mạo lòng Thương xót, cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Lòng thương xót phải là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời”. Vì thế, trong ít phút này, chúng ta suy niệm về tình yêu thương xót là gì và nó được thể hiện trong đời sống như thế nào.

1. Tình yêu thương xót

1.1. Hai ý niệm khác biệt, đối kháng nhau

Trong ngôn ngữ hiện nay, người ta ít nối kết tình yêu với lòng thương xót và coi chúng là 2 ý niệm khó hoà hợp với nhau. Tình yêu là tình cảm thắm thiết làm cho người ta gắn bó với nhau: người ta “yêu nhau vì đức, mến nhau vì tài” nên tình yêu thường hướng đến những gì cao quý theo chiều hướng đi lên. Trong khi lòng thương xót có chiều đi xuống vì thương xót là cảm thấy xót xa trước cảnh khổ đau của người khác. Thương xót vì thấy người ta yếu đuối, nghèo khó, bệnh tật, tội lỗi nên cứu giúp họ.

Trong cuộc sống thường ngày con người muốn yêu thương và được yêu thương, chứ ít ai muốn thương xót và được thương xót vì lòng thương xót dường như làm cho người được thương xót bị hạ thấp giá trị, không ngang bằng với người tỏ lòng thương xót. Có khi lòng thương xót đó làm hại con người vì khiến người được thương trở nên ỷ lại, sống nhờ vào sự cứu giúp của kẻ khác thay vì phấn đấu, tích cực vươn lên, vượt thắng chính mình. Thương xót trở thành thương hại cũng là vì thế!

1.2. Tình yêu thương xót của Chúa Giêsu

Thánh Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy nhìn vào Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, để học được tình yêu thương xót của Thiên Chúa và nối kết tình yêu với lòng thương xót nơi ta. Tình yêu và thương xót là 2 chiều của một con đường, là 2 mặt của một thực tại là chính Thiên Chúa, vì Chúa vừa là tình yêu vừa là lòng thương xót. Thiên Chúa cao cả, thánh thiện vô cùng, hạnh phúc vô biên, đã nhìn thấy nỗi khốn khổ của muôn loài nên đã ban Con Một của Ngài đến để giải cứu chúng ta. Người Con ấy đã sống như ta, rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, chịu chết trên thập giá và sống lại vì ta để chuyển thông cho ta thần tính của Thiên Chúa và nâng ta lên thành con cái của Chúa, thành Thiên Chúa như Người. Đó là 2 chiều “đi xuống và nâng lên” của tình yêu thương xót.

Khi đón nhận Đức Giêsu Kitô, chúng ta trở thành thân thể của Người, thành một với Người, thành Thiên Chúa như Người. Vì thế tình yêu thương xót của mỗi người chúng ta đối với nhau cũng phải thể hiện 2 chiều như tình yêu thương xót của Chúa Giêsu: bắt nguồn từ chiều đi xuống của Thiên Chúa đối với con người thấp hèn tội lỗi để nâng con người lên trở thành Thiên Chúa như Người. Đức Thánh Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu khía cạnh 2 chiều và tính cách hỗ tương ấy thiếu đi, thì những hành động của chúng ta chưa phải là những hành động đích thực của lòng thương xót…và chúng ta chưa tham dự trọn vẹn vào nguồn mạch kỳ diệu của tình thương xót đã được mạc khải cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô” (số 14). Tình yêu thương xót vừa có sức hợp nhất vừa có sức nâng cao. Đó là tình yêu sáng tạo.

Con người đạt tới tình yêu-thương xót của Thiên Chúa theo mức độ chính mình được biến cải từ bên trong theo tinh thần của một tình yêu đúng nghĩa dành cho tha nhân. Nó không phải chỉ thực hiện một lần cho tất cả, nhưng còn phải lặp lại suốt cuộc sống, đó là điểm thiết yếu và thường xuyên nơi ơn gọi Kitô hữu. Tình yêu thương xót, trong các quan hệ con người với nhau, không bao giờ là hành động hay tiến trình 1 chiều. Ngay cả trong những trường hợp mà tất cả như đều cho thấy là chỉ một bên cho và tặng, và bên kia chỉ có việc lấy và nhận (chẳng hạn trong trường hợp bác sĩ chữa bệnh, thầy giáo dạy học, cha mẹ nuôi dạy con cái, nhà hảo tâm giúp người nghèo khổ)” (số 14).

2. Đặc điểm của Kitô giáo

Tình yêu thương xót cũng là điểm độc đáo của Kitô giáo nên hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Có lẽ nhiều người chúng ta ở đây có thể đã biết về Phật giáo hoặc những tôn giáo khác. Thánh Gioan Phaolô II cũng phân biệt cho chúng ta biết rằng Kitô giáo khác với các tôn giáo khác ở điểm: các tôn giáo khác là con đường 1 chiều, trong khi Kitô giáo là con đường 2 chiều.

