29/12/2024

Thi cử và tuyển chọn nhân tài thời Lê – Trịnh

Từng sang Đông Kinh (tên gọi của Hà Nội dưới thời Lê – Trịnh), Samuel Baron đã ghi chép tỉ mỉ về chế độ thi cử và tuyển lựa nhân tài thời kỳ này.

 Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây:

Thi cử và tuyển chọn nhân tài thời Lê – Trịnh

 

Từng sang Đông Kinh (tên gọi của Hà Nội dưới thời Lê – Trịnh), Samuel Baron đã ghi chép tỉ mỉ về chế độ thi cử và tuyển lựa nhân tài thời kỳ này.




 Thi cử và tuyển chọn nhân tài thời Lê - Trịnh

Thí sinh viết bài trong lều tại kỳ thi Hương ở Nam Định năm 1897, ảnh do người Pháp chụp – Ảnh: T.L

Muốn làm một công việc gì hay được một chức phẩm gì ai cũng phải qua ba khoa thi: khoa sinh đồ học lực như tú tài bên Âu châu ta; khoa hương cống tựa như cử nhân, và khoa tiến sĩ tựa như bác học bên ta. Trong số các ông tiến sĩ, sẽ lựa chọn lấy một ông trạng nguyên.
Việc tuyển lựa các nho sĩ này được tổ chức rất công bằng.
Khoa thi sinh đồ như thế này: cứ ba năm một kỳ, vua Lê và chúa Trịnh cử cho mỗi tỉnh hai ba ông tiến sĩ, vài huyện quan đã đỗ hương cống ra chấm thi: thí sinh tỉnh nào thi riêng trong tỉnh ấy, khảo quan nhận được lệnh phải đến ngay nơi mình chấm và trong khi đi đường không được phép nói chuyện với thí sinh hay nhận quà biếu. Đến nơi các ngài vào ngay trường thi và ở trong những gian nhà tre lợp rạ. Trường thi cũng có rào tre, ở giữa có một quãng trống dựng đài. Các ông tiến sĩ ở biệt lập với các huyện quan và trong một khoa thi hai bên không được giao tiếp với nhau. Các cửa đều có người canh và ai ra vào đều bị khám xét rất ngặt, cấm không được mang giấy má sách vở, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm phạt và mất chức.
Hôm khai khoa, tất cả thí sinh đều phải đến trường thi. Đã có một võ quan chỉ cho họ 5 châm ngôn ngắn viết đại từ và ai cũng phải chép lấy. Xong rồi, thí sinh bị xét xem có mang giấy má gian lận không rồi họ ra sân trường thi, người nọ cách người kia khá xa; từng quãng lại có người canh để không ai được thông đồng với thí sinh.
Phải ngồi viết cho xong bài trước lúc tối và bài không được dài quá hai mươi bốn trang. Thí sinh nộp kèm với quyển thi một tờ khai tên mình, tên cha ông, tên làng. Các quan tiến sĩ sẽ thảo tờ này riêng ra sau khi đã ghi cho thí sinh một con số lên quyển văn và tờ lý lịch. Quyển thì giao cho các huyện quan giám khảo; các tờ lý lịch, giao cho một võ quan khác coi giữ.
Các bài hỏng phải loại ra; các bài khá được đem trình các ông tiến sĩ. Các ông này xem lại và loại một lượt nữa, cho nên trong số bốn năm nghìn sĩ tử, có chừng một nghìn người đỗ bài đầu. Ai hỏng thì về vì không được thi khoa này nữa. Chấm bài thứ nhất mất tám hoặc mười ngày.
Bài thứ hai có ba đầu đề và không được làm quá 12 trang; có chừng 500 người được vào.
Bài thứ ba có hai đầu đề và không được làm quá tám trang nhưng khó hơn hai kỳ đầu nhiều; còn lại 300 người đỗ; ấy là các ông sinh đồ. Các ông này được ghi tên vào sổ, được trừ nửa phần sưu và được hưởng vài quyền lợi nhỏ nữa.
Muốn đỗ hương cống thì phải thi ba kỳ đầu như các ông sinh đồ, cùng một nơi, cùng có các ông giám khảo trên và phải thi một kỳ thứ tư nữa: khó hơn, ngặt hơn và không được nói với ai trong khi thi. Các ông hương cống các khoa trước ở các nơi có trường thi phải tề tựu cả ở kinh trong suốt kỳ thi (để khỏi gà bài?); nhà nước cử mật thám ở lẫn với các ông và ngày nào cũng kiểm điểm xem các ông có đủ mặt không. Còn tỉnh nào không có kỳ thi thì các quan tỉnh cũng phải coi sóc các ông hương cống cũ.
Thi có bảy bài chọn trong kinh sách; các bài hỏng bị loại; các bài khá đem trình các ông tiến sĩ. Nếu được đỗ thì lễ xướng danh rất long trọng. Quyền lợi các ông hương cống lớn hơn quyền lợi ông sinh đồ; các ông được vào yết kiến vua và được ngài ban cho một nghìn đồng tiền (giá tất cả một dollar) và một tấm vải callicot noir may một cái áo đáng giá ba dollar.
Khoa thi tiến sĩ cứ bốn năm một lần ở kinh, trong một gian điện riêng, có cửa bằng đá vân, ngày xưa lộng lẫy lắm nhưng bây giờ trông rất điêu tàn. Các ông hương cống có học và tài vào bậc nhất mới được phép dự thi và ứng thi nhiều, chỉ có ít người đỗ. Chính vua, các ông hoàng, các văn thân có tiếng trong nước và các đại thần đứng ra chấm. Thi cũng như sinh đồ và hương cống, nhưng câu hỏi nhiều hơn, khó hơn, quan trọng và hiểm hóc về những chương khó nhất trong luân lý, chính trị, luật hộ, thi ca và tu từ học; thi viết làm bốn kỳ trong khoảng hai mươi ngày; ai qua được thì đỗ tiến sĩ. Công việc không dễ dàng gì vì phải nhớ hết số chữ của bốn quyển trong số chín quyển Tứ thư, Ngũ kinh; nhớ từng chữ và thuộc lòng thì mới có thể đỗ được. Mỗi người thi trong một gian lều tre lợp vải (?); trước khi vào phải khám xét cẩn thận; ngồi từ sáng đến chiều với bút, mực, giấy; có hai ông tiến sĩ ngồi lọng cách xa họ để trông nom. Thi bốn kỳ thì hai ngày đầu quan trọng nhất có vua Lê và chúa Trịnh ra chứng kiến; các ngày sau có các quan Thượng thư thôi. Các ông tiến sĩ mới được bạn bè, dân sự và các ông tiến sĩ cũ hoan hô và ngợi khen, vua thưởng cho mỗi ông một thoi bạc (giá chừng mười bốn dollar) và một tấm lụa; lại được ăn lộc mấy làng tuỳ theo lượng vua và tài mình; về làng còn được dân làng khao vọng trong mấy ngày. Các ông tiến sĩ sau này được tuyển đi làm quan, được cử đi sứ Tàu và có quyền dùng y phục Tàu cùng với phẩm phục mình.
Các hương cống thi hỏng còn có thể thi tiến sĩ nữa; nếu không thì họ có thể vào ngạch tư pháp hay trông nom một làng.
Các sinh đồ hoặc các người không muốn học nữa cũng có thể tìm một việc làm, nếu học có tiền trong dinh quan tỉnh, trong toà án hoặc nho lại; không cần tài biện bác chỉ cần chữ tốt văn hay thôi.

 

Samuel Baron 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)