23/01/2025

Thường huấn ở Tỉnh dòng Chúa Quan Phòng, Cù lao Giêng, An Giang

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn sẽ giúp khoá thường huấn cho 66 chị nữ tu dòng Chúa Quan Phòng tại Cù lao Giêng,từ ngày 14 đến 15/4/2016 với chủ đề “Cảm nghiệm và thể hiện lòng Chúa thương xót”

 Chương trình thường huấn

ở Tỉnh dòng Chúa Quan Phòng, Cù lao Giêng, từ ngày 14-15/4/2016

Chủ đề: Cảm nghiệm và thể hiện lòng Chúa thương xót

Người hướng dẫn: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Ngày 14/4/2016:

– Giới thiệu sơ lược về chủ đề khoá thường huấn, mục đích, phương pháp, tài liệu, đường hướng để cảm nghiệm và thể hiện Lòng Thương Xót (LTX) của Chúa.

– Tình trạng của thế giới và Giáo Hội đối với LTX. Sứ mạng của Giáo Hội là làm chứng về LTX.

– Cuộc biến hình thiêng liêng: vượt qua cơ cấu tội lỗi và khám phá cấu trúc tâm lý xã hội trong chính con người mình.

 Con đường cảm nghiệm LTX qua dụ ngôn Người con hoang đàng: trở về với Chúa Cha qua Đức Giêsu Kitô để cảm nghiệm được LTX.

-  Xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô để nhận ra dung mạo LTX.

Ngày 15/4/2016

- Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Phục sinh.

– Thở được Thần Khí của Đức Kitô để thể hiện LTX.

– Chương trình sống Lòng Chúa thương xót: những việc cần làm trong ngày, tháng, năm sống.

– “Ra đi vùng ven” để thể hiện cuộc hành hương Năm Thánh của đời mình.

– Thể hiện LTX qua những ân sủng để trở thành dung mạo sống động của LTX như Chúa Giêsu.

Các cám dỗ chống lại lòng Chúa thương xót

Lời mở

Trong Chúa Nhật thứ I đầu Mùa Chay, Giáo Hội luôn mời gọi ta suy niệm về những cơn cám dỗ của quỷ dữ đối với Chúa Giêsu để nhắc nhở ta về cuộc chiến đấu thiêng liêng. Đặc biệt trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta muốn suy tư đôi chút về những cơn cám dỗ chống lại Lòng Thương Xót của Chúa trong đời sống con người. Chúng ta thường gặp ba loại cám dỗ sau đây:

– Cám dỗ về cơn đói vật chất mà quên lòng Cha yêu thương quan phòng mọi sự.
– Cám dỗ về cơn khát quyền lực đến độ chối bỏ sự hiện diện của Cha Trên Trời.
– Cám dỗ về lòng cuồng tín đến độ đòi hỏi Cha Trên Trời phải lo liệu mọi thứ cho ta như một người đấy tớ.

1. Cám dỗ về cơn đói vật chất

Ai đã từng nhịn ăn một hai ngày sẽ cảm nghiệm cơn đói này đáng sợ như thế nào. Nó làm ta bủn rủn tay chân, không còn sức làm việc, chỉ muốn ăn thật nhiều cho khỏi chết. Ai đã từng phải ngủ ngoài hiên nhà người khác trong đêm giá lạnh như một số khách du lịch Đà Lạt trong mấy ngày Tết Nguyên Đán vừa qua mới thấy được ngủ trong căn nhà có bếp sưởi là một hạnh phúc. Rồi nếu còn được ăn những bữa tiệc linh đình, sống trong căn hộ đầy đủ tiện nghi, có tủ lạnh, có máy điều hoà, có bếp điện từ, và được đi những chiếc xe đời mới, thay vì chen chúc trên xe buýt, thì mới thấy cơn đói vật chất này càng giày vò con người hơn nữa. Họ sẽ thấy lời đề nghị của quỷ dữ với Chúa Giêsu trong con đói của Người rất tự nhiên và đúng lúc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3).

Lúc bấy giờ con người chúng ta bị cám dỗ phải làm ra thật nhiều của cải vật chất bằng trí óc và bàn tay của mình để đừng bị đói, đừng bị khổ, để sống xứng đáng là con người và là con Thiên Chúa. Nhưng khi miệt mài làm việc, thu tích thật nhiều vật chất để đề phòng đói khổ trong tương lai, con người dần dần quên Chúa, “Đấng ban cho họ hôm nay lương thực hàng ngày” vì họ đã dự trữ dư thừa cho ngày mai. Họ tưởng rằng tất cả những thứ đó là do mình làm ra chứ không phải do ai khác và mình muốn chia sẻ cho ai là tuỳ ý mình.

Họ không nghĩ rằng Cha Trên Trời đã yêu thương họ, đã cho mặt trời mọc lên trên người tốt cũng như kẻ xấu, cho mưa xuống trên người công chính cũng như người gian ác để mọi người được sống trên trái đất như ngôi nhà chung. Tất cả những gì họ có trong trái đất này đều bắt nguồn từ lòng thương xót của Cha Trên Trời: cây cối toả dưỡng khí cho họ thở, những động vật, thực vật đã giúp cho họ sống, những suy tư trong đầu óc họ, những tình cảm trong trái tim họ đều do Chúa ban cho họ mà thôi. Tất cả đều là hư không nếu Cha Trên Trời không thương xót họ.

Thế  nhưng, cơn cám dỗ về vật chất ấy làm cho con người cắm đầu làm việc như một con vật và quên rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” mà còn nhờ tri thức, tình yêu và bao giá trị nhân linh cao cả khác. Con người cứ bo bo giữ kỹ những của mình kiếm được trong những két sắt an toàn, những tài khoản ngân hàng, mua những bất động sản cho tiền khỏi mất giá mà quên chia sẻ cho những người nghèo đói quanh mình vì không nhận ra họ là anh em của cùng một Cha Trên Trời. Chúng ta thấy hiện giờ 80% nguồn lực của thế giới thuộc về thiểu số khoảng 20% người giàu. 20% nguồn lực còn lại của thế giới lại chia sẻ cho đám đông người nghèo chiếm khoảng 80% dân số. Vì thế chúng ta mới thấy những cảnh trái ngược thương tâm là có những người ăn thừa mứa trong những ngày Tết đến nỗi phải đổ đi; trong khi những người nghèo không kiếm được một miếng bánh, một túi gạo trong ngày Tết.

Cơn cám dỗ về cơn đói vật chất ấy xúc phạm đến lòng thương xót của Chúa Cha nhân từ vì không tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Cha đối với con cái  mình và nó cũng đóng kín cửa lòng con người chúng ta lại để không chia sẻ cho nhau.

2. Cám dỗ về cơn khát quyền lực

Cám dỗ tiếp theo về cơn khát quyền lực và những vinh quang, danh dự đến độ chối bỏ sự hiện diện của Cha Trên Trời.

Ai đã từng bị cảnh sát giao thông phạt một cách vô lý thì mới thấy rằng nếu mình có quyền lực, đi xe biển số xanh thì chẳng ai dám phạt mình! Ai đã từng cầm đơn đến các cơ quan chính quyền để khiếu nại, đòi công lý và chờ mãi mà không được giải quyết mới hiểu được niềm khao khát có quyền lực dày vò con người như thế nào. Lúc đó người ta mong muốn có một chức vụ cao cấp nào đó để cho những người kia phải phục vụ mình; muốn làm giám đốc, tổng giám đốc hay chủ tịch để được tôn trọng, được vinh quang.

Ma quỷ lúc bấy giờ sẽ đề nghị: “Tôi sẽ cho ông tất cả những vinh dự và vinh quang trần thế này nếu ông sấp mình thờ lạy tôi” (x.Lc4, 6-7). Có một số người đã chối bỏ Thiên Chúa để thờ những ông thần tài, thần khoa học, tận tâm tận lực phục vụ những tổ chức, đảng phái, hội đoàn đến độ bỏ ngày lễ, bỏ giờ kinh, thậm chí chối bỏ cả gia đình và lương tâm con người. Người ta nghĩ rằng những loại thần tượng ấy có thể cho họ những vinh hoa, phú quý trong khi chúng chỉ là quỷ dữ đã từng nhận được quyền năng Chúa trao bây giờ chúng dùng quyền năng ấy để lừa bịp người khác. Chúng ta thấy rất nhiều người bán linh hồn cho ma quỷ để đạt được những điều đó. Những tổ chức, những hội Satan hay hội Tam Điểm đều theo phương hướng ấy.

Cơn cám dỗ này xúc phạm nặng nề đến Cha Trên Trời vì Ngài cho chúng ta tước hiệu làm con Thiên Chúa, được chia sẻ thần tính cùng với Chúa Giêsu. Danh dự cao quý ấy làm sao chúng ta  có thể có được nếu không nhờ lòng thương xót của Ngài. Nhiều khi chúng ta quên mình là con Thiên Chúa để chỉ còn biết mình là con, là thành viên của một tổ chức nào đó và chối bỏ sự hiện diện của Cha Trên Trời trong đời sống của mình.

3. Cám dỗ về lòng cuồng tín

Cơn cám dỗ thứ ba là lòng cuồng tín đến độ đòi hỏi Cha Trên Trời phải hành động, phải làm phép lạ theo ý mình như quỷ dữ đưa Đức Giêsu lên nóc đền thờ Giêrusalem và cám dỗ Người gieo mình xuống vì tin rằng Cha Trên Trời sẽ gìn giữ cho mình an toàn.

Có thể nhiều người chúng ta đã từng gặp cơn cám dỗ này. Lòng cuồng tín vào Thiên Chúa khiến ta nghĩ rằng cứ đi hành hương chỗ này chỗ kia, cứ đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót hay lần hạt và dự lễ đều đặn thì thế nào Chúa cũng chữa khỏi bệnh ung thư cho ta, kiếm được việc làm cho ta, đưa được người chồng phản bội, người con hư đốn về với gia đình. Chúng ta đang thử thách Thiên Chúa khi dùng những việc đạo đức, bác ái hay ăn chay hãm mình để mua sự an toàn cho con người thay vì hành động theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu nhắc nhở ta: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12).

Cha Trên Trời ban cho chúng ta lý trí, ý chí và mọi khả năng tinh thần để chúng ta trở thành những con người khôn ngoan biết hành động theo những luật lệ mà Cha đã đặt trong thiên nhiên, trong vũ trụ, xã hội và trong mỗi con người. Những phép lạ tuy vẫn có thể xảy ra, nhưng chúng cần có đủ lý do để Cha Trên Trời can thiệp trong đời sống con người, còn mỗi người chúng ta phải sử dụng những tất cả phương tiện Cha ban để tổ chức đời sống cho tốt đẹp. Làm sao ta có thể yêu cầu Cha làm phép lạ chữa bệnh ung thư của ta mà trong khi chúng ta cứ ăn những thực phẩm đầy hoá chất hoặc buôn bán những thực phẩm độc hại cho người.

