27/12/2024

Cách ăn mặc và tính nết người Bắc kỳ

Họ rất thông minh và có trí nhớ rất tốt, có lẽ không dân tộc nào hơn được; họ học rất dễ và dễ nhớ những điều mà người ta dạy họ.

 Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây:

Cách ăn mặc và tính nết người Bắc kỳ

 

 

Họ rất thông minh và có trí nhớ rất tốt, có lẽ không dân tộc nào hơn được; họ học rất dễ và dễ nhớ những điều mà người ta dạy họ.


 

 


Cách ăn mặc và tính nết người Bắc kỳ - ảnh 1

Phụ nữ Bắc kỳ ngày xưa – Ảnh: T.L

Bản tính họ tốt, nhũn nhặn; miễn là ta tỏ tình yêu mến họ là họ đem lòng tốt trao cho ta một nụ cười, một lời nói tử tế, một sự giúp đỡ cỏn con và chút ít chứng cớ của lòng ta đối với họ là hoàn toàn thu phục được họ ngay. Họ thăm nom và chiêu đãi những người ngoại quốc, ước ao được xem những vật kỳ lạ và khi đã được xem rồi đòi xin cho kỳ được. Dáng điệu họ lễ phép; lời nói lại ôn tồn; nên khi muốn tỏ lòng biết ơn ai đã giúp đỡ, họ tỏ vẻ vui mừng và hết sức trả ơn, dù công việc có khó khăn nguy hiểm đến đâu cũng mặc.
Họ say mê việc buôn bán, luôn luôn bàn về việc bán, mua. Trong các thành thị và các làng, người (Đàng Ngoài) sống giản dị và lương thiện; những chuyện tầm bậy của những kẻ dại dột thiếu hạnh kiểm không thể làm lu mờ những bà mặc y phục giản dị cốt ý gìn giữ danh tiết hơn cả những đàn bà Âu châu và Đông phương. Có lẽ ta có thể trách họ để hở chân đi đất nhưng phong tục ở đây như thế, hai nữa là đất đồng bằng mềm, dễ đi không có đá.
Trừ mặt và hai bàn tay để hở, họ bận một cái áo rộng, gần giống kiểu áo thầy tu, trên cổ rất hẹp, dài từ trên vai xuống hai bàn chân; đầu đội nón không đeo mạng; vành nón rất rộng tựa như dù che nắng làm bằng là một thứ cây mọc trong xứ, tờ nọ xếp lên tờ kia rất khéo và khâu liền với nhau bằng một thứ dây lấy ở một cây thân gai như cây sậy. Nón bán khá đắt nhưng không có gì nhẹ hơn, tiện hơn để che nắng, hơn cả dù vì dù còn phải cầm tay chớ nón đã có quai rất đẹp buộc từ hai bên thanh xuống cằm để cho nón khỏi rơi dù có gió mạnh.
Thường thường họ mặc áo mỏng vì quanh năm nóng bức trừ vài ngày rét buốt thôi. Họ không có lệ đánh phấn nhưng họ nhuộm răng hết sức đen (đàn ông cũng vậy) vì răng càng đen càng quý. Ngày xưa hồi còn nội thuộc nước Tàu, đàn ông và đàn bà còn bới tóc ngược, chải có thứ tự và bện bằng lông đuôi ngựa, trên chùm chiếc mão; nhưng từ ngày họ được tự do, muốn tỏ rằng họ đã thoát ly và khác ý kiến với người Trung Quốc, họ để tóc dài, phủ xuống vai, không chải. Tóc càng đen, không buộc, dài và để hỗn độn bao nhiêu lại càng được chuộng. Những đào kép hát, hát bội thường để tóc như vậy, nhất là đào hát.
Đào nương rất nhiều và tập hát rất cẩn thận tuy không bao giờ họ hát hết bài. Ca nhạc thường réo rắt ban đêm và các ca nương thường làm bọn đàn ông mất ngủ… Người Âu châu nào biết và hiểu tiếng, lại được tường âm nhạc bản xứ chắc sẽ thích lời nói, giọng ca, điệu hát hơn là bọn nữ nhạc của bên ta. Muốn được tiếng là tốt giọng và hát hay, họ giữ gìn giọng hát cẩn thận đến nỗi đã hẹn hát với ai, trong thời kỳ luyện tập, họ kiêng kỵ không đi lại với chồng hay nhân ngãi, nhịn không ăn thịt vì sợ thịt làm sai, hỏng mất tiếng. Nhưng họ rất chuộng một thứ ếch, thịt ăn làm trong được giọng.
Họ kiếm được rất lắm tiền chỉ nhờ về nghề hát. Nếu được đức vua nghe thấy giọng ca và nếu họ làm được ngài vừa ý thì họ sẽ được tuyển vào đội nữ nhạc của vua. Nếu họ có nhan sắc, ngoài giọng hát hay, họ sẽ được tuyển vào cung; nếu họ sinh được con giai thì chẳng những họ sẽ được kính trọng hơn, được thêm bổng lộc mà cậu con lại có hy vọng được lên làm vua, như những ông hoàng khác…
Đàn ông không tốn tiền quần áo. Bọn dân dã suốt năm đi đất và dùng một miếng vải che chỗ mà lễ nhượng bắt họ phải giấu kín. Mùa hè dài. Suốt năm nóng (trừ vài ngày gió bấc thổi hết sức lạnh) nên họ hết sức đảm sự may mặc. Tuy vậy quần áo họ vẫn có vẻ trang nghiêm và bệ vệ. Người giàu có hoặc có ít nhiều quyền thế được tôn trọng mặc một chiếc áo lụa dài đến đầu gối (khác với bọn cùng dân mặc áo vải), ở trên phủ một chiếc áo dài nữa giống như áo ta mặc trong phòng ngủ, chấm đến cổ chân, tay rộng nửa sải và dài như áo. Khác với người Trung Quốc dùng dải lụa buộc vạt phải lên sườn trái để lúc đi áo khỏi tỏa ra làm khó coi và trái với lễ độ, người Bắc kỳ buộc vạt áo cao lên bên trên háng chừng bốn ngón tay như thế áo kín hơn và đúng hơn. Có thắt lưng họ cũng buộc chếp cho áo thành ba bốn nếp dài ở dưới, để phân biệt các người với nhau. Nhưng khi nào họ phải vào chầu hay dự vào các cuộc hội hè, họ mới chếp áo mà thôi.
Áo các sư rộng hơn, may bằng vải hay lụa quý hơn. Mũ ni hình tròn, cao hai ba ngón tay ở đằng sau có miếng vải cùng một thứ hàng, cùng một màu với mũ và che kín nửa vai, áo cà sa màu tím, hạt dẻ nhạt và sẫm phơn phớt hoa đào hay đen bóng; cũng có cái màu xanh, vàng hay đỏ hung.
Cũng có nhà sư mặc một thứ áo ngắn trên có nhiều đường thêu đối nhau lồng hột thủy tinh hay pha lê ngũ sắc, óng ánh rất đẹp trong những dịp lễ lớn.
Người Bắc kỳ chỉ dám ăn mặc ở kinh kỳ, còn ở các tỉnh, và các làng khác, tuy họ không thiếu gì áo đẹp, họ ăn mặc tồi tàn để cho người khác khỏi biết rằng họ giàu có và sung sướng để tránh cho quân gian phi khỏi đến cướp phá, cho bọn quan lại khỏi đến sách nhiễu lợi dụng, bắt chịu thuế má cao, đóng góp nặng.

 

G.F.De Marini 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)