28/12/2024

Giải Pulitzer: Bốn nhà báo nữ đi đến cùng sự thật

Đằng sau giải thưởng Pulitzer danh giá trao cho Hãng tin AP là cuộc đeo đuổi bền bỉ của bốn nữ nhà báo nhằm phanh phui câu chuyện nô lệ tàn nhẫn trong ngành đánh cá Đông Nam Á.

 

Giải Pulitzer: Bốn nhà báo nữ đi đến cùng sự thật

 

Đằng sau giải thưởng Pulitzer danh giá trao cho Hãng tin AP là cuộc đeo đuổi bền bỉ của bốn nữ nhà báo nhằm phanh phui câu chuyện nô lệ tàn nhẫn trong ngành đánh cá Đông Nam Á.

 

 

 

 

 

Giải Pulitzer: Bốn nhà báo nữ đi đến cùng sự thật
Bốn nữ phóng viên của AP, từ trái sang: Martha Mendoza, Robin McDowell, Esther Htusan và Margie Mason – Ảnh: AP

“Trong suốt một năm, trong các cuộc gọi mỗi sáng và tối, chúng tôi bàn định hướng với biên tập viên Mary Rajkumar, báo cho nhau các diễn tiến mới nhất, suy nghĩ các bước tiếp theo, giục nhau phải làm nhiều hơn nữa…” – nhà báo Martha Mendoza khiêm tốn kể lại hành trình điều tra cùng các đồng nghiệp Margie Mason, Robin McDowell và Esther Htusan.

Loạt bài “Seafood from slaves” (Hải sản do nô lệ đánh bắt) giúp AP lần đầu tiên đoạt giải ở hạng mục “Phục vụ cộng đồng” của Pulitzer. Trước đó hãng tin Mỹ này đã đoạt 52 giải Pulitzer, gồm giải 2013 cho loạt ảnh về nội chiến Syria và giải điều tra năm 2012 hé lộ việc cảnh sát New York (Mỹ) lén theo dõi người Hồi giáo.

Tôi nghĩ điều phi thường ở họ là sự quyết tâm không chùn bước cho đến khi họ chứng minh được mọi ngóc ngách của đề tài

JOHN DANISZEWSKI (biên tập viên của AP)

Chấn động

Câu chuyện khai thác lao động kiểu nô lệ là một bí mật công khai trong ngành đánh cá ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, với những tội ác kinh khủng như buôn người, lạm dụng, cưỡng bức lao động và giết người.

Trước khi dấn thân vào đề tài gai góc này, mục tiêu của họ là thu hút càng nhiều sự chú ý của thế giới càng tốt. “Các chính phủ có thể gây sức ép lên Thái Lan… nhưng cho đến khi các công ty Mỹ, người tiêu dùng đòi hỏi sự thay đổi thì chúng ta mới có thể thấy được sự thay đổi” – nhà báo Mendoza kể với tờ Journal Times.

Để làm được điều này, họ phải tìm được những nô lệ thời mới và theo dấu những hải sản do nô lệ đánh bắt đến tận bàn ăn của các thực khách Mỹ. “Các cô có biết mình đang đuổi theo chén thánh không?” – một nguồn tin từng nói với họ. Nhưng các nữ nhà báo vẫn không dừng lại.

Tháng 3-2015, họ gây chấn động với bài đầu tiên “Slaves may have caught the fish you bought” (Cá bạn mua có thể là do nô lệ đánh bắt).

Tiếp nối sau đó là câu chuyện của hàng trăm nô lệ được giải cứu sau cuộc điều tra của họ, những người đàn ông đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm. Họ vẽ nên hành trình hải sản đi từ những tàu cá nô lệ sang đến Mỹ, buộc nhiều công ty quốc tế thừa nhận sử dụng nguồn hải sản do nô lệ đánh bắt và kêu gọi Mỹ tẩy chay nguồn tôm giá rẻ liên quan đến 
nạn cưỡng ép lao động.

Nhờ loạt bài này, hơn 2.000 công dân Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ trên những tàu thuyền đánh bắt cá. Hàng loạt kẻ buôn người bị bắt và số tàu, hải sản bị tịch thu trị giá hàng triệu USD. Tại Mỹ, nhiều công ty tuyên bố tẩy chay hàng loạt nhà cung cấp hải sản từ khu vực Đông Nam Á, trong đó có không ít doanh nghiệp đăng ký tại Thái Lan.

Tổng thống Barack Obama hồi đầu năm cũng ký luật cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn nô lệ.

Kết quả Thái Lan và Indonesia đã tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng trong ngành đánh bắt cá ở hai quốc gia này. Thai Union – một trong những nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới – tuyên bố đã cho 1.200 nhân công làm tôm kiểu tạm bợ một công việc an toàn, ổn định với mức thu nhập tốt hơn.