Người tín hữu không phải đi tìm sự bảo vệ an toàn của Cha Trên Trời nhưng được mời gọi dấn thân, liều lĩnh vào cuộc Vượt Qua cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Người đã chấp nhận chịu tất cả những nhục nhã, đau đớn của cái chết trên thập giá để chứng tỏ tình yêu đối với Cha và để cứu độ anh chị em mình.

Có thể nói rằng lòng cuồng tín về một đời sống an vui, hạnh phúc của người tín hữu đang biến Cha Trên Trời thành người nô lệ phục vụ cho những nhu cầu ích kỷ của con người. Đúng ra, họ phải biết phó dâng tất cả cho Cha, trong niềm kính yêu vô hạn đối với Cha và sẵn sàng chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá như Đức Giêsu. Từ đó mới sống lại, mới cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Cha trong cuộc đời của mỗi người.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về các cơn cám dỗ xúc phạm đến lòng thương xót của Cha Trên Trời, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới, khi bước vào Mùa Chay Thánh, cảm nghiệm được lòng thương xót ấy một cách sống động, cụ thể để chúng ta trở thành dung mạo của lòng thương xót cho mọi người, mọi vật quanh ta.

Cuộc biến đổi thiêng liêng 

Lời mở

Vào tuần II Mùa Chay, sau khi suy nghĩ về các cơn cám dỗ xúc phạm tới lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta cuộc biến đổi thiêng liêng qua việc biến hình của Đức Giêsu để mỗi người có thể trở nên giống Chúa Giêsu, dung mạo của lòng Chúa xót thương. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay cũng nhắc nhở ta rằng: “Đức Giêsu Kitô, Người có quyền năng khắc phục muôn loài, sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn cùa chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (x. Pl 3,17-4,1). Bài Sách Sáng Thế (x. St 15,5-12) còn mở rộng hơn để thấy cuộc biến đổi không phải chỉ liên quan đến từng cá nhân, nhưng liên quan đến cả một dân tộc khi Chúa cho Abraham thấy con cháu của ông trở thành Dân Thiên Chúa đông đúc như sao trên trời.

Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cuộc biến đổi thiêng liêng nơi mình cũng như giúp cho người khác,

1. Biến đổi trong đời sống con người

1.1. Biến đổi là gì?

Trước hết chúng ta cần phân biệt sự biến đổi không phải là thay đổi. Thay đổi là thay cái này bằng cái khác. Thí dụ: thay cái áo màu trắng bằng áo màu xanh hay thay ý tưởng này bằng ý tưởng khác. Còn biến đổi – hoặc biến hoá – hay tiến hoá: có nghĩa là thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác nhưng bản chất vẫn là chính vật ấy hay người ấy. Thí dụ: con sâu biến đổi, hay tiến hoá thành con bướm.

Biến đổi là một tiến trình đi từ thấp lên cao, từ tình trạng tầm thường, yếu đuối, khốn khổ, tạm thời sang tình trạng phi thường, mạnh mẽ, tốt đẹp, hạnh phúc, vĩnh hằng. Biến đổi phải đi theo chiều hướng tốt hơn hoặc tốt đẹp mãi mãi.

Con người cũng như muôn vật đều muốn biến đổi theo chiều hướng đó vì Thiên Chúa mong muốn như thế khi dựng nên muôn loài thọ tạo và ban nhiều ân phúc để giúp chúng hoàn thành tiến trình biến đổi nên giống như Ngài, nhất là khi ban Con Một Ngài là Đức Giêsu để nêu gương biến đổi cho nhân loại.

1.2. Việc biến đổi trong đời sống

Mỗi người chúng ta thường cảm nhận được sự thay đổi, nhưng có thể chưa thấy được sự biến đổi trong đời sống.

Chúng ta thấy mình mỗi ngày một già đi, yếu đi, xấu đi và đến một lúc nào đó tiến đến cái chết. Đó là một sự biến đổi có thể nói là bi quan. Nhìn vào một cây hoa ta thấy nó lớn lên, trổ bông tươi đẹp, ta tưởng đó là biến đổi, nhưng rồi lại thấy nó tàn tạ, khô héo, chết đi. Đó chỉ là sự thay đổi làm cho ta thất vọng. Đôi khi ta nói cuộc sống này với cái chết chỉ thay đổi chứ không mất đi. Nói như thế là đúng, nhưng chưa diễn tả được chiều hướng biến đổi làm cho con người và vạn vật được chia sẻ sự sống tốt đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa.

1.3. Thói quen khó biến đổi trong đời sống con người

Trong đời sống thường ngày, nhiều khi do làm đi làm lại nhiều lần một hành động, con người tạo thành thói quen, rồi hình thành nên cá tính của một con người hay của nhiều con người để trở thành bản sắc của cả cộng đồng dân tộc. Có những thói quen tốt và thói quen xấu nên muốn trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn, người ta phải biến đổi. Thí dụ: ta có thói quen thức dậy lúc 4 giờ sáng, dù không có ai đánh thức hay dùng đồng hồ báo thức. Có người quen hút thuốc, uống cà phê, uống trà lâu dần thành nghiện không bỏ được. Hoặc có người quen chơi game, xem phim đồi truỵ, cứ bật máy vi tính lên là đưa những hình ảnh dâm đãng, bạo lực, ma quái vào trong tâm trí, khiến tinh thần hỗn loạn, mê muội, chìm đắm trong đam mê mà không chịu thay đổi dù biết là chúng rất tai hại.

Về phương diện khoa học, nhiều em học sinh đã biết thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của Pavlov với con chó – đĩa thịt – tiếng chuông. Cứ mỗi lần đánh tiếng chuông, nhìn thấy đĩa thịt thì con chó tiết ra dịch vị trong dạ dày. Dần dần bớt các lần đưa đĩa thịt nhưng vẫn đánh đều tiếng chuông, con chó cũng tiết ra dịch vị. Đến lúc không cần thấy đĩa thịt, chỉ nghe tiếng chuông, con chó vẫn tiết dịch vị thì người ta đã tạo nên một thói quen cho con chó. Định luật này giúp ta hiểu rằng nếu cứ lặp đi lặp lại mãi một hành động, chúng ta sẽ tạo thành một thói quen, thành cá tính hay bản sắc rất khó thay đổi.

Sau hơn 10 thế kỷ bị người Trung Hoa đô hộ, người Việt Nam đã hình thành nên bản sắc dân tộc gồm một số tính tốt như kiên nhẫn, biết chịu đựng, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau, nhưng cũng có nhiều khuyết điểm tại hại như khép kín, nghi ngờ nhau, làm việc cầm chừng, lười biếng, tham lam, lấy cắp của công, không tôn trọng của chung … bắt nguồn từ thái độ chống đối kẻ thù. Muốn sửa đổi bản sắc ấy trong đời sống cá nhân cũng như đời sống cộng đồng, ta cần tạo nên những nhận thức mới, cần tập luyện để hình thành nên thói quen mới và cần cả niềm tin vào Chúa Trời để biến đổi con người. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng như gợi ý cho ta tìm hiểu về những điều kiện cần thiết cho cuộc biến đổi thiêng liêng này.

2. Những điều kiện để biến đổi

Muốn biến đổi để trở thành dung mạo sáng láng tươi đẹp của Chúa Giêsu, chúng ta cần những điều kiện gì?

2.1. Cùng lên núi với Đức Giêsu

Điều kiện đầu tiên là lên núi với Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng kể cho ta nghe chính Đức Giêsu đưa 3 môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan, Giacôbê lên núi biến hình. Trong cuộc thay đổi đời ta, Đức Giêsu luôn chủ động vì muốn cho ta được chia sẻ ân phúc và vinh quang của Người. Đức Giêsu là con đường dẫn đến sự thật và sự sống nên mỗi người chúng ta trước hết cần tin tưởng đi theo Chúa Giêsu thì mới có những nhận thức đúng về vạn vật, về con người và mới có thể biến đổi.

Nhiều người không nhận ra được sự thật của vạn vật cũng như giá trị của đời mình nên họ tiếp tục dồn tất cả sức lực và tâm huyết để kiếm tìm tiền của, danh lợi ở trần thế như ta thấy thánh Phaolô nhắc nhở trong bài đọc II: “Có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng…Họ chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3,18-19). Có những người không nhận ra sự thật chết chóc của thuốc lá, con bài, chai rượu, ma tuý, mà chỉ thấy chúng mang lại sảng khoái, thích thú, nên chìm sâu vào thói quen nghiện ngập. Nếu chỉ chiều theo những gì tầm thường, thấp hèn, nhỏ bé, hẹp hòi, ta khó có thể thoát khỏi những gì đang trói buộc ta, làm ta mê muội, khiến không thay đổi được chính mình. Ta cần phải gặp được sự thật là Đức Giêsu để Người dẫn mình lên núi.

Lên núi với Đức Giêsu cũng không phải là chúng ta leo trèo ở một địa điểm vật chất bên ngoài. Núi tượng trưng cho những gì thanh cao, tốt đẹp. Chúng ta leo lên núi cao để thở hít không khí trong lành, mở rộng tầm nhìn để thấy được trời cao, biển rộng, phong cảnh ngút ngàn, không còn bị trói buộc trong căn phòng đóng kín, nhỏ hẹp. Tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều diễn ra ở trên núi: núi rao giảng Tám mối phúc, núi cầu nguyện, núi chịu chết, núi biến hình, núi thăng thiên.

Vì thế, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn, hướng về những gì cao thượng hơn, vượt lên chính mình để gắn bó mật thiết với Người. Người sẽ đưa ta vào trong đám mây sáng láng để ta kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, cảm nghiệm được những sự thật của vạn vật và mầu nhiệm thần bí của Thiên Chúa.

2.2. Cầu nguyện

Điều kiện tiếp theo là cầu nguyện. Chính khi Chúa Giêsu cầu nguyện, khuôn mặt của Người đổi khác và y phục của Người trở nên trắng tinh chói loà. Đây là điểm ghi chú đặc biệt của thánh Luca: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi” (Lc 9,28). Chúa Giêsu cầu nguyện để dẫn các môn đệ và chúng ta đi vào trong sự thân mật với Thiên Chúa Cha, đưa con người trở về nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô biên, của quyền năng vô tận. Chỉ khi trở về được với Nguồn đó, chúng ta mới biến đổi con người tạm thời, hèn yếu, sai lầm, tội lỗi, vô thường, giới hạn, bất lực này dần dần giống với Thiên Chúa.

