Hồi tháng 9 năm ngoái, Công ty thuyền Sài Gòn đưa đội thuyền chèo vào hoạt động trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn từ cầu Thị Nghè đến cầu Lê Văn Sỹ để phục vụ khách.
Những công trình thế kỷ: Kênh đen thành dòng nước xanh du lịch
Hồi tháng 9 năm ngoái, Công ty thuyền Sài Gòn đưa đội thuyền chèo vào hoạt động trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn từ cầu Thị Nghè đến cầu Lê Văn Sỹ để phục vụ khách. Không ai tưởng tượng, dòng kênh đen ngòm, hôi thối ngày nào giờ trở thành nơi tham quan, ngắm cảnh.
Với nhiều người TP.HCM, ký ức về con kênh nước đen hôi thối, đầy rác này tồn tại trong suốt hàng chục năm có lẽ vẫn chưa phai. Từ năm 2002, một dự án được thiết kế nhằm xóa đi dòng kênh đen ấy. Các kỹ sư của dự án phải xây hệ thống cống ngầm thu gom nước thải phía dưới kênh dài 8 km, cống có đường kính 3 m nhằm tăng khả năng thoát nước; đồng thời gia cố bờ kênh và lắp đặt 60 km cống thu nước thải. Trước khi dự án được triển khai, khu vực này nước ngập thường xuyên do đường cống thoát nước nhỏ; ô nhiễm nước nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu đông dân do không có thu gom và xử lý nước thải…
Nhiều nhà khoa học từng phản đối
Ông Phan Châu Thuận, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kể khi bắt đầu nghiên cứu dự án, có một số nhà khoa học phản đối vì cho rằng dự án tốn nhiều tiền của, công sức nhưng khả năng cải thiện ô nhiễm là không khả thi. “Qua đấu tranh, giải trình, phản biện, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của Thành uỷ TP.HCM. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đề nghị thành phố cố gắng theo đuổi dự án vì tương lai sẽ cải thiện bộ mặt, mỹ quan đô thị. Nhờ vậy, cuối cùng dự án cũng đi vào triển khai và thành công”, ông Thuận nhớ lại.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước khải tạo (khu vực cầu Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh) – Ảnh: T.L
Ông Thuận là một trong số những người theo dự án từ thời điểm đầu tiên cho đến khi hoàn thành (giai đoạn 1), hiện đã nghỉ hưu. Trong thực tế, các chuyên gia của WB cũng đánh giá khi triển khai dự án sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. “Chẳng hạn, dự án triển khai trong nội đô đông đúc dân cư, mật độ xe cộ cao, lại gặp phải sự phản đối của người dân vì khi triển khai có nhiều rào chắn trên đường. Dự án không chỉ triển khai ở một tuyến kênh mà phải lắp đặt 60 km cống ngầm trên các con đường ở lưu vực này (3.300 ha). Do đó khi thực hiện, người dân phản đối vì giao thông ách tắc, đường sá dơ bẩn bởi việc thi công đặt các cống hộp rất to như một kênh ngầm dưới lòng đất. Còn cái khó nữa là tuyến cống bao đặt ngầm âm từ 10 – 30 m, từ thượng nguồn trên Tân Bình đến hạ nguồn nơi cửa sông Sài Gòn, chỗ Ba Son, đặt theo độ dốc (chảy trọng lực) nên càng về hạ nguồn càng sâu. Để đặt tuyến cống bao này phải kích ngầm. Đây không chỉ là kỹ thuật mới, khó khăn mà còn phải triển khai trên một diện tích hẹp và xung quanh toàn là nhà dân có móng yếu, nên khi kích có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhà dân”, ông Thuận kể.
WB cũng từng muốn bỏ dự án
Tổng vốn gần 1 tỉ USD
Năm 2001, WB cấp vốn lần đầu 166 triệu USD nhưng do lạm phát năm 2007 – 2008, kinh phí dự án tăng vọt, nên WB cấp bổ sung 90 triệu USD. Chính phủ và chính quyền TP.HCM cung cấp vốn đối ứng 68 triệu USD. Giai đoạn 2 của dự án gồm có các hạng mục: xây một nhà máy xử lý nước thải; tiếp tục triển khai phần cống thu nước thải còn lại; xây hệ thống thoát nước Q.2. Đây là phần tiếp theo của dự án vì sẽ xử lý lượng nước thải hiện đang tạm thời đổ ra sông Sài Gòn. Kinh phí là 478 triệu USD.