Đăng hay không đăng

Cuộc điều tra giờ đây được vinh danh nhưng đó là một hành trình đầy hiểm nguy. Sau một năm đào bới các thông tin, họ lên một chiếc phà gỗ đi đến làng Benjina nằm trên hòn đảo hẻo lánh của Indonesia để tìm đến căn cứ của một công ty hải sản lớn.

Họ thật sự sốc sau khi nói chuyện với những thủy thủ tàu cá, tận mắt thấy những người bị giam cầm và một nghĩa địa với hàng chục nấm mồ kế ngay bên công ty. Những thuỷ thủ đuổi theo họ trong đêm để dúi vào tay họ những mẩu giấy ghi tên và địa chỉ gia đình. “Làm ơn. Hãy báo với họ chúng tôi còn sống” – những con người tội nghiệp ấy van xin.

Họ biết mình sẽ có một câu chuyện lớn. Nhưng “chúng tôi không có thời gian suy nghĩ nhiều. Chúng tôi phải tập trung vào trách nhiệm mà chúng tôi vừa có trong tay và việc cần phải đưa ra một câu chuyện sẽ có ảnh hưởng thật sự” – cô Mendoza kể.

Họ lao vào tìm hiểu hướng đi của hải sản, làm sao để kể câu chuyện với các chi tiết chính xác, bảo vệ những người đàn ông này khỏi nguy cơ bị bóc lột và bị hại. “Đó là khoảng thời gian rất căng. Chúng tôi tự hỏi liệu sẽ có ai quan tâm nhưng chúng tôi cứ lao theo sứ mệnh” – Mendoza nhớ lại.

Đến khi có đủ tư liệu, họ đứng trước câu hỏi đầy nhân văn: đăng hay không câu chuyện mà các nô lệ đã liều mạng để kể với họ? Đăng bài viết với ảnh và tên đầy đủ sẽ vô cùng nguy hiểm cho các nô lệ. Nhưng làm mờ ảnh hay giấu tên sẽ làm mất đi sức mạnh của bài báo. Cuối cùng, họ thực hiện một chiến dịch giải cứu, nhờ đến Tổ chức Quốc tế về di cư phối hợp với cảnh sát Indonesia cứu thoát các nô lệ được nhắc đến trước khi đăng bài.

Mendoza cho biết một phần thưởng giá trị mà họ nhận được là giúp các nô lệ được đoàn tụ với gia đình. “Đó là những cuộc đoàn tụ đẹp đẽ dù nhiều người thấy tủi hổ vì trở về trắng tay. Một số hứa sẽ không rời gia đình nữa nhưng một vài người không thoát được cái nghèo đã trở lại Thái Lan” – Mendoza thừa nhận.

Tuy vậy, các nữ nhà báo của AP hi vọng công việc của mình sẽ thúc đẩy các đồng nghiệp. “Là nhà báo, chúng ta có thể khiến mọi người nhìn thấy bộ mặt thật của một bí mật mở. Điều đó rất khó khăn và có thể khiến ta kiệt quệ, nhưng điều quan trọng là đừng bỏ cuộc dù có người nói với ta rằng đó là điều bất khả thi. Dự án này là bằng chứng rằng báo chí có thể tạo ra sự khác biệt và thật sự cất lên tiếng nói cho những người vô hình”.

Trao giải cho đề tài chiến tranh, tị nạn, khủng bố…

Trong lễ trao giải thưởng báo chí Pulitzer tại Đại học Columbia, New York (Mỹ), trưởng ban giải thưởng Pulitzer Mike Pride ghi nhận: “Đây là một năm mạnh mẽ của nghề báo. Đã có một số làm vô cùng, vô cùng tốt ở những thử thách báo chí năm nay”. Các tác phẩm báo chí về những đề tài nóng trong năm qua như chiến tranh, tị nạn và khủng bố giành được nhiều hạng mục giải thưởng của Pulitzer năm nay, theo AFP.

Báo New York Times, tờ báo thắng lớn ở giải Pulitzer 2015, nhận được giải thưởng hạng mục phóng sự quốc tế cho loạt bài điều tra về tình trạng lạm dụng, phân biệt đối xử phụ nữ ở Afghanistan. Tờ báo cũng chia sẻ giải “Ảnh nóng” với Reuters về những người di cư xin tị nạn tại châu Âu.

“Chúng tôi muốn cho thế giới thấy điều gì đang diễn ra và rằng thế giới cũng quan tâm. Điều đó cho thấy rằng nhân tính vẫn tồn tại” – Yannis Behrakis, người dẫn đầu phóng sự ảnh của Reuters, chia sẻ.

Giải thưởng dành cho tác phẩm hư cấu được trao cho ông Nguyễn Thanh Việt – giáo sư người Mỹ gốc Việt – với tiểu thuyết The sympathizer liên quan chiến tranh Việt Nam và những vấn đề hậu chiến. Giải phi tiểu thuyết trao cho quyển sách Black flags: The rise of ISIS lý giải về nguyên nhân cuộc chiến Iraq và sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của tác giả Joby Warrick.

TRẦN PHƯƠNG