Lúc đó con người hay dung mạo ta cũng như những vật chất gắn bó với ta mới toả sáng như Chúa Giêsu. Sự toả sáng không phải đến từ bên ngoài rồi biểu lộ trên khuôn mặt như khi Moisê tiếp xúc với Thiên Chúa trên núi (x. Xh 34,29-35), nhưng từ bên trong vì chúng ta trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, có chung một sự sống của Thiên Chúa với Người. Người chính là “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Sự biến đổi đó mới thật sự trọn vẹn và bền vững. Đây cũng là dịp để chúng ta hỏi xem mình đã cầu nguyện như thế nào và toả sáng khi cầu nguyện chưa?

2.3. Gắn bó với Chúa Giêsu trong cuộc xuất hành của đời mình

Điều kiện quan trọng nhất là gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu vì Người là hiện thân của Thiên Chúa. Khi gắn bó với Chúa Giêsu, ta mới có thể biến đổi được chính mình, vượt lên trên những gì tầm thường yếu đuối hằng ngày của mình để cảm nghiệm được nguồn hạnh phúc và ở mãi trong hạnh phúc đó giống như Phêrô: “Thưa Thầy chúng con ở đây thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều…” (Lc 9,33). Phêrô không biết mình đang nói gì. Ông mê mẩn trong hạnh phúc. Ông không để ý rằng Chúa Giêsu đang nói với ông Môsê và Êlia về cuộc xuất hành mà Người hoàn thành tại Giêrusalem, về cuộc vượt qua với cái chết nhục nhã trên thập giá đi sau sự phục sinh như kết quả của việc biến đổi thiêng liêng. Ông cần phải xuống núi cùng với Chúa Giêsu để thực hiện cuộc xuất hành này.

Chúa Giêsu chính là Lều Thánh, Lều Hội Ngộ mà Dân Do Thái đã từng cảm nghiệm về sự hiện diện sống động đầy yêu thương che chở của Thiên Chúa trong hành trình ở sa mạc (x. Lv 23,43). Đám mây sáng đã bao phủ lều Hội Ngộ, bây giờ trong cuộc biến hình, cũng bao phủ Chúa Giêsu và các người hiện diện, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người được ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Gắn bó với Chúa Giêsu không phải chỉ trong vinh quang mà theo Người trong suốt cuộc đời, dám chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình. Chính khi chúng ta dám chấp nhận hy sinh trọn vẹn như vậy, chúng ta mới biến đổi trọn vẹn để mang lấy thân xác sáng láng vinh hiển của Chúa Giêsu phục sinh.

Lời kết

Trong Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót, chúng ta đang được mời gọi biến đổi đời sống để trở thành dung mạo sáng láng, đầy từ bi, nhân hậu của Chúa Giêsu cho mọi người, mọi vật. Chúng ta hãy can đảm theo Chúa Giêsu lên núi cao, tích cực cầu nguyện để trở về với nguồn sống là Thiên Chúa và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong cuộc xuất hành của đời mình. Mỗi lần cố gắng như thế, chúng ta đều cảm nghiệm được sự biến đổi hạnh phúc mà Chúa Giêsu chia sẻ cho các môn đệ trên núi hôm nay.

Sám hối để có lòng thương xót

Lời mở

Trong hai Chúa Nhật Mùa Chay vừa qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về những cơn cám dỗ xúc  phạm tới lòng thương xót của Chúa và cuộc biến đổi thiêng liêng để đời sống ta toả sáng như Chúa Giêsu. Trong Chúa Nhật này, Giáo Hội đề nghị chúng ta sám hối để cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương. Vì thế chúng ta dành ít phút để suy nghĩ về đề nghị này.

1. Sám hối là gì và tại sao lại phải sám hối?

Sám hối là đau xót và hối hận về tội lỗi mình đã phạm. Ví dụ sau khi làm điều bất kính với Thiên Chúa và ác đức với con người, ta đau khổ, hối hận vì những hành động xấu xa đó nên xin lỗi Chúa và anh em rồi quyết tâm sửa đổi đời sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 13,1-9), Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em tưởng những người bị giết hay bị tháp Siloe đổ xuống đè chết là những người mắc tội nặng hơn những người khác sao? Tôi nói cho anh em biết không phải thế đâu. Nhưng nếu anh em không sám hối thì anh em sẽ chết hết giống như vậy”.

Quả thật, đã là sinh vật, là con người, ai cũng phải chết. Nhưng Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta vượt qua cái chết để tìm được sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên, nếu chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha và bước theo Người trên con đường sự thật và sự sống.

Trong cuộc sống ở trần thế, chúng ta luôn bị thúc đẩy bởi tham vọng và dục vọng. Ta miệt mài học hành để đạt được bằng này cấp nọ. Ta tối mắt làm việc kiếm tiền để mua nhà, mua xe. Ta chiều theo những thú vui dẫn đến đam mê, nghiện ngập. Những hành động đó được lặp đi lặp lại mỗi ngày trở thành thói quen, biến ta dần dần trở thành người tôn thờ ngẫu tượng. Chúa của con người bây giờ là những Thần Tài, Thần Khoa Học, Thần Sắc Đẹp Venus, Thần Văn Chương Minerva, Thần Chiến Tranh Mars… Còn vị Chúa thật sự lại bị gạt ra khởi đời sống của ta vì ta quên rằng tất cả những gì mình đang có, từ thể xác đến tinh thần, từ bát cơm manh áo đến trời đất biển khơi, đều do lòng Chúa yêu thương ban tặng cho ta.

Nhiều tín hữu đạo đức vẫn tự an ủi rằng: dù mình đầu tắt, mặt tối học hành, làm việc, nhưng mình vẫn đi dự lễ Chúa Nhật mỗi tuần, vẫn đọc kinh trước khi ngủ hằng đêm, vẫn ăn chay kiêng thịt đúng luật, vẫn rước Mình Máu Chúa đều đặn, nên chẳng thể nào mất ơn nghĩa Chúa! Thánh Phaolô trong Bài Đọc II (x. Cr 10,1-6.10-12) đã nhắc nhở ta đừng tự mãn về những việc đó. Ngài nói với ta rằng: “Chính những người như cha ông chúng ta đã được chịu Phép Rửa, đã ở dưới đám mây sáng, đã vượt qua biển Đỏ, đã cùng ăn 1 thức ăn linh thiêng, cùng uống 1 thức uống linh thiêng, nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa và bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc và không được vào đất Hứa. Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta”.

Tóm lại, ta cần phải sám hối tội lỗi để cảm nhận được lòng Chúa thương xót đã ban muôn vàn ân huệ cho ta, cũng như để thể hiện lòng thương xót trong đời sống thường ngày.

2. Làm sao cảm nghiệm và thể hiện lòng thương xót?

2.1. Cảm nghiệm

Trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chắc chắn anh chị em sẽ được nghe nói và suy niệm rất nhiều về đề tài này. Hôm nay tôi chỉ xin giới thiệu 1 điểm nhỏ để giúp anh chị em cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương. Đó là ta hãy suy niệm và nhớ đến Đấng Hiện Hữu.

Trong Bài Đọc I (x. Xh 3,1-8.13-15), Chúa mạc khải cho ông Moisê biết Ngài là Đấng Hiện Hữu (Xh 3,14). Từ Hiện hữu là giải nghĩa từ Giavê hay Giêhôva của tiếng Do Thái. Hiện là lúc này, hữu là có, là tồn tại. Hiện hữu là đang tồn tại, đang có.

Vậy tất cả những gì mà mỗi con người và vũ trụ đang có, từ vật chất đến tinh thần, đều là của Chúa, đều thuộc về Chúa, đều do Chúa ban cho ta. Thử nhìn vào con người mình, phân tích dưới khía cạnh khoa học, ta thấy mình là gì? Chỉ là 1 đám vật chất vô cơ hay hữu cơ gồm carbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng ,chì, kẽm… như 1 cục đá, 1 ngọn cỏ. Vậy mà ta đang sống động, đang suy nghĩ, đang yêu thương, đang hạnh phúc, đang tươi trẻ, đang đẹp đẽ. Nhưng sự sống, tư tưởng, tình yêu, hạnh phúc, cái đẹp, cái thiện, cái đúng lại không nằm ở trong vật chất vô hồn. Tuy nhiên, tất cả đếu bắt ngưồn từ Đấng Hiện Hữu vì chúng không thể tự cho mình tồn tại.

Vì thế, ta cần phải cảm nghiệm và xác tín rằng: những gì mình đang có đều bắt nguồn từ Chúa để cảm tạ và ca tụng lòng thương xót của Người đã ban chúng cho ta.

2.2. Một ví dụ cụ thể

Tôi xin chia sẻ 1 ví dụ nhỏ để giúp anh chị em cảm nghiệm lòng thương xót đó. Chúng ta hãy thử nhắm chặt đôi mắt trong vòng 1 phút, bước ra khỏi hàng ghế và đi lại ít bước xem anh chị em cảm thấy gì? Chúng ta sẽ thấy mình chỉ muốn ngồi yên, không dám bước đi vì sợ ngã, sợ va chạm vào người khác. Ta hãy tưởng tượng thêm dòng điện trong nhà thờ đột ngột bị cắt, không còn chút ánh sáng nào hay đột ngột ta bị choáng, không còn nhìn thấy gì, mà phải tự mình tìm đường về nhà, ta sẽ khổ sở và lo âu biết bao!

Rồi nếu mắt ta vẫn mở nhưng không còn anh sáng mặt trời, không còn thứ ánh sáng nào khác, thì làm sao ta thấy được mầu sắc tươi đẹp của cảnh vật, của con người, làm sao cây lúa có thể lớn lên cho ta có gạo ăn, làm sao cây cối có thể cho hoa thơm trái ngọt, làm sao cây cối toả dưỡng khí cho ta thở? Tóm lại làm sao ta có thể sống được nếu như không có anh sáng? Như thế ta mới biết cảm tạ Cha Trên Trời ban cho ta mặt trời soi sáng mỗi ngày.

2.3. Thể hiện lòng thương xót

Ngài cho mặt trời soi sáng cho người lành kẻ dữ và cho mưa rơi xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương vì Ngài là Chúa đầy lòng thương xót. Ngài muốn chúng ta, khi nhận được những ân huệ từ Đấng Hiện Hữu, cũng biết chia sẻ cho nhau để thể hiện lòng thương xót của Ngài (x. Lc 6,35).

