29/12/2024

Người làm sống lại loài lan ma huyền thoại

Ghost Orchid – lan ma – là một trong những loài lan hiếm và khó trồng nhất thế giới. Người góp công lớn trong việc bảo tồn loài lan độc đáo này tại Florida (Mỹ) là một nghiên cứu sinh người Việt.

 

Người làm sống lại loài lan ma huyền thoại

 

Ghost Orchid – lan ma – là một trong những loài lan hiếm và khó trồng nhất thế giới. Người góp công lớn trong việc bảo tồn loài lan độc đáo này tại Florida (Mỹ) là một nghiên cứu sinh người Việt.

 

 

 

 

Nguyễn Hữu Hoàng cùng Giáo sư Michael Kane trong phòng thí nghiệm - Ảnh: N.V.C.C

 

Nguyễn Hữu Hoàng cùng Giáo sư Michael Kane trong phòng thí nghiệm – Ảnh: N.V.C.C

 

Nguyễn Hữu Hoàng, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Florida, bị mê hoặc bởi loài lan ma và bắt tay vào nghiên cứu đề tài: Sinh lý học trong ống nghiệm của các loài thực vật khó nhân giống thuộc họ Nymphaceae, Alistamaceae và Orchidaceae. Đề tài của Hoàng được Hội đồng khoa học của ĐH Florida thông qua, Giáo sư Michael Kane là người hướng dẫn.
Khi bắt tay vào nghiên cứu, Hoàng gần như không có bất kỳ nguồn thông tin chính thống nào về đặc tính sinh học của cây lan ma. Vì vậy, chàng nghiên cứu sinh người Việt và các cộng sự phải tự mò mẫm thử nghiệm từng yếu tố để có thể hình thành cả quy trình trồng loại cây này. Khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến rừng là hơn 6 tiếng lái xe, việc tự ghi nhận các đặc tính sinh học vì vậy cũng khó khăn hơn. Đồng nghiệp của Hoàng thậm chí đã từng vô tình đạp lên đầu cá sấu trong đầm lầy ở Florida.
Người làm sống lại loài lan ma huyền thoại - ảnh 1

Lan ma khi nở hoa trong tự nhiên

Trong năm đầu tiên nghiên cứu, tất cả những cây con Hoàng trồng được đều chết. Sau vài lần cải tiến bằng phương pháp quang tự dưỡng học được từ lúc còn ở VN, anh đã cứu được vài cây. Từ những cây này, Hoàng lần mò tìm ra một số yếu tố then chốt trong quá trình trồng, như thời điểm sinh trưởng của cây, dưỡng chất cần thiết, loài nấm ký sinh để giúp hạt lan nảy mầm…
Sau hơn 4 năm miệt mài nghiên cứu, công trình của Hoàng và đồng nghiệp đã thu được thành quả: Những đặc tính của loài lan ma trong từng chu kỳ sinh trưởng đã được chỉ rõ; một quy trình nuôi cấy từ hạt giống trong phòng thí nghiệm đến việc đưa trở lại môi trường tự nhiên đã cho kết quả khả quan. Loài nấm đặc biệt giúp hạt của lan ma nảy mầm cũng đã được phân lập và định danh. Đến nay, 150 cây lan ma sau khi nuôi cấy đã và đang sinh trưởng tốt trong rừng tự nhiên ở miền cực nam nước Mỹ. Đã có những cây lan ma nở hoa trong nhà kính của ĐH Florida.
Công trình nghiên cứu thành công đã giúp Hoàng giành được giải thưởng Poster và một số giải thưởng khác vào hội nghị tháng 6.2015 được tổ chức bởi Society for In Vitro Biology (Hội Nghiên cứu sinh học trong ống nghiệm). Thời gian gần đây, Hoàng đã mang một số cây lan ma vào môi trường sống tự nhiên của chúng ở Florida. Kết quả, có đến 70 trong số 80 cây sống sót và phát triển mạnh mẽ. Hoàng cũng đang nhìn thấy kết quả tương tự với lan ma trồng sau này tại Vườn bách thảo Naples.
Con đường nghiên cứu không ít chông gai nhưng đầy thú vị đã cho Hoàng trải nghiệm những cảm xúc khó quên suốt hơn 15.000 ngày miệt mài nghiên cứu. Đầm lầy Florida nổi tiếng nhiều cá sấu, rắn độc đã trở thành những cung đường quen thuộc của chàng trai Việt. Giờ đây, công trình Ghost Orchid đã được biết đến khắp thế giới và được đăng trên các tạp chí khoa học sau khi Hoàng bảo vệ thành công luận văn.
Hỏi về tương lai, Hoàng nói: “Trước mắt mình sẽ tới California làm việc một thời gian để học hỏi kinh nghiệm, sau đó sẽ trở về VN để làm việc lâu dài. Có 2 lĩnh vực mình quan tâm và dự định sẽ theo đuổi nó ở VN, đó là giáo dục và nông nghiệp công nghệ cao. Nước mình có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn thua người Thái về nông nghiệp”.
Lan ma là loại thực vật không lá đang có nguy cơ tuyệt chủng ở bang Florida. Với màu trắng đặc trưng, lan ma trở thành đối tượng săn lùng của nhiều người đam mê lan quý. Hiện tại, lan ma đang tồn tại trong tự nhiên với số lượng hạn chế. Các cây con có thể được nhân giống bằng hạt tại phòng thí nghiệm, rất ít người có thể chuyển các cây con vào nhà kính nhưng lại chưa có ai có thể đưa được các cây này vào môi trường tự nhiên. Bằng cách khéo léo điều chỉnh kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, Nguyễn Hữu Hoàng là nhà nghiên cứu đầu tiên phát triển quy trình nuôi cấy hạt giống thành công với lan ma. Những cây con Hoàng tạo ra có thể thích nghi tại nhà kính lẫn môi trường tự nhiên.
Giáo sư Michael Kane

Káp Thành Long – Hạnh Nguyễn