Chúa Nhật IV PS C – 2016: Người mục tử nhân lành và ơn gọi làm mục tử
Chúng ta dám chấp nhận những đau khổ, thử thách, oan ức, thất bại của đời mình để làm chứng cho Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành mà chúng ta luôn tin tưởng bước theo Người.
Người mục tử nhân lành và ơn gọi làm mục tử
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc sống kỳ diệu của những con chiên Thiên Chúa, đặc biệt cầu nguyện cho những mục tử trong đàn chiên.
1. Đời sống kỳ diệu của những con chiên thuộc về Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng (x. Ga 10,27-30), Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy nghĩ về đời sống kỳ diệu được Người chia sẻ cho những con chiên của mình qua mầu nhiệm chết đi và sống lại. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành đã hy sinh tính mạng vì đàn chiên để hoà giải muôn loài với Chúa Cha và qua đó chia sẻ cho ta thần tính phi thường của chính Thiên Chúa.
“Tôi và Cha tôi là một”. Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời Thiên Chúa cùng bản tính với Chúa Cha, bây giờ Người trở thành vị mục tử nhân lành để thông ban “sự sống đời đời” cho những ai nghe tiếng và đi theo Người: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Khi đi theo Chúa Giêsu, chúng ta được hoà nhập thành một với Người, qua bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, để chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như để biến mỗi giây phút ta sống tràn đầy bình an và ân sủng. Vì thế, mỗi tín hữu phải luôn hãnh diện vì mình là con chiên trong đàn chiên của Chúa Giêsu. Đó là khía cạnh tích cực đáng mơ ước, nhưng chúng ta chưa phát huy được sự sống kỳ diệu vì chưa gắn bó mật thiết với vị mục tử nhân lành, chưa thể hiện trong cuộc đời của mình mầu nhiệm vượt qua của Người.
Đời chúng ta đúng là tràn ngập niềm vui, bình an và ân sủng, nhưng cũng đầy gian nan, thử thách, khó khăn phải vượt qua. Bài sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 13,14.43-52) cho chúng ta thấy Phaolô và Barnaba, khi đến rao giảng tại Antiôkhia xứ Pixidia, đã bị người Do Thái chống đối và trục xuất khỏi thành. Bài sách Khải Huyền (x. Kh 7,9-17) còn giới thiệu cho chúng ta những con chiên ấy đến từ mọi dân tộc, họ được chia sẻ vinh quang của Chúa Phục Sinh, “sau khi đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”.
Chúng ta không lầm tưởng về đời Kitô hữu. Chúng ta đừng nghĩ rằng cứ theo Đức Giêsu với lời cầu nguyện, bí tích và vài việc bác ái là chúng ta luôn được an lành, khoẻ mạnh, được chữa khỏi bệnh tật, luôn thành công trong cuộc sống và hưởng tuổi thọ an lành. Theo Chúa Giêsu mà được như vậy thì ai cũng muốn theo. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi ta theo Người trên con đường làm chứng cho sự thật và sự sống kỳ diệu, chúng ta luôn luôn gặp thử thách, chống đối, thậm chí có khi phải hy sinh chính cả tính mạng của mình để làm chứng, ta có dám theo vị mục tử đó không?
Nhiều người đã bỏ Chúa Giêsu, không dám bước theo Người, không dám cùng chịu đóng đinh và chịu chết với Người. Vì thế, ta hãy nhìn lại cuộc sống mình xem những thử thách, đau khổ, bệnh tật, thất bại đó có phải là do phía chúng ta không. Nếu ta đau bệnh, thất bại vì hút thuốc, uống rượu nhiều quá, ăn uống không điều độ, cắm đầu làm việc mà chẳng biết nghỉ ngơi, suy sụp tinh thần vì lo lắng quá đáng… đó là do chúng ta gây nên, chúng ta nên sửa mình lại. Nhưng ngay cả khi những đau khổ, thử thách, thất bại ấy bắt ngưồn từ phía ta hay do người khác, chúng vẫn là lời mời gọi chúng ta chia sẻ với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm chết đi và sống lại của Người. Chúng ta ăn năn thống hối và quyết tâm sửa đổi nhờ ân sủng của Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm được ơn săn sóc, ơn chữa lành bệnh tật, ơn tham dự vào sự sống kỳ diệu của Vị Mục tử nhân lành.
2. Cầu nguyện cho những vị mục tử
Hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho linh mục, tu sĩ để tất cả những người dấn thân cho Chúa Giêsu đều trở thành hình ảnh sống động của vị mục tử nhân lành và cho nhiều bạn trẻ nhận ra lời mời gọi của Người. Tôi vừa mới công tác ở Hoa Kỳ một tháng rưỡi để giảng tĩnh tâm Mùa Chay. Có lẽ chúng ta nên biết vài con số thống kê để thấy tình trạng của Giáo Hội về vấn đề này.