Chúa Giêsu trong dụ ngôn hôm nay (x. Lc 13, 6-9) yêu cầu chúng ta tích cực hành động để chúng tỏ lòng sám hối như người làm vườn vun xới chung quanh cây vả chưa cho trái và bón phân cho nó vì hy vọng có quả sau này. Lòng sám hối không phải chỉ là những tình cảm đau buồn, hối hận vì tội lỗi đã phạm. Nó phải trở thành những hành động cụ thể, thiết thực như nói lên lời xin lỗi, lời tha thứ, tỏ thái độ vui tươi đón nhận người xúc phạm đến mình. Nó phải diễn tả thành những hành động từ thiện, bác ái như giúp đỡ vật chất cho người nghèo đói khi chia sẻ ân huệ Chúa ban, chỉ dẫn nghề nghiệp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho những ai gây đau khổ cho mình.

Những hành động cụ thể ấy có sức biến đổi mãnh liệt, nhất là khi kèm theo lời cầu nguyện. Chúng giống như nụ hôn của chàng hoàng tử làm sống dậy cô công chúa đẹp đẽ và cả triều đình đang ngủ mê bất động hàng trăm năm trong vở vũ kịch balê The Sleeping Beauty đang được trình diễn ở downtown Houston. Chúng làm thức tỉnh lương tâm và lòng tốt của con người chúng ta đã bị quỷ dữ làm mờ tối, bất động nhờ hành động sám hối thật tình. Chúng ta sẽ sống lại trong niềm vui và hạnh phúc với Chúa Giêsu Kitô, vị hoàng tử đầy lòng thương xót trong Mầu nhiệm Vượt Qua.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa trong đời sống thường ngày và cả nụ hôn yêu thương của Chúa Giêsu để đánh thức lòng sám hối của chúng ta.

Cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha

Lời mở

Trong tông sắc Dung mạo Lòng Thương xót Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhiều lần đến việc cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa (x. số 17, 19) để có thể “thương xót như Chúa Cha” như câu tâm niệm của Năm Thánh.

Các bài Thánh Kinh hôm nay, nhất là bài Tin Mừng kể về dụ ngôn “Người con hoang đàng”, sẽ giúp chúng ta hiểu biết và cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót công bố năm 1980, đã dành nhiều thời giờ để giải thích cho chúng ta dụ ngôn này (x. phần 4, số 5-7). Vì thế chúng ta dành ít phút để tìm hiểu con đường cảm nghiệm lòng Chúa thương xót mà con người có thể trải qua.

1. Hướng dẫn chung về con đường

Chúng ta có thể chia con đường cảm nghiệm lòng thương xót cúa Chúa Cha thành 3 giai đoạn:

– Giai đoạn đầu: cảm nhận các ơn lành của Chúa Cha một cách hờ hững như người con hoang đàng sống với cha trước khi bỏ nhà đi hoang.

– Giai đoạn hai: cảm nghiệm được nỗi thống khổ và xúc phạm đến Chúa Cha như người con hoang đàng phải chịu đói khát, nhục nhã vì xa rời cha.

– Giai đoạn ba: Cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa như người con hoang đàng thống hối trở về.

Trong Năm Thánh này chúng ta hãy tìm hiểu xem mình đang ở giai đoạn nào trên con đường cảm nghiệm để thấy mình cần phải tiến bước như thế nào trong hành trình của đời sống. Bây giờ chúng ta tìm hiểu về từng giai đoạn.

2. Giai đoạn sống vô tư và vô tâm đối với Cha

Người con thứ sống với cha trong 1 gia đình giàu sang, quyền quý, có kẻ hầu người hạ, cơm bưng nước rót, quần áo sang trọng, nhà cao cửa rộng, hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng anh đón nhận tất cả những tiện nghi và ân huệ ấy một cách vô tình, hờ hững. Anh không cảm nhận được tình yêu đầy lòng thương xót của cha và địa vị làm con cao quý của mình. Anh tưởng rằng mình đương nhiên có quyền hưởng những thứ ấy mà chẳng cần đáp lại cha bằng một thái độ hiếu thảo nào.

Nhiều người chúng ta có thể đang sống thờ ơ, vô cảm, vô tâm như anh trước tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Từng giây phút ta thở hít không khí trong lành, tận hưởng gió mát trăng thanh, đón nhận ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày ta hưởng dùng những vật phẩm của trời đất, biển khơi, sông núi. Ta thấy mình đang sống động, suy tư, học hành, làm việc, vui chơi. Ta cảm thấy mình khoẻ mạnh, xinh đẹp, trẻ trung, hạnh phúc.

Ta đón nhận chúng cách vô tư vì tưởng rằng chúng tự nhiên mà có hay do con người làm ra nhờ trí óc và bàn tay của mình. Ta không biết tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu. Ngài dựng nên tất cả nhờ Ngôi Lời là Con Một của Ngài và ban tặng cho chúng ta là những người con thứ chỉ vì yêu chúng ta. Chúng ta hưởng dùng tất cả một cách dễ dãi, có khi cách ích kỷ tham lam, mà không nói được một lời cảm ơn hay tỏ một thái độ kính thờ phải phép đối với Người Cha đầy lòng thương xót của mình.

3. Giai đoạn sống đói khổ vì xa rời Cha

Người cha trong dụ ngôn yêu thương con nên tôn trọng tự do của con. Khi nó xin ông chia gia tài và bỏ đi phhương xa để ăn chơi phung phí hết cả sản nghiệp, ông biết trước nó sẽ gặp đói khát, thất bại, ông đau khổ nhưng không thể ép buộc nó ở lại, không thể dùng bạo lực xích chân nó ở nhà. Nó là con ông chứ không phải là nô lệ của ông. Một khi ban tự do và gia sản cho con, ông không bao giờ đòi lại vì tự do làm nên giá trị người con. Nó có thể làm mất gia sản nhưng không thể đánh mất tự do.

Đúng như ông dự đoán, người con đó thật sự gặp thất bại, đói khổ, nhục nhã khi tiêu sạch tiền của mang theo. Anh ta phải đi chăn heo cho người khác, một công việc tủi nhục và thấp kém nhất của đời nô lệ đối với người Do Thái. Anh đói đến nỗi muốn ăn cả cám heo mà cũng không ai cho vì anh chẳng có giá trị bằng con heo họ nuôi. Anh đánh mất mọi thứ vật chất mình có và cả giá trị tinh thần là con của một gia đình quyền quý khi cắt đứt tình nghĩa với cha và bỏ nhà ra đi.

Nhiều người chúng ta có lẽ cũng từng trải qua kinh nghiệm đói khổ, nhục nhã, nhưng có lẽ nguyên tổ Ađam Evà còn cảm nghiệm rõ ràng hơn khi cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sự sống vĩnh hằng, ân phúc vô biên, tình yêu vô tận và chân thiện mỹ tuyệt đối của mình để gây khổ cho con cháu sau này. Ta đối mặt với bệnh tật, nghèo đói, xấu xí, ngu dốt, bất hạnh và cả cái chết của mình mà lòng vẫn khắc khoải muốn mình trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi.

Chúa không ngăn cản ta bằng 1 phép lạ khi ta quyết tâm đi theo con đường tội lỗi hư hỏng cũng như Ngài đã không gạt bàn tay hái trái cấm của Ađam vì đã ban tự do cho người con được Ngài tạo thành theo hình ảnh của Ngài. Ngài sẽ sửa chữa tội bất tuân của ông khiến loài người phải chết, phải tàn tạ, xấu xa, bằng cách ban chính Con Một Ngài để người Con đó vâng lời cho đến chết nhục nhã trên thập giá, nhờ đó mà hoà giải muôn loài với Chúa Cha.

Vì thế, thánh Phaolô nhắc nhở ta qua Bài Đọc II: “Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài…Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta được nên công chính trong Người” (x. 2 Cr 5,17-21).

4. Giai đoạn sống hạnh phúc trọn vẹn với Cha

Người con hoang đàng quay trở về nhà cha chỉ vì muốn thoát cảnh đói khổ hơn là tin tưởng được cha tha thứ. Anh cảm thấy mình không còn xứng đáng với địa vị làm con khi phung phí tất cả những gì của cha. Anh chỉ xin cha đối xử với mình như 1 tên đầy tớ. Anh vẫn chưa hiểu tình yêu và lòng thương xót của cha mình. Nhưng người cha lại trung thành trong tư cách làm cha vì không bao giờ chối bỏ đứa con mình sinh ra. Ông trung thành trong tình yêu dồi dào vẫn dành cho con từ bấy lâu nay và càng thương xót hơn khi thấy nó tàn tạ, xấu xí, hư đốn vì tình yêu và lòng thương xót của ông không có giới hạn.

Sự trung thành ấy được diễn tả bằng hàng loạt hành động cụ thể: ông chạy đến anh trong khi anh rụt rè bước tới; ông không để anh nói hết lời xin lỗi; ông mừng rỡ ôm hôn anh để anh không cảm thấy lạnh lùng, xa cách vì tội lỗi anh phạm. Rồi ông phục hồi địa vị cậu chủ cho anh bằng việc bắt đầy tớ đem quần áo, giầy đẹp, nhẫn quý và tổ chức tiệc mừng cho anh. Hành động đầy lòng thương xót ấy làm cho người con cả giận dữ, ghen tức vì anh ta luôn chăm chỉ làm việc, vâng phục cha.

Nhiều người chúng ta chưa cảm nghiệm được niềm hạnh phúc khi sống bên Chúa và thậm chí còn ghen tức với những người tội lỗi khi thấy họ được Chúa ban nhiều ân phúc. Ta cứ nghĩ mình sống đạo đức, giữ đủ lễ nghi, luật lệ thì mới đáng hưởng những ơn lành đó. Ta sống với Chúa Cha, ở giữa một gia tài lớn lao về ân sủng, có quyền hưởng được sự sống phi thường, kỳ diệu,  nhưng ta vẫn coi đó là của Thiên Chúa chứ không phải của mình. Ta vẫn hành động như người con cả trong thái độ của kẻ làm mướn không công, nên cảm thấy Cha đối xử bất công với mình. Ta không ý thức địa vị làm con của mình vì không cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha.

Chúa Cha yêu thương chúng ta bất chấp tội lỗi nên ta đừng bao giờ thất vọng hay tuyệt vọng vì quá khứ tội lỗi của mình. Chúa Cha luôn nhận chúng ta là con cái của Ngài khi ta gắn bó với Con Một Ngài là Chúa Giêsu để chia sẻ cho ta sự sống phi thường và hạnh phúc trọn vẹn của chính Thiên Chúa. Chúng ta chưa cảm nhận được sự sống này chỉ vì chúng ta chưa thật lòng sám hối, vẫn tự mãn về đời sống đạo đức của ta thay vì cố gắng kết hợp với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí Tình Yêu của Người.

