28/12/2024

Tết Nguyên đán ở Đàng Ngoài

Tết long trọng nhất của người Đàng Ngoài được họ gọi là Tết Nguyên đán.

 
Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Tết Nguyên đán ở Đàng Ngoài
 
 
 
Tết long trọng nhất của người Đàng Ngoài được họ gọi là Tết Nguyên đán.
 
 
 
 
 
 
 
Tranh mô tả các hoạt động ngày tết ở Đàng Ngoài do Samuel Baron vẽ - Ảnh: T.L

Tranh mô tả các hoạt động ngày tết ở Đàng Ngoài do Samuel Baron vẽ – Ảnh: T.L

 

Tết trong dân chúng
Mười lăm hôm trước khi hết năm, có phiên chợ miễn thuế mở khắp trong xứ, ai cũng được phép đem hàng tốt hạng nhất ra bày bán.
Quý tộc, dân dã, giàu nghèo mỗi người theo sức mình cũng muốn tiêu tiền; hàng đem đến tuy có đắt, người mua tuy có nghèo nhưng không ai là không muốn nhân dịp đầu năm trang hoàng bằng một vật gì mới và lạ. Vì suốt năm không có phiên chợ nào đẹp và lắm tiền như thế nên cuộc tụ hội của dân chúng (đông) quá sức tưởng tượng.
Lệ đi lễ và cách đem biếu quà cáp của người dưới đối với người trên hôm đầu năm có từ ngày xưa thì bây giờ bắt buộc và có một đạo luật rất nghiêm khắc chế định nên không ai có thể bỏ đi được. Các quan tuỳ theo phẩm trật của mình (có nhiều người lại tùy theo phẩm trật mình muốn đạt) mỗi năm gửi phẩm vật quý giá về dâng vua… Hạ quan gửi tặng vật về biếu thượng quan; học trò tết thầy, con cháu biếu gia trưởng, và như thế người dưới biếu người mà mình nhận là người đứng ngay hàng trên mình. Vì lễ vật nhận được rất nhiều và đủ các thứ, nên các quan có tục vào những ngày tất niên đem thết bà con và thân hữu một phần to; còn lại thì cho lính tráng, đầy tớ để cho ai cũng có cảm tưởng là được dự vào tết và mọi người được vui mừng sung sướng.
Chiều hôm ba mươi tết, mọi người đều trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến (cây nêu ngày tết - PV), có ý nghĩa là tiêu trừ tà ma ra xa chỗ nhà ở cũng như cắm bồ nhìn (bù nhìn) trên ruộng gai hay những đất mới vãi hột để đuổi chim chóc. Nếu không có cái vật đáng sợ này trấn áp ở trước cửa thì thế nào ma quỷ cũng xông vào nhà để gieo tai vạ suốt năm, thảng hoặc có ai quên không trồng cây này thì mọi người sẽ chỉ trỏ người ấy và sẽ bàn tán ầm ĩ lên rằng nhà người ấy có ma.
Sau lúc giao thừa là lúc năm mới bắt đầu thì không ai được phép đóng cửa, ngõ vì ông bà ông vải hôm ấy về, họ phải sắp sẵn giường chiếu, họ cho rằng các cụ đi đường mệt lắm và cần phải nghỉ ngơi chút ít. Họ rất chăm nom đến các cụ, sợ rằng các cụ không thích nằm lại muốn ngồi, họ giải lên sàn nhà lau chùi rất sạch sẽ một chiếc chiếu hẹp; họ lại sắp sẵn một đôi guốc hoặc một đôi dép đế to bên cạnh một be nước để gần cửa vào để các cụ rửa chân (người Bắc kỳ thường đi đất, không có ao để rửa chân, thì ở bậc cửa có be nước họ dùng rửa chân, giữ chân sạch sẽ và trơn tru mãi đến lúc lên giường). Họ còn thêm vào hai cây mía để ông bà ông vải có thiếu sức thì dùng để chống mà đi… Cúng ông bà ông vải xong thì trong ba hôm tết họ không quét nhà, dù nhà bẩn thỉu và đầy rác rưởi…
Tết Hoàng thành
Nhưng muốn xem một quang cảnh đẹp đẽ nhất thì phải vào hoàng thành. Sáng sớm mồng một, khắp bốn góc thành phố và các vùng lân cận, ta nghe thấy ba cỗ thần công bắn báo hiệu. Đức vua, thấy hiệu súng cởi bỏ y phục cũ, tắm nước lạnh, tắm xong bận hoàng bào mới và rực rỡ ra thiết triều tại đại điện, các đại thần đã túc trực sẵn, các hoàng tử vào tung hô trước; tiếp đến các văn quan rồi mới đến các võ thần, các đình thần triều bái xong đức vua lui vào cung để nhận lễ của hoàng hậu, các bà phi, các cung tần và các thị nữ. Hoàng hậu quỳ lễ trước rồi mới đến các người kia theo thứ bậc của mình, lễ cử hành từ lúc chưa rạng đông. Chúa Trịnh cũng cử một viên quan sang triều bái và chúc tụng vua.
Trong lúc ấy thì quân hầu sửa soạn cuộc du xuân của vua. Lúc rạng đông, vua ngự ra khỏi cung, bận bộ hoàng bào rất lộng lẫy, ngồi trên kiệu có năm mươi người khiêng, mọi người đều chú ý đến ngài lúc bấy giờ là hình thể và tiêu biểu của sự cao cả. Ngài ngồi vừa khiêm tốn vừa nghiêm trang, đầu không cử động, mắt không liếc ngang lúc nào cũng như chăm chú đến một vật đặc biệt.
Trong lúc vua xuất hành thì chúa đi tế trời với bộ hạ thân tín, các quân hộ vệ và các phu thần ở giữa một cánh đồng rộng. Trong khi hành lễ thì chúa tay dâng một chén rượu rất kính cẩn và cúi mình vái dài; xong rồi ngài uống chén rượu đó… Các quan đọc sớ xin giời lúc hạn thì cho mưa và khắp trong bốn mùa lúc nào họ cũng được gió hoà mưa thuận. Chúa cũng khấn và khấn xong, cũng vái một vái dài.
Tế trời xong, muốn khỏi thất lễ với đất, chúa cầm một cái cày rất đẹp, mạ vàng, cày mấy luống và cầu xin đất ban ơn cho mọi người làm cho mùa màng được tốt đẹp.
Nếu hôm ấy mưa, họ cho là điềm tốt, không kêu rên rằng bị ướt, trái lại họ vui mừng và người nào được đẫm mưa nhiều nhất tin rằng đó là tin báo trước cho họ biết năm ấy ruộng, vườn được mùa và thâu nhiều hoa lợi; nếu lúc vua xuất hành mà mưa thì toàn thể dân chúng vui mừng và hoan hô đấng quân thượng. Đức vua có bị mưa ướt cũng vui mừng vì cho đấy là điềm tốt bảo ngài còn được ở ngôi cửu ngũ (dài lâu).

G.F De Marini 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)