07/01/2025

Lo cho nguồn nước máy TP.HCM

Trong số các điểm nóng hiện tại về môi trường, ô nhiễm nước mặt đang đặt TP.HCM trước nhiều thách thức.

 

Lo cho nguồn nước máy TP.HCM

 

Trong số các điểm nóng hiện tại về môi trường, ô nhiễm nước mặt đang đặt TP.HCM trước nhiều thách thức.

 

 

 

 

Lo cho nguồn nước máy TP.HCM
Hiện nay tình hình người dân xả rác bừa bãi trên kênh rạch rất phổ biến. Trong ảnh: công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn qua Q.Tân Bình – Ảnh: Quang Định

Thành phố luôn cần nguồn nước thô đảm bảo chất lượng, an toàn để cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch, phục vụ hàng triệu người dân…

Ô nhiễm từ thượng nguồn đến kênh rạch

Trong số bốn nhóm giải pháp lớn được Sở Tài nguyên – môi trường TP nhấn mạnh, đưa vào kế hoạch hành động cho mục tiêu đột phá năm năm tới, thì nhóm giải pháp đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ môi trường, chuyển biến nhận thức thành hành động trong cộng đồng dân cư được đề cập đầu tiên.

Một trong những biện pháp khởi động cho nhóm giải pháp này là bắt đầu từ các hành động bảo vệ môi trường đơn giản trong dân cư.

Báo cáo của Sở Tài nguyên – môi trường TP cho thấy TP đã đạt trên 100% của mục tiêu tất cả người dân TP được phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường (giai đoạn 2011- 2015).

Tuy nhiên, thực tế hành động bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư còn phản ánh nhiều điều đáng buồn, như đánh giá của sở này: điển hình là tình trạng người dân xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch.

Việc nạo vét, thu gom rác trên kênh mất nhiều kinh phí, kém hiệu quả. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải đối phó…

TS Nguyễn Thanh Hùng (Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: phần lớn các tuyến kênh rạch TP đều bị ô nhiễm vi sinh, hàm lượng vi khuẩn coliform cao và 100% giá trị mẫu phân tích vượt quy chuẩn cho phép. Hiện nay tổng lượng nước thải sinh hoạt của TP khoảng 1,3 triệu m3/ngày, nhưng lượng nước thải được thu gom, xử lý mới được khoảng 186.000m3/ngày!

Không chỉ ở phạm vi 24 quận, huyện, mà theo TS Hùng, TP.HCM còn đối diện với yêu cầu phải giải quyết những loại ô nhiễm liên vùng.

Đáng lo hơn, TP đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự lan truyền ô nhiễm nguồn nước từ khu vực thượng nguồn đổ xuống dọc các tuyến sông chính: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông. Các khu vực nóng về ô nhiễm hiện nay là suối Nhum, kênh Ba Bò (liên vùng Bình Dương – TP.HCM); kênh Thầy Cai – An Hạ, sông Chợ Đệm – Cần Giuộc (TP.HCM và Long An).

Ngoài việc đề nghị TP.HCM tập trung nguồn lực đầu tư cho các nhà máy xử lý nước thải đô thị, để giải quyết khoảng 85% nước thải sinh hoạt hiện chưa được xử lý, TS Hùng cho rằng cần công khai các đối tượng gây ô nhiễm môi trường trên các phần mềm quản lý trực tuyến, chế tài thật mạnh các hành vi vi phạm để răn đe, tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng.

Lo ô nhiễm hữu cơ

Trong khi đó, cán bộ chuyên môn thuộc ngành cấp nước TP nhìn nhận: qua giám sát chất lượng nguồn nước thô trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn – nơi lấy nước cho các nhà máy xử lý nước cấp – có sự hiện diện của ô nhiễm hữu cơ vi lượng, tuy rằng nồng độ các chất này còn nằm trong ngưỡng cho phép.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) còn cho thấy nước sông Sài Gòn có sự hiện diện của các chất ô nhiễm hữu cơ vi lượng cao hơn so với nước của sông Đồng Nai.

Ô nhiễm hữu cơ là loại ô nhiễm chứa các chất gây bất lợi cho sức khoẻ của con người. Về mặt lý thuyết, nó có nguồn gốc tự nhiên (núi lửa, động đất, sóng thần), song đây cũng là sản phẩm phụ (nguồn gốc nhân tạo) của công nghiệp hoá học, chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật…

PGS.TS Bùi Xuân Thành (Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) đánh giá trong tương lai, diễn biến các nồng độ ô nhiễm này sẽ ngày một gia tăng, nếu không giải quyết được và kiểm soát hiệu quả xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và ngăn chặn việc đổ rác thải xuống sông, rạch…

Theo ông Thành, cần giám sát chặt chẽ và đánh giá các chỉ tiêu ô nhiễm của các chất ô nhiễm hữu cơ vi lượng như các chất gây rối loạn nội tiết trong nước mặt.

Kết hợp kết quả giám sát tại chỗ và nghiên cứu chuyên sâu của các nhà chuyên môn về môi trường, một số nhà máy xử lý nước cấp ở TP.HCM cũng đã thấy rõ việc phải tính đến các giải pháp loại bỏ ô nhiễm hữu cơ vi lượng có trong nước thô.

Các nhà khoa học còn đề nghị cần lưu tâm đến diễn biến của loại ô nhiễm này, và công nghệ xử lý nước hiện tại là dùng chất chlorine để khử trùng.

Theo đó, nếu trong nước tồn tại các chất ô nhiễm hữu cơ vi lượng, gặp chất khử trùng chlorine mà công nghệ xử lý nước hiện tại đang dùng, có khả năng một nhóm các phụ phẩm sẽ hình thành trong quá trình xử lý nước, và có thể phát sinh những điều không mong muốn cho sức khoẻ con người.

PGS.TS Bùi Xuân Thành đề ra bốn giải pháp quản lý để góp phần khống chế ô nhiễm hữu cơ vi lượng, trong đó ủng hộ TP ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị; quản lý chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý phân bùn bể tự hoại ở TP, tránh việc chất thải này đi vào sông, rạch…

Riêng về giải pháp công nghệ, theo TS Thành, áp dụng công nghệ oxy hóa nâng cao sử dụng ozone kết hợp than hoạt tính sinh học, hoặc công nghệ khác có thể loại bỏ chất hữu cơ trong nước.

Áp dụng công nghệ PAC (power activated carbon) kết hợp lọc màng (membrane) hoặc công nghệ màng nhằm loại bỏ chất hữu cơ hòa tan.

Giảm thiểu 90% ô nhiễm nước mặt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT TP.HCM) đưa ra nhiều giải pháp, trong đó khẳng định sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở phát sinh nước thải công nghiệp, đảm bảo mục tiêu trong năm 2016, 100% nước thải công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình giảm ô nhiễm môi trường, với mục tiêu đến năm 2020, 95% các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lưu lượng nước thải từ 10 m³/ngày đêm trở lên có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn môi trường; giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt so với mức năm 2011; 55% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn môi trường…

Bao giờ nước máy uống được?

Các nhà chuyên môn về môi trường nêu ra thực tế này như một đòi hỏi cao hơn đối với TP.HCM: hiện tại nước cấp của ta không uống được giống châu Âu.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Thành (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay chất lượng nước của các nhà máy nước ở TP chỉ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của con người.

Chỉ có thể đạt được đòi hỏi nước cấp uống được khi giải quyết triệt để các vấn đề môi trường và dòng nước ở sông, rạch của TP tốt như ở nhiều quốc gia, đồng thời áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến.

QUỐC THANH ([email protected] )