Lời kết

Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta khám phá ra đoạn đường nào chúng ta đang dừng lại và quyết tâm đi cho đến cùng trên con đường sự thật và sự sống để cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương.

 

Chung thuỷ với tình yêu thương xót

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi con người chúng ta nhìn lại tình yêu của mình đối với Chúa Cha và Chúa Giêsu. Có thể chúng ta “đang ngoại tình” như người phụ nữ trong Tin Mừng (Ga 8,1-11) và đáng tội chết. Chúng ta cần phải trở về và chung thuỷ với tình yêu đầy thương xót của Chúa Cha và Chúa Giêsu để cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu tuyệt vời của Thiên Chúa Tình yêu.

1. Bất trung trong tình yêu đối với Chúa Cha

Người phụ nữ bị bắt gặp quả tang ngoại tình. Theo luật Moise, “hạng đàn bà” đó phải bị ném đá cho chết. Nhưng chị chính là hình ảnh tượng trưng cho con người khi phản bội tình yêu Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều có 1 người chồng hay người tình tuyệt vời là chính Thiên Chúa (x. Is 62,4-5) (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr. 100-105). Ngài yêu ta nên đã dựng nên ta, ban cho ta sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô tận, quyền năng vô song và chân thiện mỹ tuyệt đối trong cuộc hôn nhân mầu nhiệm với Thiên Chúa.

Tuy nhiên con người đã chạy theo những người tình khác, ông chủ khác mà họ tôn phong làm thần linh của mình để hết dạ tôn thờ, bất trung với Chúa và chối bỏ tình yêu của Ngài. Họ yêu Thần Tài vì nghĩ rằng có tiền là có tất cả, “có tiền mua tiên cũng được”. Họ yêu Thần Khoa học vì nghĩ rằng khoa học có thể giải quyết tất cả những vấn để khó khăn cho thế giới. Đối với nhiều người khác, họ dành tất cả sức lực và tâm trí để chiều chuộng, tôn thờ người yêu, người vợ cụ thể của mình hay những ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng chày, bóng đá mà họ tôn phong là thần tượng.

Khi cắt đứt tình yêu với Chúa là nguồn sự sống vĩnh hằng, họ đáng phải chết và thật sự họ đã chết hay đang chết. Họ không thể sống mãi, trẻ mải, đẹp mãi như Chúa nữa. Họ đã ném hòn đá kết án vào chính mình sau khi đã từng lên án và ném đá người khác về tội bất trung, trong lúc Thiên Chúa giàu lòng thương xót không kết án họ và muốn cho họ được sống như Ngài. Vì thế, Đức Giêsu hỏi ta: “Ai trong các người sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi?”.

2. Bất trung trong tình yêu với Chúa Giêsu

Chúa Cha giàu lòng thương xót đã cho Con Một Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người là Đức Giêsu Kitô, nhờ đó trở thành người chồng hay người tình cụ thể. Người dạy ta biết “yêu cho đến cùng” và trung thành trong tình yêu. Đức Giêsu đã yêu con người và vạn vật cho đến chết nhục nhã trên thập giá, rồi sống lại để hoà giải muôn loài với Chúa Cha. Ngài thay thế con người nói lời xin lỗi với Chúa Cha và yêu Cha cho đến cùng, nên đã khiến Cha tha thứ cho ta, nối kết lại với ta để từ nay ta có thể sống động, trẻ trung xinh đẹp, khôn ngoan và quyền năng mãi mãi xứng đáng là người tình tuyệt vời của Thiên Chúa.

Thế nhưng, một lần nữa, con người lại bất trung trong tình yêu đối với Chúa Giêsu. Họ không cảm nhận được tình yêu của Người. Họ xúc phạm và chối bỏ tình yêu ấy bằng những hành động thù ghét, lạm dụng, huỷ hoại và tiêu diệt con người, nhất là những con người bé nhỏ, yếu đuối, nghèo khổ, tật nguyền vì mỗi con người bây giờ chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

Người ta đổ hàng trăm ngàn tấn lương thực xuống biển để giữ vững giá gạo, giá sữa, trong khi hàng trăm triệu người chết đói mỗi năm. Người ta khuyến khích phá thai, bỏ tiền ra mua các trẻ em của các nước nghèo về như một đồ chơi tình dục, giết hại những người khác tôn giáo với mình như giết một con gà bị dịch mà không nghĩ mình đang là những tên đồ tể khát máu người. Người ta theo dõi, nói xấu, bới móc đời tư của nhau, trong khi Chúa Giêsu tôn trọng tự do của con người và không kết án bất cứ một ai, dù họ công khai phạm tội ngoại tình. Người nói: “Tôi cũng vậy, Tôi không kết án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Người cũng như Chúa Cha: không kết án ai cả. Người chỉ mong họ trở về với tình yêu để cảm nhận được sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa. Người chỉ kết án tội lỗi nhưng thương xót và tha thứ cho tội nhân. Chúng ta có hành động như Người?

3. Kinh nghiệm về tình yêu của Thánh Phaolô

Thánh Phaolô đã  từng bách hại Kitô hữu, nhưng khi gặp được Đức Giêsu Kitô trên đường đi Damas, ngài hiểu rằng xúc phạm đến con người là bách hại Chúa Giêsu. Ngài quyết tâm từ bỏ tội lỗi ấy, gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để cảm nghiệm và thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Ngài đã làm nhiều dấu lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho cậu bé Eutiches sống lại.

Vì thế, ngài xác tín rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thua thiệt so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người…. Tôi chỉ chú ý một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,8.13).

Chúng ta cũng thế. Chúa mời gọi ta quên đi quá khứ tội lỗi của mình hay của người khác, để thông hiệp với Đức Kitô và phát huy những ân sủng lạ lùng của cuộc đời làm con Chúa Cha và cũng là người tình, là hiền thê của Đức Kitô.

4. Chia sẻ kinh nghiệm về ơn chữa lành bệnh nhân

Anh chị em cho phép tôi được chia sẻ một kinh nghiệm về việc Chúa Kitô chữa lành bệnh nhân để xác tín về đời sống siêu việt của mình. Sáng Chúa Nhật hằng tuần tôi thường giúp các người bệnh từ nhiều nơi tìm đến. Hôm đó, có người con trai dẫn bà mẹ chừng 65 tuổi đến xin tôi cầu nguyện chữa lành vì bà bị đau toàn thân, nhất là ở tim gan ruột. Các bác sĩ ở Canada khám không ra bệnh sau khi xét nghiệm đủ thứ. Con cháu đưa sang Hoa Kỳ chữa cũng không khỏi nên đưa về Việt Nam. Nghe tiến trình chữa bệnh như thế nên tôi chỉ còn biết đặt tay trên đầu bà, đọc 4 kinh tôi thuộc là Kinh Xin Ơn Đức Chúa Thánh Thần, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, rồi tiễn bà về.

Tuần sau, bà đến đưa tôi 1 vòng đeo tay bằng vàng, 1 răng nanh heo rừng cũng mạ vàng để đeo ở cổ và nói: “Thưa cha, hôm nay con đã khoẻ mạnh và hoàn toàn bình phục nên đến cảm ơn  cha và thú thực với cha về bệnh tật của con. Con là 1 bà già sống gần nhà thờ nên sáng nào cũng tản bộ đi dự lễ. Vì già yếu không nín được đường tiểu nên con thường chui vào bụi cây bên đường. Mọi khi không xảy ra chuyện gì, nhưng một hôm con thấy đôi cánh tay đen đủi ôm chân con. Con rất hoảng sợ và phát bệnh từ đó.

Sau khi các bác sĩ chữa không khỏi, gia đình đưa con đến nhiều thầy pháp. Họ cho con 1 lá bùa và con đã bỏ chung với áo Đức Bà đeo ở cổ vì con là đạo gốc! Còn chiếc lắc vàng đeo tay và răng nanh đeo cổ đã được ếm bùa Lỗ Ban. Hôm nay con giao lại tất cả cho cha để làm kỷ niệm”. Sự việc khiến tôi từ đó hiểu được rằng Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục chữa lành cho con người trong thời đại hôm nay.

Lời kết

Chúng ta đang được mời gọi hãy luôn nhớ đến người tình tuyệt vời, người yêu muôn thuở của ta là Thiên Chúa và là Chúa Giêsu để luôn trung thành trong tình yêu. Càng yêu mến Chúa bao nhiêu, ta càng phải thương xót con người bấy nhiêu. Có như thế ta mới phát huy được đời sống nhiệm mầu của Thiên Chúa và trở nên dung mạo của tình yêu thương xót trong thời đại này

 

Đức Giêsu là quà tặng quý giá nhất

của lòng Chúa thương xót 

Chúng ta bước vào Tuần Thánh để sống lại Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Đây là dịp thuận tiện nhất để cảm nghiệm được tột đỉnh lòng thương xót của Cha Trên Trời khi ban tặng Người Con Một của Ngài để cứu độ chúng ta. Người Con ấy đã làm người, trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã chịu chết để hoà giải chúng ta với Chúa Cha, đã sống lại để chia sẻ cho chúng ta thần tính của Người. Vì thế Đức Giêsu Kitô là quà tặng quý giá nhất của Chúa Cha giàu lòng thương xót. Trong ít phút này chúng ta cùng suy niệm điều đó.

1. Quà tặng quý giá nhất của Chúa Cha

Trong công trình tạo dựng con người và vũ trụ, Chúa Cha đã ban tặng cho muôn loài những quà tặng cao quý là sự thật vô biên, điều tốt tuyệt vời và vẻ đẹp kỳ diệu mà con người có thể khám phá qua những hiểu biết, tìm tòi nơi các khoa học. Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Ngài với tinh thần siêu việt luôn hướng tới vô biên để có thể tiếp xúc với Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng, quyền năng vô tận, hạnh phúc vô cùng. Nhờ tinh thần đó, con người chúng ta cũng có thể gặp gỡ các tinh thần khác là các thiên thần, cả quỷ dữ là thiên thần sa ngã luôn cám dỗ con người, các hồn người đã khuất và vũ trụ vạn vật là những đứa em được Cha Trên Trời giao phó cho ta để điều khiển chúng (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 108-114, 130).

Khi con người đầu tiên là Ađam-Evà phạm tội bất tuân, cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, loài người chúng ta đã mất nhiều quà tặng quý giá Cha ban. Chúng ta không còn dễ dàng tiếp xúc với người Cha của mình. Chúng ta sống khốn khổ, nghèo túng, bệnh tật, ngu dốt, xấu xí và mỗi giây phút sống là tiến gần đến cái chết. Vạn vật vì liên kết với con người trong tương quan với vật chất nên cũng chịu chung cảnh hư nát đó (x. Rm 8, 18-23). Tuy nhiên ẩn sâu trong cõi lòng của muôn loài, tất cả đều muốn sống mãi, đẹp mãi, trẻ mãi theo ân phúc Cha ban.

