24/01/2025

Ác mộng ‘vịnh thuỷ ngân’ Minamata

Hơn 6 thập niên đã trôi qua nhưng hậu quả của thảm họa nhiễm độc thuỷ ngân do Tập đoàn hoá chất Chisso gây ra vẫn hằn sâu lên thành phố cảng nhỏ bé Minamata, tây nam Nhật Bản.

 

Ác mộng ‘vịnh thuỷ ngân’ Minamata

Hơn 6 thập niên đã trôi qua nhưng hậu quả của thảm họa nhiễm độc thuỷ ngân do Tập đoàn hoá chất Chisso gây ra vẫn hằn sâu lên thành phố cảng nhỏ bé Minamata, tây nam Nhật Bản.

 

 

 

 

Một nạn nhân của bệnh Minamata - Ảnh: Chron.com

 

Một nạn nhân của bệnh Minamata – Ảnh: Chron.com

 

Tháng 10.2013, lễ tưởng niệm khoảng 2.000 nạn nhân đã tử vong trong vụ nhiễm độc thuỷ ngân nghiêm trọng nhất lịch sử nhân loại được tổ chức tại Minamata với sự tham dự của đại diện 140 quốc gia. Đó là chưa kể hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sức khoẻ ở nhiều cấp độ khác nhau từ vụ bê bối về môi trường này. Đây cũng được xem là trường hợp đầu tiên của hàng loạt vụ ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng trong thế kỷ 20.
Thập niên “biển trắng”
 
 
Công ước Minamata
Cuối năm 2013, 140 nước, trong đó có Việt Nam đã ký kết Công ước Minamata của Liên Hiệp Quốc về hạn chế lượng thuỷ ngân thải ra môi trường, theo AFP. Các nước tham gia công ước có 15 năm để loại bỏ thuỷ ngân trong các hoạt động khai thác khoáng sản. Ngoài ra, từ năm 2020, những sản phẩm dùng kim loại này, như nhiệt kế, sẽ không còn được sản xuất.
 

Theo Đài truyền hình RTS, năm 1907, một nhà máy hóa dầu của Chisso được mở ở Minamata. Từ năm 1932, nhà máy này bắt đầu xả nước thải của quá trình sản xuất nhựa tổng hợp, có chứa nhiều kim loại nặng, đặc biệt là thuỷ ngân, ra biển. Năm 1949, dân địa phương đã bắt gặp những chú mèo bị co giật, còn gọi là “mèo nhảy múa”, hoặc kỳ lạ hơn là lao thẳng xuống biển chết. Tuy nhiên, ban đầu, chưa ai quy trách nhiệm cho Chisso, vốn được xem là một công ty kiểu mẫu của Nhật Bản vì trong giai đoạn xảy ra Thế chiến 2 vẫn duy trì được hoạt động để phát triển mạnh mẽ sau khi chiến tranh kết thúc.

Tờ Le Monde dẫn lời một cụ ông sống ở phía nam Minamata kể lại: “Thập niên 1950 được chúng tôi gọi là “biển trắng”: cả đàn cá phơi bụng lên mặt biển. Chúng tôi chỉ cần dùng tay cũng vớt được đầy cá. Chúng có vẻ tươi nên mọi người mang về ăn bình thường. Một phần vì khi ấy, ai cũng khốn khó”.
Hải sản là thực phẩm chính của người dân ở thành phố này. Và sau những cái chết kỳ quái của mèo và chim biển, đến lượt những người có sức khoẻ dễ bị ảnh hưởng nhất – trẻ em, thai phụ, người cao tuổi – ở Minamata phát các triệu chứng lạ. Năm 1953, những ca đầu tiên chính thức được ghi nhận và 3 năm sau thì được công nhận là “bệnh lạ”. Chính quyền địa phương nghi ngờ đây là một dịch bệnh nên bệnh nhân bị cô lập. Những người tử vong được chôn cất âm thầm vào đêm khuya để tránh gây thêm lời đồn.
Năm 1959, sau khi khám nghiệm những con mèo chết kỳ quái, một nhóm khoa học gia kết luận có sự liên quan giữa “bệnh lạ” ở Minamata với nước thải chứa thuỷ ngân từ nhà máy của Chisso. Tuy nhiên, nghiên cứu đã bị tập đoàn này cùng chính quyền địa phương bác bỏ, nhóm khoa học gia bị giải tán. Chisso vẫn tiếp tục xả thải ra vùng biển quanh thành phố cảng Minamata cho đến năm 1968 mới bị buộc phải ngưng vì Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nguyên nhân gây “bệnh lạ” chính là thủy ngân.
Ước tính, tổng cộng nhà máy hóa chất của tập đoàn này đã xả ra biển 400 tấn thủy ngân, trong đó, riêng giai đoạn từ 1956 – 1968 là 150 tấn.
Gian nan tìm công lý
Sau khi được công nhận chính thức, “bệnh lạ” đã có tên là “bệnh Minamata”: bệnh nhân bị nhiễm độc thuỷ ngân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh (mất xúc giác, thị giác giảm, bị run tay, co giật, bị liệt…), nguy cơ bị ung thư cao. Thai nhi tại Minamata bị nhiễm thủy ngân từ mẹ khi sinh ra có khả năng rất lớn bị thiểu năng trí tuệ và nhiều khuyết tật nặng nề khác.
Ác mộng 'vịnh thủy ngân' Minamata - ảnh 1

Nạn nhân nhiễm độc thuỷ ngân ở thành phố Minamata AFP

Theo Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), thảm hoạ sinh thái ở Minamata là một trường hợp điển hình của ô nhiễm kim loại, vốn là một dạng ô nhiễm cực kỳ khó xử lý với hậu quả kéo dài vì kim loại không tự tiêu huỷ được. Khi con người ăn hải sản nhiễm thuỷ ngân, kim loại này cũng tích tụ lại và dần tàn phá hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên.
Báo cáo của CNRS cho biết vào thập niên 1950, 1960, một số mẫu cá bắt được ở vùng biển ven Minamata có lượng thuỷ ngân cao gấp 500.000 lần so với thông thường. Tại khu vực này, một số loài động vật thân mềm (nghêu, ốc), cũng có lượng thuỷ ngân cao hơn 10.000 lần.
Tác động của thuỷ ngân đã rõ ràng nhưng do ảnh hưởng của Chisso, phải mất rất nhiều thời gian, các nạn nhân của thảm hoạ sinh thái tại Minamata mới được công nhận và bồi thường. Năm 1973, tức 20 năm sau khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận, tập đoàn này bị toà xử phải bồi thường từ 16 – 18 triệu yen cho các nạn nhân. Nhưng chỉ 2.665 người được công nhận để được bồi thường còn 16.000 hồ sơ đã bị bác.
Năm 1996, thêm 12.371 nạn nhân được nhận một khoản bồi thường 2,6 triệu yen mỗi người để rút đơn kiện Chisso. Năm 2004, Toà án tối cao Nhật Bản ra phán quyết thừa nhận chính phủ nước này và chính quyền địa phương đã không đưa ra biện pháp xử lý kịp thời để ngăn chặn thảm hoạ ở Minamata.
Năm 2009, một dự luật được thông qua quy định mức bồi thường cho khoảng 40.000 người bị bệnh Minamata vẫn chưa được chính thức công nhận là nạn nhân của Chisso. Rất nhiều nạn nhân vì bệnh tình trầm trọng nên đã qua đời trước khi được xử thắng kiện.

Lan Chi