2.1. Các tôn giáo khác là con đường một chiều từ dưới đi lên: vì từ thân phận thụ tạo thấp hèn, khốn khổ, tạm bợ, phải chết, con người cố gắng tu thân, tích đức, làm việc, ăn chay hãm mình, để có thể có thể mỗi ngày một tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn và cuối cùng, sau khi trải qua nhiều kiếp sống tu luyện, họ được thanh tẩy trọn vẹn và trở thành bất tử, quyền năng vô biên, thiện hảo tuyệt đối như Thiên Chúa tạo hoá. Con đường ấy hết sức gian khổ vì tự con người phải vượt thắng chính mình.

Trong chiều hướng này, Phật giáo có lẽ là câu trả lời đẹp nhất, hữu lý nhất cho những ai muốn trở thành thần linh. Họ phải trải qua rất nhiều kiếp để mỗi một kiếp sống trở nên tốt hơn, đạo đức hơn, vượt qua tham sân si. Giống Đức Phật Thích Ca đã phải trải qua hàng tỉ kiếp trong vòng luân hồi mới thoát khỏi vòng đó, vào được Niết Bàn, trở thành tuyệt đối, vô lượng, vô biên.

2.2. Kitô giáo là con đường 2 chiều. Người Kitô hữu tin rằng mình chỉ sống một kiếp duy nhất, và con người không thể từ thân phận thụ tạo trở thành tạo hoá, thành Thiên Chúa bằng sức lực riêng mình, nhưng bằng ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã suy niệm điều này và hiểu rằng con người không thể được công chính hoá bằng việc làm nhưng bằng đức tin (x. Rm 4,28). Thật vậy, con người biết rằng cộng tất cả những con số hữu hạn không thể nào có được kết quả vô hạn, cộng tất cả những cái tạm thời không thể tìm ra cái tuyệt đối, cộng tất cả những con người khả tử không thể tìm được sự bất tử, vĩnh hằng. Con người không thể tự mình bay lên trời nếu không nhờ đôi cánh của Thiên Chúa, con người không thể tự thần hoá chính mình.

Vì thế phải có đấng là Thiên Chúa xuống với con người, chuyển thông cho con người thần tính của Thiên Chúa để nâng con người trở thành Thiên Chúa. Đấng đó là Chúa Giêsu Kitô. Như thế Kitô giáo hay chính Đức Kitô là con đường 2 chiều diễn tả việc Thiên Chúa yêu thương xuống với con người, thương xót con người rồi nâng con người lên cao tột đỉnh để trở thành Thiên Chúa. Vì vậy ơn cứu độ không phải tự chúng ta kiếm được mà do chính Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu. Khi chúng ta kết hợp thành một với Đức Giêsu, chúng ta trở thành Thiên Chúa như Người. Do đó, chúng ta chỉ cần 1 kiếp sống ở đời này cũng đủ để được thần hoá mà không cần phải trải qua hàng ngàn tỉ kiếp như những tôn giáo khác.

Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,2). Trong nhà Cha Trên Trời có chỗ cho Đức Phật Thích Ca, cho Đức Mahommed, Lão Tử, Khổng Tử, cho tất cả những ai ăn ngay ở lành, sống theo đúng lương tâm ngay chính của mình. Nhưng khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, có tình yêu thương xót giống như Người, chúng ta sẽ có chỗ ở riêng biệt, đó là chúng ta được hưởng trọn vẹn tình yêu của Cha Trên Trời, trở thành hiện thân của chính Thiên Chúa.

Áp dụng vào đời sống thực tế, tình yêu của chúng ta không phải chỉ có một chiều đi xuống với anh em của chúng ta vì họ nghèo khó, tội lỗi, tầm thường. Chúng ta phải nâng cao họ lên, tôn trọng họ như là chính Thiên Chúa, là chính Chúa Giêsu, để yêu thương, chia sẻ những ân phúc Chúa ban cho ta vì họ là anh em ruột thịt của ta, là những chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Giêsu. Khi yêu thương như thế người ta mới nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Giêsu .

Lời kết

Hôm nay chúng ta được mời gọi để nhìn lại điều răn mới. Điều răn ấy muốn ta diễn tả tình yêu thương xót như Chúa Giêsu nên nó có thể kiện toàn mọi điều răn khác, làm cho ta trở thành “con người mới trong một trời mới, đất mới” (Kh 21,1). Đấy là mơ ước và cũng là thực tại của người tín hữu Kitô.