Thiên Chúa không phải chỉ muốn phục hồi hình ảnh mình trong con người và vạn vật để trở lại tình trạng trước khi Ađam-Evà phạm tội. Ngài còn muốn chia sẻ thần tính mình cho loài người, đón nhận họ là con cái của mình khi cho Con Một Ngài trở thành người để đền tội thay cho con người. Chúa Cha có thể đơn phương tuyên bố tha thứ cho con người, nhưng nếu làm thế, con người vẫn chỉ là những thụ tạo được tha thứ chứ chưa phải là những người con theo tình yêu thương xót của Chúa Cha.

Để thực hiện được công trình thần hoá này, Ngôi Lời Thiên Chúa đã tình nguyện trở thành con người, mang lấy một thân xác vật chất giống như muôn loài trong vũ trụ, để có thể thay mặt cho tất cả nói lên lời xin lỗi của con người và hoà giải với Chúa Cha đồng thời cũng là cầu nối để chuyển thông thần tính.

Ta thử dùng 1 thí dụ cho dễ hiểu. Khi 2 đứa trẻ bất hoà với nhau vì đứa này chửi đứa kia là đồ ăn cắp, thì chỉ cần một người bạn của 2 đứa làm trung gian để giải hoà và và đứa trẻ xúc phạm nói lời xin lỗi là đủ. Nhưng khi đứa trẻ nói lời xúc phạm ấy với một người lớn có địa vị cao như chủ tịch nước, tổng thống hay ông vua trị vì một nước thì không phải ai cũng có thể hoà giải đôi bên. Cần phải có một người trung gian vừa ngang hàng với người bị xúc phạm, đồng thời cũng liên hệ với người có hành vi xúc phạm, để nối kết và hoà giải.

Công trình hoà giải với Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Hành động xúc phạm đến Thiên Chúa có tính cách nặng nề vô cùng nên con người không thể tự mình đền bù và hoà giải. Cần có 1 Đấng ngang bằng với Thiên Chúa để hành động của vị đó mang tính tuyệt đối, có giá trị vô cùng, lan rộng đến mọi nơi, mọi thời và mọi loài trong vũ trụ. Đấng đó cũng phải là con người, mang thân xác vật chất, để lời xin lỗi thật sự là của con người và muôn loài, chứ không phài là lời nói thay của một người xa lạ, không thật lòng ăn năn, sám hối.

Như thế, khi “yêu thương thế gian đến độ trao ban Người Con Một” (x. Ga 3,16), Chúa Cha giàu lòng thương xót đã trao cho ta tất cả thần tính của Ngài và Ngôi Lời làm người là quà tặng quý giá nhất của lòng Chúa xót thương ta.

2. Đức Giêsu là gương mẫu cao cả nhất của lòng thương xót

Trong đời sống trần thế, nhất là trong mầu nhiệm Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu là gương mẫu cao cả nhất thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha.

Một khi trở thành người giống chúng ta về mọi phương diện, chỉ trừ tội lỗi, Ngôi Lời Thiên Chúa cảm thương những nỗi yếu hèn của ta (x. Dt 4,15). “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 8-9).

Trong những năm sống ẩn dật tại Nazareth, Đức Giêsu lớn lên, phát triển mọi khả năng thể xác và tinh thần. Người học hành, làm việc, vui chơi, hoà mình với mọi người để chia sẻ niềm vui, bình an, ân sủng của Chúa Cha cho tất cả những người và vật liên hệ với mình. Trong 3 năm hoạt động công khai, Người rao giảng Tin Mừng cứu độ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, cho kẻ chết sống lại và làm nhiều dấu lạ để diễn tả tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta hiểu rằng: mỗi người con của Chúa Cha đều có thể và phải hành động giống như Người để trở nên dung mạo sống động của Chúa Cha giàu lòng thương xót cho muôn vật, muôn loài.

Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu diễn tả tột đỉnh lòng thương xót của Chúa Cha là Đấng không đòi tội phạm phải chết muôn đời, dầu họ đáng chết, nhưng lại để cho Người Con vô tội của Ngài chết thay cho mọi người. Tình yêu thương xót của Chúa Cha thật vô cùng vĩ đại và cao thượng vì dám hy sinh người con cả vô cùng quý giá để cứu đàn em thứ qua việc tự nguyện chịu khổ hình của Chúa Giêsu. Người “đã yêu cho đến cùng” để diễn tả Thiên Chúa là Tình Yêu trong mầu nhiệm Vượt Qua của đời mình. Người đã vâng lời cho đến chết để đền bù tội bất tuân của loài người và đã cam chịu tất cả những khổ đau, tủi nhục mà không oán hận, nhưng lại xin Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh mình.

Người đã lấy tinh thần không thể chết để tiêu diệt sự chết đã thống trị thế giới vạn vật, khi con người phạm tội cắt đứt với nguồn sống là Thiên Chúa. Rồi Người đã sống lại để thông ban cho loài người và vạn vật sự sống kỳ diệu của chính Con Thiên Chúa. Như thế, khi diễn tả lòng thương xót của Chúa Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng lòng thương xót không phải là một thài độ thương hại tiêu cực, hạ thấp giá trị hay làm nhục người thụ hưởng, nhưng lại nâng cao và tôn trọng người đón nhận như là những người con đích thực của Chúa Cha.

Kết luận

Bước vào Tuần Thánh để kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta hãy xác tín một lần nữa rằng Người chính là quà tặng quý giá nhất cúa lòng Chúa Cha xót thương ta. Đồng thời ta cũng xin Chúa Giêsu cho ta biết diễn tả  tình yêu thương xót thành những hành động tích cực, cụ thể cho muôn loài để cũng trở thành hình ảnh sống động của Chúa Cha giàu lòng thương xót như Người.

 

Phần thưởng của lòng thương xót
là gặp được Đấng Phục Sinh

Lời mở

Trong suốt Mùa Chay, chúng ta đã cùng nhau suy niệm đề tài “Cảm nghiệm và thể hiện Lòng Chúa thương xót”. Trong ngày Chúa sống lại đầy vui mừng này, Giáo Hội mời gọi chúng ta đến gặp Chúa Giêsu Phục Sinh vì Người là dung mạo của lòng Chúa thương xót và cũng là phần thưởng cho những ai có lòng thương xót như Người. Ba môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ giới thiệu cho chúng ta biết những điều kiện để gặp được Đấng Phục Sinh.

1. Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa

Nhiều tín hữu chúng ta, muốn gặp được Đức Giêsu ít là 1 lần trong suốt cuộc đời, nhưng chưa gặp được, dù họ vẫn giữ đạo tốt lành, sống đạo đúng đắn, làm việc bác ái đầy đủ. Nếu họ gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh như các tông đồ và môn đệ thuở xưa hay như một số tín hữu thời nay, chắc chắn họ sẽ được biến đổi cách lạ lùng. Chúa Giêsu sẽ chuyển thông cho họ sự sống thần linh và quyền năng kỳ diệu của Người để họ làm chứng nhân cho Người như tông đồ Phêrô trong bài đọc I (x. Cv 10, 34.37-40).

Gặp được Đức Giêsu Phục Sinh là điểm căn bản của đức tin và làm nên phẩm chất người tín hữu. Thật thế, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) đã định nghĩa: đức tin chính là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa 1 con người cụ thể là từng người chúng ta với 1 Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu Kitô (x. GLHTCG, số 142, 150-151; CĐ Vaticanô II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, số 2). Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2012 cũng xác định rằng: “Đức tin Kitô giáo là 1 cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với Đức Giêsu Kitô. Truyền bá Đức tin có nghĩa là tạo lập ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện dẫn tới cuộc gặp gỡ này giữa con người với Đức Kitô, 1 cuộc gặp gỡ vừa cá nhân và thân mật, vừa công khai và cộng đồng”. Vì thế, từng tín hữu chúng ta thử hỏi xem mình đã gặp Đức Giêsu chưa.

Chúng ta có thể có niềm tin, nghĩa là có sự cố gắng liên lỉ vươn tới Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 148), tìm hiểu Ngài bằng lý trí tự nhiên của mình (x. GLHTCG, số 50), nhưng chưa thật sự có đức tin vì chưa gặp Đức Giêsu Kitô cũng như gặp được Thiên Chúa. Đức Giêsu nói cho chúng ta hiểu rằng: gặp được Người là gặp được Chúa Cha (x. Ga 14,9). Hơn nữa, khi Đức Giêsu đồng hoá mình với những con người đói khát, rách rưới,  đau khổ, bất hạnh thì gặp gỡ và phục vụ những con người nhỏ bé, yếu đuối như thế chính là gặp gỡ và phục vụ Đức Giêsu (x. Mt 25, 31-45). Tuy nhiên, câu hỏi mà chúng ta quan tâm nhất trong dịp này là muốn gặp gỡ được Người chúng ta phải làm gì hay phải có những điều kiện nào?

2. Điểu kiện để gặp được Đấng Phục Sinh

Rất nhiều tín hữu đã hiểu lầm lời Thánh Phaolô trong bài đọc II: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô nên hãy tìm hiểu những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-4). Họ mong gặp được một Đức Kitô Giêsu vinh hiển, với vòng hào quang toả sáng ở trên đầu trong những giấc mơ, thị kiến, ảo giác của họ. Vì thế họ xa lánh con người và những vấn đề của con người như nghèo đói, tật bệnh, bất công, đau khổ, chết chóc ở hạ giới này. Họ quên rằng Đức Giêsu Phục Sinh “mãi mãi vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và muôn đời vẫn thế” (Dt 13,8). Người đang sống giữa họ, đang hoà mình với muôn người muôn vật trong cuộc sống của họ ở trần thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) nhưng họ không gặp được Người chỉ vì hướng mắt nhìn thượng giới!

Họ không gặp hay chưa gặp được Người chỉ vì họ chưa cảm nhận và thể hiện được lòng thương xót của Chúa Cha và Chúa Giêsu như 3 môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 20,1-9). Đây là bài Tin Mừng tiêu biểu được chọn cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm nên có rất nhiều ý nghĩa ẩn chứa trong đó. Thánh sử Gioan đã tham dự trực tiếp vào biến cố này nên kể lại để nhắc nhở chúng ta cần làm gì nếu muốn gặp được Đấng Phục Sinh. Ngài diễn tả qua 3 động từ dễ nhớ: thao thức, chạy tới và dừng lại.