Khoan ngầm kích cống là công nghệ mới vào những năm đầu 2000. Ở VN lúc ấy không dự án nào áp dụng và cũng không có một nhà thầu nào làm được. Các kỹ sư phải kích một đường cống chu vi 3 m, vừa khoan, vừa hút bùn lên, vừa kích tới. Ông Thuận cho hay, bản thân ông trải qua nhiều dự án nhưng lần đầu tiên mới thực hiện kích ngầm ở dự án này. Ông cũng chưa từng học qua. “Vậy mà chúng tôi đã kích ngầm tới 8 km đường cống ngầm dưới lòng đất, từ hợp lưu trên Q.Tân Bình xuống tới trạm bơm của dự án ở cầu Thị Nghè 2 (Q.1), kích qua Q.2, xuyên qua sông Sài Gòn. Đoạn này cũng gặp trục trặc, khi nhà thầu cũ không làm được, nhà thầu mới của Thái Lan phải tham gia vào”, ông Thuận kể. Do đất và nước ngầm khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè rất khó lường, dù đã khoan địa chất rất cẩn trọng nhưng thỉnh thoảng khi kích ngầm đã gặp phải túi bùn, phải xử lý.
Về kỹ thuật, địa chất khu vực này rất phức tạp. Khu vực Tân Bình cát nhiều, xuống vùng Bình Thạnh lại toàn là đất yếu. Các nhà thầu chủ quan không để ý khiến đầu kích bị chìm, phải đào hở để lấy đầu kích lên, rất mất thời gian, nên tiến độ chậm. WB có lúc muốn bỏ dự án. Ngoài ra, có nhà thầu không đảm bảo tiến độ; thậm chí nhiều hợp đồng phải thay đổi nhà thầu. Bên cạnh đó, dự án đã thay thế và kéo dài 51 km cống thoát kết hợp cấp 1 và cấp 2; 375 km cống thoát cấp 3; nạo vét, vận chuyển và đổ khoảng 1,05 triệu m3 bùn đất nhằm tăng công suất thủy lực kênh; gia cố 18 km bờ kênh bằng tấm bản bê tông. “Thời điểm đó, ở ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có nhiều khu nhà ổ chuột, dự án phải kích tới 8 km cống bao, đường kính từ 2,5 – 3 m nằm trên tuyến kênh nên nhiều người dân phản ứng vì bị nứt nhà, nói chung là rất nhiều khó khăn”, ông Thuận kể.
Thay đổi bộ mặt thành phố
Từ lúc đấu thầu năm 2003, khởi công 2005 đến khi hoàn thành vào tháng 6.2012, tính ra khoảng 10 năm, dự án đã đối mặt với hàng loạt thách thức. Sau khi dự án hoàn thành, thành phố còn phải bỏ vốn ngân sách ra làm tuyến đường hai bên kênh, trồng cây cảnh, giờ tuyến kênh đã thành bộ mặt của thành phố. Nước kênh giờ đã trở nên sạch hơn, vì không còn nước thải đổ ra. Cá đã bơi lội trở lại trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Theo WB, dự án đã góp phần thay đổi bộ mặt TP.HCM, mang lại lợi ích trực tiếp cho trên 1,2 triệu người.
“Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn chưa kết thúc khi giai đoạn 2 đang được tiếp tục, cũng do WB tài trợ vốn. Vì thế, nguy cơ tái ô nhiễm trên dòng kênh này rất khó xảy ra”, ông Thuận nhận định. Dù vậy, ông Thuận cũng tâm tư: “Mỗi lần tôi chạy ngang dòng kênh, thấy vẫn còn người dân đổ rác xuống kênh nhiều. Dù Sở TN-MT phải cử công nhân đi vớt rác, có khi vớt cả vài tấn rác, nhưng sao hết được. Chưa kể, người dân còn ngang nhiên đánh bắt cá”.