02/11/2024

Lạ lùng hệ thống thuỷ lợi ‘má khỉ’ chống giặc mặn’

Nhờ hệ thống thuỷ lợi kiểu “má khỉ” mà hàng trăm hộ dân tại 2 ấp Phú Tây và Phú Đông 1 (xã An Định, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) vẫn có nước ngọt sử dụng; vườn cây, ruộng lúa “bình an vô sự” trước sự bao vây của “giặc mặn

 

Lạ lùng hệ thống thuỷ lợi ‘má khỉ’ chống giặc mặn’

 

Nhờ hệ thống thuỷ lợi kiểu “má khỉ” mà hàng trăm hộ dân tại 2 ấp Phú Tây và Phú Đông 1 (xã An Định, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) vẫn có nước ngọt sử dụng; vườn cây, ruộng lúa “bình an vô sự” trước sự bao vây của “giặc mặn”.





Người dân khu vực đê bao Đìa Dứa vẫn sử dụng được nước sông bình thường	- Ảnh: Phượng Vỹ

 

Người dân khu vực đê bao Đìa Dứa vẫn sử dụng được nước sông bình thường – Ảnh: Phượng Vỹ


Chúng tôi về Bến Tre giữa lúc hạn mặn đang ngày một trở nên gay gắt nhưng đi dọc theo con đường làng (cũng là đê bao) ở ấp Phú Tây lại thấy hai hình ảnh hoàn toàn đối lập. Một bên đường là màu xanh rì của lá, những buồng dừa trĩu quả và bên kia đường là màu lá vàng úa, dừa “treo đọt”.

Học từ Thái Lan
Đưa chúng tôi tham quan khu vườn 4.000 m2 đất trồng dừa xen bưởi da xanh của gia đình, ông Nguyễn Văn Trung (57 tuổi, trưởng ấp Phú Tây) cho biết: “Nói chung là cây trồng của nhà tôi vẫn chưa bị ảnh hưởng gì của hạn, mặn. Tuy việc đóng cống đã lâu làm nước sắc xuống nhiều làm các mương vườn khô trơ đáy, nhưng nước dưới lòng kênh chính còn dồi dào, chỉ cần chịu khó đi lấy vẫn đủ dùng. Chỉ tội cho vườn tược của bà con ở ngoài đê bao bị mặn cháy lá gần hết. Riêng về nước dùng trong chăn nuôi thì bà con ngoài đê cũng vào đây lấy nước được”.
Gần vườn ông Trung, khu vườn thanh long ruột đỏ của ông Lê Phú Bạn vẫn xanh tốt, bởi ông Bạn đã đào sâu các mương vườn để trữ nước ngọt nên đến nay chưa phải ra tận kênh chính lấy nước như một số người khác. Ông Bạn chia sẻ: “Nghe đài báo năm nay mặn sớm và kéo dài, nên khi dứt mùa mưa năm ngoái, tôi đã đào các mương vườn này để trữ nước sẵn. Mình là nông dân thì phải biết lo, không thể ỷ lại ai lo cho mình”.
Ông Lương Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã An Định, cho biết năm 2004, sau khi huyện đầu tư xây dựng cống Đìa Dứa (ấp Phú Tây), chính quyền xã đã vận động nhân dân 2 ấp Phú Tây và Phú Đông 1 dựa trên các con đường làng cũ đắp thành bờ đê cục bộ cao hơn để tự vệ trước nạn xâm nhập mặn và phục vụ giao thông nông thôn. Từ ngày bờ đê được đắp hoàn chỉnh, cộng với sự điều tiết linh hoạt của tổ vận hành cống (do UBND xã quản lý), hơn 1.000 hộ dân trong khu vực với hàng trăm héc ta đất sản xuất luôn an toàn trước tình trạng mặn xâm nhập.
“Cái này địa phương cũng học qua báo, đài cách làm bên Thái Lan. Từ đó, chúng tôi nghĩ ra cách làm đập trữ nước như má khỉ trữ thức ăn để xài khi cần. Sau đó, vận động người dân trong xã tận dụng và cải tạo các ao hồ, mương vườn có sẵn kết hợp với làm đập ở các vị trí thích hợp để chủ động trữ nước và điều tiết được nước cho đều khắp các nơi trong nội đồng”, ông Phong giải thích thêm.
Lập “hương ước” để bảo vệ môi trường
Theo ông Phong, nếu không bị nhiễm mặn do tràn đê trong đợt thủy triều dâng cao cách đây khoảng 15 ngày, thì lượng nước trữ trong trục kênh chính dài hơn 1,5 km, ngang khoảng 7 m, sâu khoảng 2,5 m trong đê dư sức cung cấp nước ngay cả cho bà con ở khu vực ngoài đê khoảng vài tháng nữa. Tuy nhiên, nước trong đê cũng chỉ mặn khoảng 4‰ nên so với khu vực ngoài đê còn lạt hơn nhiều.
Việc nuôi trồng của bà con trong khu vực này cho đến nay cơ bản vẫn ổn định nhưng hiện phát sinh một số vấn đề như ô nhiễm trong chăn nuôi, một số người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường…
“Do là vùng đê bao cục bộ nếu không sớm giải quyết các vấn đề về môi trường sẽ không thể đảm bảo tính bền vững về sinh thái nội bộ nếu hạn mặn diễn ra lâu dài hơn nữa. Do đó thời gian tới, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn cấp trên và vận động nhân dân cùng đắp các bờ bao cho chắc chắn hơn, chúng tôi sẽ xin ý kiến hội đồng nhân dân xã để họp dân lấy ý kiến xây dựng một hương ước riêng về bảo vệ môi trường trong vùng đê bao”, ông Phong cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Mỏ Cày Nam, cho biết trên địa bàn huyện có nhiều khu vực nội đồng cũng được đắp thành các bờ đê bao cục bộ không hiệu quả do không có kênh trữ nước dồi dào như khu vực trong cống Đìa Dứa. “Đây được xem là mô hình cụ thể và hiệu quả nhất trong đợt thiên tai này. Và theo gợi ý của chủ tịch UBND tỉnh, các mô hình thủy lợi kiểu “má khỉ” này sẽ được chúng tôi nhân rộng ra ở các vùng đê bao cục bộ còn lại, cũng như các vùng đê bao cục bộ mới để ứng phó với hạn, mặn”, ông Hùng khẳng định.
Theo quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn của tỉnh Bến Tre từ giữa tháng 2.2016, nước mặn hầu như đã bao phủ toàn tỉnh (162/164 xã, phường, thị trấn bị nhiễm mặn), độ mặn trong nội đồng có nơi trên 5‰.
Tình trạng đó đã làm cho toàn tỉnh có gần 19.000 ha lúa đông xuân bị mất trắng 100%, trên 510 ha hoa màu, 103.000 cây giống, gần 5.800 ha cây ăn quả và 475 ha diện tích nuôi thuỷ sản bị thiệt hại; có hơn 88.200 hộ dân, với hơn 353.000 người bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, chủ yếu là những người dân thuộc hộ nghèo ở 3 huyện ven biển; ngay cả nước uống cho đàn bò hơn 150.000 con cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh Bến Tre đã đề nghị T.Ư quan tâm, hỗ trợ kinh phí khoảng 450 tỉ đồng để thực hiện các công trình khẩn cấp phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt, cung ứng nước sinh hoạt cho nhân dân (khoảng 200 tỉ đồng) và hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai (khoảng 250 tỉ đồng).


Khoa Chiến – Phượng Vỹ