Thao thức: Cả 3 môn đệ rất bức xúc về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: họ thấy Người phải chết cách nhục nhã, bất công, được an táng cách vội vã nên thao thức suốt đêm, chỉ mong cho ngày nghỉ sabbat chóng kết thúc để tìm đến mộ Chúa. Họ bất chấp nguy hiểm và thử thách có thể gặp vì ngôi mộ được quân lính canh giữ nghiêm ngặt với lệnh niêm phong của quan tổng trấn. Tình yêu đối với Đức Giêsu đã thúc đẩy họ thao thức khiến họ chỗi dậy như Maria Magdala ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối mang theo dầu thơm để xức xác Chúa Giêsu theo phong tục tẩm liệm người chết 3 ngày của người Do Thái. Tình yêu đối với Đức Giêsu phải luôn thúc đẩy người môn đệ thao thức về những vấn đề của con người trong thế giới hôm nay chứ không thể dửng dưng lãnh đạm. Vậy chúng ta đang thao thức gì?

Chạy tới: Cả 3 môn đệ đều chạy, mỗi người một cách. Chạy là vận động nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn, chứ không phải chậm rãi, thấp kém như mọi ngày bình thường. Động lực thúc đẩy họ chạy cũng là tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô. Chạy có nghĩa là học hành chăm chỉ hơn, làm việc cẩn thận hơn, giải trí thanh cao hơn, yêu thương trong sáng hơn, hy sinh quảng đại hơn, chọn lựa những công việc khó khăn hơn mà người khác không thích làm. Họ chạy về hướng ngôi mộ nơi chôn xác Đức Giêsu, chứ không phải đến những nơi an toàn, sạch sẽ, mát mẻ, sang trọng, thậm chí thanh thoát như đền thờ. Vậy chúng ta đang đi chậm rãi hay chạy tới những chỗ nào?

Ngừng lại: Tuy cả 3 đều chạy nhưng tất cả đều biết ngừng lại trước mộ Chúa, trước những con người bất động vì bị đối xử bất công. Maria đến mộ sớm nhất nhưng không vào. Bà chạy về báo tin cho 2 môn đệ có trách nhiệm thay vì bước vào trong mộ xem chuyện gì xảy ra. Gioan chạy mau hơn Phêrô nhưng cũng dừng lại nhường chỗ cho Phêrô bước vào trong mộ.

Việc dừng lại nhường bước cho người khác, dù họ yếu kém hơn mình, là bài học căn bản về lòng khiêm tốn và biết cộng tác với nhau trong cộng đoàn Giáo Hội để vượt qua tính ích kỷ và thói hưởng thụ, đòi quyền ưu tiên của con người. Ngừng lại ở cửa mộ của Chúa Giêsu là biết mục đích chạy tới của mình là đến với tất cả nhũng kẻ khổ đau, nghèo túng, bị gạt ra ngoài lề xã hội, đang bị chôn vùi trong đủ thứ tảng đá đè nặng của kiếp người để biết cộng tác với nhau mà lo cho những con người ấy.

Phần thưởng: Chính trong mức độ thao thức, chạy tới và dừng lại nhiều ít khác nhau mà 3 môn đệ sẽ gặp Đức Giêsu Phục Sinh cách khác nhau và sớm muộn khác nhau. Phêrô thao thức ít nhất, chạy chậm nhất và không nhường ai nên Tin Mừng không nói đến việc Ngài cảm nhận Chúa Phục Sinh. Gioan thao thức nhiều hơn, chạy nhanh hơn và nhường cho Phêô nên Tìn Mừng cho ta biết “ông đã thấy và đã tin” dù chỉ thấy khăn liệm và vải liệm nhưng đã tin Đức Giêsu sống lại. Còn Maria đã thao thức nhiều nhất, chạy đến mộ sớm nhất và nhường cho cả hai người kia nên khi bà tưởng là mình bị mất thân xác bất động của Chúa Giêsu thì lại gặp được Chúa Giêsu sống động và ôm Người trong vòng tay mình (x. Ga 20,12-17).

Lời kết

Đức Giêsu chính là phần thưởng cho những môn đệ có lòng thương xót khi họ biết thao thức, chạy tới và ngừng lại trong việc tìm gặp những Giêsu đang bị bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, bị hành hạ bất công trong muôn vàn ngôi mộ của kiếp người. Đó là lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi đến chúng ta trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót: “Hãy đi ra những vùng ven của phận người” trong cộng đồng xã hội (Tông sắc Dung mạo Lòng thương xót, số 15). Cầu chúc tất cả anh chị em gặp được Đức Giêsu Phục Sinh để nhận được niềm vui và ân phúc của Người.

Tột đỉnh của Lòng Thương Xót 

Lời mở

Vào Năm Thánh 2000, cách đây 16 năm, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ Chúa Thương Xót để cổ vũ lòng sùng kính dựa trên các thị kiến của người nữ tu Ba Lan, Faustina Kowalska. Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót lại càng mời gọi chúng ta tập trung suy niệm về đề tài này. Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu việc gặp được Đấng Phục Sinh là phần thưởng của Lòng Thương Xót. Chúng ta đi tới tột đỉnh của Lòng Thương Xót trong Chúa Nhật này.

1. Tột đỉnh của Lòng Thương Xót là gì?

1.1. Mạc khải về Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông sắc Dung mạo Lòng Thương Xót, đã xác định: “Lòng Thương Xót là lời mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh” (số 2). “Từ trái tim của Ba Ngôi, từ mầu nhiệm cao cả và thẳm sâu  nhất của Thiên Chúa, dòng chảy dạt dào của Lòng Thương Xót trào dâng và liên lỉ tuôn tràn” (số 25).

Năm 1931, thánh nữ Faustina, qua một thị kiến, đã thấy Chúa Giêsu là vua của Lòng Thương Xót, khoác áo choàng màu trắng và có các luồng ánh sáng trắng và đỏ toả ra từ cạnh sườn Người. Trong bài giảng ngày tuyên phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kể lại lời mạc khải của thánh nữ rằng: hai luồng sáng từ trái tim Chúa Giêsu tượng trưng máu và nước. Máu đỏ là từ hy lễ trên thập giá và từ quà tặng Thánh Thể. Còn nước tượng trưng cho các quà tặng từ phép Thánh Tẩy và từ Chúa Thánh Thần. Rồi Chúa Giêsu nói với thánh nữ rằng: “Con hãy bảo cho mọi người biết Ta chính là hiện thân của tình yêu và Lòng Thương Xót”.

Chính từ những thị kiến của nữ tu Faustina, cả hai vị giáo hoàng muốn nói đến trái tim của Ba Ngôi, đến tình yêu thương xót của Ba Ngôi cùng hiện diện để tuôn chảy cho chúng ta nguồn ân sủng vô bờ từ các bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, từ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, cũng như nguồn ơn cứu độ của Chúa Thánh Thần.

1.2. Tột đỉnh Lòng Thương Xót

Vì thế, Chúa Nhật này được chọn là Chúa Nhật Lòng Thương Xót vì các bài Thánh Kinh, nhất là bài Tin Mừng, đọc chung cho cả 3 năm ABC (x. Ga 20,19-31) mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi cùng tỏ Lòng Thương Xót: vào ngày Chúa Giêsu sống lại, Người hiện ra với các môn đệ và nói:“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,19-22).

Chỉ trong một vài câu ngắn ngủi và động tác thổi hơi đơn giản, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết về Lòng Thương Xót tột đỉnh của Chúa Cha. Ngài đón nhận chúng ta không chỉ như người con thụ động được cha nuôi dưỡng an lành trong nhà mà còn như những sứ giả của Lòng Thương Xót để sai chúng ta đi làm chứng cho Chúa Giêsu như là hiện thân của Lòng Thương Xót.

Sau khi ban Người Con Một để chịu chết thay cho ta và sống lại vì ta, Chúa Cha muốn sai chúng ta đi để làm chứng cho Lòng Thương Xót của Ngài không phải trong tư cách là những tông đồ bình thường, mà trong tư cách là con Thiên Chúa, là chính Chúa Giêsu, dung mạo của Lòng Thương Xót. Vì thế Chúa Giêsu mới thổi hơi để ban Chúa Thánh Thần cho ta và ban quyền tha tội như quyền năng chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.

Đây là tột đỉnh của Lòng Thương Xót vì cả Ba Ngôi Thiên Chúa yêu ta, tỏ lòng thương xót đối với ta để đưa ta hoà nhập thành một với mình. Đây cũng là ước nguyện của Chúa Giêsu “Ước gì họ được nên một như chúng ta là một” (x. Ga 17,21-23). Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không hạ thấp giá trị con người chỉ vì những lỗi lầm, đau khổ, khốn cùng của kiếp người, khiến thế giới ngày nay ngại ngùng đối với Lòng Thương Xót, nhưng mang con người lên đến điểm tột đỉnh là trở thành Thiên Chúa cao sang, để gọi Thiên Chúa là “Cha” nhờ Thần Khí Chúa Giêsu ban (x. Rm 8,15-16).

2. Làm thế nào để thể hiện tột đỉnh Lòng Thương Xót?

Chúa nâng con người lên cao không phải để con người tự mãn với chính mình, hay tự hào vì mình cao cả hơn các thiên thần và các loài thụ tạo khác, nhưng là vì Chúa muốn con người chúng ta thể hiện được Lòng Thương Xót ấy cho nhau và cho muôn loài.

2.1. Không tin vào Lòng Thương Xót

Trong thế giới khoa học kỹ thuật hiện nay, con người không tin mình đã được nâng cao tột đỉnh như vậy. Họ chỉ tin vào trí óc thông minh và bàn tay chăm chỉ của mình sẽ tạo nên tất cả. Những chuyện phép lạ, thần hoá kỳ diệu bị coi là chuyện hoang đường, cổ tích thời xưa. Ngay cả nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo hay chức sắc Kitô giáo khi đọc bài đọc I (x. Cv 5,12.16) vẫn không tin rằng “cái bóng của Phêrô phủ lên ai thì người đó được khỏi bệnh“. Họ vẫn lập luận kiểu Tôma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).

Vì không tin nên cho đến nay, nhiều người chúng ta vẫn sống co cụm với nhau trong góc tối căn nhà, sợ hãi từng tiếng đập cửa như các môn đệ xưa. Dù Đức Thánh Cha Phanxicô có kêu gọi “ra đi”, hay “đi ra” đến mấy ta cũng vẫn đứng im bất động vì chưa thở được Thần Khí thật sự của Chúa Giêsu. Nếu chưa tin vào Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa thì làm sao chúng ta thể hiện được lòng thương xót trong đời sống hằng ngày?