Năm 2015, Hoa Kỳ có 69 triệu người Công giáo theo Đức Kitô trên tổng số hơn 319 triệu dân, tỉ lệ người Công giáo ở Hoa Kỳ là 22% dân số trong khi tỷ lệ anh em Tin Lành là khoảng hơn 40%. Giáo hội Hoa Kỳ có 39 ngàn linh mục, 54 ngàn tu sĩ nam nữ. Nhưng bây giờ rất nhiều linh mục ở Hoa Kỳ không phải là người địa phương. Rất ít người đi tu nên nhiều chủng viện, dòng tu phải đóng cửa. Giáo hội Hoa Kỳ thiếu linh mục trầm trọng đến nỗi phải mời các cha ở Nigiêria, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc sang giúp. Một số nước ở châu Âu cũng đang rơi vào tình trạng này. Chúng ta hỏi tại sao những nước này lại thiếu linh mục và ơn gọi?
Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:
– Trước hết, nhiều gia đình ở châu Âu Mỹ chỉ có 1 con nên nhiều người không đi tu. Đời sống hiện đại với việc đề cao tự do, hưởng thụ, đầy đủ tiện nghi khiến nhiều người không chịu nổi đời sống khắc khổ, nghèo khó, phải vâng phục bề trên, phải tiết dục, và cho rằng đời sống đó kiềm hãm sự phát triển trọn vẹn của con người. Hơn nữa về mặt kinh tế với sự phát triển về khoa học và kỹ thuật, nhiều người cho rằng việc đi tu làm cho đời sống trở thành nhàm chán vì chỉ làm những việc dễ dàng như lặp lại các nghi thức trong thánh lễ và bí tích, không phát triển được tài năng của cá nhân trong các khoa học, không có thu nhập về tài chính và dường như phải ăn bám vào sự đóng góp của người khác.
– Hơn nữa, sự kiện lạm dụng tình dục đối với trẻ em của một vài linh mục, tu sĩ đã làm thương tổn nặng nề đến việc đi tu. Việc lạm dụng này đã xảy ra cách đây 30-40 năm trước, nhưng gần đây mới được lôi ra ánh sáng do một số người thù ghét Giáo hội Công giáo muốn làm giảm uy tín của Giáo Hội, nhất là muốn chiếm đoạt tài sản của Giáo Hội. Khi biết rằng mỗi giáo phận có ngân quỹ rất lớn do vị giám mục giáo phận quản lý, người ta đưa những vụ án lạm dụng tình dục ra để đòi Giáo Hội bồi thường. Mỗi vụ án đòi bồi thường thương tổn tâm lý cho người bị hại vài chục triệu đô la Mỹ nên một số giáo phận phải bán cả toà giám mục đi để có tiền bồi thường (x. Catholic Almanac 2009, tr. 78-79; 2010, tr. 81-82; x. Time số 29-3-2010; x. Báo Thanh Niên, số 81, 22-3-2010, tr. 20; x. Paris Match, 25-31/3/2010, tr. 68-71).
Khi Giáo hội Hoa Kỳ và một số Giáo hội ở Âu Châu thay đổi chế độ tài chính: mỗi giáo xứ là 1 pháp nhân về mặt tài chính, vụ án xảy ra ở xứ đạo nào thì xứ đạo đó lấy tiền quỹ ra bồi thường. Từ đó chẳng còn ai thèm đi kiện các linh mục nữa vì tiền quỹ của xứ đạo chỉ có vài chục ngàn đô la. Thật ra việc lạm dụng tình dục trong tôn giáo chỉ chiếm 2% so với các vụ lạm dụng tình dục trong gia đình (40-60%) và trong môi trường giáo dục (5%), nhưng chẳng có mấy ai kiện cáo trong các lĩnh vực này (x. Công giáo và Dân tộc, số 1751, ngày 4-8 tháng 4-2010, tr. 29)..
Tuy nhiên, khi xảy ra các vụ án đó, một số Giáo Hội địa phương lại có hành động làm thương tổn các linh mục của mình và làm cho những thanh niên thiếu nữ không muốn đi tu nữa. Vì khi một người bị tố cáo lạm dụng tình dục, dù chưa được xét xử và luận tội, thì linh mục hay tu sĩ liên can bị giám mục hay bề trên đưa ngay về toà giám mục hay tu viện và không cho phép cử hành mục vụ. Một số giáo dân tỏ thái độ nghi ngờ, xa cách, khinh miệt họ do bất đồng vì những lý do khác. Thái độ và cách hành xử này quả thực đã xúc phạm đến quyền con người, trái với nguyên tắc pháp lý, bất công đối với những người bị kiện cáo oan ức. Chúng đi ngược với Bản Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, với điều 14 của Bản Công ước Quốc tế năm 1966 của Liên Hiệp Quốc và với nguyên tắc suy đoán là vô tội trong điều 31 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Từ đó giới trẻ ở Hoa Kỳ, ở châu Âu cảm thấy đời tu quả thật là nguy hiểm, chịu nhiều bất công và không muốn đi tu (xem thêm bài Nguyên tắc suy đoán vô tội).
Lời kết
Chúng ta muốn chia sẻ vài sự kiện trong Giáo Hội để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ trên toàn thế giới, cho mỗi người chúng ta gắn bó với Đức Giêsu, nhất là những ai thao thức về ơn thiên triệu, để chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Người. Chúng ta dám chấp nhận những đau khổ, thử thách, oan ức, thất bại của đời mình để làm chứng cho Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành mà chúng ta luôn tin tưởng bước theo Người.