2.2. Thể hiện tột đỉnh Lòng Thương Xót

Việc Đấng Phục Sinh hiện ra và đáp ứng những thách thức của tông đồ Tôma như mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Lòng Thương Xót và quyết tâm ra đi theo như lệnh truyền của Người. Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta, lắng nghe những thách thức của chúng ta và sai ta đi làm chứng cho Người. Muốn hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ chứng nhân này, ta cần hai điểm sau đây:

Điểm cơ bản đầu tiên chúng ta còn thiếu là phải kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Tẩy để cùng chết với Chúa Giêsu cho tội lỗi, và trong bí tích Thánh Thể để nhận được sự sống thần linh của Người.

Điểm cơ bản tiếp theo mà chúng ta hầu như không để ý đến là làm sao thở được dồi dào Thần Khí của Chúa Phục Sinh. Trong đời sống thiêng liêng, từng giây phút sống ta cần đến Thần Khí để làm đỏ lại dòng máu tinh tuyền của Chúa Giêsu ở trong ta, như ta cần khí oxy để làm đỏ lại dòng máu đen trong buồng phổi của con người. Nếu ta thở được dồi dào Thần Khí này, việc thể hiện Lòng Thương Xót bằng những dấu lạ sẽ trở thành chuyện bình thường của người tín hữu (x. Cv 5,12), như thánh Phêrô và các môn đệ Chúa Giêsu làm thời Giáo Hội sơ khai, vì Chúa Thánh Thần sẽ ban cho ta đủ loại ân sủng của Ngài (x. 1Cr 12,4-7).

Lời kết

Xin Mẹ Maria, Người Mẹ đã cảm nhận được tột đỉnh của lòng Chúa xót thương chuyển cầu cho chúng ta để luôn gắn bó với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí như Mẹ trong suốt cuộc đời.

Cảm nghiệm Đấng Phục Sinh

trong đời sống thường ngày

Lời mở

Hai tuần vừa qua chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa của hai lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại cuộc hiện ra “lần thứ ba” (Ga 21,14) đầy tình yêu thương xót của Đấng Phục Sinh. Chúng ta dành ít phút để suy niệm về lần hiện ra này.

1. Câu hỏi đầu tiên là: Có phải Đấng Phục Sinh hiện ra chỉ có ba lần không?

1. 1. Hiện ra lần thứ ba

Sau khi kể về lần hiện ra này, thánh Gioan kết thúc sách Phúc Âm của ngàiChúng ta biết rằng thánh Gioan viết sách Phúc Âm của mình vào khoảng năm 90-95, so với ba thánh sử khác là Matthêu, Marcô và Luca viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 55-65. Như thế, thánh Gioan đã biết có nhiều cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh trong các Tin Mừng khác. Thánh Gioan gọi cuộc hiện ra này là lần thứ ba vì ngài muốn chúng ta suy tư về ý nghĩa thần học của các lần hiện ra hơn là chỉ kể đơn giản qua vài câu ngắn ngủi về những sự kiện như các thánh sử khác (x. Mt 28,1-10; 16-20; Mc 16, 1-19; Lc 24,1-50).

1.2. Đường Ánh sáng và 14 lần hiện ra

Cách đây gần 500 năm, năm1544, thánh Ignaxiô Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên, đã nhắc đến 14 lần hiện ra của Chúa Phục Sinh trong cuốn Những Bài Linh Thao của ngài. Chúng tôi đã diễn giải 14 lần hiện ra này và làm thành Đường Ánh Sáng để mời gọi anh chị em suy niệm về những lần hiện ra của Chúa Giêsu. Chúng tôi đã gửi đến anh chị em tập sách Bạn Là Lời Cứu Độ vào dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái có bản Kinh 14 Đường Ánh Sáng này để giúp anh chị em có thể cầu nguyện ở nhà hay ở cộng đoàn như một hình thức của lòng đạo đức bình dân.

Người Công giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ thường chỉ biết đến Đàng Thánh Giá với 14 chặng suy tư về những đau khổ, buồn sầu, thử thách và cái chết của Chúa Giêsu. Thật ra, trọng tâm của đời tín hữu là Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện diện giữa chúng ta để mang lại cho ta niềm vui, bình an, hy vọng và sự sống thần linh của Người. Giáo Hội cũng nhắc nhở ta về Đấng Phục Sinh vào mỗi Chúa Nhật hằng tuần.

Vì thế, để quân bình lại đời sống tín hữu, ngoài việc đi Đàng Thánh Giá, chúng ta được mời gọi đi Đường Ánh Sáng để cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh như  nhiều tín hữu ở Philippines, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang làm… Đặc biệt đây là lần đầu tiên trên thế giới Đường Ánh Sáng của Việt Nam kể đến 14 lần Chúa Giêsu hiện ra so với Đường Ánh Sáng của các dân tộc khác như Philippines hoặc Tây Ban Nha chỉ kể có 9 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Do đó họ phải chia một số lần hiện ra thành 2 phần để làm thành 14 chặng Đường Ánh Sáng.

1.3. Đấng Phục Sinh hiện ra muôn ngàn lần

Hơn nữa, nếu tìm hiểu sâu xa lần hiện ra thứ ba này, chúng ta sẽ thấy Đấng Phục Sinh đang hiện diện giữa chúng ta, Người sẵn sàng tỏ mình ra cho chúng ta bất cứ lúc nào trong đời sống vì Người đã nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế“. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: Chúa Giêsu Phục Sinh đã “hiện ra với tất cả các tông đồ” (1Cr 15,7). Vì vậy, bất cứ ai muốn thật sự làm tông đồ, muốn làm chứng cho Đấng Phục Sinh như thánh Phêrô, Gioan trong bài đọc I: “Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,32), thì Chúa Giêsu chắc chắn sẽ hiện ra cho người ấy để họ có niềm xác tín về Người như đã từng hiện ra trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội. Như thế Đấng Phục Sinh hiện ra muôn ngàn lần chứ không phải chỉ 14 lần hay trong vòng 40 ngày sau khi sống lại như nhiều người chúng ta lầm tưởng.

 2. Câu hỏi thứ hai : làm sao cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh?

2.1. Sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong đời sống thườngngày.

Thánh Gioan cố ý kể cho ta lần hiện ra này để giúp ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong đời sống thường ngày. Các tông đồ, sau biến cố ở Giêrusalem, đã về Galilê và trở lại đời sống thường ngày là làm nghề đánh cá. Sau một đêm vất vả khó nhọc, các ông không bắt được con cá nào và dong thuyền vào bờ lúc trời đã sáng. Chúa Giêsu, trong vai người đi mua cá đứng ở bờ biển, hỏi các ông  rằng: “Này các chú có kiếm được gì ăn không?”.  Các ông trả lời: “Không. Chúa Giêsu bảo hãy thả lưới bên phải mạn thuyền. Các ông thả lưới và bắt được rất nhiều cá lớn dù trời đã sáng và nước nông vì rất gần bờ, chỉ khoảng 100 thước.

Trong cuộc sống thường ngày của ta, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện và tạo cho ta những thành công: như đậu được bằng cấp trong việc học hành thi cử, buôn bán tốt đẹp, đạt được mối tương quan thiện hảo với bạn bè, đối tác…Nhưng rất nhiều khi ta nghĩ rằng đó là do sự cố gắng học hành, làm việc của ta, do tài năng thông minh và đôi tay khéo léo của ta, do ta may mắn ngẫu nhiên kiếm được, chứ không phải do Đấng Phục Sinh đang nâng đỡ đời ta, giống như các tông đồ ngạc nhiên vì mẻ cá may mắn đánh bắt được cho đến khi Gioan nói “Chúa đó” họ mới bừng tỉnh.

2.2. Tình yêu đầy lòng thương xót

Hơn nữa, tình yêu của Đấng Phục Sinh không phải chỉ thỉnh thoảng tạo nên một vài thành công đột ngột, tình yêu thương xót của Người quan tâm đến từng chi tiết trong cuộc đời khốn khổ của ta như Người đã dọn sẵn ngọn lửa sưởi ấm, có cả cá và bánh nướng sẵn cho các tông đồ bồidưỡng sau một đêm mệt nhọc, lạnh giá. Đấng Phục Sinh lo cho ta từng cái ăn, cái uống, cái mặc, từng lúc nóng lạnh trong cuộc đời, nhưng hình như chúng ta chẳng bao giờ quan tâmTa cứ vô tư hưởng dùng như những thứ từ trên trời rơi xuống, chẳng cần biết ơn Người!

Nếu đọc tiếp bài Phúc Âm (x. Ga 21,15-23),  ta thấy Chúa Giêsu còn trao quyền lãnh đạo cho Phêrô khi hỏi  ngài 3 lần Anh có yêu mến Thầy không? để bù lại 3 lần ông chối bỏ Chúa. Người tha thứ, phục hồi danh dự cho Phêrô cũng như sẵn sàng tha thứ cho ta trong cuộc sống thường ngày đầy lầm lỡ và yếu đuối để ta đặt trọn niềm tin tưởng và hy vọng  vào Người.

2.3. Làm sao cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh?

Câu trả lời rất đơn giản: Hãy có tình yêu như “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu”. Thánh Gioan không nói đến tên mình vì ngài muốn rằng mỗi người chúng ta phải là người môn đệ đó.

Chỉ có ai yêu Chúa Giêsu thì mới nhận ra Chúa Giêsu yêu mình, mới trở thành người môn đệ được Chúa Giêsu yêu. Người môn đệ đó âm thầm đi theo Đức Giêsu trong suốt chặng đường đau khổ, đã đứng dưới chân thập giá cùng với người Mẹ Thánh. Được tình yêu thúc đẩy, Người môn đệ ấy đã thao thức về Giêsu bị đối xử bất công, đã chạy tới và đã dừng lại bên mộ Chúa  nhường bước cho anh em, rồi đã tin vào Chúa sống lại dù chỉ thấy khăn liệm. Người môn đệ ấy đã nhận ra Chúa trong mẻ cá thành công của cuộc đời và dành cả cuộc đời để suy nghĩ và làm chứng cho Chúa.

Đó là người môn đệ mà Chúa Giêsu mong ước nơi chúng ta. Chỉ có tình yêu mãnh liệt đối với Giêsu mới  giúp chúng ta nhận ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện trong đời sống, đang lo lắng cho chúng ta từng cái ăn, cái mặc, từng nỗi vui nỗi buồn, chia sẻ cho chúng ta từng thành công cũng như thất bại và tha thứ tội lỗi cho ta để chúng ta cảm nghiệm được tình yêu đầy lòng thương xót của Người.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em trở thành người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến vì được tràn đầy Thánh Thần tình yêu của Đấng Phục Sinh.